Quá tải lớp 1
Dù quy định 35 học sinh/lớp nhưng thực tế sĩ số nhiều trường tiểu học tại TP.HCM và các tỉnh thành lớn đều trên 55 học sinh/lớp.
Khổ vì “ heo vàng” ?
Theo thống kê chưa đầy đủ của Sở GD-ĐT TP.HCM, năm học mới có 111.000 học sinh (HS) vào lớp 1, tăng khoảng 10.000 so với năm học 2012- 2013. Vì vậy mà lãnh đạo phòng giáo dục các quận huyện đều cho rằng buộc phải tăng sĩ số lớp để đảm bảo chỗ học cho HS.
Ở khu vực nội thành, Trường tiểu học Hòa Bình (Q.1) nhận khoảng hơn 300 HS lớp 1, tăng khoảng 100. “Sĩ số trung bình các lớp xấp xỉ 50 HS/lớp. Để đảm bảo chỗ học, nhà trường buộc phải giảm một số lớp bán trú”, ông Lý Văn Huệ, Hiệu trưởng nhà trường cho biết. Ở Q.Bình Thạnh, Trường tiểu học Tầm Vu năm nay tăng 2 lớp 1, mỗi lớp có 52 HS. Ông Trần Tuấn Huy, Hiệu trưởng Trường tiểu học Hà Huy Tập, cho biết: “Năm nay trung bình mỗi lớp là 51 HS, năm trước thì chưa đến 50″. Trường tiểu học Hồng Hà năm nay cũng phải nhận thêm 2 lớp 1, trung bình mỗi lớp có từ 50 đến 54 HS.
Năm nay Q.Gò Vấp tăng thêm gần 2.000 HS. Bà Đỗ Thị Hoa, Phó phòng Giáo dục, khẳng định: “Năm ngoái sĩ số cao nhất là 47 HS/lớp, năm nay trường nào ít nhất cũng 50 HS/lớp, có trường lên đến 55″.
Bà Đặng Mỹ Phương, Hiệu trưởng Trường tiểu học Kỳ Đồng (Q.3), cho hay: “Năm học trước sĩ số có thể coi là khá lý tưởng vì chỉ có từ 36 đến 40 HS/lớp. Năm nay sĩ số các lớp đội lên thành 47 HS”.
Lãnh đạo phòng giáo dục cũng như hiệu trưởng các trường tiểu học đều khẳng định điều này xuất phát từ việc tăng dân số cơ học. HS vào lớp 1 năm nay sinh vào năm 2007 là năm mà dân gian thường gọi là heo vàng.
Lớp 1 Trường tiểu học Hồng Hà (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) có sĩ số từ 50-54 HS/lớp – Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Lo âu về chất lượng
Video đang HOT
Sĩ số lớp tăng cao nên vấn đề phụ huynh quan tâm là làm sao đảm bảo chất lượng dạy và học. Ông Đỗ Thế Phương nhấn mạnh: “Đây là thời điểm đòi hỏi sự nỗ lực tối đa của đội ngũ giáo viên lớp 1″. Trường này lựa chọn giáo viên phù hợp dạy khối lớp 1, tổ chức lớp theo hình thức phân nhóm để thực hiện các yêu cầu của kiến thức. Ông Trần Trọng Khiêm, Phó trưởng phòng Giáo dục Q.Tân Phú, khuyến cáo: “Quận đã tổ chức các buổi bồi dưỡng cho giáo viên khối lớp 1 về phương pháp, kỹ năng dạy học theo hướng cá thể. Bắt buộc giáo viên phải quan sát từng bé nhưng do lớp đông, giáo viên cần phải thể hiện vai trò, tay nghề của mình qua việc cảm nhận trẻ nào cần mình nhiều hơn”. Về điều kiện cơ sở vật chất, ông Huỳnh Long, Hiệu trưởng Trường tiểu học Lê Lai (Q.Tân Phú), thông tin: “Ngoài hệ thống âm thanh có sẵn, nhà trường còn trang bị thêm quạt, đèn, bàn ghế để phục vụ cho việc dạy và học”.
Tuy nhiên, xem ra các giải pháp này cũng chưa cụ thể dành riêng cho một lớp học lên đến hơn 50 HS, đặc biệt với HS đầu cấp như lớp 1. Vì thế đảm bảo việc dạy học đàng hoàng trong tình hình này là chuyện không dễ dàng với các giáo viên.
