Quán triệt lại tinh thần ‘dạy người’ trong trường học
Đây là ý kiến được các thành viên Hội đồng quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực đồng tình trong phiên họp chiều 26/7 về công tác dạy đạo đức, lối sống cho học sinh phổ thông.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Phải duy trì, phát huy các khẩu hiệu, phong trào, nếp sinh hoạt truyền thống như “Năm điều Bác Hồ dạy”, “Thi đua dạy tốt, học tốt”, “Tất cả vì học sinh thân yêu”… Ảnh: VGP/Đình Nam
Đang trực tiếp làm việc trong trường phổ thông, cô Nguyễn Thị Nhiếp – Hiệu trưởng trường THPT Yên Hòa cho biết ngành giáo dục đã có nhiều văn bản chỉ đạo về công tác dạy người nhưng chưa được các trường thực hiện thường xuyên và coi trọng mà “chỉ như cơn mưa rào, ào lên một lúc”.
Dạy đạo đức đang “cài theo” các môn học khác
Hiện nay, việc dạy đạo đức đang được lồng ghép trong các môn học, nhất là các môn xã hội trong khi phải coi đây là nền tảng của mọi môn học chứ không phải “cài theo”, “cõng cùng”.
Trong khi đó, giáo viên, nhà trường đang chịu áp lực về thi cử, vì vậy, nếu không thay đổi cách đánh giá học sinh thì giáo dục đạo đức sẽ khó khăn. Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên còn thiếu định hướng, động lực, trách nhiệm trong giáo dục đạo đức học sinh.
“Công tác dạy đạo đức, lối sống cho học sinh hiện đang ở tình trạng tự phát, mạnh ai nấy làm, thiếu đánh giá, tổng kết, rút kinh nghiệm”, cô Nhiếp cho biết.
Từ chia sẻ trên, Nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng đang có sự lúng túng trong công tác dạy người cho học sinh phổ thông. “Thay vì đề ra rất nhiều mục tiêu trong giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, nên chăng cần cô đọng lại một vài mục tiêu để thực hiện, từ đó lan toả ra những yếu tố khác”, ông Dương Trung Quốc đề xuất.
Còn GS.TS Nguyễn Hữu Đức (ĐHQG Hà Nội) nhìn nhận lâu nay việc dạy người cho các em học sinh chủ yếu dựa vào kinh nghiệm, đã đến lúc Bộ GD&ĐT phải quan tâm thực sự đến khoa học về giáo dục đạo đức, lối sống để tập huấn, nâng cao trình độ chuyên môn cho giáo viên tất cả các môn học. Cùng với đó cần tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để kết nối giữa gia đình với nhà trường khắc phục tình trạng “khoán trắng cho nhà trường”, phát động phong trào “thầy trò học cùng nhau”…
Nhấn mạnh tầm quan trọng trong các hành vi, thái độ ứng xử của thầy cô giáo với học sinh, GS. Nguyễn Lân Dũng đã chia sẻ suy nghĩ: Giáo dục đạo đức bằng câu chuyện từ các thầy cô giáo chứ không chỉ nói đạo lý.
Cùng quan điểm, GS. Phạm Tất Dong (Hội Khuyến học Việt Nam) khẳng định giáo dục đạo đức cho học sinh cần sự chung tay của tất cả mọi người những trước hết phải làm sao phải “trường ra trường”, “thầy ra thầy” thì mới có “trò ra trò”.
Video đang HOT
“Việc dạy người phải bắt đầu từ mỗi thầy cô, phải mẫu mực trong từng giờ lên lớp, từng lời ăn tiếng nói, có ý thức tự học, sáng tạo để có những bài giảng hay, hấp dẫn. Chúng ta sẽ không thể có học trò đạo đức tốt nếu mỗi thầy cô chưa là tấm gương tốt từ kiến thức chuyên môn đến lối sống hàng ngày”, cô Nguyễn Thị Nhiếp bày tỏ.
