Quan điểm của thầy Khang về những điều chỉnh thi quốc gia sau năm 2020
Theo Hiệu trưởng trường Marie Curie, việc thi trên máy tính, thay cho việc thi trên giấy như hiện nay, sẽ có rất nhiều ưu điểm.
Sau 5 năm (2014 – 2019) tích cực đổi mới, kỳ thi trung học phổ thông quốc gia và tuyển sinh đại học, cao đẳng về căn bản đã thành công, đạt được mục tiêu giảm áp lực và tốn kém cho thí sinh nói riêng và xã hội nói chung. Nhất là kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm 2019 được dư luận xã hội rất hoan nghênh.
Còn 9 tháng nữa sẽ đến kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm 2020, Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định sẽ tiếp tục như kỳ thi năm 2019.
Giai đoạn 2021 – 2025, kỳ thi trung học phổ thông quốc gia cơ bản giữ ổn định như hiện nay nhưng có thể điều chỉnh:
1) Các môn thi trắc nghiệm khách quan (Toán, Ngoại ngữ, Lý, Hoá, Sinh, Sử, Địa, Giáo dục công dân) sẽ thi trên máy tính, thay cho việc thi trên giấy như hiện nay.
2) Các bài thi tổ hợp (Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội) chuyển thành các bài thi tổng hợp (tích hợp liên môn), mỗi bài thi chỉ có 1 đầu điểm.
Theo Hiệu trưởng trường Marie Curie, việc thi trên máy tính, thay cho việc thi trên giấy như hiện nay, sẽ có rất nhiều ưu điểm. (Ảnh: Tùng Dương)
Trước vấn đề này, chia sẻ với Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Nguyễn Xuân Khang – Hiệu trưởng trường Marie Curie nhận định: “Theo tôi đó là những điều chỉnh theo hướng tích cực”.
Video đang HOT
Tuy nhiên, thầy Khang cho rằng, cái khó nhất của phương thức thi trắc nghiệm khách quan là “ngân hàng câu hỏi thi”. Do đó, Bộ cần phải tập trung sức người, sức của để có nguồn câu hỏi thi đa dạng, phong phú và chuẩn hoá. Cho dù thi trên giấy hay trên máy tính việc này vẫn phải làm.
Nhưng theo thầy Khang, câu hỏi thứ nhất sẽ giải quyết được nếu hình thành nhiều tổ chức khảo thí độc lập, có đủ năng lực và uy tín được Nhà nước uỷ quyền thực hiện dịch vụ thi trung học phổ thông quốc gia, thi làm nhiều đợt trong một năm. Bộ Giáo dục và Đào tạo giữ vai trò giám sát chất lượng của các kỳ thi.Theo thầy Khang, việc thi trên máy tính, thay cho việc thi trên giấy như hiện nay, sẽ có rất nhiều ưu điểm như: Con người không thể can thiệp vào kết quả bài thi; Người thi có thể biết ngay kết quả bài thi; Giảm đáng kể công sức và chi phí chấm thi.
Mặc dù đến nay có nhiều người băn khoăn lấy đâu cho đủ máy tính? Học sinh vùng sâu vùng xa có thi trên máy tính được không?…
Câu hỏi thứ hai không đáng có vì học sinh trung học phổ thông ở bất cứ vùng nào cũng bắt buộc phải học Công nghệ thông tin trong ba năm lớp 10, 11, 12. Khi hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông học sinh đủ năng lực thi trắc nghiệm khách quan trên máy tính.
Trước đó như Báo điện tử Giáo dục Việt Nam thông tin, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến – nguyên Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho rằng, với thời gian chuẩn bị từ nay thì chúng ta có thể tổ chức kỳ thi trung học phổ thông quốc gia trên máy tính từ năm 2021, song việc triển khai cần hết sức thận trọng.
