Quá khổ vì được… thi hành án
Mất mát tài sản, thiệt hại về tính mạng người thân nhưng khi bản án tòa tuyên có hiệu lực thì người được thi hành án phải trầy trật, cực khổ mới lấy được những gì thuộc về mình.
Chúng tôi trở lại gia đình anh Lê Văn Hiền (SN 1976, tạm trú quận Thủ Đức, TP HCM) sau 4 năm xảy ra vụ tai nạn đau lòng, cướp đi sinh mạng của chị Phan Thị Hải Lý (SN 1978, vợ anh Hiền). Khi được hỏi về hành trình yêu cầu thi hành bản án phúc thẩm mà TAND TP HCM đã tuyên, anh Hiền cho biết: “Tốn công sức, thời gian đi lại nên nhiều lúc nản quá muốn buông xuôi”.
Chây ì và nhỏ giọt
Năm 2011, sau khi TAND TP HCM xử phúc thẩm, tuyên buộc Công ty TNHH Vận tải Văn Linh bồi thường cho anh Hiền số tiền 110 triệu đồng, anh cầm bản án đến Chi cục Thi hành án (THA) dân sự quận Thủ Đức thì được trả lời đã ủy thác cho Chi cục THA dân sự quận 8 (nơi có trụ sở của Công ty TNHH Vận tải Văn Linh) xử lý vụ việc. Sang Chi cục THA dân sự quận 8, anh Hiền được trả lời rằng chưa nhận được hồ sơ và yêu cầu chờ.
Sau đó, anh tiếp tục nhiều lần đến Chi cục THA dân sự quận 8 yêu cầu THA thì được trả lời rằng Công ty TNHH Vận tải Văn Linh đã chuyển trụ sở sang nơi khác và yêu cầu anh tiếp tục chờ kết quả xác minh. “Sau hơn 2 năm rưỡi đi lên, đi về và nhờ không biết bao nhiêu người tư vấn pháp luật để đòi tiền THA, cuối cùng tôi phải thuê luật sư, ủy quyền cho họ lấy tiền giùm với tỉ lệ 50/50″ – anh Hiền nói.
Anh Lê Văn Hiền phải tốn nhiều thời gian, công sức mới được thi hành án. Ảnh: Phạm Dũng.
Vẫn chưa hết phiền phức, luật sư còn yêu cầu anh Hiền phải tự đi xác minh Công ty TNHH Vận tải Văn Linh có bao nhiêu chiếc xe để làm cơ sở yêu cầu THA. Anh Hiền lại bỏ thời gian, công sức đi thu thập, xác minh những chiếc xe của Công ty TNHH Vận tải Văn Linh đang hoạt động trên địa bàn
TP HCM. Sau khi có đầy đủ kết quả, gần 3 năm bản án phúc thẩm được tuyên, công ty mới bồi thường cho gia đình anh Hiền số tiền 110 triệu đồng.
Nhớ lại quá trình “đòi nợ” công ty có tài xế gây ra cái chết cho vợ mình, anh Hiền nói: “Thiệt tình tôi cũng không biết phải kể như thế nào, bắt đầu từ đâu để nói hết nỗi khổ của người được THA. Mất người thân đã đau khổ biết chừng nào nhưng khi đi đòi tiền lại bị hành lên hành xuống, nhiều lúc tôi thấy những người bị THA coi thường pháp luật nhưng họ chẳng bị xử lý”.
Cũng khổ sở không kém anh Hiền, ông Phạm Văn Dũng, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại – Dịch vụ – Quảng cáo Sông Hương (Công ty Sông Hương), phải oằn mình trả nợ ngân hàng, bạn bè. Theo bản án của phúc thẩm của TAND TP HCM ngày 5-3-2009, Công ty 27/7 (do Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TP HCM quản lý) phải có trách nhiệm bồi thường cho Công ty Sông Hương 1,46 tỉ đồng.
