Quản trị trường phổ thông trong đổi mới giáo dục: Thách thức năng lực của hiệu trưởng
Ngày 26/11, Học viện Quản lý Giáo dục đã tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế với chủ đề: “ Quản trị trường phổ thông trong bối cảnh đổi mới giáo dục”.
Đây là diễn đàn để các nhà nghiên cứu giáo dục, cán bộ quản lý giáo dục chia sẻ, bày tỏ quan điểm trước xu thế hội nhập.
Tham dự hội thảo là các nhà khoa học, nhà quản lý giáo dục của gần 20 đoàn quốc tế đến từ các trường đại học Mỹ, Úc, New Zealand, Đan Mạch, Philipin, Đài Loan, Malaysia, Đài Bắc, Lào… và các tổ chức quốc tế như WB, ADB, UNESCO, ĐH Anh Quốc tại Việt Nam; đại diện Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT, viện nghiên cứu, trường đại học, giảng viên, giáo viên và nghiên cứu sinh, học viên lĩnh vực quản lý giáo dục.
GS.TS Phạm Quang Trung, Giám đốc Học viện Quản lý giáo dục
Phát biểu đề dẫn hội thảo, GS.TS Phạm Quang Trung, Giám đốc Học viện Quản lý giáo dục cho biết, hội thảo nhằm tăng cường sự hợp tác trong nghiên cứu khoa học và đào tạo giữa các cơ sở giáo dục trong nước, trong khu vực và trên thế giới.
Đồng thời, đây cũng là diễn đàn để các nhà nghiên cứu giáo dục, hoạch định chính sách, cán bộ quản lý giáo dục, nhà giáo trong nước và quốc tế chia sẻ những quan điểm, kinh nghiệm thực tiễn và kết quả nghiên cứu về quản trị trường phổ thông trong bối cảnh đổi mới căn bản toàn diện giáo dục ở Việt Nam.
Phải chuẩn hóa đội ngũ quản lý giáo dục
Tại hội thảo, các đại biểu đã chia sẻ về phát triển năng lực quản trị nhà trường của cán bộ quản lý; quản trị trường phổ thông trước yêu cầu đổi mới giáo dục; mô hình trường bán công tự chủ tài chính toàn phần và các chủ trương chính sách, cơ chế và điều kiện để nâng cao chất lượng quản trị phổ thông trong bối cảnh đổi mới giáo dục…
Đặc biệt, nhiều bài tham luận tại hội thảo đã bàn về quản trị chiến lược nhà trường; quản trị các hoạt động giáo dục học sinh; quản trị tổ chức hành chính; quản trị nhân sự…
Các đại biểu quốc tế tham dự hội thảo
Nói về năng lực quản trị cho hiệu trưởng trường tiểu học trước bối cảnh đổi mới giáo dục và cuộc cách mạng cách mạng 4.0, bà Lê Thị Bình, Phòng GD&ĐT Quận 1, TP.HCM cho rằng, xây dựng và chuẩn hóa đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục là một giải pháp quan trọng trong các nhóm giải pháp lớn để thực hiện chiến lược phát triển giáo dục.
“Vấn đề này phải được đặt ra một cách cấp bách, bởi đây là yêu cầu và đòi hỏi của việc thực hiện chương trình đổi mới giáo dục phổ thông mới tại Việt Nam” – bà Bình nhấn mạnh.
Theo bà Bình, quản trị trường tiểu học là quá trình tổ chức, vận hành, kiểm soát hoạt động của nhà trường nhằm đạt được mục tiêu một cách tối ưu nhất. Năng lực quản trị của Hiệu trưởng trường tiểu học là tổ hợp những đặc điểm tâm lý của hiệu trưởng, đáp ứng các yêu cầu của hoạt động quản trị và quyết định sự thành công của nhà trường.
Video đang HOT
Bà Bình khuyến nghị cần phải bồi dưỡng nâng cao năng lực quản trị cho hiệu trưởng trường tiểu học trước bối cảnh đổi mới giáo dục và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Để thực hiện tốt điều này cần triển khai thực hiện quy trình gồm 4 bước: – Xác định mục tiêu và chuẩn đầu ra chương trình bồi dưỡng hiệu trưởng; – xây dựng kế hoạch bồi dưỡng hiệu trưởng; – tổ chức bồi dưỡng cho hiệu trưởng; – đánh giá nội dung bồi dưỡng năng lực quản trị cho hiệu trưởng.