Bởi lẽ với một số lượng thí sinh dự thi đông đảo diễn ra tại một thời điểm, nếu hạ tầng không đảm bảo có thể dẫn đến nhiều sự cố xảy ra như nghẽn mạng, ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả thi của thí sinh.
Bên cạnh đó, việc đầu tư một số lượng máy tính khổng lồ để phục vụ cho kỳ thi xong rồi “đắp chiếu” đợi kỳ thi năm sau cũng sẽ là một sự lãng phí lớn.
Ngoài ra, việc kỳ thi trung học phổ thông quốc gia liệu có đạt được cả hai mục tiêu là xét tốt nghiệp và làm cơ sở để tuyển sinh đại học hay không cũng cần phải có thêm những nghiên cứu, đánh giá khoa học và nghiêm túc.
Giáo sư Lâm Quang Thiệp – nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho rằng, thi trên máy tính là xu thế tất yếu trong thời đại công nghệ 4.0 như hiện nay nhưng tổ chức thi như thế nào, kỹ thuật ra sao là điều cần phải bàn rất cụ thể.
Thùy Linh
Theo giaoduc.net
Bộ GD&ĐT đề xuất phương án thi, tuyển sinh sau năm 2020: Ứng dụng công nghệ để kỳ thi ngày càng khách quan
Hội đồng Quốc gia giáo dục và phát triển nhân lực tổ chức họp để bàn về phương án tổ chức thi, xét công nhận tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ sau năm 2020.
Theo đó, phương án thi trên máy tính được bàn đến với nhiều ủng hộ. Tuy nhiên, để chuẩn bị cho phương án này, những chuẩn bị về các điều kiện cần hết sức chủ động, đồng bộ.
Bộ GD&ĐT đề xuất phương thức thi được đề xuất là tổ chức thi trên giấy như hiện nay, đồng thời chuẩn bị các điều kiện để tổ chức thi trên máy tính theo lộ trình đảm bảo tính khả thi. Lộ trình triển khai giai đoạn 2021-2025, Bộ GD&ĐT đề xuất cơ bản giữ ổn định như kỳ thi THPT quốc gia năm 2019, thực hiện một số điều chỉnh cho phù hợp với thực tế phương thức tổ chức thi. Đặc biệt giai đoạn này, Bộ sẽ thí điểm tổ chức thi trên máy tính để từng bước áp dụng phương thức thi này phù hợp với thực tiễn điều kiện kinh tế -xã hội của đất nước, phù hợp với điều kiện thụ hưởng giáo dục và cách tiếp cận công nghệ thông tin của học sinh.
Bộ GD&ĐT đề xuất phương thức thi THPT quốc gia sau năm 2020 về cơ bản được giữ ổn định, Bộ sẽ chuẩn bị các điều kiện để tổ chức thi trên máy tính theo lộ trình đảm bảo tính khả thi. Ảnh: VNU
Nhìn nhận về kỳ thi THPT quốc giai đoạn vừa qua, ông Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam nhận định, trong quá trình đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đổi mới thi cử là vấn đề nóng và khó. Về phương án thi sau 2020, theo ông Lợi, ngay từ bây giờ cần chuẩn bị chu đáo nhất cho lộ trình năm 2020 từng bước tổ chức thi trên máy tính. Trong khi thực hiện, phải đặc biệt quan tâm đến sự chênh lệch phát triển các vùng miền, tính toán từng bước cẩn trọng, có lộ trình hợp lý để tránh xáo trộn không cần thiết.
Khẳng định việc đưa công nghệ vào kỳ thi là cần thiết và không thể chậm trễ, GS.TS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Khuyến học Việt Nam cho rằng, cho dù kỳ thi những năm trước đã tốt rồi nhưng nếu từ năm 2021 vẫn thi như hiện nay sẽ lạc hậu.
Ủng hộ dự thảo phương án của Bộ GD&ĐT, nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam nhận định, dự thảo phương án đáp ứng được yêu cầu đổi mới giáo dục, giảm áp lực cho xã hội rất lớn cả về tư tưởng, kinh tế; đảm bảo khách quan, học sinh học toàn diện, không học tủ học lệch.
