Quá tải học trực tuyến
Dù là phương án tối ưu khi việc học trực tiếp bị gián đoạn do dịch Covid-19 nhưng việc học trực tuyến hiện nay, nhất là ở độ tuổi tiểu học, đang gây quá tải cho nhiều gia đình
Hải Phòng là địa phương đầu tiên vừa cho học sinh (HS) lớp 1 và lớp 2 dừng học trực tuyến vì không hiệu quả và gây khó khăn cho phụ huynh. Trong khi đó, tại TP HCM, một địa phương có nhiều điều kiện thuận lợi hơn nhưng việc học trực tuyến cũng đang gặp nhiều khó khăn. Theo tìm hiểu của phóng viên, việc dạy và học trực tuyến tương đối ổn định và hiệu quả với bậc THPT và ngược lại với các bậc học còn lại.
Sáng, tối học cùng con
Đã gần một tuần kể từ khi HS TP HCM chuyển sang học trực tuyến theo lệnh ngừng đến trường để phòng chống dịch Covid-19, nhiều gia đình vẫn phải nhọc nhằn xoay xở để học cùng con.
Chị Mai Thanh, phụ huynh Trường Tiểu học Bế Văn Đàn (quận Bình Thạnh), cho biết nhà chị có 2 bé đang học lớp 1 và lớp 5. Với bé lớp 5 thì ba mẹ không phải lo vì con đã chủ động, tự giác làm các bài tập cô giao, với những phần không hiểu thì nhờ ba mẹ nhắn lại cô để hỏi thêm. Nhưng với bé lớp 1, ngược lại rất khó khăn. Lý do là độ tuổi còn nhỏ, bé chưa thể tập trung, muốn làm hay học gì cũng phải có người lớn bên cạnh hỗ trợ, nên thời gian con học trực tuyến thì hai vợ chồng thay phiên nhau nghỉ phép để học cùng con.
“Theo lịch, cứ 7 giờ 30 phút hằng ngày, cô giao bài. Nhưng bé còn nhỏ, có khi đến 10 giờ mới thức dậy. Có những hôm mà buổi chiều giáo viên (GV) kiểm tra bài tập thì trưa đó cả nhà cùng bò ra để học và làm cùng con” – chị Thanh cho biết.
Dù vậy, cũng theo chị Thanh, hình thức GV giao bài tập, HS làm xong chụp lại và gửi cô tuy vẫn phải có phụ huynh hỗ trợ nhưng khá “dễ thở” cho HS và gia đình chủ động.
Trong khi đó, khảo sát ý kiến nhiều phụ huynh khi con học trực tuyến ở bậc tiểu học bằng hình thức tương tác trực tiếp, đa số câu trả lời chúng tôi nhận được là “quá tải”.
Chị Yến Vy, có con học lớp 3 một trường tiểu học tại quận Phú Nhuận, cho biết con chị mỗi giờ học phải bật camera và học bài, thảo luận trực tiếp với GV và các bạn cùng lớp. “Tuy chỉ học 3 môn là toán, tiếng Việt và ngoại ngữ nhưng mỗi giờ học của con đều có phải có phụ huynh ngồi cạnh, vừa giúp con tập trung vừa hỗ trợ phần máy móc” – chị Vy nêu thực tế.
Giờ học trực tuyến của một học sinh lớp 2 ở TP HCM
Video đang HOT
Chỉ dạy một số môn chính
Dù TP HCM là địa phương có nhiều thuận lợi khi triển khai dạy và học trực tuyến nhưng theo Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) TP HCM, hình thức này vẫn gặp những khó khăn nhất định, nhất là HS nhỏ tuổi chưa thật sự phù hợp với việc học tập trực tuyến, đặc biệt là lớp 1, 2, 3 nếu không có sự hỗ trợ của phụ huynh. Việc duy trì nền nếp, kỷ cương khi học tập ở nhà đối với trẻ nhỏ cũng gặp nhiều vất vả.