Giảm bán trú vì HS quá đông
Năm học 2013-2014, Hà Nội có 1,59 triệu HS các cấp, tăng gần 66.000 HS so với năm học trước. Trong đó, tăng mạnh nhất là trẻ vào lớp 1, với hơn 11.000 HS. Tại Q.Cầu Giấy, chỉ Trường tiểu học Dịch Vọng A đạt được sĩ số 50-51 HS lớp 1 cho năm học tới, Trường tiểu học Nguyễn Khả Trạc có 54 HS/lớp, 8 trường còn lại sẽ phải chịu cảnh ít nhất là 55 HS/lớp. Trường tiểu học Phương Liệt, Q.Đống Đa đã phải chuyển phòng thể chất và cả phòng hội đồng của giáo viên để thành phòng học. Với số lượng HS tăng cao như năm nay, các trường tiểu học Đà Nẵng tiếp tục “vỡ” bán trú. Theo lãnh đạo Trường tiểu học Phù Đổng, năm nay, chỉ 12/70 lớp tổ chức bán trú, trong đó ưu tiên các lớp tiếng Pháp tăng cường nên chỉ có 2 lớp 1 được học bán trú. Trường tiểu học Hoàng Văn Thụ chỉ tổ chức bán trú cho 19 lớp, ưu tiên các lớp tiếng Pháp tăng cường nên sẽ có 12 lớp chỉ học 1 buổi trong ngày. T.Nguyễn – D.Hiền
Theo TNO
Đến tuổi vào lớp 1, 'heo vàng' học nhờ trường... hàng xóm
Lứa "heo vàng" vào lớp 1 năm nay quá đông dẫn đến tình trạng trường lớp không đủ. Ngày tựu trường của không ít học sinh thiếu đi niềm hân hoan khi trường, lớp, bảng phấn, ghế bàn đều là của trường... hàng xóm.
Năm học 2013-2014, TP.HCM tăng thêm 40.804 học sinh so với năm học trước. Hơn 1.314 phòng học mới sẽ đưa vào sử dụng trong năm học này nhưng vẫn chưa đáp ứng được chỗ học. 127 phụ huynh trường tiểu học Phước Long A, quận 9 bàng hoàng khi nhận được thông báo con họ sẽ chuyển sang một trường khác ngay trong ngày tựu trường.
Từ ngày 12 đến 15/8, trong khi bạn bè đã bước vào năm học mới thì cả trăm học sinh trong danh sách chuyển trường phải vạ vật ở hành lang, sân trường vì chưa có chỗ học (danh sách đã có ở trường mới nhưng phụ huynh không đồng ý chuyển đi).
Đáng nói là những học sinh này đều tham gia học hè, sinh hoạt đầu năm, mua đồng phục, phù hiệu và chuẩn bị tinh thần bước vào năm học mới tại trường tiểu học Phước Long A.
Phụ huynh trường tiểu học Phước Long A, quận 9, TP.HCM tập trung trước cổng trường sáng 14-8 để phản ứng chuyện hơn 100 học sinh phải chuyển trường ngay đầu năm học
Đột ngột chuyển trường
Do trường tiểu học Phước Long A là trường chuẩn quốc gia đang quá tải học sinh, Phòng GD-ĐT quận 9 đã có tờ trình ngày 9/8 xin UBND quận cho phép điều tiết lại học sinh bằng cách chuyển 127 học sinh của trường này sang một cơ sở của trường tiểu học Phước Long B (trường này hiện đang được xây mới, dự kiến khánh thành vào học kỳ 2 năm học 2013-2014).
Danh sách 127 học sinh phải chuyển trường được lấy theo địa bàn sinh sống, ưu tiên những khu phố gần trường mới. Sáng 15/8, cuộc họp giữa ban giám hiệu trường tiểu học Phước Long A và những phụ huynh có con em phải chuyển trường kéo dài tới gần 11h nhưng chưa có kết quả.
Người dân phản ứng mạnh mẽ việc con họ có hộ khẩu tại địa phương lại bị chuyển trường đột ngột. Chị Vinh - phụ huynh ở khu phố 5, có con học lớp 2 - bức xúc: "Lớp có 36 học sinh, thiết nghĩ cũng không quá đông, chỉ có một mình con tôi bị chuyển đi khiến tâm lý của cháu bị ảnh hưởng. Không biết trường căn cứ tiêu chí gì để chuyển con tôi đi trong khi cháu đã tham gia học hè, mua đồng phục đầy đủ?".
Một phụ huynh có con năm nay vào lớp 1 kể: "Cháu khóc vì không được đi học. Ba ngày nay cháu vẫn đến trường nhưng chỉ được ngồi ở hành lang. Tôi không hiểu vì sao nhà trường lại thông báo đột ngột như vậy, không chuẩn bị tinh thần, không trưng cầu ý kiến phụ huynh, trẻ con mới ngày đầu đi học sao lại không được vào lớp? Chúng tôi là người dân sinh sống lâu năm ở đây, sao lại không được học trường gần nhà?".
Tương tự, năm học này hơn 500 học sinh lớp 6 trường THCS Tân Sơn, Gò Vấp phải học nhờ tại trường THCS Phạm Văn Chiêu gần đó, bởi dự kiến đến tháng 12/2013 công trình xây dựng trường Tân Sơn mới hoàn thành. Đây là ngôi trường đã được duyệt dự án từ năm 2006, trải qua biết bao "thăng trầm", cuối cùng cũng được khởi công tháng 2/2011.