"Nhưng để triển khai cần chuẩn bị về địa điểm thi, hạ tầng, trang thiết bị. Cùng với đó là xây dựng ngân hàng đề - đây là việc khó, cần huy động trí tuệ rộng rãi của các chuyên gia, giáo viên, ngay cả học sinh vừa tốt nghiệp, học sinh giỏi đã qua các kỳ thi, không nên chỉ gói gọn trong các thầy cô. Ngoài ra, với đề xuất phương án thi THPT sau 2020, Bộ GD&ĐT cần chuẩn bị tốt năng lực của đội ngũ nhân sự tham gia làm thi, cân nhắc vai trò của Bộ và địa phương trong tổ chức kỳ thi" - bà Doan nhấn mạnh.
Việc tiếp tục tổ chức thi THPT quốc gia với phương án cơ bản như năm 2019 và song song thí điểm để tiến tới thi trên máy tính, thi nhiều đợt, tại nhiều điểm được ông Nguyễn Thanh Long, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đánh giá tốt. Tuy nhiên ông và nhiều đại biểu cho rằng, Bộ GD&ĐT cần đổi mới và sớm hoàn thiện ngân hàng đề thi trắc nghiệm chuẩn hóa. Bộ đồng thời xây dựng phương pháp đánh giá năng lực, phẩm chất cho học sinh để từng bước áp dụng cho chương trình GDPT mới.
Cho rằng ngân hàng đề thi là vấn đề khó nhất, bởi kiểm định độ khó và tin cậy của câu hỏi rất phức tạp, ông Lê Đông Phương, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam nhìn nhận, đây là trọng tâm cần được đầu tư thêm nhiều nữa khi triển khai phương án thi THPT trong giai đoạn tiếp theo.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, sẽ tiếp thu và chỉnh sửa để hoàn thiện đề xuất phương án thi sau 2020. Phương án này được tính toán cẩn trọng, cân nhắc kỹ lưỡng, có căn cứ chắc chắn và lộ trình phù hợp với tình hình thực tế của đất nước. Theo đó, ngân hàng câu hỏi chuẩn hóa sẽ được Bộ GD&ĐT sẽ tăng cường về số lượng và đảm bảo chất lượng. Giai đoạn ban đầu sẽ thi trên giấy và trên máy tính nhưng từng bước sẽ tăng dần thi trên máy tính để tiệm cận xu hướng thế giới.
Phát biểu kết luận phiên họp, Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam một lần nữa đánh giá cao những điểm đã đạt được của kỳ thi THPT quốc gia sau 5 năm thực hiện đổi mới theo tinh thần Nghị quyết 29.
Với việc thi trên máy tính, Phó Thủ tướng cho rằng cần phải có lộ trình để thực hiện, làm thận trọng trên quy mô nhỏ để đánh giá và có lộ trình mở rộng dần. "Tinh thần là tạo điều kiện tối đa cho các cháu, không có chuyện các cháu chưa quen với máy tính lại phải thi máy tính hay dùng loại máy tính này nhưng thi trên loại máy tính khác" - Phó Thủ tướng lưu ý.
Phan Thủy
Theo phapluatxahoi
Không chỉ trường Marie Curie, trường tiểu học Lômônôxốp phải họp khẩn cấp sau vụ học sinh lớp 1 tử vong trên xe đưa đón Là trường có rất đông học sinh đăng ký sử dụng dịch vụ xe đưa đón nên ngay trong sáng 7/8, trường tiểu học Lômônôxốp đã phải họp khẩn cấp toàn thể giáo viên và nhân viên trong trường. Sự tắc trách của đội ngũ lái xe, giáo viên đã khiến một học sinh nam lớp 1 trường phổ thông Gateway (Hà Nội)...