Q-Smart S18: Đẹp mã nhưng hơi thiếu lực
Thời gian gần đây, để duy trì vị thế đã mất công tạo dựng trên thị trường smartphone Việt, Q-Mobile liên tiếp tung ra các sản phẩm smartphone Android giá rẻ. Minh chứng cụ thể nhất là loạt sản phẩm Q-Smart mới ra mắt của hãng này với ba sản phẩm Q-Smart S15, S18 và S22. Loạt sản phẩm này của Q-Mobile vẫn đi theo xu hướng giá rẻ với mức cấu hình khác nhau cùng mức giá rất hấp dẫn, cạnh tranh.
Nếu như S15 là sản phẩm thấp nhất trong số loạt sản phẩm Q-Smart lần này thì S18 và S22 lại được coi là lựa chọn tốt dành cho những người muốn trải nghiệm hệ điều hành Android ở một mức cao hơn với phiên bản Android 4.0 hỗ trợ nhiều tính năng. Và tất nhiên để làm được điều đó hẳn là Q-Mobile cũng phải biết mà trang bị hai sản phẩm này một mức cấu hình kha khá để có thể gánh vác và đảm đương tốt những tác vụ nặng chạy trên nền ICS. Nhìn chung, S18 sẽ được trang bị cấu hình thấp hơn so với S22 thế nên chắc nhiều người đang băn khoăn rằng liệu chiếc smartphone này có thể xứng đáng với số tiền mà mình bỏ ra hay không. Hãy cùng GenK đi tìm câu trả lời thông qua bài đánh giá chi tiết dưới đây.
Q-Smart S18 đang được bán với mức giá 3,25 triệu đồng và tặng kèm thẻ nhớ 8GB.
1. Thiết kế
Về cơ bản thì cách đóng hộp Q-Smart S18 không có nhiều khác biệt so với các sản phẩm trước đó của Q-Mobile, vẫn là vỏ hộp nhỏ gọn với các thành phần bên trong bao gồm: Thân máy, cáp kết nối, sạc, tai nghe, pin, sách hướng dẫn sử dụng. Dù cho không phải hộp máy không phải là chau chuốt lắm nhưng cũng đủ để khiến người dùng hài lòng và yên tâm về cảm nhận ban đầu.
Bên trong vỏ hộp là thân máy, cáp kết nối microUSB, sách hướng dẫn sử dụng, củ sạc, tai nghe.
Ấn tượng đầu tiên khi nhìn thấy S18 là phảng phất chút “vay mượn” từ Galaxy Nexus từ khung máy, trọng lượng cho đến cảm giác cầm nắm. Đối với một sản phẩm giá rẻ, mức độ đầu tư về thiết kế thường kém hơn rất nhiều chứ đừng nói đến việc ngang ngửa với những hãng sản xuất lừng danh khác. Nhưng cách học hỏi của Q-Mobile thể hiện ở S18 vẫn có những điểm riêng đem đến nhiều cải tiến vượt bậc về thiết kế hơn hẳn người tiền nhiệm S15 qua đó giành được nhiều thiện cảm của người dùng.
Đầu tiên là trọng lượng và kích thước phù hợp của máy. Không đến mức quá nặng như S15, S18 cho cảm giác cầm nặng tay tạo được sự chắc chắn, gọn gàng nhưng lại khiến người dùng thoải mái. Màn hình của máy được phân chia lại theo tỷ lệ 16:9 tạo điều kiện cho thiết kế của máy dài, thon gọn hơn khiến cho khi cầm máy không quá bị “căng tay”. Thêm vào đó, góc máy cũng được “vót vát tròn trịa” nên cảm quan ban đầu dành cho chiếc điện thoại này cũng không “thô” như S15.
S18 có thiết kế thon dài, trang nhã.
Mặt trước máy là màn hình có kích thước lớn 4 inch. Phía trên màn hình là nơi bố trí loa thoại, camera trước trong khi bên dưới màn hình là 4 nút bấm cảm ứng truyền thống bao gồm Home, Menu, Back và Search của Android. Các phím điện dung nằm dưới màn hình này được mã màu dễ thấy cũng như có khoảng cách khá hợp lý tuy nhiên cá nhân tôi vẫn ưa sử dụng bàn phím cứng bởi chúng cho cảm giác bấm phím thật hơn rất nhiều.
.
Phía trên màn hình là nơi bố trí loa thoại và camera trước.
4 nút bấm truyền thống của Android được đặt ở phía dưới màn hình cảm ứng. Dưới đó một chút là lỗi microphone.