Hơn 50 tham luận của đại biểu quốc tế và trong nước gửi tới hội thảo khoa học quốc tế về Quản trị trường phổ thông trong bối cảnh đổi mới giáo dục
Hành lang pháp lý chưa rõ ràng trong quản trị nhà trường
Ông Hà Xuân Nhâm, Hiệu trưởng trường THPT Phan Huy Chú, Hà Nội cho biết, trong xu thế hội nhập hiện nay, nhiều nước trên thế giới đã tiến hành giao quyền tự chủ cho các trường phổ thông từ lâu và thực hiện có hiệu quả. Ở Việt Nam tự chủ giáo dục phổ thông và giáo dục đại học đã được tạo cơ chế thuận lợi từ nhiều năm nay.
Tuy nhiên, ông Nhâm cho rằng, dưới 3 góc độ tự chủ cơ bản đó là chuyên môn, tài chính và nhân sự nhằm tạo hành lang pháp lý cho giáo dục phổ thông vẫn còn nhiều hạn chế, có thể đó là một phần nguyên nhân khiến mô hình này chưa được phát triển.
Cụ thể, các trường phổ thông công lập tự chủ chưa cao trong việc quyết định việc cung cấp dịch vụ giáo dục cho người học. Chưa có khung chương trình, nội dung dạy học mở để các nhà trường có điều kiện lựa chọn nội dung phù hợp với đặc thù của nhà trường.
Đặc biệt, cơ chế vận hành, hành lang pháp lý chưa rõ ràng dẫn đến những hạn chế trong việc vận dụng và phát huy những nguồn lực sẵn có về cơ sở vật chất hay phát huy tối đa sự năng động nhiệt huyết của đội ngũ giáo viên.
Các trường chịu giám sát quá chặt chẽ của nhiều cơ quan quản lý, can thiệp sâu vào hoạt động từ phân bố tài chính, chỉ tiêu tuyển sinh, tuyển dụng nhân sự, các trường chỉ có thể tự chủ một phần kinh phí sau khi tiết kiệm các khoản chi thường xuyên.
Bên cạnh đó, theo ông Nhâm, nghiên cứu về trường phổ thông công lập tự chủ ở Việt Nam về mặt chính sách mà thiếu đi những nghiên cứu về năng lực quản trị nhà trường khiến nhiều cán bộ quản lý còn e ngại chưa dám mạnh dạn tiếp cận mô hình với những lo lắng về khối lượng công việc lớn; không được hỗ trợ ngân sách, năng lực tuyển sinh trong điều kiện mức học phí thu cao hơn mô hình công lập rất nhiều để đảm bảo chi phí vận hành nhà trường.
Các đại biểu tham dự hội thảo
Hiệu trưởng phải là người quản lý năng động sáng tạo
Tại hội thảo, nhiều đại biểu cho rằng, tăng quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình là một trong những mục tiêu trọng tâm của đổi mới quản lý giáo dục Việt Nam, là nhân tố cơ bản thúc đẩy trường học tạo ra những điều kiện tốt hơn cho dạy và học, mang tới cơ hội thực hiện các phương thức quản lý trường học tiên tiến trong quản trị trường phổ thông.
Theo ông Hà Xuân Nhâm, Hiệu trưởng trường THPT Phan Huy Chú – Hà Nội, nếu trong mô hình công lập truyền thống thiên về hành chính, luôn chấp hành, thực hiện triển khai theo các hướng dẫn chỉ thị theo phân cấp quản lý giáo dục thì mô hình tự chủ hướng nhà trường chủ động để ra những định hướng phát triển phù hợp với điều kiện cụ thể.
“Cần hướng hiệu trưởng thành người cán bộ quản lý năng động sáng tạo nhằm cải thiện không ngừng mối quan hệ với học sinh và phụ huynh ở điều kiện cơ sở vật chất, điều kiện giáo dục, chất lượng giáo viên… mục đích cuối cùng là đảm bảo công bằng, hiệu quả và chất lượng giáo dục Việt Nam” – ông Nhâm nhấn mạnh.
Ông Nhâm cho rằng, từ chủ trương thực hiện tự chủ đến tổ chức thực hiện thành công là một quá trình. Không vì những rào cản thách thức mà hiệu trưởng các nhà trường e ngại trước xu thế và chiến lược phát triển giáo dục đúng đắn này.
