Quá nhiều phương thức tuyển sinh ĐH khiến thí sinh bị rối, giảm là cần thiết
Năm 2022 có quá nhiều phương thức tuyển sinh khiến phụ huynh và thí sinh bị rối, vì vậy Bộ GD&ĐT lưu ý cần giảm phương thức tuyển sinh.
Mới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức họp giao ban về công tác tuyển sinh và đào tạo khối đại học và cao đẳng sư phạm, theo hình thức trực tuyến. Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn đã lưu ý các trường đại học xem xét giảm phương thức tuyển sinh, theo hướng phương thức nào ít tác dụng nên giảm.
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về vấn đề này, Phó Giáo sư Trương Đại Lượng – Trưởng Phòng Đào tạo, Quản lý khoa học và Hợp tác quốc tế (Trường Đại học Văn hóa Hà Nội) cho rằng, mùa tuyển sinh vừa qua có khoảng 20 phương thức tuyển sinh, nhiều phương thức như vậy dễ làm phụ huynh và thí sinh bị rối. Chính vì vậy, việc giảm phương thức tuyển sinh là điều cần thiết.
Tuy nhiên, tinh giản phương thức như thế nào để hợp lý mà vẫn đảm bảo được quyền lợi của thí sinh?
Phó Giáo sư Trương Đại Lượng – Trưởng Phòng Đào tạo, Quản lý khoa học và Hợp tác quốc tế (Trường Đại học Văn hóa Hà Nội). Ảnh: website nhà trường
Theo Phó Giáo sư Trương Đại Lượng, các trường cần rà soát kỹ, có số liệu cụ thể để đưa ra được cách giảm phương thức thích hợp. Nên giữ các phương thức phổ biến, có tỷ lệ thí sinh nhập học cao, phương thức nào không có thí sinh đăng ký có thể giảm. Riêng đối với các phương thức xét tuyển đặc thù, các trường cần ghép thành phương thức khác.
“Phương thức nào rất ít hoặc không có thí sinh đăng ký thì nên bỏ, tuy nhiên có một số phương thức tuyển sinh đặc thù mặc dù có tỷ lệ nhập học thấp nhưng vẫn phải giữ. Ví dụ như xét tuyển thí sinh tốt nghiệp trung học phổ thông ở nước ngoài.
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, đây là một trong số 5 phương thức có tỷ lệ thí sinh nhập học thấp nhất trong mùa tuyển sinh vừa qua nhưng cần phải giữ phương thức này. Vì thực tế, có những thí sinh tốt nghiệp ở nước ngoài về, nếu không xét thì sẽ làm mất quyền lợi của thí sinh.
Video đang HOT
Như vậy, trong quá trình các trường xem xét, nghiên cứu loại bỏ phương thức nào đều cần có số liệu thống kê chính xác. Để tránh dàn trải các phương thức, các trường có thể ghép các phương thức đặc thù với nhau thành phương thức xét tuyển khác chứ không thể bỏ hẳn vì vẫn có một số thí sinh cần dùng đến”, Phó Giáo sư Trương Đại Lượng nói.
Năm 2022, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội sử dụng 4 phương thức tuyển sinh gồm: Xét tuyển thẳng theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo; xét kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2022; xét học bạ trung học phổ thông; xét kết hợp thi năng khiếu với học bạ trung học phổ thông. Tỷ lệ thí sinh nhập học của 4 phương thức gần như tương ứng với chỉ tiêu trường đề ra.
Nhằm đảm bảo tính công bằng với thí sinh, ngoài những phương thức chính thì trường có yêu cầu thêm các tiêu chí cộng điểm ưu tiên như điểm TOEIC, điểm IELTS; thí sinh tham gia kỳ thi học sinh giỏi quốc gia; thí sinh đạt giải trong kỳ thi học sinh giỏi cấp quốc gia, cấp tỉnh; học sinh trường chuyên có môn chuyên thuộc tổ hợp xét tuyển.
“Vì có quy định các mức cộng điểm khác nhau như vậy nên thí sinh giỏi sẽ vào các ngành lấy điểm cao, thí sinh yếu hơn thì vào các ngành có điểm chuẩn thấp hơn. Đây cũng là một cách sàng lọc để trường và các khoa chọn lọc được các thí sinh phù hợp”, Phó Giáo sư Trương Đại Lượng nhấn mạnh.
Đồng tình với việc nên loại bớt các phương thức tuyển sinh không phù hợp tuy nhiên Phó Giáo sư Vũ Thị Hiền – Trưởng phòng Quản lý đào tạo (Trường Đại học Ngoại thương) cho rằng, muốn loại bỏ phương thức nào hay tìm ra phương thức tuyển sinh không phù hợp thì cần được đánh giá cụ thể thông qua dữ liệu.
“Chủ trương của Bộ Giáo dục và Đào tạo là giảm phương thức tuyển sinh vì vậy các trường sẽ phải nhìn nhận lại, chủ động sử dụng dữ liệu tuyển sinh hiện có, cụ thể là kết quả học tập của thí sinh dựa trên từng phương thức tuyển sinh. Từ đó, các trường đại học sẽ có các bước đối sánh, phân tích để đưa ra kết luận việc lựa chọn thí sinh bằng phương thức nào là phù hợp, không phù hợp, gây mất công bằng.
