Quá tải, học sinh phải học tại nhà văn hóa phường
Nhiều năm nay học sinh từ khối lớp 2 đến lớp 5 trường tiểu học Phước Bình, quận 9, TP HCM được luân chuyển sang học nhờ tại Nhà văn hóa của phường.
Trong khuôn viên Nhà văn hóa phường Phước Bình, xen lẫn giữa các phòng tập thể dục, văn nghệ… vang lên tiếng các em nhỏ đọc bài. Ở đây có 3 lớp học (thuộc các khối lớp 2, 4, 5) với hơn 130 em.
Các em học sinh lớp 2 của trường tiểu học Phước Bình phải học trên những chiếc bàn quá cao tại Nhà văn hóa phường. Ảnh: H.D.
Phòng học lớp 2/8 có đến hai loại bàn ghế được bố trí. Hai hàng đầu là loại bàn nhỏ và thấp, các hàng còn lại cao hơn hẳn, thường dùng cho học sinh lớp lớn. Theo phản ánh của phụ huynh, tất cả học sinh lớp này đều phải ngồi học trên loại bàn cao ngông nghênh, trong khi hầu hết các em còn quá nhỏ.
“Nếu ngồi học như vậy thì không bao lâu các cháu sẽ bị cận hết”, một phụ huynh bức xúc.
Các phụ huynh cho biết thêm, hai hàng ghế thấp đầu trong phòng được nhà trường thêm vào từ phản ánh của họ. Hai hàng này ưu tiên cho những em nhỏ, em nào lớn hơn thì vẫn ngồi ở dãy bàn lớn. Tuy nhiên, ở những dãy bàn cao vẫn còn nhiều em ngồi học mà cằm sát mặt bàn.
Vì học tách biệt tại Nhà văn hóa nên học sinh tại những lớp này không được hòa vào không khí hoạt động chung của toàn trường. Giáo viên chủ nhiệm lớp 2/8 cho biết, chỉ vào những ngày lễ lớn như tổng kết năm học hay khai giảng, các em mới được tập trung về trường.
“Vào mỗi sáng thứ 2 đầu tuần, các em được tập trung trước khoảng sân nhỏ trong Nhà văn hóa để làm nghi thức chào cờ. Hiệu trưởng sẽ sang phổ biến nội quy đầu tuần cho các em. Nhưng vì ít học sinh nên thường thời gian dành cho buổi sinh hoạt chào cờ diễn ra chỉ khoảng 15 đến 20 phút”, vị giáo viên chủ nhiệm nói.
Video đang HOT
Hiện trường tiểu học Phước Bình có hơn 2.000 học sinh với 44 phòng học. Tọa lạc trong khuôn viên đất rộng, nhưng các phòng học ở đây đều là nhà cấp 4 lợp bằng mái tôn đã xuống cấp và thiếu ánh sáng.
Từ 3 năm nay học sinh các khối lớp 2 đến lớp 5 phải luân chuyển học tại Nhà văn hóa phường. Ảnh: H. D.
Trao đổi với VnExpress.net, Trưởng phòng đào tạo quận 9 Lê Thị Minh Loan cho biết, sở dĩ xảy ra tình trạng này bởi dân nhập cư vào quận quá đông làm tăng số học sinh trong phường. Thêm vào đó, một số học sinh của phường Phước Long cũng xin sang học tại Phước Bình dẫn đến việc không đủ cơ sở vật chất, phải dùng thêm địa điểm học khác tại Nhà văn hóa phường.
“Tôi đã làm việc với Hiệu trưởng trường tiểu học Phước Bình để yêu cầu tập hợp và trả những học sinh thuộc phường Phước Long về theo đúng tuyến, rồi chuyển những em học tại Nhà văn hóa về trường. Đến 5/9 sẽ tập hợp các em về học tại trường”, bà Loan nói.
Bà Loan cho biết thêm, để đáp ứng đủ chỗ học cho một lượng lớn dân nhập cư, Phòng giáo dục quận đã xin xây mới nhiều trường học.