Để làm được điều đó thì hiệu trưởng nhà trường phổ thông công lập tự chủ cần được trang bị bồi dưỡng những kiến thức, kỹ năng và thái độ cần thiết và có đủ năng lực để lãnh đạo nhà trường thành công từ tự chủ từng phần tới tự chủ toàn phần.
Hồng Hạnh
Theo Dân trí
Nâng chất đội ngũ cán bộ quản lý: "Chìa khóa" đổi mới giáo dục
Quá trình đổi mới căn bản toàn diện giáo dục, đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông... đặt ra những yêu cầu mới đối với đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục (CBQLGD).
Điều đó đòi hỏi mỗi CBQL phải có đủ năng lực, phẩm chất và sự thay đổi phù hợp để hoàn thành trọng trách của mình trong guồng quay đổi mới.
Đổi mới giáo dục đòi hỏi CBQLGD bổ sung kiến thức, kĩ năng quản lý. Ảnh: TG
Nhận diện những hạn chế
Đội ngũ CBQLGD chiếm khoảng 10% trong tổng số cán bộ, viên chức giáo dục. Trong đó 18,85% ở giáo dục mầm non; 55% ở giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên; 15,3% ở giáo dục nghề nghiệp, cao đẳng và đại học; 10,75% ở cơ quan quản lý giáo dục các cấp.
GS.TSKH Nguyễn Mạnh Hùng - Học viện QLGD nhìn nhận: Trình độ học vấn của đội ngũ CBQLGD đã được cải thiện đáng kể, tuy rằng có sự khác nhau về trình độ học vấn giữa các nhóm đối tượng. Phần lớn CBQLGD cấp sở, phòng, các trường ĐH, CĐ và THCN đều có trình độ ĐH, ở bậc mầm non chủ yếu là trình độ trung cấp, cao đẳng... Nhưng đội ngũ CBQLGD hiện nay vẫn còn những hạn chế nhất định. Xét ở góc độ trình độ quản lý và tính chuyên nghiệp, đội ngũ CBQLGD đặc biệt ở cấp cơ sở, đang bộc lộ những hạn chế trên nhiều phương diện.
GS.TSKH Nguyễn Mạnh Hùng cũng cho rằng, năng lực chỉ đạo hoạt động giáo dục còn thiếu tính hệ thống, đôi khi ra rời thực tế, nặng về lý luận chung chung, mang tính đối phó, kém hiệu quả. Chế độ báo cáo còn thiếu thường xuyên và thống nhất; số liệu thiếu độ tin cậy, còn chạy theo thành tích mà không nhận thức đầy đủ tác hại sâu xa. Còn hạn chế trong việc thu thập và xử lý thông tin trong và ngoài nước về giáo dục và những yếu tố tác động khác.
Tính chuyên nghiệp chưa cao thể hiện trong việc thực thi công vụ, khả năng tham mưu, xây dựng chính sách, chỉ đạo, tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật. Đặc biệt trong việc ứng dụng triển khai các phương pháp quản lý giáo dục trong xu thế phát triển của thời đại. CBQLGD ở các địa phương thiếu chủ động, khó khăn trong việc phát hiện và giải quyết các vấn đề thực tiễn đặt ra từ cơ sở do kiến thức và kĩ năng quản lý giáo dục còn nhiều hạn chế.
Trình độ và năng lực điều hành trong quản lý còn bất cập, làm việc dựa vào kinh nghiệm cá nhân, ít vận dụng khoa học QLGD như: Công tác dự báo, xây dựng chiến lược, kế hoạch và quy trình hoạt động vào thực tiễn quản lý quản lý nhà trường, quản lý cơ sở giáo dục. Kiến thức về pháp luật, về tổ chức bộ máy, về quản lý nhân sự và tài chính còn hạn chế, lúng túng trong thực thi trách nhiệm và thẩm quyền.
Đổi mới để đáp ứng yêu cầu thực tiễn
GV và CBQLGD cần đổi mới để theo sát nhiệm vụ thực tế. - Ảnh: TG
Để thực hiện đổi mới giáo dục, bên cạnh yêu cầu đổi mới nâng chất đội ngũ GV thì CBQL trường học cũng được đặt ra. Đội ngũ này cần được đào tạo, bồi dưỡng để thích ứng với công việc lãnh đạo quản lý nhà trường với nhiều thay đổi khi thực hiện đổi mới căn bản giáo dục và CTGDPT mới.