Bề dày của S18 khá “ăn rơ” với thiết kế kích thước và trọng lượng của máy. Cách bố trí các phím bấm của Q-Smart S18 cũng không có nhiều đặc biệt tuy nhiên so với S15 thì các nút bấm cứng trên S18 tốt hơn rất nhiều. Nút nguồn đã dễ bấm hơn khi không còn thụt vào bên trong vỏ máy quá sâu còn phím chỉnh âm lượng cũng có hành trình phím sâu hơn qua đó có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.
Cạnh trái của máy là phím chỉnh âm lượng và cổng kết nối microUSB.
Cạnh trên của máy là nơi bố trí nút nguồn và giắc cắm tai nghe 3,5 mm.
Cạnh dưới và cạnh phải của S18 hoàn toàn trống trơn.
Điểm khác biệt nhất mà Q-Mobile đem đến cho S18 đó chính là lớp chất liệu nhựa vân sần kim loại cấu thành nên nắp sau. Q-Mobile vốn có truyền thống sử dụng nhựa để chế tạo nắp sau cho các sản phẩm của mình nhằm tiết kiệm chi phí sản xuất nhưng với S18, câu chuyện đó đã khác đi rất nhiều.
Video đang HOT
Quả thật lớp nhựa sần này khiến cho chiếc smartphone này tăng điểm thiết kế rất nhiều trong mắt tôi bởi chất liệu nhựa vân kim loại làm giảm đí cảm giác rẻ tiền khá nhiều cũng như tăng thêm độ bám cho mặt sau của máy. Và trên hết là cái thói quen phải lau máy thường xuyên không còn thường trực nữa khi tôi sử dụng S18 cũng bởi sự thay đổi nắp lưng đã khắc phục triệt để khiếm khuyết này. Thiết nghĩ Q-Mobile nên áp dụng thiết kế này nhiều hơn cho các smartphone về sau của hãng, vừa hiệu quả mà cũng vừa tiết kiệm.
Chất liệu nhựa vân kim loại là một trong những điểm tuyệt nhất về thiết kế của S18.
Q-Smart S18 được trang bị camera 5 megapixel cũng chỉ ở mức bình thường như những chiếc điện thoại đang “nhan nhản” xuất hiện trên thị trường hiện nay. Tuy thế so với S15 hay S11 thì camera 5 chấm này thực sự là một cải tiến lớn đáng kể. Và sẽ tốt hơn nếu như camera của S18 được hỗ trợ thêm đèn flash nhằm hỗ trợ người dùng trong điều kiện thiếu sáng khi mà hầu hết những camera 5 chấm của điện thoại hiện nay đều được “tác chiến” cùng đèn trợ sáng. Dẫu vậy thì đây cũng không phải là khuyết điểm quá lớn của S18 và chúng ta cũng chẳng nên đòi hỏi quá nhiều ở một sản phẩm điện thoại giá rẻ như S18.
S18 được trang bị camera 5 chấm tuy nhiên hơi đáng tiếc là lại không có đèn trợ sáng.
Phía dưới lưng máy, phần gồ lên là nơi bố trí loa ngoài.
Các smartphone của Q-Mobile đều có thiết kế mở nắp lưng và S18 cũng không phải là ngoại lệ. Như mọi khi, mở nắp máy lên chúng ta sẽ thấy hai khe cắm thẻ SIM cùng khe cắm thẻ nhớ microSD. Thời lượng pin của máy ở mức 1500 mAh có vẻ khá “ít ỏi” so với một chiếc smartphone màn hình 4 inch.
Với cách sắp đặt nội thất bên trong như thế này thì người dùng sẽ cần phải tháo pin mới có thể thay được SIM cho S18. Giống như S15, chỉ có khe SIM 1 mới có thể sử dụng được mạng 3G.
Về tổng quan, tôi đánh giá rất cao thiết kế của S18 từ kích thước, trọng lượng hợp lý cho mặt lưng bám tay không in vân tay. Có thể nói rằng đây là một trong những sản phẩm smartphone có thiết kế tuyệt nhất của Q-Mobile mà tôi từng biết.
S18 thể hiện rõ sự thay đổi vượt bậc trong tư duy thiết kế và gia công của Q-Mobile bởi thay vì chỉ tập trung vào việc làm sao để máy chạy mượt nhất có thể với mức cấu hình hạn chế thì thương hiệu điện thoại này cũng đã biết chăm chút hơn vào những tiểu tiết trong thiết kế để khiến sản phẩm của mình hấp dẫn hơn trong mắt người dùng.
