Quan niệm sống lỗi thời là khởi nguồn của bệnh thành tích
Trong chừng mực nào đó, những phong tục của người Việt Nam có tác động rất lớn đến đời sống cộng đồng. Do ảnh hưởng của những quan niệm sống cứng nhắc cũng như những hủ tục nên thói hư tật xấu cũng bắt nguồn từ đó.
Ảnh minh họa
Việt Nam Phong Tục của Phan Kế Bính hay Việc Làng của Ngô Tất Tố cũng đã từng phê phán nghiêm khắc những quan niệm sống, cũng như những hủ tục như thế, mà thói háo danh là tiêu biểu nhất. Xã hội phát triển, những quan niệm lỗi thời hay những hủ tục lại biến tướng một cách tinh vi với nhiều hình thức khác nhau.
Ngay từ nhỏ, con người đã bị ràng buộc bởi những tập quán lâu đời đã ăn sâu vào tiềm thức. Những tập quán này có đôi khi vô tình là rào cản cho sự phát triển nhân cách con người. Theo truyền thống, cha mẹ lúc nào cũng lo lắng, chăm sóc cho con. Tuy nhiên, sự chăm sóc quá mức sẽ làm cho đứa trẻ ỷ lại, lười biếng và không có tính tự lập. Muốn con thành đạt, nhiều bậc cha mẹ sẵn sàng đút lót, chạy chọt để đạt mục đích mà không hề biết rằng họ đã “bóp chết” ý chí vươn lên của con mình.
Bên cạnh đó, áp lực học tập để có được một chỗ đứng trong xã hội theo nguyện vọng của cha mẹ nên phần lớn thời gian học sinh dành cho việc học tập, không có thời gian để vui chơi, giải trí làm giảm áp lực tinh thần. Nhiều bậc cha mẹ chỉ muốn con em mình đạt điểm tốt chứ không quan tâm đến đời sống tinh thần của các em.
Nhà trường cũng vô tình tạo một áp lực không nhỏ trong việc học tập, chú trọng đến điểm số, vì thế tâm tư nguyện vọng của các em chưa được quan tâm nhiều. Đời sống xã hội ngày càng phức tạp với những biểu hiện hết sức đa dạng và ảnh hưởng rất nhiều đến sự phát triển nhân cách và tâm lý học sinh.
Hàng ngày, giác quan các em thường xuyên bị đủ thứ âm thanh, màu sắc kích động hay những lối ăn chơi hưởng thụ rình rập và ảnh hưởng theo chiều hướng “đe dọa” các em. Chính những hiệu ứng này đã làm cho những bài học làm người và những giá trị truyền thống bị phai mờ. Khi lứa tuổi vị thành niên mất đi những điểm tựa tin cậy từ thầy cô, cha mẹ mình thì dễ dàng phát sinh tâm lý chán nản, ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển nhân cách của học sinh.
Quan niệm “Một miếng giữa làng bằng một sàng xó bếp” đã phản ánh chân thật thói háo danh của người Việt. Một số người bất chấp tất cả để có được địa vị, chức tước trong xã hội. Ngày xưa, để có được một ngôi thứ trong làng, nhiều người phải đút lót, mở tiệc khao thì mới được làng xã công nhận. Xã hội hiện đại vẫn thế, để có được địa vị xứng đáng thì có bao nhiêu người thực sự đi lên bằng chính năng lực của mình?
Hiện tượng chạy trường, chạy chức, chạy quyền là những minh chứng rõ nét nhất cho vấn đề này. Từ đó, xã hội mới có những người tuy chức cao, địa vị sang trọng nhưng lại bất tài. Những ông quan này cứ noi theo tấm gương phản chiếu của chính bản thân mình mà hành xử công việc hàng ngày; thích được xu nịnh, biếu xén là điều tất nhiên. Nạn tham nhũng, hối lộ cũng bắt đầu từ đây mà có. Hiện tượng “đi cửa sau” đã và đang xuất hiện trong bộ máy công quyền với nhiều hình thức tinh vi và kín đáo hơn.
Trong cuộc sống, ai cũng muốn vươn lên. Đó là một động lực để phấn đấu nhưng cũng tạo ra mặt trái. Tâm lý ganh đua, đố kị cũng phát sinh từ đây. Hiện tượng học giả bằng thật đang tràn lan là một minh chứng cho sự ganh đua không lành mạnh. Ai cũng biết để có được những học vị như cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ bằng chính thực lực của mình thì phải trải qua những tháng ngày miệt mài bên sách vở. Thế mà, có những vị vừa đi học vừa đi làm mà chỉ trong một thời gian ngắn cũng có được một tấm bằng như ai.