Dù Bộ Giáo dục và Đào tạo không yêu cầu thì qua mùa tuyển sinh này, các trường cũng nên thực hiện việc đó để mùa tuyển sinh sau thành công hơn”, Phó Giáo sư Vũ Thị Hiền nói.
Phó Giáo sư Vũ Thị Hiền (ở giữa) – Trưởng phòng Quản lý Đào tạo (Trường Đại học Ngoại thương). Ảnh: Ngọc Ánh
Từ năm 2020 đến nay, Trường Đại học Ngoại thương luôn tuyển sinh ổn định với 6 phương thức, cụ thể như sau:
Phương thức xét tuyển dựa trên kết quả học tập trung học phổ thông dành cho một số đối tượng thí sinh theo quy định.
Phương thức xét tuyển kết hợp giữa chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế và kết quả học tập trung học phổ thông/chứng chỉ năng lực quốc tế dành cho thí sinh hệ chuyên và hệ không chuyên;
Phương thức xét tuyển kết hợp giữa chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế và kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2022;
Phương thức xét tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2022;
Phương thức xét tuyển dựa trên kết quả các kỳ thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh tổ chức trong năm 2022;
Phương thức xét tuyển thẳng.
“Để đảm bảo được tính công bằng giữa các thí sinh, giữa các phương thức, ngoài phương thức chính nhà trường cũng có một số yêu cầu.
Ví dụ như, với phương thức xét tuyển dựa trên kết quả học tập trung học phổ thông trường chỉ áp dụng cho một số đối tượng thí sinh nhất định như thí sinh tham gia thi học sinh giỏi quốc gia (hoặc tham gia cuộc thi khoa học kỹ thuật quốc gia, thuộc lĩnh vực phù hợp với tổ hợp điểm xét tuyển của trường); đạt giải (nhất, nhì, ba) học sinh giỏi cấp tỉnh/thành phố lớp 11 hoặc lớp 12; thí sinh thuộc hệ chuyên của trường trung học phổ thông trọng điểm quốc gia/trung học phổ thông chuyên (theo Thông tư 06/2012/TT-BGDĐT).
Chính vì vậy, bản thân đối tượng những thí sinh này đã là một bước sàng lọc trước đó khá kỹ lưỡng. Sau đó, trường mới xét đến học bạ của các em”, Trưởng phòng Quản lý đào tạo của Trường Đại học Ngoại thương cho hay.
Dự kiến năm 2023, thí sinh không cần chọn phương thức xét tuyển đại học
Bộ Giáo dục và Đào tạo (Bộ GD-ĐT) đang hướng dẫn các trường đại học, cao đẳng giảm bớt phương thức tuyển sinh có thể gây nhiễu hệ thống xét tuyển.
Dự kiến, trong kỳ thi tuyển THPT Quốc gia năm 2023, thí sinh sẽ không phải chọn phương thức xét tuyển.
Dự kiến kỳ thi THPT Quốc gia năm 2023, thí sinh không phải chọn phương thức xét tuyển. Ảnh minh họa: Minh Thảo
TTXVN dẫn nguồn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, cho biết dự kiến trong đợt thi THPT Quốc gia năm 2023, thí sinh chỉ chọn nguyện vọng ngành nghề và không cần chọn phương thức xét tuyển đại học. Hệ thống xét tuyển sẽ lọc tự động và gợi ý phương thức phù hợp. Việc này tạo điều kiện tốt nhất cho thí sinh, tránh việc phải lựa chọn nhiều cách thức xét tuyển.
Đồng thời, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang hướng dẫn các trường rà soát, cắt giảm phương thức tuyển sinh không phù hợp, có thể gây nhiễu hệ thống cũng như gây vướng mắc cho thí sinh.
Theo thống kê, hiện có khoảng 20 phương thức tuyển sinh đại học. Trong đó, có 2 phương thức chiếm tỷ lệ cao hơn so với các phương thức khác là xét kết quả thi tốt nghiệp THPT và xét học bạ.
Cụ thể, năm 2022, phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp THPT có 261.190 chỉ tiêu và 245.040 thí sinh nhập học. Tỷ lệ nhập học/chỉ tiêu là 93,82%; chiếm 52,38% so với các phương thức xét tuyển khác. Phương thức xét học bạ có 224.042 chỉ tiêu và 169.537 thí sinh nhập học. Tỷ lệ nhập học/chỉ tiêu là 75,67%; chiếm 36,24% so với các phương thức xét tuyển khác.
Về phần mềm xét tuyển, Bộ sẽ nâng cấp, bổ sung chức năng cần thiết để đảm bảo tính chính xác, giảm thiểu nhầm lẫn trong quá trình đăng ký và xét tuyển. Bộ cũng xem xét việc thực hiện xét tuyển chung một đợt, rút ngắn thời gian tuyển sinh đợt 1.
Công bố sớm phương án tuyển sinh 2023: Giúp thí sinh chủ động hơn Thực hiện yêu cầu của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc các trường đại học (ĐH) cần sớm hoàn thiện các phương thức tuyển sinh năm 2023 theo hướng đơn giản hóa và xây dựng phương án tuyển sinh mới cho năm 2025 trở đi, tính đến thời điểm này một số trường đã công bố thông tin tuyển sinh năm...