2. Màn hình
Màn hình của Q-Smart S18 có kích thước đường chéo là 4 inch cho độ phân giải 480×800 pixel. Với thông số kỹ thuật như thế nên chẳng có gì ngạc nhiên khi màn hình của S18 cho chất lượng hiển thị hình ảnh rất khá. Dù rằng ta vẫn có thể nhìn thấy những pixel khi căng mắt soi mói trên toàn màn hình của S18 nhưng nếu nói về độ nét thì có thể khẳng định rằng màn hình của S18 có thể ngấp nghé tới những mẫu smartphone tầm trung của các hãng điện thoại nổi tiếng khác.
Việc trang bị màn hình kích thước lớn lên đến 4 inch dành cho S18 thể hiện sự thức thời của Q-Mobile. Rõ ràng là trong thế giới smartphone, màn hình to luôn đem lại nhiều trải nghiệm hơn cho người dùng đơn cử như nhắn tin hay lướt web. Nhưng hãy tiếp tục săm soi màn hình của S18 thêm nữa. Nếu như bạn đã hài lòng với độ nét mà màn hình S18 mang lại thì chắc bạn cũng sẽ gật đầu về khả năng hiển thị màu sắc của chiếc smartphone này nếu không phải là một người khó tính.
Nhìn chung, khả năng hiển thị màu sắc của S18 ở mức khá, các màu sắc dịu mắt dễ nhìn tuy hơi thiếu độ tương phản. Do vậy mà nếu kỹ tính một chút, có thể bạn sẽ thấy màu sắc của màn hình S18 hơi “nhợt nhạt”. Tuy nhiên điều đó lại làm cho màn hình của S18 có chút gì đó chân thực chứ không nịnh mắt như loại màn hình AMOLED. Dẫu sao đây cũng chỉ là cảm nhận của riêng mỗi người bởi có người thì lại thích độ tương phản cao, có người thì lại thích vừa vừa. Thế nên, nếu có thể dễ dàng bỏ qua đặc điểm này thì tôi tin chắc rằng màn hình của S18 hoàn toàn đủ khả năng để làm hài lòng bạn.
3. Camera
Camera là một trong những điều hứng thú của tôi khi được cầm trên tay S18 bởi khác hẳn so với những sản phẩm trước đó, camera của S18 có độ phân giải lên đến 5 megapixel. Với độ phân giải này thì cũng có thể dự đoán được ít nhiều về chất lượng ảnh chụp của camera S18.
Thực tế đã chứng minh rằng camera của S18 chụp ảnh khá tốt. Ở điều kiện ngoại cảnh, ánh sáng đầy đủ, ảnh chụp ra rõ ràng, tươi sáng. Một số trường hợp ảnh chụp có chút u ám nhưng không đáng kể. Một trong những điểm mạnh của camera S18 là khả năng thể hiện nền trời tự nhiên. Tốc độ chộp hình của camera S18 là điểm cộng khiến ảnh chụp ra ít bị nhòe, mờ.
Ảnh ngoại cảnh sáng, dễ nhìn, có độ chi tiết nhất định.
Đôi khi ảnh chụp từ camera của S18 khá “u ám”.
Ở điều kiện nội cảnh cũng như ít ánh sáng, S18 không thể tránh khỏi hiện tượng suy giảm chất lượng ảnh chụp nhưng điểm tôi hài lòng ở camera của máy là hiện tượng nhiễu ít xảy ra.
Điều kiện nội cảnh ánh sáng tốt thì camera của S18 cho chất lượng rõ nét tuy nhiên nước ảnh hơi bị ngả xanh.
Ảnh chụp trong điều kiện thiếu sáng vẫn có thể chấp nhận được.
Khi chụp ảnh thiếu sáng, hiện tượng nhiễu hạt ít xảy ra là một điều đáng được ngợi khen dành cho camera của S18.
Tuy nhiên, trái với chất lượng ảnh chụp thì khả năng quay phim của camera trên S18 khá tệ với nước phim mờ và nhợt nhạt. Điều đáng mừng là số khung hình của clip quay được qua camera của máy khá ổn định.
4. Hiệu năng
Chạy trên nền hệ điều hành Android 4.0 nặng nề nhưng lại chỉ được trang bị vi xử lý lõi đơn tốc độ 1Ghz cùng RAM dung lượng 512 MB do vậy mà “độ mượt” của S18 phần nào bị ảnh hưởng bởi gánh nặng từ nền tảng hệ điều hành. Ngay từ thao tác cuộn trang ứng dụng bạn cũng sẽ thấy đôi chút lag giật. Tuy nhiên điểm đáng khen là sự ổn định khi chạy các ứng dụng của S18 vẫn được bảo toàn: Máy ít khi bị crash và văng ứng dụng.