Đó là lý do tại sao có nhiều ông thạc sĩ, tiến sĩ nhưng nói tiếng Anh chẳng ra hồn! Những tấm bằng của họ chắc chắn là do chạy chọt, xin điểm để có được một vị thế vững chắc cho chiếc ghế của mình. Ở một góc độ khác, sự đố kị cũng xuất hiện với một ai đó sợ người khác giỏi hơn mình. Họ luôn tìm cách để dèm pha, hạ uy tín của người khác trước mặt mọi người. Những chuyện đời tư, những lỗi lầm nho nhỏ được họ thêu dệt, thổi phồng lên để dư luận cho rằng người đó không xứng đáng có được sự tín nhiệm hay đề bạt.
Suy cho cùng, trong những thói hư, tật xấu của người Việt hiện nay, một phần là do những quan niệm sống sai lệch bắt nguồn từ những hủ tục thời xa xưa mà bệnh thành tích cũng không ngoại lệ. Xã hội hiện đại, chúng ta cũng cần nên loại bỏ đi những quan niệm sống không phù hợp, bởi vì chính những quan niệm sống như thế là rào cản cho sự phát triển trong tương lai và có đôi khi lại làm trò cười trước thiên hạ.
Báo cáo hàng năm đều là con số so sánh, còn áp lực thành tích còn học thêm
Mặc dù chúng ta nói nhiều về chống bệnh thành tích trong giáo dục nhưng báo cáo hằng năm vẫn là con số so sánh, còn áp lực thành tích là còn dạy thêm, học thêm.
Ngày 22/12/2020, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành Công văn số 4290/GDĐT-TH với nội dung yêu cầu: "Tiếp tục thực nghiệm nghiêm các quy định của Bộ, tuyệt đối không dạy thêm, học thêm đối với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống".
Video đang HOT
Mục tiêu của việc cấm dạy thêm, học thêm là để giảm bớt tình trạng chạy theo thành tích, giảm bớt áp lực học tập cho học sinh.
Tuy nhiên, điều khiến nhiều người băn khoăn là, khi sĩ số lớp học còn quá động, một lớp học có nhiều đối tượng học sinh khác nhau, có học sinh tiếp thu chậm, học yếu và có nhu cầu học thêm thì liệu có trái quy định.
Ngày 16/12, báo Sài Gòn giải phóng đã có bài viết "Hãy trả em về đúng lớp" phản ánh tình trạng nhiều học sinh lớp 3, lớp 4 học trường điểm ở những quận nội thành tại Thành phố Hồ Chí Minh nhưng khả năng đọc, viết rất kém, thậm chí có những em đánh vần, đọc chậm hơn cả những học sinh lớp 1. [1]
Vấn đề đặt ra là khi việc học thêm xuất phát từ nhu cầu của học sinh, phụ huynh thì những quy định cấm dạy thêm, học thêm liệu có phù hợp?
Học thêm là nhu cầu chính đáng nhưng dễ có xung đột lợi ích
Chia sẻ với phóng viên của Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Thạc sĩ Tạ Thị Thu - Phó hiệu trưởng Trường Tiểu học ICS (Thành phố Hồ Chí Minh) khẳng định: Học thêm là nhu cầu chính đáng của học sinh, phụ huynh nhưng không có nghĩa là việc tổ chức dạy thêm, học thêm là hợp lý.
Theo chia sẻ của cô Thu, có nhiều bố mẹ có mong muốn bổ sung kiến thức hoặc bồi dưỡng thêm cho con, nhu cầu này là hoàn toàn chính đáng.
"Có những lớp học sĩ số đến 40 em thì sẽ rất khó đồng bộ chất lượng cho tất cả đối tượng học sinh, sẽ có những học sinh không theo kịp tiến độ, có những học sinh lại có lực học vượt trội.
Điều này đưa đến những nhu cầu khác nhau, ví dụ bạn yếu thì có nhu cầu phụ đạo để bổ sung, vá lỗ hổng kiến thức, có những bạn học giỏi nhưng gia đình vẫn muốn bồi dưỡng phát triển thêm cho con", cô Thu phân tích.
Đặc biệt, đối với những học sinh yếu, nếu không được hỗ trợ học thêm thì sẽ dễ bị bỏ lại phía sau, không theo kịp tiến độ chương trình, đây là điều cả giáo viên và gia đình đều không mong muốn và cần có giải pháp giúp học sinh tiến bộ.