Tuy nhiên, mỗi tháng Công ty 27/7 chỉ trả cho ông Dũng từ 10-20 triệu đồng và chuyển qua ngân hàng. Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Dũng cho biết: “Sau hơn 5 năm bản án phúc thẩm có hiệu lực, công ty chỉ mới thi hành được hơn phân nửa số tiền tòa tuyên. Thời gian qua, tôi phải đi vay bạn bè, ngân hàng để trả số tiền hơn 3 tỉ đồng đã đầu tư vào xưởng in. Trong khi đó, Công ty 27/7 chỉ thanh toán nhỏ giọt và không biết vì lý do gì mà gần 6 tháng qua, họ ngưng chuyển tiền THA”.
Công ty Sông Hương thuê mặt bằng của Công ty 27/7 (trụ sở quận Gò Vấp) làm xưởng in. Do cần ngăn lối đi nên ông Hà Văn Lành, Quản đốc Phân xưởng Rượu thuộc Công ty 27/7, nhờ người tìm giúp công nhân thực hiện. Ngày 18-3-2007, Nguyễn Ngọc Phú cùng 2 người khác đến làm vách ngăn, lợp tôn. Trưa cùng ngày, trong lúc sử dụng máy hàn, những người trên đã làm cháy kho thiêu rụi 2 máy in, 1 máy cắt của Công ty Sông Hương trị giá hơn 1,6 tỉ đồng.
Xét xử phúc thẩm, TAND TP HCM nhận định Công ty 27/7 thuê người vào sửa kho nên phải có trách nhiệm bồi thường, Công ty Sông Hương hoàn toàn không có lỗi. Kể từ khi Công ty Sông Hương có đơn yêu cầu THA và Chi cục THA dân sự quận Gò Vấp có quyết định, nếu Công ty 27/7 chưa bồi thường xong thì phải chịu lãi suất theo mức lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước quy định. “Họ THA theo kiểu chây ì, đến nay chưa xong thì nói gì chuyện yêu cầu chịu thêm lãi suất mà bản án đề cập” – ông Dũng ngao ngán.
Đi xác minh: Trầy vi tróc vảy
Trên cơ sở bản án của TAND quận 3, TP HCM, ngày 21-2-2013, Chi cục THA dân sự quận 3 đã ban hành quyết định THA buộc Công ty H.Hà (trụ sở tại quận 3) phải trả 258 triệu đồng cho một công ty sản xuất nhôm đóng trên địa bàn quận Tân Phú, TP HCM. Theo đơn kiện dân sự trước đó tại tòa, công ty sản xuất nhôm kiện Công ty H.Hà vì không thanh toán tiền lắp đặt cửa kính nhôm là 258 triệu đồng như hợp đồng đã ký.
Video đang HOT
Theo quy định của Luật THA dân sự, công ty sản xuất nhôm – bên được THA – phải xác minh điều kiện THA của Công ty H.Hà – bên bị THA – để cung cấp cho cơ quan THA dân sự.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, một lãnh đạo công ty sản xuất nhôm than trời: “Tưởng tòa tuyên là xong nhưng ai ngờ chúng tôi phải làm công việc xác minh điều kiện THA. Sau 6 tháng chạy đôn chạy đáo, gõ cửa nhiều nơi, chúng tôi mới tìm được số tài khoản của bên bị THA để cung cấp cho chấp hành viên”.