Màn hình Homescreen của S18.
Bạn đọc có thể cảm nhận rõ hơn về sức mạnh phần cứng của S18 thông qua hai kết quả benchmark là Antutu và Quadrant với điểm số lần lượt là 2653 và 1873.
Điểm Quadrant hơi thấp.
Điểm số Antutu của S18 ở mức khá.
Các thao tác lướt web trên màn hình 4 inch của S18 cũng không có quá nhiều khác biệt, vẫn là hạn chế đến từ phần cứng khiến cho đôi khi thao tác vuốt màn hình đọc thông tin đôi khi bị khựng lại dù không nhiều. Tuy nhiên khuyết điểm đó có thể bù lấp lại được bằng màn hình có kích thước lớn và chất lượng tốt của S18. Ngoài ra việc hỗ trợ thêm kết nối 3G cũng khiến người dùng thoải mái hơn trong việc online qua di động 24/24 mọi lúc và mọi nơi.
Có thể nói việc trang bị màn hình 4 inch cho S18 là một quyết định đúng đắn của Q-Mobile. không chỉ vì nó giúp cho việc nhắn tin được dễ dàng hơn mà cũng làm cho khả năng duyệt web đã hơn. Với màn hình 4 inch to hơn, tôi có thể xem được nhiều thông tin hơn khi đang lướt web, ngoài ra nó cũng khiến số lần sử dụng ngón tay vuốt trang web giảm đi ít nhiều.
Bàn phím dọc của S18.
Bàn phím ngang của S18. Về cơ bản, bàn phím QWERTY của S18 có độ sai sót khi sử dụng thấp do được hưởng sái màn hình lớn.
5. Thời lượng pin
Với màn hình kích thước lớn lên đến 4 inch nhưng chỉ được trang bị thời lượng pin khá hẻo lại hoạt động trên nền Android 4.0 nên tôi không hy vọng gì nhiều lắm ở thời gian sử dụng của S18. Rất may là S18 vẫn đủ sức hoàn thành được bài test một ngày làm việc từ lúc 8 giờ cho đến 18 giờ cùng ngày. Trong một ngày, tôi thường nhận cũng như thực hiện khá nhiều cuộc gọi hay tin nhắn, cùng một chút khoảng thời gian nghỉ trưa lướt web và thỉnh thoảng chơi game bằng S18 thì đến cuối ngày S18 vẫn còn khoảng gần 25% pin.
Dù không thể hiện được nhiều so với đàn anh S15 nhưng nói gì thì nói việc có thể đáp ứng được một ngày làm việc là một nhu cầu bắt buộc đối với một chiếc smartphone. S18 đã hoàn thành được bài test đó bất chấp những hạn chế kể trên thì chúng ta cũng không nên quá khắt khe làm gì.
6. Kết
Nếu bạn thường hay nghĩ rằng điện thoại giá rẻ thường không được đẹp thì rất có thể bạn sẽ phải nghĩ lại khi nhìn thấy và sờ tận tay, day tận trán S18, một điện thoại thiết kế tốt của Q-Mobile. Sau rất nhiều sản phẩm smartphone Android chập chững buổi ban đầu, thương hiệu điện thoại Việt này đang có những bước trưởng thành về khả năng thiết kế và gia công smartphone. Về cơ bản, sản phẩm trong bài đánh giá này vẫn là một sản phẩm xứng đáng với số tiền bạn bỏ ra và nếu đang có ý định mua một chiếc smartphone giá rẻ mà lại đẹp, có lẽ S18 là sản phẩm mà bạn nên cân nhắc.
Theo genk
Q-Smart S22: Giá rẻ, hiệu năng mượt
Q-Smart S22 hiện đang là sản phẩm điện thoại mạnh nhất của thương hiệu Q-Mobile với cấu hình khá mạnh bao gồm vi xử lý lõi kép tốc độ 1Ghz đi kèm với 512 MB RAM. Máy được trang bị màn hình công nghệ IPS LCD 4,3 inch cho độ phân giải 480x800 pixel và chạy trên nền Android 4.0 hỗ trợ nhiều tính năng. Sau đây là cảm nhận của GenK chúng tôi về sản phẩm này.
Hiện nay, Q-Smart S22 đang được bán trên thị trường với mức giá 3.790.000đ tặng kèm thẻ nhớ 8GB.
