Quá tải, vẫn đầu tư trường chất lượng cao
Trong khi bậc học tiểu học, THCS vẫn đang căng thẳng về đảm bảo chỗ học cho học sinh thì ngân sách thành phố vẫn dành để phát triển trường chất lượng cao.
Phòng học đàn riêng biệt
Theo tìm hiểu của phóng viên, những năm qua, ngân sách đầu tư thêm để đưa những trường công lập bình thường thành trường chất lượng cao (kể cả những trường thí điểm chất lượng cao) là khá lớn. Xây dựng mới Trường THCS Nam Từ Liêm 97 tỷ đồng, Trường tiểu học khu đô thị Sài Đồng được đầu tư xây dựng và mua sắm trang thiết bị với tổng kinh phí 40 tỷ đồng, Mẫu giáo Việt Triều 6,5 tỷ đồng… Tuy nhiên, ở một số trường khi chuyển sang chất lượng cao thì không tuyển đủ chỉ tiêu do phụ huynh lo tăng học phí hằng năm, trong khi chưa rõ chất lượng đào tạo theo mô hình này thế nào.
Hà Nội nhiều năm qua luôn trong tình trạng quá tải sĩ số trường lớp do tốc độ đô thị hóa quá nhanh. Ngay ở các quận như Thanh Xuân, Cầu Giấy… là những địa bàn có trường chất lượng cao cũng là nơi sĩ số quá tải nghiêm trọng ở những trường công lập bình thường.
Có những trường phổ biến hơn 60 HS/lớp. Đáng nói, những quận này rất khó khăn trong quỹ đất xây dựng trường công lập song lại phát triển hệ thống ngoài công lập nhiều hơn công lập, thế nhưng học sinh tại địa phương cũng ít có điều kiện về kinh tế để theo học.
Đơn cử, khu đô thị Mỹ Đình 2 (quận Nam Từ Liêm) không có trường mầm non công lập, nhưng lại có 10 trường mầm non tư thục. Hay như khu đô thị Trung Hòa – Nhân Chính (quận Cầu Giấy) có 6 trường tư thục ở 3 cấp mầm non, tiểu học, THCS, nhưng không có trường công lập nào. Dư luận đặt câu hỏi: Tại sao không dành ngân sách để xây thêm trường công lập bình thường nhằm giảm tải, mà lại phải “lo” chuyển trường công có sẵn sang mô hình chất lượng cao để thu nhiều học phí?
Mặt khác, từ đầu năm học mới 2018-2019, Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, Sở này vừa rà soát quy hoạch mạng lưới trường học trên địa bàn 30 quận huyện. Theo đó, nhiều khu đô thị, khu công nghiệp thiếu trường lớp, thiếu đất xây dựng trường học, tập trung trong các quận nội thành như Hà Đông, Hoàng Mai, Đống Đa, Nam Từ Liêm…
Theo đó, Sở đã trình UBND TP xem xét phê duyệt quyết định điều chỉnh bổ sung quy hoạch mạng lưới trường học trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2030. Trong đó, Sở đề xuất đến năm 2030, toàn thành phố cải tạo và xây mới 1.557 trường học gồm xây mới 1.275 trường, cải tạo 282 trường. Vốn đầu tư cho việc cải tạo xây mới này dự kiến lên tới 74 nghìn tỷ đồng, trong đó công lập là 65,6 nghìn tỷ cho 1.389 trường; ngoài công lập 8,4 nghìn tỷ đồng cho 168 trường.
Người trong cuộc nói gì?
