Quân dân một lòng xây dựng biên cương vững mạnh
Đồng bào các dân tộc xã Lóng Sập, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La đời sống vẫn còn nhiều khó khăn, do điều kiện địa hình rừng núi hiểm trở, đi lại khó khăn, cơ sở hạ tầng chậm phát triển, canh tác lạc hậu, chưa tìm được cây chủ lực để phát triển kinh tế, tỷ lệ hộ nghèo và số người nghiện ma túy còn cao.
Không ít người dân ở đây do kém hiểu biết, nhận thức còn mơ hồ nên đã bị các đối tượng xấu lôi kéo vào con đường buôn bán, vận chuyển trái phép chất ma túy…
Cán bộ hướng dẫn bà con kỹ thuật chăm sóc để có quả chanh leo đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Ảnh: Viết Hà
Để ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, Đồn Biên phòng cửa khẩu (BPCK) Lóng Sập, BĐBP Sơn La đã tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, hỗ trợ nhân dân xóa đói giảm nghèo và vận động người nghiện ma túy đi cai nghiện tập trung và cai nghiện tại cộng đồng.
Giúp nhân dân xóa đói, giảm nghèo, tạo công ăn việc làm, phát triển kinh tế bền vững, lâu dài là trăn trở thường xuyên của Đảng ủy, chỉ huy Đồn BPCK Lóng Sập trong nhiều năm qua. Đơn vị đã chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động người dân về các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ ngô sang cam, bưởi, mận, đào, chanh leo… có giá trị kinh tế cao.
Trung tá Nguyễn Danh Tuệ, Đồn trưởng Đồn BPCK Lóng Sập cho biết: “Năm 2017, đơn vị đã xây dựng đề án giúp 4 hộ nghèo trồng chanh leo và bước đầu mang lại thành công. Trước đó, để đề án đạt hiệu quả cao, chúng tôi đã tìm hiểu kỹ về loại cây này, cùng phối hợp với địa phương, doanh nghiệp đầu tư hỗ trợ vốn, chuyển giao kỹ thuật, đặc biệt là giải quyết “bài toán” đầu ra ổn định cho bà con trước khi thực hiện trồng thí điểm. Sau thời gian trồng thử nghiệm, chúng tôi nhận thấy, cây chanh leo rất thích hợp với khí hậu, thổ nhưỡng ở Lóng Sập. Thời gian từ khi trồng cho đến lúc thu hoạch ở vùng đất này chỉ mất khoảng 5-6 tháng, cho thu hoạch 4-5 năm sau mới phải trồng lại. Năm đầu tiên cho 30-40 tấn/ha, năm thứ hai đạt 70-80 tấn/ha/năm, người trồng chanh có thể đạt lãi suất hơn 300 triệu đồng/ ha/năm”.
Thực hiện mô hình trên, doanh nghiệp hỗ trợ 4 hộ gần 2.000 cây giống, đơn vị huy động lực lượng cùng các kỹ sư hướng dẫn các hộ dân cách chăm sóc. Hiện nay, sau hai vụ thu hoạch, cây chanh leo ở Lóng Sập phát triển tốt, cho quả sai và chất lượng đảm bảo xuất khẩu. “Mới thu hoạch vụ thứ 2, các hộ dân trồng thí điểm đã hoàn vốn đầu tư và có lãi. Sau khi mô hình trồng chanh leo thu được kết quả tốt, đông đảo nhân dân ở các bản làng sát biên giới đã chủ động đăng ký trồng, tạo công ăn việc, giúp bà con thoát nghèo nhanh, bền vững” – Trung tá Nguyễn Danh Tuệ khẳng định.
Để tìm hiểu về hiệu quả kinh tế của cây chanh leo, chúng tôi đến bản Bó Sập, xã Lóng Sập thăm vườn chanh leo của chị Lường Thị Thương. Vừa thu hoạch chanh, chị Thương vừa tâm sự: “Cây chanh leo hiện nay đang vào vụ thu hoạch. Đây là vụ thứ hai, cây chanh sai cho quả hơn nhiều, mức đầu tư cũng giảm nhiều so với vụ đầu, nên cho thu nhập cao hơn. Đặc biệt, thu hoạch chanh leo đến đâu, doanh nghiệp thu mua hết đến đấy. Nhà tôi được hỗ trợ phân bón, dây thép làm giàn và 300 cây giống trồng trên 1ha, các chiến sĩ BĐBP giúp ngày công, thường xuyên tới hướng dẫn cách chăm sóc cây đúng kỹ thuật, bón phân đúng thời điểm. Vụ đầu tiên thu hoạch đã hoàn lại vốn đầu tư, vụ này thu hoạch bán ra lãi khoảng hơn 100 triệu đồng. Đây là nguồn thu giúp gia đình tôi ổn định cuộc sống, tiếp tục mở rộng diện tích để thoát nghèo bền vững”.