Ảnh: VGP/Đình Nam
Chung tay để “trường ra trường”, “thầy ra thầy”, “trò ra trò”
Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh thời gian qua công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh trong nhà trường đã đạt được những kết quả tích cực, chuyển biến từ những việc nhỏ như hát quốc ca khi chào cờ, vệ sinh trường lớp,… Nhưng yêu cầu phát triển trong tình hình mới đòi hỏi chúng ta phải chú trọng hơn nữa đến công tác giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng mềm…
Theo Phó Thủ tướng, ngoài những điểm còn cần thống nhất, cập nhật thì các khẩu hiệu, phong trào, nếp sinh hoạt truyền thống vẫn đúng như “Năm điều Bác Hồ dạy”, “Thi đua dạy tốt, học tốt”, “Tất cả vì học sinh thân yêu”… phải duy trì, phát huy và nếu cần thì điều chỉnh cho phù hợp. Các chỉ đạo, phát động, phong trào của ngành giáo dục đi ngược lại tinh thần này thì kiên quyết bỏ.
“Đơn cử như các trường đổi mới lễ khai giảng với tinh thần “vì học sinh thân yêu”, giữ gìn vệ sinh trường học, đưa các môn thể thao, võ thuật vào trường học… có chuyển biến trong vài năm gần đây nhưng chưa mạnh mẽ. Năm học tới Bộ GD&ĐT phải siết chặt hơn nữa. Phong trào phải thiết thực, tránh hình thức”, Phó Thủ tướng nêu ví dụ.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu tiếp tục đổi mới phương thức quản trị trong trường phổ thông, phát huy dân chủ trong trường học với ý nghĩa đây là một thiết chế công cộng có sự tham gia của ban giám hiệu, tập thể giáo viên, cộng đồng, phụ huynh và học sinh, chính quyền địa phương. Có như vậy học sinh mới ở vị trí trung tâm, được dạy dỗ, phát triển toàn diện năng lực, phẩm chất theo chương trình giáo dục mới.
Phó Thủ tướng “đặt hàng” Bộ GD&ĐT, Bộ TT&TT đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trên nền tảng Hệ Tri thức Việt số hoá để huy động giáo viên đóng góp các bài giảng mẫu mực về đạo đức, giáo dục công dân, sao cho thiết thực, sinh động nhất là cấp mầm non, tiểu học; tổ chức cuộc thi “em yêu trường em”, phản ánh người tốt việc tốt từ các em học sinh bằng clip, hình ảnh; phát động phong trào cô trò cùng học…
“Tinh thần là phải làm sao trường ra trường, lớp ra lớp, thầy ra thầy, trò ra trò”, Phó Thủ tướng nói.
Đình Nam
Theo baochinhphu
Bí quyết giúp chiến sĩ nghĩa vụ trở thành thủ khoa toàn quốc
Dù đã trở thành sinh viên của một trường đại học có tiếng nhưng ước mơ trở thành chiến sỹ công an khiến Hồ Quang Vinh bỏ học giữa chừng để ôn luyện lại từ đầu.
Từ một người chuyên học khối A, Vinh chuyển sang khối C03 với hai môn xã hội khiến nhiều người lo lắng. Thế nhưng, tại kỳ thi THPT quốc gia vừa qua, Vinh đã lập nên kỳ tích khi trở thành thủ khoa khối C03, nắm chắc một suất vào ngôi trường mà em hằng mơ ước.
Nhờ bí quyết học riêng của mình, chiến sỹ Hồ Quang Vinh đã trở thành thủ khoa toàn quốc.
Ngã rẽ định mệnh
Tin chiến sỹ Hồ Quang Vinh (SN 1994, trú thị xã Cửa Lò, Nghệ An) trở thành thủ khoa khối C03 cả nước với tổng số điểm 27.55 (Toán 8.8, Văn 9, Sử 9.75) khiến Đội Cảnh sát bảo vệ tượng đài Bác Hồ và Quảng trường Hồ Chí Minh, thuộc Phòng cảnh sát cơ động Công an tỉnh Nghệ An bất ngờ xen lẫn niềm vui hạnh phúc. Bởi, Vinh hiện đang là chiến sỹ nghĩa vụ công an nhân dân tại đơn vị này.