Tuy nhiên, công việc tiếp theo của chấp hành viên Chi cục THA dân sự quận 3 cũng không kém phần nhiêu khê. Ông Lê Văn Kiệt, Phó Chi cục trưởng Chi cục THA dân sự quận 3 – người theo dõi vụ án, cho biết sau khi bên được THA cung cấp số tài khoản tại ngân hàng của bên bị THA, tháng 8-2013, Chi cục THA dân sự quận 3 đã gửi văn bản yêu cầu ngân hàng có trụ sở ở quận 1 cung cấp số dư tài khoản của Công ty H.Hà và phong tỏa tài khoản nhằm bảo đảm THA. Thế nhưng, ngân hàng này đưa ra lý do Công ty H.Hà vay nợ ngân hàng nên tài khoản đã bị phong tỏa! Không thể khoanh tay, Chi cục THA dân sự quận 3 tiếp tục yêu cầu ngân hàng cung cấp hợp đồng vay tiền của Công ty H.Hà nhưng cũng bị từ chối. “Mất vài tháng chờ đợi với rất nhiều thông báo được gửi tới ngân hàng nhưng họ không hợp tác. Thậm chí, ngân hàng còn hỗ trợ để Công ty H.Hà trốn tránh nghĩa vụ THA bằng cách ký hợp đồng bảo đảm tài khoản sau khi TAND quận 3 tuyên án” – ông Kiệt lắc đầu. Cuối cùng, được sự hỗ trợ của Ngân hàng Nhà nước, đến tháng 3-2014, ngân hàng trên mới chịu chuyển tiền từ tài khoản của Công ty H.Hà để thi hành án.
Theo Chi cục THA dân sự quận 3, vụ án trên đã kéo dài 1 năm rưỡi: Kể từ khi bản án có hiệu lực (tháng 10-2012) đến tháng 3-2014 thì mới hoàn tất việc THA. Hành trình THA nan giải như đã nêu không phải là hy hữu mà là chuyện thường xuyên mà Chi cục THA dân sự quận 3 gặp phải!
Kỳ tới: Luật còn nhiều bất cập
Theo Quý Hiền – Phạm Dũng (Người lao động)
Cần làm rõ sai phạm ở Cục Thi hành án Dân sự tỉnh Đắk Lắk
Khiếu nại của ông Võ Văn Lợi, đáng lẽ ra Cục THADS Đắk Lắk nên nghiêm túc tiếp thu, có những giải thích thuyết phục với công dân và công khai trước công luận, chứ không thể cho mình cái quyền "cấm" báo chí lên tiếng về khiếu nại của công dân.
Ngày 17/4/2014 trang tin điện tử của báo Đời sống và Pháp luật đăng bài viết: "Chuyện lạ thi hành án: Nhà bị cưỡng chế bán xong, chủ mới biết" phản ánh những sai phạm của Cục Thi hành án Dân sự tỉnh Đắk Lắk như sau:
Ông Võ Văn Lợi, trú tại thôn Ea Đen, xã Ea Nam, huyện Ea H' Leo, tỉnh Đắk Lắk thắc mắc một số vấn đề trong việc việc bán đấu giá tài sản thế chấp là nhà và kho bãi của gia đình ông để trả tiền vay ngân hàng.
Thứ nhất, thông báo bán đấu giá do chấp hành viên Cục THADS Đắk Lắk gửi, ông Lợi nhận được sau 1 ngày khi nhà được bán, vợ ông cũng không biết.
Thứ hai, ông Lợi cho rằng tài sản của gia đình ông có giá 2 tỷ đồng nhưng bán đấu giá chỉ được 780 triệu đồng.
Thứ ba, khi ông Lợi khiếu nại về bán đấu giá, yêu cầu được sao lục hồ sơ thi hành án thì Cục THADS Đắk Lắk không được chấp nhận với lý do đã làm đúng quy trình, thủ tục.
Ông Lợi thắc mắc tại sao không gửi thông báo bán đấu giá cho bà Loan, vợ ông, thì được trả lời rằng, Cục THADS không biết bà Loan ở đâu nên không gửi được. Ông Lợi cho rằng chấp hành viên Trần Văn Lập nói không đúng sự thực, ông Lập đã nhận tiền thuê đơn vị thẩm định giá từ chính bà Loan. Giấy ông Lập ký nhận tiền từ tay vợ ông Lợi vào ngày 12/9/2012, tức chưa đầy 1 năm trước khi cưỡng chế. Khi bà Loan về TP.HCM làm ăn, ông Lập vẫn liên lạc bằng điện thoại và yêu cầu bà Loan gửi vào tài khoản của vợ ông Lập 2 triệu nữa.