Hộp máy của Q-Smart S22 không có nhiều khác biệt so với những sản phẩm trước đó.
Bên trong vỏ hộp là thân máy, sách hướng dẫn sử dụng, pin. tai nghe 3,5 mm, dây nối microUSB. Q-Mobile vẫn không có nhiều thay đổi về cách đóng gói sản phẩm.
S22 sở hữu màn hình IPS LCD kích thước lớn lên đến 4,3 inch tỷ lệ 16:9 thế nên bề ngoài của chiếc điện thoại này cũng theo đó mà to lên. Ngoài ra thì viền màn hình ở trên và dưới của máy cũng khá dầy khiến cho chúng ta có cảm tưởng như máy dài hơn so với những dòng điện thoại phổ thông. Cũng may là các góc máy được bo tròn đi nhiều nếu không trông S22 sẽ khá là "bé bự".
Phía trên màn hình là loa ngoài và camera trước.
Phía dưới màn hình là 4 phím bấm truyền thống của Android.
Cạnh phải của máy là nút nguồn. Sườn máy ở hai bên của S22 là khung kim loại cho cảm giác nhằm tạo điểm nhấn cho thiết kế. Bề dày của máy hơi dày một chút khi so sánh với các sản phẩm smartphone của các hãng khác.
Thay vì đặt ở trên đỉnh như những sản phẩm smartphone trước đó, Q-Mobile đã đưa nút nguồn của máy về phía cạnh phải tạo nhiều thuận tiện cho người sử dụng bởi nếu đặt nút nguồn ở đỉnh máy phía trên thì chiều dài của máy sẽ gây nhiều khó khăn cho người dùng nhưng khi muốn mở máy.
Cạnh trái của máy là phím chỉnh âm lượng. Ở S22, các nút bấm cứng của máy đã có sự cải tiến đáng kể, hành trình phím sâu cùng độ đàn hồi khiến người dùng không gặp nhiều khó khăn khi sử dụng.
Đỉnh trên của máy là cổng cắm tai nghe 3,5 mm cùng cổng kết nối microUSB.
Cạnh dưới của máy là nơi bố trí cổng microphone.
Nắp lưng lại là điểm yếu của S22 bởi chất liệu cho cảm giác khá rẻ tiền và nhất là dễ bám vân tay.
Phía trên mặt sau là camera 5 megapixel khá "hẻo" so với những mẫu smartphone đang có trên thị trường nhưng vẫn thuộc loại hàng hiệu trong dòng họ Q-Smart. Và thực sự thì camera của S22 cho chất lượng chụp ảnh rất khá. Điểm đáng khen là Q-Mobile đã trang bị thêm đèn trợ sáng nhằm phục vụ tốt hơn cho nhu cầu chụp ảnh ở những nơi thiếu sáng.
Phía dưới là logo Q-Smart S22 cùng loa ngoài. Dù rằng âm lượng loa ngoài của S22 khá to nhưng việc sắp xếp vị trí như thế này lại là một hạt sạn trong thiết kế bởi loa ngoài sẽ rất dễ bị che đi qua đó làm giảm chất lượng âm thanh.
Cũng giống như các sản phẩm smartphone trước đó của Q-Mobile, S22 hỗ trợ hai SIM hai sóng, tất nhiên Q-Smart S22 vẫn hỗ trợ thẻ SIM thường. Ngoài ra, pin của máy cũng có dung lượng khá lớn ở mức 1800 mAh.
Nhìn chung về thiết kế S22 không có nhiều đột phá như ở S18 nhưng về mặt hiệu năng do được trang bị vi xử lý lõi kép nên trải nghiệm trên S22 được nâng cao đáng kể không chỉ vì nền tảng Android 4.0 mạnh mẽ mà còn là bởi cấu hình đủ sức có thể gánh vác được sức nặng từ nền tảng phần mềm. Nếu đang cân nhắc một sản phẩm smartphone Android 4.0 nhưng lại không muốn tốn quá nhiều tiền, bạn có thể đưa S22 vào trong danh sách của mình.
Theo genk
Soi ưu và nhược của Q-Smart S18 Chiếc smartphone Q-Smart S18 đang được giới thiệu rầm rộ trên thị trường với mức giá rẻ cùng tính năng khá phù hợp. Tuy nhiên tâm lý "tiền nào của nấy" trong người dùng Việt vẫn là một trong những lý do ngăn cảm họ chọn và sử dụng chiếc smatphone mới của Q-Mobile này. Và ưu, nhược của chiếc điện thoại này...