Để giảm tải cho HS, nhiều trường chọn phương án chỉ dạy một số môn chính. Ông Nguyễn Văn An, Hiệu trưởng Trường THCS Tăng Bạt Hổ (quận 4), cho biết hiện nhà trường chỉ tổ chức dạy môn chính khóa; các môn như giáo dục kỹ năng sống, tiếng Anh với người nước ngoài tạm thời chưa dạy.
Còn theo ông Từ Quốc Tuấn, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lương Định Của (quận 3), trường tổ chức dạy theo quy định của Sở GD-ĐT TP HCM, nghĩa là lớp 1, 2, 3 chỉ dạy trực tuyến 3 môn là toán, tiếng Việt và ngoại ngữ. Cách dạy của trường là GV quay video bài giảng gửi cho HS, các em xem, làm bài tập, gửi lại cho GV.
Ông Tuấn cho rằng ở độ tuổi tiểu học, HS còn nhỏ, rất khó tập trung ngồi một chỗ nếu không có phụ huynh kèm. Vì vậy, nếu dạy theo hình thức tương tác trực tiếp sẽ không hiệu quả và gây khó cho phụ huynh.
Ông Vũ Hoàng Sơn, GV Trường Tiểu học Bình Hòa (quận Bình Thạnh), cho biết dù là năm thứ 2 triển khai dạy trực tuyến nhưng hình thức dạy trực tuyến vẫn còn khá mới mẻ đối với một số thầy cô và HS. Theo ông Sơn, dạy học trực tuyến phụ thuộc nhiều yếu tố như đường truyền internet, phần mềm hỗ trợ, cả thái độ của HS…
Vì vậy, khi GV đã lựa chọn phương án dạy học trực tuyến thì nên lưu ý các vấn đề như: tìm hiểu kỹ các tính năng của phần mềm đang sử dụng để có thể khắc phục các sự cố không mong muốn xảy ra trong quá trình giảng dạy. Đề ra những quy định đối với HS khi tham gia lớp học và yêu cầu HS nghiêm túc thực hiện, nếu vi phạm sẽ mời ra khỏi lớp, báo cáo với ban giám hiệu nhà trường để có hình thức xử lý.
“Phụ huynh cũng cần phối hợp với nhà trường, GV trong quá trình diễn ra các lớp học trực tuyến và chủ động dạy con về vấn đề an ninh mạng, văn hóa ứng xử, giao tiếp… để các em có ý thức hơn khi tham gia lớp học… Có như vậy mới bớt gây quá tải cho cả thầy và trò” – ông Sơn nói.
Tổ chức dạy học không gây khó cho phụ huynh
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động , một lãnh đạo Sở GD-ĐT TP HCM cho biết sở đã ban hành hướng dẫn dạy và học trực tuyến sau Tết, trong đó quy định hiệu trưởng chỉ đạo GV xây dựng kế hoạch dạy học trên internet cho HS bằng nhiều giải pháp khác nhau và tổ chức vào khung thời gian không gây khó khăn cho phụ huynh.
Trước đó, theo quy định của sở này, việc dạy học trực tuyến sẽ tập trung cho các môn học theo khối lớp. Cụ thể, đối với khối lớp 1, 2, 3 là các môn toán, tiếng Việt, ngoại ngữ; khối lớp 4, 5 tập trung vào môn toán, tiếng Việt, ngoại ngữ, khoa học, lịch sử và địa lý.
Đối với những trường có điều kiện, khuyến khích GV các môn khác cùng tham gia thực hiện dạy học trực tuyến. Với những địa phương và các khối lớp còn khó khăn, GV có thể xây dựng, thiết kế các hoạt động và hệ thống bài tập qua tin nhắn, thư điện tử, các phương tiện khác… hoặc in sao trên giấy và gửi cho phụ huynh HS.
Phụ huynh sẵn sàng nhường máy, đầu tư hạ tầng cho con để học trực tuyến lâu dài
Dạy học trực tuyến là giải pháp tất yếu, không chỉ trong điều kiện dịch Covid-19. Sự chủ động của HS, nền tảng công nghệ, phương pháp của GV, phụ huynh đồng hành, sẽ tạo nên hiệu quả khi học trực tuyến kéo dài.