Ông Võ Văn Lợi không đồng tình với Cục Thi hành án Dân sự tỉnh Đắk Lắk trong việc bán đấu giá tài sản thế chấp là nhà và kho bãi của gia đình ông.
Trong bài viết, phóng viên báo Đời sống và Pháp luật cũng dẫn ý kiến luật sư và Luật Thi hành án Dân sự 2008, Luật Khiếu nại năm 2011, khẳng định, thông báo bán đấu giá phải được đương sự ký nhận (hoặc điểm chỉ), yêu cầu sao lục toàn bộ hồ sơ thi hành án phải được đáp ứng...
Sau khi bài báo được đăng tải, Tòa soạn liên tiếp nhận được các Công văn số 449 ngày 06/05/2014; Công văn 479 ngày 13/5/2014, Công văn số 559 ngày 04/6/2014 và Công văn 742 ngày 09/07/2014 của Cục Thi hành án Dân sự (THADS) tỉnh Đắk Lắk gửi báo Đời sống và Pháp luật, thể hiện quan điểm không đồng tình và đề nghị Báo cải chính, xin lỗi các vấn đề sau: Việc thông báo bán đấu giá là đúng quy định; Trị giá căn nhà; Việc không cho sao chép hồ sơ là đúng; Chấp hành viên và vợ chấp hành viên không nhận tiền từ vợ ông Lợi.
Báo Đời sống và Pháp luật đã có công văn trả lời các nội dung trên tuy nhiên Cục THADS Đắk Lắk tiếp tục gửi công văn với những lời lẽ thiếu văn hóa, mang tính chất quy chụp đối với báo Đời sống và Pháp luật. Để các cơ quan có liên quan nắm rõ được vụ việc, chúng tôi xin trình bày cụ thể nội dung Cục THADS tỉnh Đắk Lắk khiếu nại và trả lời của báo Đời sống và Pháp luật:
Thứ nhất, theo Cục THSDS Đắk Lắk, không có chuyện bán đấu giá xong ngôi nhà, ông Lợi mới nhận được thông báo
Cục THADS tỉnh Đắk Lắk cho rằng: Sau khi kê biên tài sản (nhà, đất) của ông Võ Văn Lợi và bà Nguyễn Thị Kim Loan, chấp hành viên Cục THADS tỉnh Đắk Lắk đã ký hợp đồng ủy quyền cho Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản - Sở Tư pháp tỉnh Đắk Lắk tổ chức bán đấu giá theo trình tự, thủ tục được quy định tại Nghị định 17/2010/NĐ - CP.
Ngày 01/07/2013, Trung tâm bán đấu giá đã ra thông báo bán đấu giá, trong đó nêu rõ thời gian, địa điểm và các thông tin khác liên quan đến việc bán đấu giá. Thông báo đã được Trung tâm đấu giá gửi cho ông Lợi, bà Loan, đồng thời tổ chức niêm yết tại Ban tự quản thôn Ea Đen; UBND xã Ea Nam, đồng thời đăng tải công khai trên Báo Tuổi trẻ và Trang tin điện tử của Sở Tư pháp tỉnh Đắk Lắk. Đây là thời điểm thông báo bán đấu giá hợp lệ, là căn cứ để tính thời điểm thông báo bán đấu giá, chứ không dựa vào thông báo của Chấp hành viên Cục THADS tỉnh Đắk Lắk để làm căn cứ tính thời điểm thông báo bán đấu giá... Việc ông Lợi căn cứ vào Thông báo số 884 ngày 9/8/2013 của Chấp hành viên để khiếu nại, cho rằng mình bị thông báo bán đấu giá muộn là hoàn toàn không có cơ sở.