Trong niềm vui khôn tả, Vinh tâm sự rất hạnh phúc khi sắp trở thành người chiến sỹ công an nhân dân. Tuy nhiên, việc mình trở thành thủ khoa khối C03 là điều em chưa nghĩ tới. "Cho đến hôm nay em vẫn còn cảm giác lâng lâng vì niềm vui lớn này. Vậy là sau bao năm rèn luyện phấn đấu em đã chạm tới ước mơ của cuộc đời mình", Vinh hồ hởi.
Sinh ra trong gia đình không có ai công tác trong ngành công an, nên từ nhỏ Vinh chưa bao giờ nghĩ sẽ chọn nghề này. Năm 2012, sau khi tốt nghiệp cấp 3, Vinh thi đậu vào trường Đại học Kinh tế Quốc dân. Trở thành tân sinh viên tại ngôi trường nhiều bạn bè mơ ước nhưng chàng trai trẻ lại không tìm thấy niềm vui trong học tập.
Thay vào đó, ước mơ trở thành một chiến sỹ công an bắt đầu rực cháy trong chàng trai trẻ. Sau một học kỳ với nhiều đắn đo suy nghĩ, Vinh quyết định vừa học, vừa ôn thi lại. Tuy nhiên, với số điểm 24, Vinh đã không thể trở thành học viên của ngôi trường mình theo đuổi. Thất bại đó khiến chàng trai trẻ cũng buông xuôi luôn ước mơ trở thành một chiến sỹ công an nhân dân.
Cho đến khi chứng kiến khao khát trở thành công an nhưng không thực hiện được của em gái, Vinh quyết tâm sẽ thay em viết tiếp ước mơ này. Để thực hiện điều đó, Vinh quyết định bỏ học khi đã là sinh viên năm 3. Lúc này vì đã lớn tuổi nên theo quy định đặc thù của ngành, Hồ Quang Vinh không thể tham dự với tư cách thí sinh tự do nếu không đi nghĩa vụ quân sự.
Do vậy, Vinh quyết định tham gia nghĩa vụ quân sự tại Đội Cảnh sát bảo vệ tượng đài Bác Hồ và Quảng trường Hồ Chí Minh, thuộc Phòng cảnh sát cơ động Công an tỉnh Nghệ An. Với quyết tâm cao, Vinh vừa chăm chỉ rèn luyện, chu toàn nhiệm vụ vừa tranh thủ thời gian để ôn thi.
Xác định đây là cơ hội cuối cùng để thực hiện ước mơ của mình vì nếu hết thời hạn nghĩa vụ sẽ không được tham dự kỳ thi vào các trường công an nên Vinh càng phấn đấu không mệt mỏi. Điều khó khăn nhất mà Vinh gặp phải trong quá trình ôn luyện là việc chuyển từ khối A sang khối C03 với các môn xã hội toán, văn, sử. Tuy nhiên, tại kỳ thi vừa qua chiến sỹ Hồ Quang Vinh đã làm nên kỳ tích khi trở thành thủ khoa toàn quốc.
Đưa tư duy môn tự nhiên vào học xã hội
Chia sẻ về bí quyết học của mình, chiến sỹ Vinh cho hay, việc chuyển từ khối tự nhiên sang xã hội khiến em gặp những thuận lợi và khó khăn nhất định. Khó khăn là vì nếu khối A hoàn toàn dùng tư duy thì những môn xã hội lại thiên về ghi nhớ các mốc thời gian, địa điểm, lịch sử.
Hơn nữa, việc nhiều năm chú tâm vào học những môn tự nhiên khiến việc ôn luyện môn xã hội của Vinh càng khó khăn hơn. Do vậy, Vinh quyết định áp dụng tư duy của các môn tự nhiên để vận dụng vào học các môn xã hội. Ngoài thời gian công tác ở đơn vị, lúc rảnh rỗi em lại tự mang sách ra học.
Đối với Vinh, để đạt được kết quả cao trong học tập, ngoài việc trau dồi kiến thức trong sách giáo khoa, thường xuyên luyện các bộ đề khó để thử sức mình thì điều cốt yếu vẫn là tinh thần tự học và tự giác. Vinh bật mí, học Lịch sử quan trọng nhất vẫn là tinh thần tự học.
