Quán trà xanh miễn phí của người phụ nữ nghèo ở Hà Nội
Đã hai năm qua, bên thúng lá trà xanh vừa bán vừa cho, bà Nguyễn Thị Hồng Sen (65 tuổi) phục vụ nước trà miễn phí trên vỉa hè phố Trần Xuân Soạn, Hà Nội.
Hơn 14h, người phụ nữ gầy còm một bên xách xô nước lã, tay còn lại xách ấm nước đun sôi bước thấp bước cao đi ra từ con ngõ nhỏ của phố Trần Xuân Soạn. Chợp mắt sau buổi sáng mệt nhoài, bà Sen lại bắt đầu buổi chiều bên chiếc bếp lò, thúng lá trà xanh và vài chiếc hộp xốp.
Bà Sen cho hay bà phục vụ trà miễn phí vì muốn làm phúc. Ảnh: Bình Minh.
Thấy bà Sen, những người bán hàng gần đó liền mang cốc sang lấy nước. Trước khi rót trà cho họ, bà lấy vài quả quất cọ qua cốc rồi tráng lại bằng nước sôi ủ trong hộp xốp. Nhận cốc nước trà tươi thơm phức, ai nấy đều nói “cháu xin” mà chẳng đưa tiền bởi họ biết có dúi thế nào bà Sen cũng không lấy.
Thấy có người đi xe máy chầm chậm tiến về phía mình, sẵn siêu nước trên tay, bà đon đả mời: “Uống trà nhé, ngon lắm, không mất tiền đâu, bà mời. Uống đặc hay loãng, mà đã ăn gì chưa? Chưa ăn thì uống loãng thôi không là say đấy”. Vừa nói, bà vừa đưa cốc nước cho khách và rót một cốc cho mình. Nhâm nhi cốc trà xanh thơm phức, người khách cho biết hôm nào ngang qua đây cũng ghé vào uống nước vì “trà của bà sạch, không có váng”. Trả tiền nhưng bà không lấy, chị đành để lại vài nghìn trong bao tải lúc bà Sen bận bốc lá trà cho một người khách khác.
Biết khách mua lá về tắm cho con nhỏ, bà Sen cho không và còn dặn dò: “Trẻ con mới sinh tắm nước lá trà xanh tốt lắm đấy. Bà chẳng có gì, chỉ có lá trà thôi”. Thấy chị khách ngạc nhiên, những người bán hàng gần đó giải thích: “Bà ấy là thế đấy, vừa bán vừa cho”.
Những tiểu thương ở chợ Hôm không còn lạ với kiểu buôn bán của bà Sen. Người phụ nữ có khuôn mặt khắc khổ nhưng lúc nào trên môi cũng nở nụ cười đon đả sẵn sàng mời bất kỳ vị khách nào đến hàng của bà cốc nước thơm mát. Khách uống bao nhiêu tùy thích, thậm chí cho vào chai mang về, tất cả đều miễn phí.
Video đang HOT
“Cửa hàng” của bà không bàn, ghế, chỉ vỏn vẹn có chiếc bếp lò, chậu nước rửa cốc và chiếc thùng xốp bày trước cửa một hàng áo dài. Thấy hoàn cảnh bà khó khăn, cửa hàng này thuê bà Sen quét dọn, trông xe cho khách với tiền lương 1,5 triệu đồng mỗi tháng và tạo điều kiện cho bà bán lá trà tươi.
Lý giải cho việc phục vụ nước miễn phí và bán hàng không lấy tiền, nếu có cũng lấy gọi là, bà Sen bảo vì mình muốn làm phúc. Với bà, khách thích uống trà của mình và quay lại thường xuyên là vui rồi. Quán của bà bán lá trà xanh là chủ yếu nhưng sẵn có bếp lò, bà phục vụ mọi người cả nước uống.
Khách đến quán bà muốn uống trà bao nhiêu tùy ý và không phải trả tiền. Nhiều người ái ngại cố nhét tiền vào bao tải lá trà rồi phóng xe đi. Ảnh: Bình Minh.
Hàng ngày, có người mang trà từ Hòa Bình xuống bán lại cho bà. Mỗi lần lấy hàng, bà nhập tầm hơn 20 kg chất đầy trong hai bao tải với tổng số tiền 160.000 đồng. Hôm nào chậm, bà phải bán 2 ngày mới hết. Mua theo cân nhưng lúc bán lẻ, bà bốc vào túi bóng cho khách mà không cần cân lại. Khách đưa nhiều bà cũng chẳng lấy, thỉnh thoảng, “giằng co” mãi, bà cầm vài nghìn rồi “đuổi” khách về.
Người phụ nữ hay chuyện sẵn sàng ngồi “đối ẩm” với khách ngay trên vỉa hè với cốc trà nóng. Bà hỏi han công việc, gia đình và quê quán rồi tiếp trà cho họ. Bà tâm sự, con cái cũng thắc mắc kiểu bán hàng cho không của mẹ và bảo “bán thế thì bán làm gì”.
“Tôi muốn như vậy. Không có tiền thì tôi làm từ thiện kiểu ít tiền. Nhiều tiền thì lúc chết cũng có mang theo được đâu. Mẹ con tôi chỉ cần rau dưa cho qua ngày. Đến bữa, hai mẹ con ăn cơm bụi, mẹ ăn 3.000 đồng, con ăn 5.000 đồng”, bà Sen nói.