Không chỉ quận 9, tình trạng quá tải, thiếu phòng học cũng diễn ra tại nhiều quận trong thành phố. Tại quận Gò Vấp, dù đã xây gần 1.600 phòng học mới, tình trạng thiếu phòng học vẫn xảy ra. Con số này lên đến gần 500 phòng.
Quận 12 giải quyết áp lực về chỗ học bằng cách chuyển một lượng lớn học sinh của quận sang các trường thuộc những quận lân cận. Ngay cả các trường trong cùng quận cũng phải san sẻ áp lực về sĩ số bằng cách cho học sinh học nhờ tại các trường thuộc phường khác.
Nhiều trường có sĩ số học sinh lên tới 50 trong mỗi lớp, dù theo kế hoạch của Sở giáo dục TP HCM, sĩ số lớp đạt chuẩn mô hình lớp học tiên tiến chỉ ở mức: 40 trẻ với bậc mầm non, 35 học sinh với bậc tiểu học, 43 học sinh đối với bậc THCS và 41 học sinh với bậc THPT.
Theo Sở giáo dục đào tạo TP HCM, năm học mới 2011- 2012, thành phố có hơn 30.000 học sinh tăng thêm.
Theo VNE
Năm học 2011-2012: Tiếp tục giảm tải ở giáo dục phổ thông
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT vừa có chỉ thị yêu cầu giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên và giáo dục chuyên nghiệp tập trung thực hiện tốt 4 nhiệm vụ trọng tâm trong năm học 2011-2012. Trong đó, việc giảm tải ở GD phổ thông tiếp tục được đề cập.
Theo đó, 4 nhiệm vụ trọng tâm đó là: Thứ nhất, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động giáo dục; thứ hai, tiếp tục đổi mới công tác quản lý giáo dục; thứ ba, chăm lo, đầu tư phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; thứ tư, phát triển mạng lưới trường, lớp và tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị giáo dục.
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận nhấn mạnh, ngành giáo dục tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh; đẩy mạnh cuộc vận động "Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo" và phong trào thi đua "Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực".
Tiếp tục rà soát, điều chỉnh nội dung dạy học và kiểm tra, đánh giá ở giáo dục phổ thông theo hướng giảm tải, phù hợp mục tiêu giáo dục. Tăng cường công tác giáo dục toàn diện và quản lý học sinh, sinh viên. Chú trọng và tăng cường giáo dục tư tưởng chính trị, văn hóa truyền thống, đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, kỹ năng thực hành, ý thức trách nhiệm xã hội; tổ chức tốt các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, công tác chăm sóc sức khỏe; chú trọng công tác bảo đảm an ninh, trật tự trường học; giáo dục an toàn giao thông; phòng chống bạo lực, tệ nạn xã hội, tai nạn thương tích, đuối nước, dịch bệnh đối với học sinh, sinh viên.
Tiếp tục khảo sát, nghiên cứu, điều chỉnh, bổ sung và thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ giáo viên và học sinh, đặc biệt đối với học sinh bán trú ở vùng dân tộc, miền núi, hải đảo, vùng đặc biệt khó khăn. Từng bước nâng cao chất lượng các hoạt động giáo dục của trường phổ thông dân tộc nội trú, phổ thông dân tộc bán trú. Tổ chức triển khai có hiệu quả các giải pháp tăng cường tiếng Việt, dạy và học tiếng dân tộc thiểu số ở các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông và trung tâm giáo dục thường xuyên. Quan tâm đặc biệt đối với học sinh các dân tộc rất ít người.
Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong đổi mới phương pháp dạy - học và công tác quản lý giáo dục. Tập trung thanh tra chuyên đề, thanh tra chuyên môn. Tăng cường thanh tra các cơ sở giáo dục và đào tạo ngoài công lập và cơ sở giáo dục có yếu tố nước ngoài. Nâng cao chất lượng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, công chức, viên chức và học sinh, sinh viên trong toàn ngành.
