Quá tải lớp 1 vì ‘heo vàng’
Khi số lượng trẻ sinh năm Đinh Hợi 2007 tăng chóng mặt, mọi người đã dự đoán 6 năm sau sẽ là năm khó khăn đối với các trường tiểu học.
Thực tế đúng như vậy khi năm học 2013-2014 sắp tới, lãnh đạo nhiều trường tiểu học tại TP.HCM và Hà Nội lên phương án không tổ chức học 2 buổi, bán trú để đảm bảo chỗ cho “ heo vàng” vào học lớp 1.
Trẻ lớp lá trường Mầm non 19/5 (TP.HCM) trong giờ học vẽ. Số trẻ trong năm “heo vàng” này tăng mạnh khiến các trường tiểu học quá tải học sinh lớp 1.
Số vào gấp 2 lần số ra
Đa số lãnh đạo phòng giáo dục các quận, huyện tại 2 thành phố lớn đều nhận định tình hình năm nay khá căng thẳng.
Lãnh đạo một phòng giáo dục tại TP.HCM cho biết thông thường, theo quy trình, cuối năm học trước có bao nhiêu học sinh (HS) hoàn thành bậc tiểu học thì vào năm học mới sẽ có bấy nhiêu HS được tiếp nhận vào học lớp 1, nếu có tăng thì số lượng không đáng kể. Tuy nhiên, do nguyên nhân khách quan về tăng dân số nói trên cùng với số lượng dân nhập cư, năm nay tình hình không theo quy trình đó.
Ông Trần Hữu Vĩnh, Trưởng phòng giáo dục quận Bình Tân (TP.HCM), thông tin: “Đến thời điểm này, qua điều tra, thống kê số lượng trẻ 6 tuổi của quận đã vào khoảng 10.000, tăng hơn 3.000 so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, tổng số HS lớp 5 ra trường mới chỉ có khoảng 4.600. Tức là trước mắt chúng tôi phải tính toán làm sao để cho hơn 5.000 HS còn lại có chỗ học”.
Căng thẳng không kém phải kể đến quận Gò Vấp (TP.HCM). Bà Đỗ Thị Hoa, Phó phòng giáo dục quận, lo lắng nói: “Năm học tới có hơn 10.000 trẻ vào lớp 1, tăng gần 3.000 trẻ so với năm ngoái. Trong khi đó số HS lớp 5 ra trường chỉ có hơn 6.000 và trên địa bàn quận không có trường tiểu học nào mới hết. Qua tính toán, phân bổ trung bình sĩ số của các lớp có thể phải lên đến 55 HS/lớp”.
Theo thống kê bước đầu của quận Tân Bình (TP.HCM), năm nay tăng hơn 1.000 HS lớp 1. Lãnh đạo quận này cho biết năm học tới có thêm một trường tiểu học mới đưa vào sử dụng nhưng một trường khác lại đang xây mới nên số chỗ học coi như không có sự thay đổi. Trong khi đó, theo ông Trần Trọng Khiêm, Phó phòng giáo dục quận Tân Phú (TP.HCM), trẻ ở tỉnh khác theo cha mẹ về thành phố ồ ạt vào tầm tháng 5, tháng 6. Lúc đó, chắc chắn con số này còn biến động, đặc biệt với những quận bị nhiều áp lực về dân nhập cư như quận Bình Tân, Gò Vấp, Tân Phú…
Theo thống kê sơ bộ của Sở GD – ĐT Hà Nội, số lượng HS vào lớp 1 năm học 2013 – 2014 là 125.000, tăng khoảng 11.000 HS so với năm học trước. Điều đáng lo ngại, cũng giống như TP.HCM, Hà Nội chỉ khoảng hơn 87.000 HS lớp 5 ra trường, so với số HS chuẩn bị nhập học chênh khoảng 38.000. Trong khi đó, địa phương này vốn vẫn luôn đối mặt với thực trạng thiếu phòng học.
Bà Nguyễn Thị Minh Xuyến, Phó trưởng phòng GD – ĐT quận Cầu Giấy (Hà Nội), cho hay: “Chưa có con số thống kê cụ thể nhưng ước tính số HS đúng độ tuổi vào lớp 1 có hộ khẩu thường trú tại địa bàn năm nay tăng khoảng gấp đôi so với năm ngoái”.
Tăng sĩ số, giảm bán trú
Trước tình trạng này, các trường đã lên kế hoạch, đặt ra nhiều giải pháp để đảm bảo có chỗ học cho HS.