Video đang HOT
Ngoài việc giúp nhân dân áp dụng các mô hình phát triển kinh tế, Đồn BPCK Lóng Sập còn có việc làm đầy tính nhân văn, đó là: Nấu cơm sáng cho 47 cháu học sinh điểm trường mầm non bản Buốc Pát và học sinh Trường Tiểu học Lóng Sập. Hơn 6 năm qua, tất cả các buổi sáng trong tuần, cán bộ, chiến sĩ Đồn BPCK Lóng Sập thay phiên nhau nấu cơm ngon, canh ngọt theo khẩu phần, tiêu chuẩn bộ đội, đáp ứng năng lượng cho các cháu học tập. Công việc tình nghĩa này được thực hiện với mong muốn làm sao để học sinh các bản nghèo trên địa bàn có điều kiện học tập tốt, mai sau trở thành những công dân có năng lực, trí tuệ xây dựng, bảo vệ biên cương giàu mạnh.
Vào mùa mưa lũ, đường lên Buốc Pát trơn trượt, nhưng mỗi sáng, cán bộ, chiến sĩ Biên phòng vẫn đều đặn mang cơm cùng thức ăn đảm bảo vệ sinh, dinh dưỡng cho học sinh. Đại úy Tăng Ngọc Đảm, cán bộ Đội Vận động quần chúng, Đồn BPCK Lóng Sập cho biết: Bản Buốc Pát nằm sát đường biên giới, bên kia là “thánh địa ma túy”. Hằng ngày, những người nghiện bản Buốc Pát thường lén lút qua biên giới mua bán, vận chuyển và sử dụng ma túy, nên nơi đây đã trở thành “điểm nóng” về trật tự, an toàn xã hội. Buốc Pát có 14 hộ dân thì 12 hộ có người nghiện ma túy, đi tù vì liên quan đến “hàng trắng” từ bên kia biên giới. Vì hoàn cảnh đặc biệt như vậy, dù đường sá đi lại rất khó khăn, nhưng chúng tôi vẫn cố gắng vượt qua để mang cơm cho các cháu học sinh đúng giờ, “ngăn” không để thế hệ tương lai đi vào “vũng lầy ma túy”.
Từ những việc làm tình nghĩa của đơn vị, nhiều phụ huynh học sinh đã tự nguyện đi cai ma túy, hoàn lương, chăm lo lao động sản xuất, trở thành “cánh tay nối dài” của BĐBP trong bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới. Ông Mùa A Sủ, Bí thư Chi bộ bản Buốc Pát bộc bạch: “Nếu không có sự quan tâm của các chú BĐBP thì các con theo bố, theo mẹ sau này lớn lên rồi cũng hư hỏng, trở thành gánh nặng cho xã hội. Các chiến sĩ Biên phòng còn bám bản tuyên truyền về tác hại của ma túy, từng bước làm “hạ nhiệt” tệ nạn ma túy của bản, giúp người dân yên tâm lao động sản xuất, ổn định đời sống”.
“Cùng với việc giúp dân phát triển kinh tế, Đồn BPCK Lóng Sập kêu gọi, huy động nguồn lực hỗ trợ từ xã hội tập trung đầu tư cho các bản khó khăn, tiếp tục chăm lo cho các cháu học sinh khó khăn, giúp các cháu thực hiện ước mơ của mình. Đơn vị còn giúp địa phương xây dựng phong trào thi đua lao động, sản xuất phát triển kinh tế, chú trọng công tác giáo dục, cảm hóa những người lầm lỗi, động viên họ đi cai nghiện, từng bước ngăn chặn và đẩy lùi tệ nạn ma túy trên địa bàn, góp phần giải quyết những vấn đề “nóng” về an ninh trật tự” – Trung tá Nguyễn Danh Tuệ cho biết.
Viết Hà
Theo kienthuc
Nông thôn Đông Sang chưa bao giờ đẹp như thế này đây
Nhờ sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và người dân, đến nay, xã Đông Sang (Mộc Châu - Sơn La) đã đạt 15/19 tiêu chí về NTM. Hiện Đông Sang đang tiếp tục phấn đấu, nỗ lực hoàn thành các tiêu chí còn lại để cán đích NTM vào cuối năm 2018 theo đúng kế hoạch đề ra.
Đông Sang bắt tay vào xây dựng Nông thôn mới từ năm 2013, thời điểm đó xã mới đạt 6 tiêu chí. Nhưng đến nay, nhờ những giải pháp đúng đắn, có tính khả thi cao của cấp ủy, chính quyền mà Đông Sang đã bứt phá, đạt 15/19 tiêu chí. Trong 6 tháng cuối năm này, Đông Sang tiếp tục huy động mọi nguồn lực, quyết tâm hoàn thành 4 tiêu chí còn lại là thu nhập, văn hóa, môi trường, hệ thống chính trị.
Nằm trên cao nguyên Mộc Châu (huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La), bản Áng (xã Đông Sang) không chỉ có khí hậu trong lành, mát mẻ; cảnh sắc thơ mộng, hữu tình mà những năm gần đây, bản Áng đã trở thành điểm đến hấp dẫn của khách du lịch góp phần không nhỏ vào việc nâng cao đời sống cho dân bản
Hết năm 2017, thu nhập bình quân đầu người đạt 23 triệu đồng/người/năm. Xã đang phấn đấu trong năm 2018 này đạt 29 triệu đồng/người/năm.