Mỗi buổi bà đun nước hết vài nghìn tiền than. Chi phí đun nấu chẳng đáng là bao nên lấy tiền nước của khách khiến bà thấy ái ngại. Bình thường các quán nước bán 3.000 đồng một cốc (có chỗ 5.000 đồng), mà có hôm bán cả trà thiu giữ lại từ hôm trước.
Chia sẻ bí kíp pha ấm trà xanh ngon, bà Sen bật mí, sau khi đun sôi nước trên bếp, bà cho lá trà xanh đã rửa sạch vào và đợi cho sôi bùng lại rồi bắc xuống, mở vung ra. “Nước hết đến đâu đổ vào tới đó và dùng đũa ấn lá trà xuống đảm bảo lúc nào nước cũng xanh và thơm”, bà Sen nói.
Nhắc đến công việc của mình, bà Sen cảm thấy tự hào mặc cho nhiều người vẫn chê bà là gàn dở. Suốt nhiều năm ngồi bán hàng ở đây, bà nhớ mãi đoàn sinh viên người Nhật và Pháp từng ghé quán. Tò mò không hiểu bà bán gì, 6 sinh viên nước ngoài khi đó đang học tiếng Việt ở Hà Nội viết ra giấy hỏi: “Bà ơi bà bán nước gì đấy?”.
Nói chuyện với bà Sen qua giấy, nhóm sinh viên muốn được thưởng thức trà. Ngồi ngay vỉa hè, họ trò chuyện rôm rả và thích thú thưởng thức thứ nước uống từ lá cây.
“Uống xong, họ đưa cho tôi một tờ tiền đô màu xanh. Tôi cũng chẳng rõ trị giá của nó là bao nhiêu vì đã bao giờ được cầm tiền đô đâu, chỉ thấy mấy bà xung quanh bảo đổi ra phải được hơn 500.000 đồng. Tôi không nhận mà viết vào giấy lời cảm ơn và bảo: bà mời các con”, bà Sen kể.
Bà Sen bốc lá trà vào túi cho khách mà chẳng cần cân lại. Ảnh: Bình Minh.
Cảm kích trước tình cảm của người bán hàng, các cô gái xin phép được chụp ảnh chung để về giới thiệu với bạn bè ở nước họ. Thấy mình ăn mặc không tươm tất, bà đã từ chối. Trước khi chia tay, các sinh viên ngoại quốc ôm chầm lấy bà và hứa sẽ quay lại uống trà trong lần trở lại Việt Nam. Nhiều người chứng kiến cảnh tượng đó bảo bà dại không lấy tờ tiền ấy nhưng bà cho rằng làm như vậy xấu hình ảnh của người Việt Nam.
Thỉnh thoảng trong lúc nói chuyện, bà Sen hay cao hứng hát vài làn điệu chèo. Bà kể ngày còn trẻ ở quê Thái Bình rất thích chèo. Sau này, bà kết hôn với một người cùng quê làm công nhân rồi chuyển lên Hà Nội sống.
Sống với nhau được 30 năm, ông nhà bỏ bà về với tổ tiên vì bị bệnh ung thư. Chồng mất, bà ra phụ bán lá trà tươi với người bác nuôi chồng từ nhỏ mà bà quen gọi là mẹ chồng. Sau này, bà Sen cũng ngồi đúng vị trí bán hàng của mẹ chồng.
Chồng mất hơn chục năm nay, giờ bà Sen ở cùng đứa con gái ngoài 30 tuổi bị thần kinh. Đứa con trai lớn đã có gia đình và ở riêng cũng không khá giả nên chẳng giúp gì được cho mẹ. Mình bà xoay sở trên vỉa hè để mẹ con có rau cháo cho qua bữa. Hàng tháng, thu nhập của mẹ con bà trông chờ chủ yếu vào tiền lương từ tiệm may và khoản trợ cấp hơn 500.000 đồng mỗi tháng của phường cho đứa con gái ngơ ngẩn ấy.
Không chỉ nổi tiếng ở khu vực chợ Hôm với cách bán hàng đặc biệt, bà Sen còn được người dân quanh đó yêu quý vì tốt bụng. Chị Bình, nhân viên tiệm bánh ngọt gần đấy, cho biết: “Ngày nào, bà Sen cũng mời mọi người ở đây uống trà. Khách trả tiền nhưng bà ấy nhất quyết không lấy. Mang tiếng bán hàng nhưng bà Sen chỉ lấy tiền bằng một phần của người khác bán, nhiều lúc cho không”.
Thương hoàn cảnh của mẹ con bà Sen, nhiều người bán thực phẩm và hàng ăn thường tính giá rẻ hoặc không lấy tiền mỗi khi thấy bà đi chợ.
Theo bà Chu Thị Thanh, tổ trưởng cụm dân cư số 2, phường Ngô Thì Nhậm, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, bà Sen là người phụ nữ vất vả nhưng có tâm tốt.
“Nhiều lần bà Sen mang nước sang mời, tôi bảo &’ít nhiều chị cũng nên lấy 1.000 đồng đến 2.000 đồng không khách ngại chẳng dám uống’ nhưng bà ấy nói muốn làm phúc. Từ lúc phục vụ nước, bà Sen chẳng lấy tiền của ai bao giờ còn lá trà thì bán rất rẻ”, bà Thanh nói.
Tổ trưởng cụm dân cư cho biết thêm, gia đình bà Sen là một trong những hộ nghèo nhất phường nên thường được phường quan tâm hỗ trợ. Ngoài trợ cấp cho cô con gái bệnh tật hàng tháng, có khoản hỗ trợ gì, mẹ con bà Sen đều được ưu tiên.
Theo VNE