Tại TP.HCM, chẳng hạn ở quận Tân Phú, ông Trần Trọng Khiêm tính toán: “Những lớp nào 35 HS/lớp sẽ tăng lên thành 44 HS/lớp, có muốn cũng không thể tăng thêm nữa vì HS đã phải ngồi sát bục giảng rồi”. Dù vậy vẫn chưa giải quyết hết số lượng khoảng 1.000 HS tăng trong năm nay nên quận sẽ cắt giảm tỷ lệ HS bán trú ở tất cả các trường, trong khi hiện đây là một trong những quận có số HS bán trú thấp nhất thành phố. “Năm nay có thể chỉ ưu tiên những lớp nhỏ cần chăm sóc học bán trú”, lãnh đạo quận tiết lộ.
Xóa bán trú cũng là giải pháp cấp bách ở quận Gò Vấp. Chẳng hạn như ở trường tiểu học Kim Đồng, năm nay phải dồn lớp, cắt lớp hai buổi, xóa bán trú may ra mới đảm bảo chỗ học 630 HS (trong khi năm ngoái chỉ có 300 HS vào lớp 1). Còn quận Bình Tân, dù có thêm 2 trường mới nhưng vẫn không thể đáp ứng hết nhu cầu. Vì vậy theo lãnh đạo quận, có thể sẽ giảm tỷ lệ bán trú từ 40% xuống còn 20%.
Luân phiên nghỉ học
Căng thẳng chỗ học ở các quận trung tâm của Hà Nội là nỗi bức xúc của người dân trong nhiều năm qua. Năm nay, tình hình càng khó khăn hơn.
Video đang HOT
Bà Phạm Thị Ngân Bình, Hiệu trưởng trường Tiểu học Đặng Trần Côn A, (quận Thanh Xuân), cho biết: “Nhà trường không còn phòng học nào trống”. Một số trường tiểu học do không thể cơi nới thêm phòng học đành lên phương án cho HS nghỉ học luân phiên để có thêm chỗ học. Chẳng hạn trường tiểu học Đại Kim (quận Hoàng Mai) do thiếu phòng học nên sẽ không thể cho HS đồng loạt nghỉ học vào cả hai ngày thứ bảy, chủ nhật mà phải luân phiên nghỉ học vào các ngày thường theo từng khối lớp. Ví dụ khối lớp 1 được nghỉ ngày thứ hai; lớp 2 nghỉ học vào thứ ba…
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Minh Xuyến cho biết, quận Cầu Giấy đang tiến hành rà soát lại toàn bộ cơ sở vật chất của các trường để lên phương án tuyển sinh sao cho phù hợp. “Phải chấp nhận việc sĩ số tăng so với năm trước nhưng vẫn cố gắng để đảm bảo duy trì số HS được học 2 buổi/ngày tại trường”, bà Xuyến nêu quan điểm.
Cũng theo bà Xuyến, một số trường vốn là điểm nóng tuyển sinh mới đây đã được xây thêm tầng. Những trường còn lại sẽ tận dụng, cải tạo tất cả phòng chức năng… để làm phòng học cho HS.
Phân tuyến tuyển sinh phù hợp, tránh dồn áp lực vào một số trường
Tại cuộc họp giao ban mới đây với các quận huyện về GD – ĐT, bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó chủ tịch UBND TP.Hà Nội, yêu cầu: “Tăng 11.000 HS nhưng tập trung ở quận, huyện nào thì ngành giáo dục phải nắm chắc. Chỗ nào có đột biến, có khó khăn phải báo cáo Sở GD – ĐT và thành phố để có hướng giải quyết. HS lớp 1 lần đầu tiên đến trường, không thể có tình trạng đẩy qua đẩy lại. Các quận, huyện cần có quyết sách sớm tăng lớp hay phân tuyến”.
Ông Phạm Xuân Tiến, Trưởng phòng giáo dục tiểu học, Sở GD – ĐT, yêu cầu: “Sở quán triệt các quận huyện phải có phân tuyến tuyển sinh phù hợp để tránh áp lực dồn vào một số trường trong khi trường của phường ngay kế bên lại thưa vắng HS. Thông tin phân tuyến cần công khai, minh bạch để người dân nắm rõ con em mình thuộc địa bàn tuyển sinh nào”.
Theo Thanh Niên
Thử làm đề thi vào lớp 1 trường Đoàn Thị Điểm
Để vượt qua kỳ kiểm tra trắc nghiệm vào lớp 1 của trường THDL Đoàn Thị Điểm năm 2011-2012, các sĩ tử 6 tuổi đã phải trải qua ba phần thi với nhiều câu hỏi không hề dễ dàng.