Theo TS Nguyễn Thị Tuyết Hạnh - Học viện Quản lý giáo dục, hiệu trưởng và các CBQL trường phổ thông trong bối cảnh đổi mới căn bản giáo dục cần có những năng lực cơ bản như: Năng lực phân tích tổng hợp và dự báo; Năng lực sáng tạo và chia sẻ tầm nhìn; Năng lực hoạch định chiến lược; Năng lực thu hút và tập hợp lực lượng...
Với mỗi năng lực này cần dựa trên những kiến thức nhất định và phải được phát triển thông qua chính môi trường làm việc. Do đó đào tạo bồi dưỡng trước bổ nhiệm là một phần, trong quá trình công tác, các CBQL phải được tiếp tục bồi dưỡng, cập nhật bổ sung những kiến thức mới, rèn luyện kĩ năng và các phẩm chất cần thiết theo yêu cầu đặt ra từ thực tiễn giáo dục. Các chương trình bồi dưỡng phải chú ý thiết kế bám sát mục tiêu đầu ra cần có ở các cán bộ quản lý sau các khóa bồi dưỡng để thiết kế nội dung, thời lượng và lựa chọn phương pháp bồi dưỡng phù hợp.
Có 3 nhóm nội dung cần bồi dưỡng cho CBQL giáo dục các trường phổ thông hiện nay là: Bồi dưỡng những kiến thức, kĩ năng nền tảng nâng cao năng lực theo chuẩn nghề nghiệp và chuẩn CBQL; Bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh, nghiệp vụ; Bồi dưỡng theo những nhiệm vụ và yêu cầu mới của giáo dục phổ thông và của việc đổi mới chương trình giáo dục phổ thông và đổi mới chương trình SGK.
TS Nguyễn Thị Tuyết Hạnh nhấn mạnh, trong bồi dưỡng hiệu trưởng ngày nay cần trang bị tri thức và kĩ năng "quản lý sự thay đổi" để họ có thể thích ứng với sự thay đổi đang diễn ra bên trong và bên ngoài nhà trường... Qua bồi dưỡng phải giúp các hiệu trưởng đổi mới và sáng tạo trong cách nghĩ và cách làm. Biết cách tìm hiểu chương trình giáo dục cấp học để hiểu rõ mục tiêu, nội dung và yêu cầu thực hiện chương trình để có thể hướng dẫn cho GV thực hiện.
Rèn luyện cho hiệu trưởng các kĩ năng làm việc với GV trong công việc, tổ chức thực hiện các hoạt động. Hiệu trưởng cần đôn đốc thực hiện và kiểm tra đánh giá kết quả công việc với HS trong xác định động cơ học tập, định hướng nghề nghiệp, phương pháp học tập... Trong quá trình QLGD, hiệu trưởng cần tạo ra môi trường đồng thuận với cha mẹ HS và cộng đồng trong việc xây dựng các điều kiện hỗ trợ hoạt động dạy học giáo dục của nhà trường để thực hiện các mục tiêu giáo dục.
Các hiệu trưởng cũng phải có năng lực tự học, chủ động tìm kiếm cách làm thích hợp để lãnh đạo quản lý nhà trường sáng tạo và hiệu quả. Muốn thực hiện tốt mục tiêu và nội dung đổi mới giáo dục phổ thông thì đội ngũ CBQL trường học cũng cần được đổi mới để tạo dựng môi trường trường học thân thiện, tích cực, có tính đột phá trong quá trình thực hiện sự thay đổi.
Mỗi CBQL trường học cần chủ động tự học, hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm hay để đưa các nhà trường phát triển - thực hiện tốt vai trò của giáo dục trong sự phát triển nguồn lực con người, phát triển đất nước.
Đức Trí
Theo GDTĐ
Chuẩn hiệu trưởng - giỏi chuyên môn hay quản lý? - Phải tiên phong làm mới mình Đổi mới GD là xu thế tất yếu, đòi hỏi mỗi cán bộ quản lý và GV phải làm mới mình để đáp ứng yêu cầu. Thành công sẽ đến với ai biết biến khó khăn, thách thức thành động lực trau dồi chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng làm việc... Nữ sinh Trường Cao đẳng Sư phạm Bà Rịa - Vũng Tàu....