Phương Tây có thể làm gì với Nga?
Trước một Putin quyết tâm đưa quân đội vào Ukraine và không có dấu hiệu nhượng bộ, các nước phương Tây ít khả năng đáp trả bằng quân sự mà chỉ xem xét các biện pháp ngoại giao, kinh tế để cô lập Nga.
Quân đội Nga và các tay súng không rõ thuộc bên nào được triển khai tại Crimea khiến cuộc khủng hoảng tại Ukraine càng trở nên căng thẳng. Ảnh: AP
Thượng viện Nga hôm 1/3 chấp thuận đề nghị của Tổng thống Vladimir Putin đưa quân vào Ukraine, động thái có thể làm leo thang khủng hoảng ở Ukraine. Putin cho biết ông sẽ làm những việc cần thiết để “bảo vệ những công dân Nga cũng như những người gốc Nga” vì làn sóng bạo loạn hiện đã xuất hiện ở các thị trấn phía đông Ukraine. Quân đội Nga cũng được điều động thêm đến biên giới để tham gia cuộc tập trận quy mô lớn ngay cạnh Ukraine trong tuần này.
Trong khi Nga tỏ ra rất dứt khoát, Mỹ và Liên minh châu Âu dường như chưa có một giải pháp rõ ràng để giải quyết khủng hoảng Ukraine.
Tính hợp pháp của chính quyền mới
Cả Nga và phương Tây đều khẳng định mong muốn một giải pháp hòa bình, nhưng cả hai bên lại không thể thống nhất trong vấn đề chính quyền hợp pháp tại Ukraine.
Video đang HOT
Phương Tây công nhận chính quyền lâm thời do Quốc hội Ukraine ủy quyền. Còn phía Nga lại cho rằng đó là một chính phủ bất hợp pháp của “phe quá khích cực hữu” với xu hướng “bài ngoại, chống Do Thái và phát xít mới”, và là kết quả của “cuộc đảo chính” lật đổ Tổng thống Viktor Yanukovych một cách phi pháp.
Ông Putin muốn phương Tây và Kiev quay trở lại với các thỏa thuận đã ký với Yanukovych ngày 21/2 để tổ chức hội đàm về cải cách hiến pháp. Theo Moscow, việc làm này nhằm đáp ứng nhu cầu của tất cả các bên và khu vực, nói cách khác chính là cải cách Ukraine thành một liên bang trao nhiều quyền tự trị hơn cho các khu vực nói tiếng Nga và cộng hòa tự trị Crimea.
Nhưng điều đó đồng nghĩa với việc công nhận ông Yanukovych vẫn là tổng thống và phủ nhận tính hợp pháp của chính quyền Kiev mới nên phương Tây sẽ không đồng ý với mong muốn này của Moscow.
Biện pháp quân sự
Nga cũng được ủng hộ rộng rãi ở khu vực phía đông Ukraine. Ảnh: Reuters
Dù nhận được tín hiệu cầu cứu của Kiev, phương Tây vẫn chưa có hành động cụ thể nào. NATO và các nước EU mới chỉ triệu tập các cuộc họp khẩn cấp. Mỹ lên tiếng cáo buộc Nga có hành vi xâm lược Ukraine và vi phạm Hiến chương Liên Hợp Quốc. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cảnh báo nếu Nga không lập tức rút quân khỏi Ukraine, quan hệ Mỹ-Nga và vị thế của Nga trên trường quốc tế sẽ bị đe dọa nghiêm trọng.
Tuy nhiên, có ít dấu hiệu cho thấy NATO sẽ có những đáp trả quân sự. Nếu có thì cũng chỉ là tham gia bảo đảm an ninh biên giới Ba Lan – Ukraine, hoặc chỉ dừng lại ở các biện pháp ngoại giao và kinh tế để cô lập Nga.
Nhưng ngay cả khi các nước phương Tây áp đặt các biện pháp trừng phạt hoặc các biện pháp khác, ông Putin cũng có thể biết được rằng giống như tại Gruzia, việc này không thể kéo dài được lâu.