Trường THDL Đoàn Thị Điểm Hà Nội là một trong những nơi đến mơ ước của các bậc phụ huynh thủ đô. Và để "vượt vũ môn", các sĩ tử nhí phải trải qua những bài thi khá phức tạp.
Cấu trúc kiểm tra học sinh vào lớp 1 của trường THDL Đoàn Thị Điểm được tiến hành qua các bước gồm trắc nghiệm IQ và kiểm tra khả năng kể chuyện, ngoại ngữ. Cô giáo sẽ đọc để thi để các em làm bài. Dưới đây là nội dung trắc nghiệm để tuyển đầu vào lớp 1 của trường năm 2011-2012.
Trắc nghiệm IQ
Phần 1: Quan sát
Câu 1: Khoanh tròn vào hình không giống với các hình còn lại.
Câu 2: Hình chữ nhật dưới đây bị thiếu 1 miếng. Miếng nào trong số các miếng ở dưới có thể ghép kín phần bị thiếu? Hãy khoanh tròn miếng ghép đó.
Phần 2: Nhận biết
Câu 3: Những vật nào dưới đây có thể lớn lên nhờ ăn uống và chăm sóc? Khoanh tròn các hình đó.
Câu 4: Nối mỗi đôi giầy đúng với chủ của nó.
Phần 3: Tư duy logic
Câu 5: Vẽ thêm một hình tròn để có hai hàng, mỗi hàng đều có 4 hình tròn.
Phần 4: Trắc nghiệm
Câu 1: Học sinh làm bài trong 30 giây
Giáo viên hướng dẫn: Hãy quan sát 3 hình vẽ 3 lớp học ở câu 1 trong 10 giây. Cô giáo của Mai không mặc váy, Lớp của Mai không có chậu hoa. Hãy đánh dấu X vào ô trống cạnh lớp học của Mai.
Câu 2: Học sinh làm bài trong 1 phút
GV hướng dẫn: Hãy khoanh tròn vào hình bàn tay trái.
Câu 3: Học sinh làm bài trong 1 phút, mỗi câu 30 giây
GV hướng dẫn: Hãy tìm và gạch chéo hình không giống với hình còn lại.
Câu 4: Học sinh làm bài trong 1 phút, mỗi câu 30 giây
GV hướng dẫn: Quan sát các hình vẽ đã được sắp xếp theo qui luật. Chọn một ô thích hợp để nối vào vị trí dấu chấm.
Câu 5: Học sinh làm bài trong 30 giây
GV hướng dẫn: Quan sát hình vẽ. Chú khỉ (màu đen) được cắt ra từ ô hình nào? Hãy nối hình chú khỉ với ô hình đó.
Câu 6: Học sinh làm bài trong 1 phút
GV hướng dẫn: Vẽ thêm chấm tròn vào hình bên phải sao cho giống hệt hình bên trái.
Kiểm tra khả năng kể chuyện
Đề bài là dựa trên ba bức tranh cho trước, các em kể lại thành một câu chuyện thật "ngắn" và có ý nghĩa.Do các em học sinh đều chưa đọc thông viết thạo nên giáo viên sẽ chỉ tay vào từng bức tranh để học sinh hiểu hơn.
Dựa trên 3 bức tranh này học sinh phải tự kể một câu chuyện ngắn.
Kiểm tra khả năng tiếng Anh
Giáo viên sẽ đọc các từ và các câu tiếng Anh. Sau đó, học sinh nhắc lại. Chủ yếu là để kiểm tra khả năng nghe, phát âm và nhớ từ, câu của học sinh.
Đề thi tiếng Anh gồm 2 câu:
Câu 1: Nghe và nhắc lại theo cô
1. school. 2. ruler. 3. hand. 4.number. 5. color
Câu 2: Nghe và nhắc lại theo cô
Take out your pencil, please!
AN HOÀNG
Theo Infonet
Rầm rộ đăng ký vào sư phạm Hôm nay, 11/4 là hạn cuối cùng để thí sinh nộp hồ sơ đăng ký dự thi ĐH, CĐ theo hệ thống các Sở GD-ĐT. Tại Hà Nội, ghi nhận ban đầu cho thấy có sự chuyển biến tích cực trong lựa chọn ngành nghề của các thí sinh. Khối kinh tế giảm nhiều Một trong những điểm khiến các chuyên gia tuyển...