Báo Đời sống và Pháp luật cho rằng, theo quy định tại Khoản 1 Điều 39 Luật Thi hành án Dân sự 2008, "Quyết định về thi hành án, giấy báo, giấy triệu tập và văn bản khác có liên quan đến việc thi hành án phải thông báo cho đương sự, người có quyền, nghĩa vụ liên quan để họ thực hiện quyền, nghĩa vụ theo nội dung của văn bản đó".
Như vậy, trong trường hợp Cục THADS tỉnh Đắk Lắk đã ký hợp đồng ủy quyền cho Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản tỉnh Đắk Lắk thì cũng phải ra Thông báo cho ông Võ Văn Lợi biết việc này, vì đây là hoạt động có liên quan đến việc thi hành án mà việc thi hành án ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và nghĩa vụ của ông Võ Văn Lợi. Không phải Cục THADS tỉnh Đắk Lắk ký 1 hợp đồng ủy quyền cho Trung tâm dịch vụ bán đấu giá là hết trách nhiệm trong việc thi hành án dân sự.
Thông báo của Chi cục THADS tỉnh Đắk Lắk được ông Trần Văn Lập, chấp hành viên, ký ngày 09/8/2013, dấu công văn đến trại giam Gia Trung (nơi ông Võ Văn Lợi đang chấp hành án tù) ngày 13/8/2013, và hôm sau (ngày 14/8/1013) ông Lợi nhận được. Trong Thông báo này ghi rõ: "Ông Võ Văn Lợi và bà Nguyễn Thị Kim Loan có quyền nhận lại tài sản bán đấu giá khi nộp đủ số tiền thi hành án, thanh toán chi phí cưỡng chế, thông báo bán đấu giá trước khi mở cuộc bán đấu giá 01 (một) ngày". Đây là thông báo nêu rõ quyền của đương sự mà Cục THADS Đắk Lắk lại nói rằng không căn cứ vào văn bản này để khiếu nại là một điều hết sức phi lý và mâu thuẫn.
Hơn nữa, theo Điều 39 và Điều 42 Luật Thi hành án Dân sự 2008 thì Thông báo phải được gửi đi trong vòng 3 ngày làm việc nhưng phải trước ngày đấu giá diễn ra 10 ngày. Tuy nhiên, ngày 13/8/2013 là ngày tổ chức đấu giá nhưng Thông báo 220 của Trung tâm Đấu giá ra ngày 6/8/2013, và Thông báo 884 của Cục Thi hành án Dân sự tỉnh Đắk Lắk ra ngày 9/8/2013. Như vậy các thông báo trên đều không trước 10 ngày diễn ra buổi đấu giá, là không đúng với quy định của pháp luật.
Thứ hai, theo Cục THADS Đắk Lắk, ông Lợi khiếu nại nhưng THADS Đắk Lắk không cho ông Lợi sao lục hồ sơ là đúng:
Cục THADS Đắk Lắk dẫn quy định trong Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004 và Nghị quyết số 01/2005/NQ-HĐTP ngày 31/3/2005 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành luật phần thứ nhất "Những quy định chung" của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004, thì đương sự có quyền được biết và ghi chép, sao chụp tài liệu, chứng cứ do các đương sự khác xuất trình hoặc do Tòa án thu thập nhưng chỉ được thực hiện trước khi Tòa án mở phiên tòa xét xử vụ án. Như vậy, việc ghi chép, sao chụp tài liệu chỉ áp dụng trong giai đoạn tố tụng tại Tòa án, không áp dụng trong giai đoạn thi hành án. Như vậy yêu cầu sao lục hồ sơ thi hành án của ông Võ Văn Lợi không được Chấp hành viên Cục THADS tỉnh Đắk Lắk chấp nhận là đúng quy định của pháp luật thi hành án dân sự.