Ông Phạm Gia Hữu, Trưởng phòng Giáo dục quận Thanh Xuân:
Trường THCS Thanh Xuân hoạt động từ năm 2017 – 2018. Quận Thanh Xuân có ý tưởng xây dựng đề án trường THCS Thanh Xuân là trường chất lượng cao. Sau khi thành lập vào năm học 2017-2018, trường hoạt động theo tiêu chí của trường chất lượng cao, còn thực tế khi ấy trường chưa được công nhận. Việc xây dựng trường THCS Thanh Xuân trở thành một trường chất lượng cao một mặt thực hiện chủ trương của TP Hà Nội về phát triển mô hình trường chất lượng cao, mặt khác quận cũng mong muốn có môi trường giáo dục mũi nhọn, bồi dưỡng học sinh giỏi, được đầu tư đồng bộ với chi phí xây dựng cao hơn rất nhiều so với các trường khác. Chúng tôi xây dựng trường chất lượng cao với mong muốn cho HS ở địa bàn có nhu cầu, sẵn sàng đóng học phí cao không phải “chạy” sang các quận khác để học trường chất lượng cao.
Ông Nguyễn Viết Cẩn, Trưởng phòng Kế hoạch – Tài chính, Sở GD&ĐT Hà Nội:
Việc giám sát các trường chất lượng cao thu chi được thực hiện theo phân cấp quản lý. Hiện nay, Sở GD&ĐT Hà Nội chỉ giám sát 3 trường trực thuộc sở là THPT Phan Huy Chú, Đống Đa, Mầm non Việt Triều và Mầm non B.
Còn những trường thuộc quận huyện thì quận huyện kiểm soát. Với ba trường của sở, sở có trách nhiệm phê duyệt mức thu học phí. Mức học phí này đi kèm với chất lượng dịch vụ nào. Sau đó cuối năm sẽ xem quyết toán phần thu chi của từng trường. Trong thời gian qua, 3 trường do Sở quản lý không có vấn đề gì sai sót về thu chi. Nhưng hai trường mầm non thì hiện nay đang gặp khó khăn là thu không đủ chi vì ít học sinh. Còn trường THPT Phan Huy Chú xuất phát điểm từ trường bán công đi lên nên việc chi đảm bảo, thực hiện theo nề nếp.
Sau 5 năm được công nhận chất lượng cao, các trường sẽ được đánh giá lại. Nếu không thực hiện được thì sẽ trở về trường công lập bình thường. Nhưng khó khăn hiện nay là trường mầm non, còn cấp học khác thì phát triển tốt.
Để xây dựng trường chất lượng cao thì điều kiện đầu tiên là địa bàn đó phải đủ trường học cho con em nhân dân.
Lãnh đạo phòng giáo dục một quận của Hà Nội:
Dù là một quận của Hà Nội nhưng rất khó triển khai mô hình trường chất lượng cao, vì phụ huynh không ủng hộ. Theo quy định, nếu trên một địa bàn phường có 2 trường cùng cấp học thì có thể làm 1 trường chất lượng cao. Nhưng nói đến chất lượng cao là dân kêu ngay vì dân không có điều kiện đóng học phí cho con em mình.
Nhưng tôi vẫn nghĩ, trường chất lượng cao là để cho các trường ngoài công lập. Khối trường công lập chỉ làm đúng trách nhiệm phổ cập. Nên dành “sân chơi” ấy cho xã hội làm. Dư luận nói cũng có lý. Cơ sở vật chất là cơ sở của nhà nước xây dựng, nhưng vẫn cứ đè phụ huynh ra thu học phí cao. Nếu nhà nước vẫn đầu tư cơ sở vật chất thế thì nên cho các trường ngoài công lập thuê để họ làm. Như vậy mới bình đẳng.
Cuối tháng, HĐND sẽ giám sát trường chất lượng cao
Ông Trần Thế Cương, Trưởng ban chuyên trách Ban Văn hóa – Xã hội, HĐND thành phố Hà Nội cho biết, hiện HĐND thành phố đang yêu cầu sở GD&ĐT có báo cáo về mô hình trường chất lượng cao để Ban Văn hóa – Xã hội đi giám sát vào cuối tháng 12/2018 tới. Khi giám sát xong, Hội đồng nhân dân thành phố sẽ có ý kiến cụ thể về vấn đề này.