Thạc sĩ Tạ Thị Thu cho rằng, cấm dạy thêm học thêm nhằm ngăn chặn hành vi trục lợi, chèn ép học sinh nhưng chưa giải quyết phần gốc của vấn đề (Ảnh: Nhân vật cung cấp)
Tuy nhiên, cô Thu cũng khẳng định rằng, quy định cấm dạy thêm, học thêm đối với học sinh tiểu học của Sở Giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh là nhằm quán triệt sâu sắc và ngăn chặn vấn đề khi dạy thêm xảy ra những xung đột về lợi ích.
"Giáo viên là người có quyền lực mềm trong lớp học, quyền cung cấp kiến thức, xây dựng chương trình bài học, chuyển tải kiến thức tới học sinh.
Chính vì vậy, nếu giáo viên xuất phát từ lợi ích cá nhân, họ muốn dạy thêm cho học sinh, họ có thể giảm bớt kiến thức chương trình chính khóa để đưa vào những lớp học thêm, buộc học sinh phải tham gia.
Lúc này, việc dạy thêm, học thêm không còn là nhu cầu từ phía phụ huynh và người học. Giữa 2 lợi ích, lợi ích chung và lợi ích cá nhân xung đột với nhau" cô Thu cho biết.
Chính vì lý do đó, để đảm bảo chất lượng dạy học trên lớp, sở Giáo dục ban hành quy định cấm dạy thêm, học thêm, ngăn chặn hành vi trục lợi, ngăn chặn những nhân tố đi lệch hướng, sử dụng quyền lực của giáo viên để chèn ép học sinh.
Ngăn chặn dạy thêm, học thêm là ngăn chặn việc trục lợi, lạm dụng quyền lực mềm của người giáo viên để ép học sinh học thêm, đồng thời giảm bớt áp lực về bệnh thành tích trong các nhà trường, các lớp học.
Theo Thạc sĩ Tạ Thị Thu, mặc dù Bộ Giáo dục đã cởi trói nhưng nhiều trường học, giáo viên vẫn đi theo lối mòn, tự tạo áp lực với thành tích.
Cô Thu cho biết: "Khi giáo viên lo lắng lớp mình không đạt điểm cao, lớp mình không có giải thưởng, tự họ tạo tâm lý thành tích, họ cảm thấy thời lượng chính khóa không đủ để giúp các con năm vững kiến thức, từ đó xuất hiện những lớp học thêm.
Mặc dù các văn bản đều hướng đến việc chống bệnh thành tích nhưng báo cáo tổng kết hằng năm, nếu nhà trường vẫn đưa ra con số so sánh, lớp này hơn thua lớp kia thì giáo viên áp lực với thành tích là điều dễ hiểu.
Điều này cũng là một trong những nguyên nhân dẫn tới việc dạy thêm học thêm mà mục tiêu không phù hợp."
Không nên dừng lại ở việc ban hành văn bản quy định
Theo quan điểm của Thạc sĩ Tạ Thị Thu, cùng với việc ban hành văn bản quy định cấm dạy thêm, học thêm thì phải thực hiện những giải pháp, giải quyết vấn đề ở phần gốc. Cụ thể, cô Thu đưa ra ba giải pháp quan trọng.
Thứ nhất, phải đáp ứng được nhu cầu đời sống vật chất cho giáo viên. Khi giáo viên yên tâm về thu nhập, không còn lo lắng trang trải cuộc sống, họ sẽ tâm huyết, yêu nghề hơn, có thời gian đầu tư cho công tác giảng dạy và không còn tình trạng mở lớp dạy thêm.
Thứ hai, nhà trường, đội ngũ quản lý cần trang bị cho giáo viên những công cụ, phương pháp để đổi mới nội dung dạy học.
"Theo chương trình mới, chúng ta có những cách kiểm tra đánh giá học sinh theo hướng phát triển năng lực, đặc biệt nên chú trọng dạy học theo phân hóa đối tượng.
Khi thầy cô có cách để phân hóa đối tượng thì sẽ có giải pháp đáp ứng được các nhu cầu khác nhau của nhiều đối tượng học sinh trong cùng một lớp, điều này sẽ hạn chế việc mở những lớp dạy thêm cũng như những vấn đề tiêu cực trong giáo dục", cô Thu chia sẻ.
Thứ ba, việc dạy thêm nên để cho các trường ngoại khóa hoặc trung tâm ngoại khóa đảm nhận thực hiện.