Trong một công văn khác, Cục THADS Đắk Lắk lại lý lẽ: Việc giải quyết khiếu nại, tố cáo về thi hành án dân sự theo quy định của pháp luật hiện hành thì phải được giải quyết theo trình tự, thủ tục được quy định tại Luật Thi hành án dân sự năm 2008 mà không áp dụng Luật khiếu nại năm 2011 để giải quyết. Điều 143 Luật Thi hành án dân sự năm 2008 quy định rõ về quyền và nghĩa vụ của người khiếu nại, trong đó không có quy định nào cho phép người khiếu nại được phép sao lục hồ sơ thi hành án, mà chỉ có quyền được biết các bằng chứng để làm căn cứ giải quyết khiếu nại... Vì vậy, yêu cầu sao lục hồ sơ thi hành án của ông Võ Văn Lợi không được Chấp hành viên Cục THADS tỉnh Đắk Lắk chấp nhận vì quy định của pháp luật thi hành án dân sự.
Về việc này, báo Đời sống và Pháp luật cho rằng: "Đây là một trong những yêu cầu của ông Lợi trong quá trình khiếu nại, vì vậy, khi áp dụng luật, Cục THADS tỉnh Đắk Lắk phải áp dụng Luật Khiếu nại 2011 chứ không được áp dụng Bộ luật Tố tụng dân sự vào trường hợp này".
Theo quy định tại Điểm d và Điểm đ Khoản 1 Điều 12 Luật Khiếu nại thì pháp luật cho phép ông Võ Văn Lợi được đọc, sao chụp, sao chép tài liệu, chứng cứ do người giải quyết khiếu nại thu thập để giải quyết khiếu nại. Đồng thời, yêu cầu các nhân, cơ quan, tổ chức đang lưu giữ quản lý thông tin, tài liệu tới nội dung khiếu nại cung cấp thông tin, tài liệu đó trong thời hạn 7 ngày. Như vậy ông Lợi đã thực hiện đúng quyền khiếu nại của mình theo pháp luật về khiếu nại.
Hơn nữa, chính Cục THADS tỉnh Đắk Lắk dẫn ra Điều 143 Luật Thi hành án dân sự 2008 nói rằng, người khiếu nại "có quyền được biết các bằng chứng để làm căn cứ giải quyết khiếu nại...". Ông Lợi yêu cầu biết được các bằng chứng là "tài liệu, chứng cứ do người giải quyết khiếu nại thu thập" vì sao không được chấp thuận?
Thứ ba, về giá trị tài sản đem bán đấu giá của ông Lợi:
Cục THADS tỉnh Đắk Lắk cho rằng, tài sản được thẩm định ban đầu có giá 1,1 tỷ, sau bán đấu giá thành ở mức 780 triệu chứ không có giá trị 2 tỷ như báo viết.
Về vấn đề này, phóng viên báo Đời sống và Pháp luật đã có buổi làm việc với ông Lợi, ông Lợi đã phát ngôn: "Nhà xưởng của ông có mặt tiền 32m mặt con quốc lộ 14. Giá trị thời điểm 2013 là 40 đến 50 triệu/mét, tính ra đã trên 1,2 tỷ đồng. Trên mặt đất có 1 ngôi nhà cấp 4, 100m2, một nhà kho lớn, và một xưởng sơ chế sấy nông sản. Tổng tài sản này xấp xỉ 2 tỷ đồng. Do đó ông Lợi không chấp nhận kết quả định giá này".
Ngôi nhà của ông Lợi được cưỡng chế để giao cho người đấu giá trúng.
Báo Đời sống và Pháp luật cho rằng, thông tin trong bài là phát ngôn trực tiếp của ông Lợi trước báo chí, chứ không phải báo tự công bố. Coi đây là một thắc mắc, khiếu nại của ông Lợi, đáng lẽ ra Cục THADS Đắk Lắk nên nghiêm túc tiếp thu, có những giải thích thuyết phục với công dân và công khai trước công luận, chứ không thể cho mình cái quyền "cấm" báo chí lên tiếng về khiếu nại của công dân.