Ảnh minh hoạ. (Nguồn: Internet)
Phụ huynh tạo điều kiện kỹ thuật, thành trợ giảng
Hỗ trợ tối đa, tạo mọi điều kiện tốt nhất để khắc phục khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 là sự cố gắng của hầu hết phụ huynh nhằm giúp con em mình học trực tuyến đạt hiệu quả nhất. Để đảm bảo chất lượng học trực tuyến của các con tại nhà, nhiều phụ huynh chấp nhận đầu tư, dành thời gian học cùng con và trở thành những "trợ giảng" đắc lực cho giáo viên.
Ngay khi nhà trường thông báo học sinh học trực tuyến tại nhà, anh Phan Xuân Hùng có con học lớp 5 Trường tiểu học Bần Yên Nhân 2 (Thị xã Mỹ Hào, Hưng Yên) đã đầu tư ngay hơn chục triệu đồng để mua laptop mới cho con học. Chiếc máy tính nhà đang dùng đã cũ, cấu hình thấp, chạy rất chậm, con vào học Zoom hình ảnh bài học không nét cũng như âm thanh không được rõ. Năm nay, con trai lại cuối cấp nên anh Hùng vui vẻ đầu tư để buổi học của con chất lượng hơn.
Chị Nguyễn Thanh Thuỷ có ba con học ở Trường tiểu học Gia Thụy (Long Biên, Hà Nội) cũng vừa mua thêm máy tính cho con. Vợ chồng chị Thuỷ đã chuẩn bị, cài đặt sẵn ứng dụng trên màn hình máy tính, sắp xếp công việc để hỗ trợ 3 con học.
3 con học cùng trường nên lịch học cùng nhau, đường truyền thường xuyên bị quá tải, liên tục bị "out" ra khỏi lớp khiến chị lo lắng con không theo kịp bài giảng của cô. Chị cũng đã đăng ký gói 4G tốc độ cao nhất để đáp ứng điều kiện học tập cho các con, để việc học của con đạt hiệu quả, chất lượng thực sự.
Dạy học trực tuyến đối với học sinh tiểu học đòi hỏi bố mẹ phải sát sao hơn với học sinh THCS và THPT. Có bố mẹ cùng học không chỉ giúp trẻ tập trung hơn, hỗ trợ thao tác trên máy nhanh hơn cũng như trở thành những "trợ giảng" đắc lực, giảng lại kiến thức khó cho con khi cần.
Dù công việc sau Tết cũng khá bận nhưng vợ chồng chị Lê Thị Nga vẫn cố gắng chia thời gian hợp lý để học cùng cậu con học lớp 1 Trường tiểu học Ngô Sĩ Liên (TP Bắc Giang, Bắc Giang). Con trai chị đang lớp 1 học chương trình mới, sách giáo khoa mới, lại lần đầu học trực tuyến nên con chưa tập trung cũng như chưa quen các thao tác trên ứng dụng.
Lịch học trực tuyến của con được bố trí vào buổi tối, có bố mẹ ở bên hỗ trợ, nhắc nhở con việc bật mic, bấm nút phát biểu, mở bài giảng. Hàng ngày qua nhóm zalo của lớp, cô gửi nội dung, bài giảng hướng dẫn phụ huynh, để vợ chồng chị Nga có thể hướng dẫn lại cho con. Để kiểm tra kết quả, cô giáo gửi phiếu bài tập, chị Nga cũng sắp xếp thời gian giám sát con làm, sau khi con làm xong thì chụp gửi lại cho cô qua zalo.
"Điều này khiến bố mẹ bận rộn hơn nhưng cô giáo đánh giá việc hoàn thành bài học của con rất nghiêm túc nên hai vợ chồng mình không ngại cố gắng. Tất cả do điều kiện bất khả kháng từ dịch bệnh. Mọi người cần chung sức để sớm vượt qua, trở lại trạng thái bình thường", chị Nga chia sẻ.