Theo cô Thu, khi nhu cầu học thêm chính đáng thì nên để cho các tổ chức có chuyên môn thực hiện dạy thêm. Những trung tâm hoàn toàn độc lập với trường học, phụ huynh và trung tâm sẽ tự thỏa thuận về mức phí để học theo nhu cầu,
Như vậy, việc dạy thêm, học thêm được minh bạch, không nhập nhằng giữa lợi ích cá nhân và lợi ích tập thể.
"Tại trường Tiểu học ICS, chúng tôi thiết lập mối quan hệ chặt chẽ giữa Nhà trường với phụ huynh. Khi có đối tượng học sinh cần hỗ trợ đặc biệt về học lực, giáo viên sẽ có những cuộc gặp gỡ, trao đổi, chia sẻ với phụ huynh về cái mức học của con và đưa ra giải pháp cụ thể.
Nhà trường sẽ bổ trợ kiến thức cho học sinh ngay trong khung giờ chính khóa ở trường ( ví dụ như khung giờ hoạt động ngoại khóa), các con có thể học theo nhóm 3 - 5 bạn hoặc nhóm 1 - 1 , qua từng giai đoạn giúp con vượt qua những phần kiến thức mình chưa vững.
Điều quan trọng là trường kiến tạo một môi trường giáo dục không áp lực thành tích, giúp học sinh học tập theo hướng phát triển năng lực, khơi gợi niềm yêu thích học tập, sáng tạo của trẻ", cô Thu chia sẻ.
Chia sẻ về quy định cấm dạy thêm, học thêm, thầy Ngô Thành Nam - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Khai Nguyên (Thành phố Hồ Chí Minh), Cố vấn học tập Microsoft cho biết: Bài toán cần giải quyết cho vấn đề này là làm sao để phân biệt được ranh giới giữa tự nguyện hay bị ép buộc khi học sinh tham gia học thêm.
Thầy Ngô Thành Nam cho rằng, dạy thêm học thêm là cần thiết khi xuất phát từ nhu cầu thực tế, có thật (Ảnh: Nhân vật cung cấp)
"Cả Bộ Giáo dục và Sở Giáo dục đều lo ngại việc phát sinh những tiêu cực từ hoạt động dạy thêm, học thêm. Và thực tế đã có những tiêu cực như vậy diễn ra trong thời gian qua.
Chính vì vậy, quy định cấm dạy thêm, học thêm là có cơ sở và xuất phát từ những vấn đề thực tiễn", thầy Nam khẳng định.
Tuy nhiên, thầy Ngô Thành Nam cũng cho rằng, học sinh yếu kém sẽ có nhu cầu cần được phụ đạo, đặc biệt đối với những em gia đình không có điều kiện hỗ trợ việc học tập ở nhà.
"Việc phụ đạo thêm cho học sinh là việc cần thiết khi nó xuất phát từ nhu cầu thực tế, có thật của gia đình và học sinh. Tuy nhiên, đối tượng được phụ đạo là ai, nội dung học là gì, học ở đâu, quy trình để tổ chức dạy học,... là những vấn đề cần minh bạch, rõ ràng để tránh nảy sinh vấn đề tiêu cực.
Ngoài ra, sự tham gia vào công tác tổ chức, quản lý cũng như sự đồng thuận từ phía phụ huynh cũng là yếu tố cần xem xét khi triển khai dạy thêm, học thêm", thầy Nam nhấn mạnh.
Có thể khẳng định rằng, để giảm áp lực về thành tích trong giáo dục, từng trường học, từng cơ sở giáo dục phải có cách làm đồng bộ, hệ thống.
Những người lãnh đạo, những người đi đầu trong giáo dục phải có tâm lý vững vàng, chủ động tình huống, xây dựng nền tảng đội ngũ giáo viên chất lượng để tránh được những tiêu cực trong hoạt động dạy và học.
Quy định cấm dạy thêm, học thêm cũng cần giải quyết những vấn đề mang tính bản chất, các cấp lãnh đạo cần đồng hành cùng giáo viên để hướng đến những mục tiêu tốt đẹp cho ngành giáo dục.
Tài liệu tham khảo:
[1] https://www.sggp.org.vn/hay-tra-em-ve-dung-lop
Học sinh "ngồi nhầm lớp" chưa chắc do bệnh thành tích Câu chuyện một số em học sinh "ngồi nhầm lớp" đang khiến nhiều người nghĩ đến bệnh thành tích trong giáo dục, vì thành tích mà trò bị đẩy lên, không được ở lại lớp dù học kém tới đâu nhưng đối với tôi, đây chưa chắc đã là chuyện bệnh thành tích. Có thể đối với một vài trường hợp cụ thể,...