Thứ tư, Cục THADS Đắk Lắk khẳng định, Chấp hành viên và vợ chấp hành viên không nhận tiền từ vợ ông Lợi:
Công văn của Cục THADS Đắk Lắk nói rằng, bà Loan (vợ ông Lợi) đề nghị thẩm định lại giá nhà và nộp tiền vào tài khoản của chuyên viên giúp việc cho Chấp hành viên, chứ hoàn toàn không có việc Chấp hành viên nhận tiền từ tay bà Loan, và không có việc bà Loan gửi tiền vào tài khoản của vợ Chấp hành viên. Việc báo viết là Chấp hành viên nhận tiền từ tay bà Loan là hành vi bịa đặt, vu khống.
Công văn của Cục THADS Đắk Lắk nói rằng, CHV Trần Văn Lập không nhận tiền trực tiếp từ tay bà Loan. Tuy nhiên, chứng cứ vẫn còn, bà Loan cung cấp một "Giấy biên nhận" do Chấp hành viên Trần Văn Lập ký "tạm nhận" 5,5 triệu đồng.
Về phát ngôn CHV "yêu cầu vợ tôi gửi tiền vào tài khoản của vợ ông ta" là ông Lợi trực tiếp nói với phóng viên. Hơn nữa ông Lợi chỉ nói Chấp hành viên "yêu cầu" chứ không khẳng định đã có việc chuyển tiền cho vợ Chấp hành viên. Ông Lợi cũng sẵn sàng đối chất và chịu trách nhiệm về phát ngôn này.
Thứ năm, về yêu cầu cải chính, xin lỗi
Trong bài viết nói trên, báo Đời sống và Pháp luật đã đưa thông tin trung thực, khách quan, vì vậy yêu cầu của Cục THADS Đắk Lắk là không có căn cứ.
Đặc biệt, báo Đời sống và Pháp luật đề nghị các cơ quan chức năng, cơ quan cấp trên có thẩm quyền làm rõ các sai phạm của Cục THADS Đắk Lắk trong vụ việc nêu trên, có hay không những khuất tất trong vụ thi hành án này để trả lời công khai trước công luận.
Mặt khác, báo Đời sống và Pháp luật đã trả lời đầy đủ các nội dung khiếu nại của Cục THADS tỉnh Đắk Lắk với tinh thần cầu thị và trao đổi thông tin kịp thời. Tuy nhiên, tại công văn của Cục THADS tỉnh Đắk Lắk gửi đến Báo có những lời lẽ cửa quyền, quy chụp, thiếu văn hóa, xúc phạm đến danh dự, uy tín của một cơ quan báo chí.
Cụ thể, Công văn 742/CTHADA-NVTHADS do Phó Cục trưởng Cục THADS tỉnh Đắk Lắk Nhâm Đức Giang ký ngày 9/7/2014 đã có những lời lẽ như sau:
"... Mặc dù đã được Cục Thi hành án dân sự tỉnh Đắk Lắk nhiều lần yêu cầu báo Đời sống và Pháp luật phải cải chính, xin lỗi công khai, nhưng bằng thái độ ngoan cố và bảo thủ, không cầu thị, báo Đời sống và Pháp luật vẫn chưa thực hiện việc cải chính, xin lỗi đối với bài báo này...".
Báo Đời sống và Pháp luật đề nghị các cơ quan chức năng có ý kiến chỉ đạo và vào cuộc làm rõ sự việc nói trên, xử lý nghiêm sai phạm để công khai trước công luận.
Theo Đời Sống Pháp Luật
Chuyện 3 người đàn bà trong một phiên tòa Họ đến tòa với hai tư thế trái ngược nhau. 1 người là bị cáo, 2 người còn lại là bị hại trong một vụ án buôn người. Vậy nhưng, ở tòa, giữa họ không có sự thù hận oán trách mà chỉ còn sự tha thứ và bao dung giữa những người làm mẹ. Bị cáo Lô Thị Mơ tại phiên tòa...