Ảnh minh hoạ. (Nguồn: Internet)
Học trực tuyến : Giải pháp tất yếu, cứu cánh thời Covid
Để việc dạy học trực tuyến bảo đảm chất lượng và hiệu quả, cô Hà Thu Trang, Hiệu trưởng Trường tiểu học Bần Yên Nhân 2 (Thị xã Mỹ Hào, Hưng Yên) cho biết trường đã xây dựng thời khoá biểu để tổ chức dạy học trực tuyến cho học sinh khoa học, vừa sức, không gây căng thẳng cho học sinh.
Cô Trang cũng yêu cầu giáo viên trong trường cập nhật hàng ngày số lượng và tình hình học tập của từng lớp, hỗ trợ học sinh tham gia học trực tuyến, thường xuyên có biện pháp kiểm tra, đánh giá để kịp thời điều chỉnh phương pháp tổ chức dạy học. Việc học trực tuyến đã được thực hiện nghiêm túc, có nề nếp ngay trong những tiết học đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán.
"Riêng với học sinh lớp 1, đây là năm học đầu tiên các em học chương trình mới, sách giáo khoa mới. Để việc dạy học trực tuyến đạt hiệu quả, không gây căng thẳng cho học sinh, trường cũng đã lựa chọn khung giờ học buổi tối để phụ huynh có thể hỗ trợ tối đa cho việc học của con", cô Hà Thu Trang cho biết thêm.
Chuyên gia tư vấn du học Trần Thị Dần, Giám đốc Công ty Sunrise Việt Nam cảm thấy yên tâm với việc dạy học trực tuyến bởi giáo viên và học sinh đã có kinh nghiệm với hình thức học này thời gian qua. Tuy nhiên, học trực tuyến đòi hỏi tinh thần tự giác rất cao của người học. Kế hoạch dạy học trực tuyến cần nhấn mạnh vai trò đồng hành của phụ huynh trong việc hỗ trợ học sinh tham gia học trực tuyến như chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cơ bản cho học sinh tham gia học trực tuyến, đồng thời có biện pháp giám sát, hỗ trợ hướng dẫn con em mình hoàn thành các yêu cầu học tập của giáo viên.
Quan điểm mà chuyên gia tư vấn Trần Thị Dần đưa ra là không chỉ trong thời gian học sinh tạm dừng đến trường vì dịch, gia đình và nhà trường cần tạo thói quen tự học cho học sinh để các em biết cách làm chủ kiến thức, có khả năng thích ứng trong mọi điều kiện học tập.
"Cần có quy chế về trách nhiệm của thầy cô trong quá trình học trực tuyến và công nhận kết quả trực tuyến để việc dạy học trực tuyến là thực chất chứ không phải làm cho xong", chuyên gia tư vấn Trần Thị Dần đề nghị.
Liên quan đến vấn đề này, Bộ GD&ĐT cho biết, thời gian tới, sẽ ban hành thông tư hướng dẫn thực hiện quy chế dạy học trực tuyến. Theo đó, sẽ quy định cụ thể trách nhiệm của giáo viên trong việc xây dựng kế hoạch giáo dục, thiết kế bài dạy, chuẩn bị nguồn học liệu phù hợp với từng đối tượng học sinh.
Các trường phải khảo sát học sinh, điều kiện dạy học để lựa chọn hình thức dạy học phù hợp và công khai kế hoạch này. Khi có hành lang pháp lý rồi, các trường cần có kế hoạch dạy học trực tuyến ngay trong tình huống không có dịch bệnh, có thể dạy song song với trực tiếp, hỗ trợ dạy học chính ở trường hoặc chuyển sang dạy học trực tuyến hoàn toàn khi học sinh không đến trường.
Lo ngại chất lượng nếu học trực tuyến kéo dài Ngày 22/2, phần lớn các trường đại học (ĐH) đã cho sinh viên học trực tuyến để phòng chống dịch COVID-19. Khác với phổ thông, ở ĐH, quyền chủ động học thuộc về sinh viên. Tuy vậy, các trường vẫn "ngầm" giám sát để đảm bảo chất lượng đào tạo. PGS. TS Lê Thanh Hương, Viện Công nghệ thông tin và Truyền thông,...