‘Phượt Sài Gòn’ để… học Địa lý
Đó là ý tưởng đã được thực hiện bởi cô Dương Thị Ngọc Sương cùng các em học sinh lớp 12 trường THPT Trần Hưng Đạo (quận Gò Vấp, TP HCM).
Không theo khuôn mẫu sách giáo khoa, không còn quá nhiều lý thuyết là những gì cô và trò hào hứng chia sẻ sau khi thực hiện dự án.
Buổi báo cáo sau dự án dạy học bằng cách “Phượt Sài Gòn” của các em học sinh trường THPT Trần Hưng Đạo với nhiều hình thức sáng tạo.
Không còn phải ôm sách giáo khoa
Video đang HOT
Đầu tháng 4 vừa qua, các em học sinh lớp 12A19 đã có buổi hội thảo, báo cáo chuyên đề dự án “Phượt Sài Gòn” để… học Địa lý. Tại đây, các em đã tham gia diễn kịch, xử lý tình huống… những kỹ năng với nhiều sáng tạo chưa bao giờ có ở những tiết học Địa lý trước đây.
Chia sẻ về ý tưởng, cô Sương cho biết, dự án xuất phát từ yêu cầu đổi mới trong phương pháp dạy học và mong muốn truyền tải tình yêu TP HCM đến học sinh.
“Các em là những công dân của thành phố nên cần phải hiểu về nơi mình sống. Hiểu rồi các em sẽ yêu quí thành phố hơn, sẽ biết hành động để thành phố phát triển”.
Từ tháng 1-3/2016, với quy định hoạt động theo nhóm và rời khỏi khuôn khổ trường lớp, các em học sinh đã được tham gia các chuyến vừa “phượt” vừa học. Đi thực tế, các em còn phải quay phim, chụp ảnh, viết bài… về các vấn đề như ẩm thực Sài Gòn, các địa danh nổi tiếng của Sài Gòn, chợ ở Sài Gòn; hạn chế của du lịch, làm sao để Sài Gòn trở thành địa điểm du lịch lý tưởng…
Khi tiết học chính thức diễn ra, các nhóm báo cáo nội dung đề tài bằng hình thức thuyết trình, chiếu clip, diễn kịch… Tại buổi hội thảo vừa qua, các em cho biết đã thực hiện phỏng vấn trực tiếp 85 du khách nước ngoài, 15 du khách Việt Nam.
Một nhóm báo cáo nêu vấn đề có 70% trong số du khách đã cho rằng họ không muốn quay lại Sài Gòn. Lý do được đưa ra bao gồm như: người dân vứt rác bừa bãi, nạn ăn xin, móc túi, cướp giật tràn lan, thái độ phục vụ kém, hàng hóa bị đẩy giá lên cao…
Như vậy, thay vì chỉ ôm sách giáo khoa, ngồi tại các lớp học thì các bạn học sinh đã đi đến tận nơi, tự mình tìm kiếm thông tin, xác minh và tìm lời giải cho mọi khúc mắc của không chỉ các nội dung về Địa lý và còn nhiều vấn đề trong xã hội.
“Phượt” để học kỹ năng
Giờ đây, cụm từ “học dự án” hay “Phượt Sài Gòn” được các em học sinh lớp 12A19 nhắc đến với sự mong đợi, phấn khởi.
Qua các buổi ngoại khóa, đi thực tế các em học sinh đã nhận ra rằng việc học tập giờ đây không còn là ngồi một chỗ, thu nhặt kiến thức. Đó còn là thực hành những kỹ năng tưởng chừng rất nhỏ như soạn thảo văn bản, làm việc nhóm.
Dạy học theo dự án đã giúp các em học sinh tìm được hứng khởi với môn Địa lý. Từ những giây phút đầu bỡ ngỡ, các em học sinh đã hào hứng nhập cuộc.
“Những điều em được học không còn bị giới hạn trong kiến thức môn Địa lớp 12, mà còn rất nhiều kỹ năng khác. Dự án “Phượt Sài Gòn” giúp em nhận ra rằng còn rất nhiều điều thú vị về Sài Gòn mà mình vẫn chưa khám phá hết”- em Trần Thụy Hải Yến (học sinh lớp 12A19 THPT Trần Hưng Đạo) chia sẻ.
“Địa lý là một môn được nhiều học sinh, phụ huynh có phần xem nhẹ. Nhưng tôi mong rằng qua những giờ học này sẽ thay đổi suy nghĩ đó.
Các môn khoa học xã hội nói chung, trong đó có Địa lý chưa được quan tâm đúng mức trong khi đây là những môn trang bị cho các em những kiến thức thực tiễn trong cuộc sống, làm phong phú tâm hồn, giáo dục đạo đức, rèn các kĩ năng sống, hun đúc tình yêu quê hương đất nước cho học sinh.
Điều tâm đắc nhất của tôi trong dự án chính là nhìn thấy sự hào hứng của các em khi được trải nghiệm thực tế. Các em đã mạnh dạn đề xuất ý kiến, thực hiện các hoạt động đầy sáng tạo mà trước đây chưa bao giờ được thử sức” – là những chia sẻ của cô Ngọc Sương về dự án
Theo Thùy Trang/Lao Động