Quản trẻ sử dụng điện thoại sao cho hiệu quả?
(PL&XH) -Theo chuyên gia tâm lý, thái độ của tiêu cực của cha mẹ trước kết quả học tập không tốt của con là điều rất không nên. Khi tiếp nhận thông báo của nhà trường, giáo viên chủ nhiệm hoặc chính con mình, nếu kết quả học không được như mong đợi thì cũng đừng vì thế mà thể hiện thái độ gay gắt, trách giận, chửi mắng hoặc có những hình phạt nặng nề với con, vì như vậy sẽ tạo áp lực và stress tâm lý cho con mình.
Cháu bé đã xuất viện và đến lớp
Sáng 20-5, cô giáo Trần Thị Vượng, giáo viên chủ nhiệm lớp cháu Hoàng Thị C, SN 2000, trú tại huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang cho hay: “Em C xuất viện ngày 18-5. Biết tin em ra viện, tôi và các học sinh trong lớp đã đến nhà thăm hỏi động viên C khắc phục những đau đớn về thể chất để sớm trở lại trường học. C nói vết thương đã ổn định, tay phải lại bị bỏng nhưng em sẽ cố gắng đến lớp vì thời gian này đang thi học kỳ. Và đến sáng 20-5, C đã có mặt để làm bài thi học kỳ của một môn học chính. Cá nhân tôi và nhà trường đánh giá rất cao tinh thần cố gắng của em….”.
Trao đổi về học lực của C, cô Vượng cho hay: “Tổng kết học kỳ 1, cả lớp có 31 học sinh thì 10 bạn đạt loại giỏi, 20 bạn loại khá và một mình C xếp loại trung bình. Nhà trường tổ chức họp phụ huynh trước Tết đã thông báo kết quả này cho gia đình học sinh. Đến học kỳ 2, tuy chưa tổng kết vì chưa có điểm thi học kỳ nhưng xét về điểm số của em C cũng không khá hơn kỳ 1. Lớp tôi chủ nhiệm là lớp chọn nên sức học của C như vậy là kém hơn các bạn. Tuy nhiên, so với mặt bằng chung của cả trường thì C cũng hơn nhiều bạn khác…”.
Video đang HOT
Chuyện trò với PV, chị Hà Thị L, mẹ C nói rằng, thực ra biết kết quả học tập của con năm nay kém hơn mọi năm, vợ chồng chị rất buồn và thất vọng. Gia đình đông con, C là lớn nhất nhưng anh chị đã cố gắng làm lụng, tạo điều kiện cho con ít phải làm việc nhà, có thời gian học tập và đến lớp đủ đầy như các bạn. Khi lên cấp 2, C được vào lớp chọn, anh chị phấn khởi và đặt kỳ vọng lớn vào con. Mong con học giỏi, sau này còn thi đỗ đại học, có cuộc sống tốt, không vất vả như bố mẹ. Khi biết năm cuối cấp lực học của C bị sút giảm, anh chị đã nhắc nhở con gái rất nhiều. Vì muốn quản lý con cho tiện, anh chị đã cho C sử dụng 1 ĐTDĐ. Tuy nhiên, thấy con suốt ngày chăm chú vào cái điện thoại nhắn tin, anh Hoàng Văn Ch, SN 1978, chồng chị đã nhắc nhở và mắng mỏ con nhiều nhưng không thấy con thay đổi. Tức giận, anh Ch tịch thu điện thoại không cho con dùng nữa. Lúc đầu, C giận bố, không nói gì nhưng thời gian sau lại thấy con gái dùng 1 chiếc điện thoại khác và lại cắm mặt vào điện thoại bất kể thời gian nào. Hỏi con về nguồn gốc chiếc điện thoại đó, C trả lời là bạn cho mượn nhưng dùng lâu không thấy trả, chị L lại hỏi con thì C nói quanh co. Việc C dùng điện thoại nhiều, anh Ch cho đó chính là nguyên nhân dẫn đến con học kém. Đã nói nhiều mà C không biết nhận khuyết điểm sửa chữa nên anh rất tức giận. Chiều 28-4, khi đi uống rượu về, trong cơn giận anh đã gây nên hành vi chất rơm, đổ xăng, châm lửa để “dọa” và “dạy” con. Hành động của người cha này đã khiến C bị bỏng 26%, trong đó có 10% độ sâu vùng lưng, mông, tay phải và C đã phải trải qua 2 lần phẫu thuật ghép da, cắt hoại tử. Chi phí cho việc điều trị của C khá lớn, chẳng những vậy hậu quả do di chứng bỏng để lại còn cần nhiều thời gian để lành, thậm chí có thể để lại sẹo vĩnh viễn; đó là chưa kể đến những tổn thương dài lâu về tinh thần C phải gánh chịu.