NGHIÊM HUÊ
Theo Tiền phong
'Cái tát' vào bệnh thành tích
Bệnh thành tích trong GD-ĐT là một trong những nguyên nhân khiến một cô giáo ở Quảng Bình phạt học sinh bằng 231 cái tát, gây xôn xao dư luận vừa qua.
Phong trào "Hai không" - nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục được phát động và thực hiện hơn 10 năm có vẻ không giúp căn bệnh này giảm đi mà càng trầm kha hơn.
Giáo viên bị "phân loại" bởi đủ thứ thi đua
Ở các nhà trường phổ thông hiện nay, hằng tuần vẫn thường công bố một bảng thi đua, xếp hạng giữa các lớp. Điều này tạo ra một áp lực khủng khiếp cho cả giáo viên (GV) chủ nhiệm và học sinh (HS). Chỉ cần một HS phạm lỗi hoặc nghỉ học (dù có lý do chính đáng, có xin phép) thì lớp đó cũng cầm chắc trong tay việc bị trừ điểm thi đua.
Một GV dạy tiểu học ở Hà Nội tâm sự: Không ai đồng tình và chấp nhận được hành vi bạo hành của GV với HS dù bất cứ lý do gì. Tuy nhiên, những người chọn nghề giáo sẽ phải là những người có "thần kinh thép" để chịu đựng rất nhiều áp lực ngoài chuyên môn để được xếp vào một "loại" nào đó. Nếu là GV chủ nhiệm lớp thì GV ấy sẽ được xếp loại về công tác chủ nhiệm của mình. Nhiều thầy cô rất nhiệt tình, năng nổ với HS, với lớp nhưng vì một lý do nào đó như HS đi học muộn, quên khăn quàng đỏ, mặc sai đồng phục... thì lớp sẽ bị tụt hạng, GV chủ nhiệm bị nhắc nhở là ít quan tâm sâu sát đến HS.
Cô Dương Thị Phương Thảo, Trường THCS Mạc Đĩnh Chi (Q.Ba Đình, Hà Nội), thẳng thắn nêu thực tế: "Đầu năm học, GV căn cứ vào tình hình thực tiễn để lập kế hoạch cá nhân và đăng ký chỉ tiêu giáo dục HS. Nhưng hầu như việc đăng ký ấy chỉ có tính hình thức vì đã bị áp đặt từ cấp trên. Bệnh thành tích của ngành giáo dục đã khiến nhiều GV cố gắng hết sức mệt mỏi, tìm mọi biện pháp để chạy theo chỉ tiêu ấy".
Nỗi sợ thi giáo viên giỏi
Tuy nhiên, theo cô Thảo, nỗi sợ hãi lớn nhất với bất cứ GV nào là thi GV dạy giỏi, thanh kiểm tra. Trong cuộc thi GV chủ nhiệm giỏi cấp TP mà cô Thảo tham dự 3 năm trước, từ vòng cấp quận, cô đã phải tất bật chuẩn bị suốt một tháng, đi khắp nơi tầm sư học đạo để xây dựng tiết học. Bởi quá căng thẳng nên khi phải tham dự cuộc thi, các GV hay nói vui với nhau là "chuẩn bị lên thớt".
Một GV cấp THPT khác ở Hà Nội cũng cho hay, cô đã không ít lần từ chối dự thi GV dạy giỏi dù được nhà trường tín nhiệm cử đi. "Tôi cố gắng mỗi giờ lên lớp khiến HS hào hứng bằng các giờ dạy của mình chứ không phải trình diễn để lấy thành tích cho cá nhân, cho nhà trường", GV này tâm sự.
Áp lực học sinh giỏi
Không chỉ áp lực phấn đấu trường đạt chuẩn quốc gia, ở Hà Nội còn có mô hình trường "chất lượng cao" để phân biệt với các trường đại trà khác. Ngoài các tiêu chí về cơ sở vật chất, đội ngũ... thì trường chất lượng cao còn có tiêu chí là 90% HS giỏi.