Ngoài nắm chắc kiến thức trong sách giáo khoa thì bản thân mình phải tự tìm tòi, khám phá, đặc biệt là phải có niềm đam mê. Em không chú trọng vào việc học thuộc, ghi nhớ một cách máy móc vì nếu dễ nhớ thì cũng sẽ dễ quên. Em chú tâm áp dụng những tư duy logic của Toán vào học Sử để các sự kiện lịch sử sẽ được mình ghi nhớ rất lâu, rất khoa học.
Trong 3 môn học, Toán là môn lợi thế của Vinh nhưng lại đạt điểm thấp nhất nhưng Vinh không hề buồn và thất vọng. Đối với em, môn Toán là môn tự học và đạt 8,8 điểm cũng là ổn rồi, em khá hài lòng về kết quả môn Toán. Còn môn Văn đạt điểm 9 lại rất bất ngờ đối với em vì năm nay đề Văn được đánh giá khá khó, có sự phân hóa cao.
Hơn nữa, trong 3 môn Ngữ Văn là môn em thiếu tự tin nhất. Với việc được cộng thêm 2 điểm nghĩa vụ và 0,25 điểm vùng, trong kỳ dự thi vào trường Học viện Cảnh sát nhân dân năm 2019, Hồ Quang Vinh đạt tổng điểm 29.16. Với khao khát trở thành một điều tra trinh sát giỏi, Vinh cho biết sẽ đăng ký vào chuyên ngành này. Để ăn mừng niềm vui lớn, sau khi biết kết quả, Hồ Quang Vinh đã xin phép đơn vị cho được về thăm gia đình một ngày.
"Em vô cùng hạnh phúc vì kết quả mình đã đạt được. Nhưng điều em cảm thấy vui hơn là đã có thể thay em gái thực hiện ước mơ trở thành một chiến sỹ công an, góp một phần nhỏ bảo vệ quê hương, đất nước", chiến sỹ trẻ chia sẻ về lý tưởng của mình. Với nụ cười hiền, chàng trai trẻ bộc bạch, có được kết quả này, ngoài sự nỗ lực của bản thân còn có sự quan tâm, giúp đỡ của đơn vị.
Việc được chỉ huy đội sắp xếp thời gian trực, làm việc hợp và mời giáo viên về dạy học đã giúp Vinh vững tâm ôn luyện. Đại úy Vương Minh Đức, đội trưởng Đội Cảnh sát bảo vệ tượng đài Bác Hồ và Quảng trường Hồ Chí Minh cho biết, hàng năm đơn vị đều có các đồng chí nghĩa vụ công an đăng ký thi vào các trường công an nhân dân. Đơn vị luôn tạo điều kiện cho các chiến sỹ nghĩa vụ ôn luyện, đồng thời mời giáo viên đến để tổ chức học ngoài giờ.
Hàng năm, đơn vị đều có từ 1 đến 2 đồng chí đậu vào các trường công an nhân dân. Năm nay, đơn vị vinh dự có đồng chí Hồ Quang Vinh đậu thủ khoa vào trường Học viện cảnh sát nhân dân. Đại úy Đức đánh giá Vinh là người chịu khó, luôn phấn đấu và ham học hỏi. Việc ôn luyện của Vinh khá khoa học, bàn bản. Hàng ngày, sau khi hoàn thành tốt công tác được giao, Vinh lại tập trung cao độ để ôn luyện, chính sự tự giác đã giúp đồng chí đạt được thành tích cao.
Kim Long
Theo phapluatplus
Sôi nổi chiến dịch Hoa phượng đỏ Cùng với những màu áo xanh tình nguyện của sinh viên các trường đại học, cao đẳng tham gia chiến dịch "Mùa hè xanh", chiến dịch "Hoa phượng đỏ" trong khối học sinh THPT đã và đang góp phần làm nên một mùa hè tình nguyện sôi nổi trong tuổi trẻ cả nước. Đoàn viên, thanh niên, học sinh huyện Tĩnh Gia tích...