Sau một hoặc hai năm, khi các chính phủ phương Tây bước vào nhiệm kỳ mới thì các nhà lãnh đạo mới sẽ tái thiết quan hệ với Moscow, vì thấy rằng không thể đối đầu quá lâu với một nước Nga quyền lực và có vai trò quan trọng đối với sự ổn định quốc tế như vậy.
Đánh vào kinh tế là chơi dao hai lưỡi
Phương Tây có thể áp dụng các biện pháp đánh thẳng vào các nguồn lợi kinh tế của Nga mà không cần sự thông qua của Liên Hợp Quốc. Nhưng đánh vào kinh tế cũng giống như chơi dao hai lưỡi.
Nga là nhà cung cấp khí đốt và dầu lớn nhất cho EU. 25% lượng khí đốt của EU tới từ Nga. Sự phụ thuộc này khiến khối liên minh của 28 nước thành viên khó có thể mạnh tay. EU không có những phương án khác để bù đắp lượng khí đốt từ Nga, dù sau một mùa đông không quá lạnh, liên minh này có thể đủ khí đốt để bù đắp sự thiếu hụt trong vài tháng.
Van áp suất trên một đường ống khí đốt của Nga. Ảnh minh họa: AFP.
Sergei Glazyev, cố vấn kinh tế điện Kremlin cho rằng Moscow có thể dừng việc sử dụng đồng USD, chuyển sang dùng các đồng ngoại tệ khác trong giao dịch thương mại quốc tế để bớt phụ thuộc vào Washington. Đồng thời, ông còn cảnh báo hệ thống tài chính Mỹ phải đối mặt “với nguy cơ sụp đổ” nếu điều này thực sự xảy ra.
“Trong trường hợp lệnh trừng phạt áp dụng đối với các tổ chức chính phủ, chúng tôi buộc phải tuyên bố rằng việc hoàn lại những khoản nợ mà ngân hàng Mỹ cung cấp cho Nga là không thể xảy ra”, Voice of Russia dẫn lời Glazyev cho biết thêm.
“Các biện pháp trừng phạt là con dao hai lưỡi. Nếu Mỹ chọn cách phong tỏa tài sản của Nga thì thị trường cổ phiếu cùng những khoản nợ bằng đồng USD của Moscow cũng sẽ bị đóng băng. Điều này có nghĩa là ngân hàng cũng như các doanh nghiệp Nga không thể trả nợ cho đối tác Mỹ”.
Các biện pháp hạn chế thị thực và đóng băng tài sản cũng từng được sử dụng trước đây. Mỹ đã áp dụng các biện pháp này với những quan chức Nga có liên quan tới việc bắt, cái chết và phiên tòa xét xử sau khi qua đời của luật sư Sergei Magnitsky. Những sự trừng phạt khá hạn chế này tác động xấu tới mối quan hệ Mỹ – Nga, dẫn tới các biện pháp trả đũa, trong đó có một lệnh cấm người Mỹ nhận con nuôi ở Nga.
Tuy nhiên, Francesco Giumelli, một chuyên gia về các lệnh trừng phạt quốc tế tại đại học Groningen ở Hà Lan, cho rằng những biện pháp nêu trên không thể được sử dụng để nhằm vào bất cứ người giàu nào ở Nga. “Về mặt pháp lý, rất khó để làm như vậy. Làm sao bạn có thể liên hệ những người đó với một vụ việc cụ thể nào ở Crimea? Bạn sẽ cần phải có những bằng chứng rằng họ liên quan tới điều sai trái nào đó”.
Giumelli cũng không cho rằng việc áp đặt lệnh cấm đi lại đối với các quan chức cấp cao của Nga có liên quan tới những gì đang xảy ra ở Crimea sẽ mang lại lợi ích cho Ukraine. “Thật dễ để nói ‘chúng ta cần phải mạnh mẽ’, nhưng sẽ thế nào nếu họ (người Nga) cũng nói như vậy? Tôi không nghĩ là EU sẵn sàng đẩy tình hình tới mức mà có ai đó sẽ phải thoái lui”, chuyên gia này nhận định.
Theo VNE