Theo kế hoạch, trường sẽ hoàn thành trong 17 tháng nhưng rồi lại vướng mắc trong việc giải tỏa, đền bù, trường đã lỡ hẹn với năm học 2012-2013 và tới năm học mới này, trường cũng đành khất học sinh cho "nợ" một học kỳ. Vậy là học kỳ đầu tiên của năm học mới, giáo viên và học sinh của trường phải "ăn nhờ ở đậu" trường bạn.
Tại quận Tân Phú, hàng trăm học sinh lớp lá sẽ được học nhờ tại các nhà văn hóa trên địa bàn bởi trường lớp không đủ đảm bảo phổ cập mầm non cho trẻ 5 tuổi. Để xin được chỗ học cho con, hàng trăm phụ huynh ở phường Phú Thọ Hòa và phường Phú Thạnh phải chầu chực từ nửa đêm để xếp hàng, lấy số.
Bởi phường Phú Thạnh là phường "trắng" trường mầm non. Hai phường chỉ có một trường mầm non công lập, dù trường đã được xây mới nhưng số phòng học cũng chỉ đáp ứng 1/3 nhu cầu người dân, dẫn đến chuyện xếp hàng chờ xin chỗ học cho con.
Tranh chấp... chỗ học
Việc tăng dân số cơ học quá nhanh đã làm các trường tiểu học gặp nhiều khó khăn trong quá trình tuyển sinh. Theo Phòng GD-ĐT quận 9, số lượng học sinh vào lớp 1 trong năm học 2013-2014 tăng quá cao so với mọi năm. Nếu năm học trước số học sinh lớp 1 chỉ khoảng 3.000 em thì năm nay quận có đến 5.053 học sinh vào lớp 1.
Bà Lê Thị Minh Loan, trưởng Phòng GD-ĐT quận 9, cho biết con số điều tra ban đầu chỉ có 3.792 em nhưng đến bây giờ đã phát sinh thêm 1.261 học sinh vào lớp 1 diện tạm trú. Quận phải điều tiết lại học sinh của một số trường để các trường không bị quá tải, trong khi chờ Trường Phước Long B đang xây được bàn giao.
"Phương án thứ nhất là tạm thời số học sinh từ Phước Long A chuyển sang sẽ học ở một cơ sở của Phước Long B, chờ đến học kỳ 2 sẽ qua trường mới. Nếu phụ huynh không đồng ý phương án 1 thì phương án 2 là Trường Phước Long A với cả ngàn học sinh buộc phải chuyển từ học hai buổi thành học một buổi trong học kỳ 1, cũng sẽ xáo trộn không ít. Đến học kỳ 2 các em này vẫn sẽ chuyển sang Trường Phước Long B mới xây xong với 30 phòng học. Chúng tôi rất mong phụ huynh thông cảm" - bà Loan nói.
Cũng theo bà Loan, để không phải giảm bớt số học sinh học 2 buổi/ngày, một số trường tiểu học đã phải tăng thêm số lớp 1 so với dự kiến. Ví dụ, trường tiểu học Đinh Tiên Hoàng ban đầu mở ba lớp 1, giờ tăng lên năm lớp bằng cách tận dụng tối đa các phòng hiện có. Trong đó, nhà trường phải lấy cả phòng giáo viên làm phòng học.
Trường tiểu học Hiệp Phú từ sáu tăng lên chín lớp 1, trong đó phải tận dụng cả phòng văn thư - kế toán làm phòng học. Trường tiểu học Lê Văn Việt từ ba tăng lên bốn lớp 1, trong đó tận dụng cả phòng Đoàn - Đội làm phòng học.
Ở Củ Chi, việc "tranh chấp" chỗ học đã khiến một số phụ huynh ở trường tiểu học An Phú 2 phải đi "kiện". Nguyên nhân là vì trường THCS An Phú sắp khởi công xây dựng mới trên nền đất cũ, học sinh phải chuyển sang học nhờ ở phân hiệu của Trường tiểu học An Phú 2.
Trong khi đó, hơn 100 học sinh ở phân hiệu của An Phú 2 phải đi thêm 3km (so với điểm học cũ) về học tại trụ sở chính của trường. Ông Trần Văn Toản, phó trưởng Phòng GD-ĐT huyện Củ Chi, giải thích: "Nếu không sắp xếp như thế thì không thể xây dựng mới trường THCS An Phú. Phụ huynh An Phú 2 than là phải đưa con đi học quá xa. Chúng tôi đã bố trí xe buýt đưa đón học sinh miễn phí từ địa bàn dân cư đến thẳng trụ sở chính của An Phú 2, phụ huynh không phải đưa đón nữa".
Theo Tuoitre
'Heo vàng' dự tuyển vào lớp 1 Đeo thẻ dự thi với số báo danh, các bé sinh năm 2007 (năm được xem là heo vàng) theo chân thầy cô vào khu vực kiểm tra kiến thức tư duy logic, kể chuyện theo tranh và tiếng Anh. Sáng 31/5, trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm (Từ Liêm, Hà Nội) tổ chức kiểm tra lựa chọn học sinh lớp 1. Năm...