Một GV cho hay trong các trường học lúc nào cũng có những khẩu hiệu "Tiếp tục thực hiện cuộc vận động Hai không" của Bộ, nhưng thực tế thì diễn ra hoàn toàn trái ngược. Chẳng hạn GV dạy giỏi tâm huyết với nghề nhưng nguyên tắc không nâng điểm cho HS thì sẽ không đủ chỉ tiêu về tỷ lệ HS giỏi. Khi họp thì ban giám hiệu lại nhắc đi nhắc lại trước hội đồng và cho rằng điều đó làm ảnh hưởng tới cả trường... Áp lực kiểu như vậy khiến nhiều GV không muốn chạy theo thành tích cũng đành phải làm trái với nguyên tắc của mình để cho đủ chỉ tiêu. Có những trường đầu năm phòng GD-ĐT giao chỉ tiêu là 60% HS giỏi. Vì vậy mà thành tích ngày càng ảo.
Giáo viên Nguyễn Thị Phương Thủy (thứ hai từ phải qua) phạt học sinh bằng cách cho học sinh trong lớp tát bạn 230 cái - ẢNH: HUỆ MINH
Cô Dương Thị Phương Thảo còn cho biết: "Rất nhiều GV thực sự chán nản, mất niềm tin với nghề khi phải chấp nhận hỗ trợ điểm số cho một số HS không xứng đáng. GV THCS không còn xa lạ với hiện tượng nhiều HS lên lớp 6 vẫn không thành thạo một phép tính cộng giản đơn, không thể viết một cách chính xác, đúng chính tả ngay cả tên riêng của mình".
Học sinh bị cô giáo và bạn học tát 231 cái: Lời những người trong cuộc
Cô Phương Thảo cho rằng nếu những áp lực thành tích trên không có giải pháp khắc phục thì không những chất lượng giáo dục không được nâng lên mà còn giảm đi, mục tiêu giáo dục HS sẽ không được đảm bảo. Sẽ vẫn có những HS ngồi nhầm lớp, nhầm chỗ khi GV nâng đỡ cho đủ chỉ tiêu đăng ký. Sẽ vẫn có những sổ sách được chỉnh sửa cẩn thận cho đẹp để đối phó với các đoàn kiểm tra. Sẽ vẫn có những tiết thi GV giỏi xuất sắc nhưng hình thức, diễn kịch, khác xa với những tiết dạy nhàm chán hằng ngày nếu số tiết của GV không được giảm bớt và công việc ngoài giờ phát sinh ngày càng nhiều.
Ý kiến
HS là người chịu hậu quả nặng nề nhất
Chính vì bệnh thành tích quá nặng khiến cho cả trường lẫn GV phải dối trá quanh co, và cuối cùng HS là người gánh chịu hậu quả nặng nề nhất. Giáo dục chỉ đo kết quả học tập của HS với kết quả bằng phần trăm lên lớp, xếp loại học lực và hạnh kiểm. Đã từ lâu đội ngũ quản lý, nhà giáo trong mỗi nhà trường không được xem xét, đánh giá một cách khoa học, khách quan.
Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm (Chủ tịch Hội Tâm lý - Giáo dục TP.Hà Nội)
Cần chú trọng đào tạo luân lý chức nghiệp
Hành vi của GV quá sai khi sử dụng những hình phạt có tính bạo lực với học trò khi mà lẽ ra mình phải là người yêu thương, uốn nắn cho các em. Qua lý giải nguyên nhân dẫn đến hành xử cho thấy GV không chỉ chịu sự tác động của thành tích mà còn bởi cái tâm của nhà giáo. Để hạn chế những sự việc này, đòi hỏi quá trình đào tạo GV không chỉ là kiến thức mà còn phải nâng cao luân lý chức nghiệp.