Nói về giải pháp để hoàn thành tiêu chí thu nhập đúng tiến độ, ông Phạm Văn Giang - Chủ tịch UBND xã Đông Sang, cho biết: Thực hiện chủ trương trồng cây ăn quả trên đất dốc, chúng tôi lồng ghép thêm các Chương trình mục tiêu quốc gia như 135, 102... giúp bà con chuyển từ cây ngô, lúa kém hiệu quả sang trồng cây bơ, xoài, chanh leo, cây rau màu... để tăng thu nhập.
Ở một số bản thuận lợi như bản Áng 1, 2, 3 gắn xây dựng NTM với phát triển dịch vụ du lịch như: Đầu tư xây dựng nhà nghỉ cộng đồng, nhà hàng ăn uống, cửa hàng bán đồ lưu niệm...
Nhà nghỉ cộng đồng góp phần giúp nhân dân Đông Sang giảm tỷ lệ hộ nghèo, nâng cao mức sống
Bên cạnh đó, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào phát triển nông nghiệp công nghệ cao như HTX rau an toàn Tự Nhiên ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt vào trồng các loại rau.
Cũng theo ông Giang, trong các tiêu chí thì tiêu chí môi trường là khó thực hiện nhất vì nó liên quan đến ý thức của các hộ gia đình trong vấn đề xử lý rác, công trình vệ sinh, thuốc bảo vệ thực vật.
Ban chỉ đạo phân công các tổ công tác phụ trách từng bản vận động và cùng với các hộ dân từ việc dọn nhà vệ sinh, sắp sếp đồ đạc, di chuyển gia súc ra khỏi gầm sàn, cách xử lý thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng.
Đến nay 12/12 bản trong xã không có hiện tượng xả nước thải, chất thải rắn bừa bãi gây mất mỹ quan, có đường làng ngõ xóm xanh sạch đẹp, an toàn. 90% số hộ đã thực hiện cải tạo vườn tược, chỉnh trang hàng rào, cổng ngõ không lầy lội, không có cơ sở sản xuất kinh doanh gây ô nhiễm môi trường.
HTX rau an toàn tự nhiên (bản Tự Nhiên, xã Đông Sang) góp phần giải quyết việc làm cho người lao động trên địa bàn
Cùng với tiêu chí thu nhập và môi trường, xã cũng chú trọng thực hiện tốt tiêu chí việc làm, xã hội bằng cách liên kết với các doanh nghiệp trên địa bàn giải quyết việc làm cho nhân dân. Tạo điều kiện và hỗ trợ các hộ nghèo tiếp cận được vốn vay từ ngân hàng chính sách và ngân hàng nông nghiệp để xóa nhà tạm, sửa nhà.
Nhờ có những hướng đi thích hợp cùng với điều kiện tự nhiên sẵn có từ thiên nhiên ban tặng cho Đông Sang; đời sống, thu nhập của bà con ở các bản được nâng lên rõ rệt. Thu nhập bình quân đầu người từ chỗ 8 triệu đồng/người/năm (năm 2013), đến hết 6 tháng đầu năm này đã đạt hơn 28 triệu đồng/người.
Chia sẻ với Dân Việt, ông Vì Văn Tùng, bản Áng 1 - người hiến hơn 300 mét vuông đất làm đường giao thông nông thôn, bảo: "Bây giờ lên các bản bà con người Mông như Nà Kiến, Pa Phách mà cứ ngỡ như mình đang ở trung tâm xã Đông Sang này vậy. Các tuyến đường nội bản, liên bản, nội được cứng hóa dài thẳng tắp. Tạo thuận lợi cho bà con đi lại buôn bán hàng hóa góp phần cải thiện thu nhập, chất lượng cuộc sống được nâng lên".
Khi đời sống được nâng cao, bà con ở các bản vùng cao đã quan tâm hơn tới việc học hành của con em mình. Song song với đó, bà con được tiếp cận các dịch vụ khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe chất lượng cho người già và trẻ nhỏ.
Từ sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền từ huyện đến xã, xã đến bản trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo đã tạo được sức lan tỏa mạnh mẽ trong dân. Đồng bào ở các bản vùng cao đã hiểu hơn về vai trò chủ thể của mình trong xây dựng NTM, góp phần tích cực xây dựng vùng quê ngày càng giàu đẹp. Nhờ thế, việc Đông Sang cán đích Nông thôn mới vào cuối năm nay là rất khả quan.
Theo Danviet
Những vườn cây ăn trái trăm triệu đẩy lùi "nàng tiên nâu" Hàng trăm ha cây thuốc phiện dần biến mất, thay vào đó là những nương, vườn cây trái xum xuê, cho thu nhập cao, ổn định. Cùng với đó, những chủ nhân của các nương thuốc phiện trước đây giờ đã trở thành các ông chủ, bà chủ với cuộc sống ngày một sung túc hơn và tương lai của con, cháu họ...