Nhận được thông tin về vụ việc xảy ra tại gia đình anh Hoàng Văn Ch, đội CSĐTTP về TTXH, CA huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang đã tổ chức lực lượng vào cuộc để điều tra, làm rõ vụ việc. Bước đầu, anh Hoàng Văn Ch đã bị triệu tập lấy lời khai. Vì anh Ch là chủ lực về kinh tế trong gia đình; khi cháu C đi BV cấp cứu, vợ lên viện chăm con nên anh Ch phải chạy vạy lo tiền viện phí cho con gái nên CQCA đã để anh đi lại chăm lo điều trị cho con. Khi cháu C ổn định, cơ quan chức năng sẽ tiếp tục làm việc với cháu C để củng cố hồ sơ, làm rõ vụ việc.
Theo tài liệu bước đầu, cơ quan chức năng xác định động cơ khiến anh C gây nên hành vi châm lửa, gây thương tích cho con mình là do quá nóng giận trong lúc có hơi men. Nguyên cớ của sự nóng giận này rốt cuộc cũng vì con sử dụng điện thoại nhiều dẫn đến kết quả học tập kém. Hành vi đó thể hiện thái độ tức giận, sự bất lực trong việc quản lý con cũng như tâm lý thất vọng trước kết quả học tập của con mình.
Như vậy, vấn đề chính được đặt ra ở đây là việc cha mẹ quản lý điện thoại của con như thế nào cho hiệu quả? Hiện nay, việc phụ huynh cho con cái sử dụng điện thoại rất phổ biến từ nông thôn đến thành thị. Gia đình nào “nghiêm” thì con lên cấp 2 mới cho dùng điện thoại, có gia đình cho con dùng điện thoại từ cấp 1, thậm chí mới học lớp 1 hoặc mẫu giáo lớn đã đưa điện thoại cho con mang bên mình. Mục đích của việc này chủ yếu để quản lý con, hỏi xem con đang ở đâu, ăn chưa, khỏe không hoặc để con báo cho cha mẹ biết về tình hình hiện tại của con.
Chị Hà Thị L, mẹ cháu C chăm con bên giường bệnh. Ảnh: Linh Anh
Phản ứng trước kết quả học tập của con?
Chị Nguyễn Hà Linh, địa chỉ: halinh…@gmail.com viết: “Trước mỗi kỳ thi, con tôi luôn lo lắng: “Nếu điểm con thấp, mẹ có mắng con không?”. Phản ứng trước câu hỏi của con, tôi bảo: “Con đã ý thức được như vậy thì hãy cố gắng học tốt để thi tốt. Nếu con đã cố gắng rồi mà điểm vẫn không cao như ý con, mẹ không có lí do gì để mắng con cả”. Có lần, con bị điểm số thấp so với học lực của con, bản thân tôi cũng rất buồn nhưng tôi không cáu giận hay vội vàng trách mắng con mà đã hỏi con nguyên nhân cặn kẽ. Khi con tìm ra nguyên nhân rồi, tôi động viên con lần sau cố gắng hơn. Tôi không muốn tạo áp lực cho con mình….”.
Chị Dương Thị Hương (trú tại huyện Phúc Thọ, Hà Nội, làm ruộng) nói: “Nhà tôi học thức kém nên lúc nào cũng mong con học tốt, sau này còn học lên cao. Hai con lớn của tôi học dốt, đã bỏ học đi làm chỉ còn thằng út là niềm hy vọng của cả nhà. Có lần thi về nó nói chuyện bị điểm thấp, tôi chưa nói gì thì chồng tôi đã ầm ầm chửi bới làm cháu rất buồn, nản. Tôi ngồi gần đó mà không nói được gì. Lựa lúc con học xong tôi mới hỏi xem vì sao điểm kém thì con nhận lỗi là do trót chơi điện tử không ôn bài. Tôi chỉ biết khuyên con đừng mải chơi và hãy cố mà học không sau này lại khổ như bố mẹ. Tôi thấy con không nói gì, chẳng hiểu nó có nghe ra không…”.
Theo chuyên gia tâm lý, thái độ của tiêu cực của cha mẹ trước kết quả học tập không tốt của con là điều rất không nên. Khi tiếp nhận thông báo của nhà trường, giáo viên chủ nhiệm hoặc chính con mình, nếu kết quả học không được như mong đợi thì cũng đừng vì thế mà thể hiện thái độ gay gắt, trách giận, chửi mắng hoặc có những hình phạt nặng nề với con, vì như vậy sẽ tạo áp lực và stress tâm lý cho con mình. Hãy chuyện trò để cùng con tìm ra nguyên nhân và đưa ra những lời khuyên, cùng con tìm ra hướng giải quyết hợp lý, tạo cho con lòng quyết tâm để cố gắng và tiến bộ.
Theo PL&XH