Nguyễn Văn Ngai (nguyên Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM)
Đổi mới phương thức đánh giá giáo viên
Hiện một số trường vẫn sử dụng hình thức xét thi đua GV thông qua kết quả rèn luyện của HS nên nhiều GV dễ nôn nóng khi giải quyết những vi phạm của học trò. Vì vậy đối với GV, cần thiết nhất là sự trau dồi, học hỏi phương pháp, tình huống sư phạm để có cách xử lý phù hợp. Ngành giáo dục cần mạnh dạn đổi mới trong cách thức đánh giá GV, tập thể nhà trường, đừng "chăm chăm" vào con số, tỷ lệ khiến người dạy tìm mọi cách để đạt được kết quả đẹp.
Lê Minh Tân (GV Trường THPT Bùi Thị Xuân, TP.HCM)
Bích Thanh - Tuyết Mai (ghi)
65,43% giáo viên cho biết bị áp lực chỉ tiêu thi đua
Ngày 18.11, Viện Nghiên cứu đời sống xã hội đã công bố số liệu khảo sát trực tuyến 80 GV. Kết quả cho thấy GV đang bị áp lực nặng nề từ thi đua.
Khảo sát yêu cầu đánh giá của GV về những vấn đề mấu chốt dẫn tới tình trạng giảm sút chất lượng giáo dục hiện nay trong nhà trường, bao gồm: gia đình ít quan tâm đến việc học của con cái, thu nhập của GV quá thấp, áp lực chỉ tiêu thi đua, sách giáo khoa không phù hợp, cơ sở vật chất không đầy đủ... Trong đó, "áp lực của chỉ tiêu thi đua" là lý do GV lựa chọn nhiều nhất (65,43%).
Kết quả khảo sát cũng cho thấy có đến 61,72% GV chọn giải pháp "loại bỏ các chỉ tiêu thi đua trong nhà trường". Một số giải pháp khác cũng chiếm số lượng lựa chọn cao: giảm những công việc ngoài chuyên môn như làm sổ sách, thu tiền... (82,76%), có chế độ lương bổng thích hợp để đảm bảo cuộc sống (81,48%).
Về mức độ cảm thấy áp lực chỉ tiêu, thành tích, có 29,63% GV cho biết bị rất thường xuyên, 32,1% số GV bị thường xuyên, 35,8% GV thỉnh thoảng.
Từ thực tế này, nhóm nghiên cứu đưa ra các kiến nghị trong đó có bãi bỏ các chỉ tiêu thi đua và khôi phục quyền tự chủ sư phạm cho nhà giáo.
Đăng Nguyên (ghi)
Khởi tố vụ học sinh bị cô giáo và bạn học tát 231 cái
Ngày 26.11, Cơ quan CSĐT Công an H.Quảng Ninh (Quảng Bình) đã ra quyết định khởi tố vụ án "hành hạ người khác" xảy ra tại Trường THCS Duy Ninh để điều tra làm rõ. Như Thanh Niên đã phản ánh, theo thông tin ban đầu, trong buổi học chiều 19.11, vì lý do H.L.N (học lớp 6.2, Trường THCS Duy Ninh) nói "dân ca Thanh" thay vì nói đầy đủ "dân ca Thanh Hóa" như bài học mà một số học sinh cùng lớp đã tố với giáo viên chủ nhiệm lớp Nguyễn Thị Phương Thủy là N., chửi bạn (Thanh là tên mẹ của một bạn cùng lớp). Sau đó, bà Thủy yêu cầu 23 HS trong lớp mỗi người tát N. 10 cái; bà Thủy cũng tát N. 1 cái.
Quang Nam
Theo thanhnien
Sống chậm cuối tuần: Học đi Ông cha ta có câu "Học ăn, học nói, học gói, học mở" để nói về cái việc học đầu đời của mỗi con người. Nhờ được "học ăn, học nói, học gói, học mở" ngay từ thuở ấu thơ nên con người đã hình thành nên nhân cách, hiểu được cách ứng xử trong cuộc đời. Nhưng sao chỉ có học ăn,...