Ngoài những nhiệm vụ chung, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cũng đưa ra yêu cầu đối với từng cấp học.
Cụ thể, đối với Giáo dục mầm non, tiếp tục củng cố, mở rộng quy mô, mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương, tăng tỷ lệ huy động trẻ đến trường, đạt 25% trẻ độ tuổi nhà trẻ và 85% trẻ ở độ tuổi mẫu giáo.
Thực hiện Đề án phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi giai đoạn 2010-2015, tập trung chỉ đạo các địa phương ưu tiên các nguồn lực để đảm bảo lộ trình thực hiện phổ cập, trong năm học này có ít nhất 10 tỉnh được công nhận đạt chuẩn. Đầu tư đồ dùng, đồ chơi, trang thiết bị giáo dục tối thiểu phục vụ triển khai mở rộng việc thực hiện chương trình giáo dục mầm non mới. Triển khai tự đánh giá tất cả các trường mầm non, trường mẫu giáo, nhà trẻ. Thí điểm đánh giá ngoài một số trường để triển khai đại trà trong năm học tiếp theo.
Đối với Giáo dục phổ thông: Tổ chức tổng kết 10 năm thực hiện phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập giáo dục trung học cơ sở; củng cố, nâng cao chất lượng công tác phổ cập giáo dục.
Điều chỉnh nội dung dạy học theo hướng giảm tải, tiếp tục đổi mới phương pháp giáo dục, phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá theo chuẩn kiến thức, kỹ năng của Chương trình giáo dục phổ thông; điều chỉnh để từng bước hoàn thiện việc tổ chức thi tốt nghiệp trung học phổ thông nhằm khắc phục những bất cập trong những năm qua; triển khai tự đánh giá, đẩy mạnh triển khai đánh giá ngoài các trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông.
Bên cạnh đó, triển khai Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020 đối với các trường tiểu học, trung học cơ sở có đủ điều kiện, tích cực chuẩn bị các điều kiện để thực hiện đề án của các trường khác; tiếp tục triển khai Đề án phát triển hệ thống trường trung học phổ thông chuyên giai đoạn 2010-2020. Từng bước tham gia chương trình quốc tế (PISA) đánh giá kết quả học tập của học sinh phổ thông.
Đối với Giáo dục thường xuyên, nâng cao nhận thức cho mọi người về học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập. Củng cố mô hình hoạt động của các trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm học tập cộng đồng theo hướng một cơ sở thực hiện nhiều nhiệm vụ; tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, thiết bị dạy học và phát triển đội ngũ cán bộ, giáo viên cho các cơ sở giáo dục thường xuyên; tăng cường các biện pháp nâng cao chất lượng dạy học chương trình giáo dục thường xuyên; trình Chính phủ phê duyệt và triển khai Đề án xây dựng xã hội học tập và Đề án Xóa mù chữ giai đoạn 2011-2020.
Đối với Giáo dục chuyên nghiệp, thực hiện phân luồng và tăng quy mô, chất lượng, hiệu quả đào tạo trung cấp chuyên nghiệp; triển khai thực hiện các giải pháp để phân luồng học sinh sau trung học cơ sở vào học trung cấp chuyên nghiệp. Tăng cường các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo, chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục trung cấp chuyên nghiệp. Tiếp tục triển khai nhiệm vụ đào tạo theo nhu cầu xã hội, đáp ứng quy hoạch phát triển nguồn nhân lực của các địa phương; đẩy mạnh hợp tác với các đơn vị sử dụng nhân lực; tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp.
Theo Dân Trí
Mùa tựu trường, ngược dòng miền gian khó Trường Tiểu học Mường Xén một ngày đầu tháng 8, các thầy cô giáo đang ra sức san gạt bùn đất để lấy sân chơi cho học sinh. Phòng học Trường Mầm non và Tiểu học xã Mường Típ bị ngập bởi lớp bùn đất dày trên 2 mét Trong trận lũ quét lịch sử cuối tháng 6, ngành giáo dục Kỳ Sơn...