Phương pháp tạo động lực kích thích trẻ sáng tạo trong học tập
Chỉ với sự tâm huyết và lòng yêu trẻ mới có thể tiếp thêm động lực cho người giáo viên mầm non kiên trì soạn những giáo án hay với những bài học bổ ích cho con trẻ.
Say mê với phương pháp dạy học mới
Ngày nay, nhiều trường mầm non đã áp dụng phương pháp dạy học mới, hiện đại, đòi hỏi các cô giáo phải luôn chịu khó tìm kiếm, suy nghĩ để có được những nội dung giảng dạy hấp dẫn, không những liên quan đến chủ đề dự án mà phải phù hợp với độ tuổi, khả năng và sở thích của mọi trẻ trong lớp. Ngoài ra, các cô còn phải dành thêm thời gian chuẩn bị các học liệu cho trẻ thực hành. Tuy vậy, khi đứng lớp, không ít cô giáo mầm non vẫn cảm thấy hụt hẫng, mất niềm tin khi các con thích khám phá, hay nghịch ngợm, không nghe lời cô và làm cho tiết học của họ không như mong muốn.
Với phương pháp giáo dục hiện đại, học sinh sẽ tự tin hơn khi chinh phục các mục tiêu học tập
Những lúc này, chỉ với sự tâm huyết và lòng yêu trẻ mới có thể tiếp thêm động lực cho người giáo viên mầm non kiên trì soạn những giáo án hay với những bài học bổ ích cho con trẻ. Và rồi, “quả ngọt” mà họ nhận được là chứng kiến các con hứng thú với bài dạy, hăng say khám phá những điều mới mẻ, thú vị của cuộc sống.
Hạnh phúc khi truyền cảm hứng học tập cho trẻ
Một trong những phương pháp đang được áp dụng phổ biến hiện nay là phương pháp dạy học dự án, ở đó chính trẻ sẽ tự lên kế hoạch, tự thực hiện và điều hành các hoạt động trải nghiệm dưới sự hỗ trợ của giáo viên. Với cách này, các cô giáo cũng cảm thấy rất hào hứng khi đứng lớp. Bởi ở mỗi tiết học, trẻ là người chủ động tìm hiểu và giải quyết vấn đề, cô giáo chỉ đóng vai trò là người đặt vấn đề và hỗ trợ định hướng trẻ.
Trẻ đóng vai trò chính trong mỗi hoạt động và giáo viên là người hỗ trợ, hướng dẫn
Cô Phạm Thị Huệ, giáo viên mầm non chia sẻ, trong tiết dạy STEAM với chủ đề “Tạo hình cơ thể người”, cô cho các bạn nhỏ tự tìm nguyên vật liệu xung quanh trường để mô phỏng hình cơ thể. Có bạn dùng những cành cây khô, dùng ống hút hay tăm bông, hay có bạn dùng những chiếc lá tạo thân, tay và khuôn mặt trông rất ngộ nghĩnh. Trẻ không thấy việc học là bắt buộc hay áp lực nữa, niềm vui khám phá và được trải nghiệm ý tưởng của chính mình giúp trẻ có được niềm say mê học tập suốt đời.
Với bản tính của trẻ là thích tìm tòi, khám phá, khi được đóng vai trò chính trong tiết học, con sẽ thấy hứng thú và say mê với việc học hơn so với phương pháp truyền thống “cô dạy, trẻ làm theo”.
Bất ngờ trước sự sáng tạo vô tận của trẻ
Đứa trẻ nào cũng có những suy nghĩ mà người lớn không hề nghĩ đến. Và với nghề giáo viên mầm non, đôi khi nghe những câu trả lời của con tuy ngây ngô nhưng lại khiến cô vui sướng. Chính suy nghĩ của các con cũng giúp các cô điều chỉnh phương pháp dạy học mới phù hợp hơn.
Nhiều cô chia sẻ bất ngờ khi thấy học sinh của mình tìm kiếm khắp trường, ngay cả những ngóc ngách cô không thể ngờ tới chỉ để đem về những vật thể có hình tròn theo yêu cầu. Có bạn tìm thấy bông hoa, đem về lõi giấy vệ sinh hay có bắt cả con ốc sên vì thấy vỏ ốc giống hình tròn. Dù suy nghĩ của con ngây ngô nhưng điều đó đem lại cho con những trải nghiệm, bài học tuyệt vời mà chính cô không thể dạy hết được.
Video đang HOT
Chia sẻ những quy ước nhỏ với con trẻ
Mỗi lớp học là một tập thể khác nhau. Có lớp gồm những bé rất ngoan ngoãn, có lớp đa phần là các bé hiếu động. Thế nên các cô giáo mầm non sẽ xây dựng nên những văn hóa hay quy ước riêng cho lớp. Đó có thể là một câu hiệu lệnh, hành động tập hợp hoặc phiếu khen thưởng… Thời gian đầu, các bé chưa quen nên không làm đúng theo hiệu lệnh chung, nhưng khi đã quen vào nề nếp, các cô sẽ không phải khó khăn để ổn định lớp trước giờ học. Các cô cũng nên thường xuyên gợi ý để trẻ chia sẻ “bí mật nho nhỏ” trong quá trình học tập để gắn kết cô và trò hơn như đứa con giao ước bí mật với một người mẹ. Như thế, tình cảm của cô và trò ngày càng bền chặt, giáo viên sẽ cảm thấy hạnh phúc với sự lựa chọn đúng nghề của mình.
Tiết học hứng thú và hăng say của các con
Cùng trẻ chinh phục những mục tiêu sau mỗi tiết học
Trẻ con đặc biệt hào hứng với trải nghiệm mới và những kiến thức rộng mở hơn khi cô bắt đầu một dự án. Và khi kết thúc tiết học hay dự án, chúng sẽ càng thích thú hơn khi tạo ra được sản phẩm cho riêng mình. Chính vì thế, mỗi giáo viên mầm non sẽ tự đặt mục tiêu cho mình rằng con sẽ học được gì. Có thể mục tiêu đó là con học được kỹ năng cắt dán, biết cách đánh răng hay có ý thức giữ an toàn cho mình trước nguy hiểm và nhiều điều khác. Chỉ khi đạt được mục tiêu sau mỗi bài học, giáo viên sẽ định hướng được cách nên dạy gì tiếp theo và cách dạy nào phù hợp cho trẻ.
Sự hỗ trợ từ những đồng nghiệp có chung đam mê và yêu quý con trẻ
Với giáo viên mầm non, yêu trẻ thôi chưa đủ, tình yêu với ngôi trường nơi họ đang giảng dạy cũng là yếu tố giúp họ có thêm động lực để cống hiến. Ở “ngôi nhà thứ hai” đó, họ có những người đồng nghiệp, Ban giám hiệu – những người cùng chung đam mê với nghề sư phạm và yêu quý con trẻ. Ở môi trường làm việc có người đồng hành thân thiện, thấu hiểu tâm tư để chia sẻ, động viên sẽ giúp giáo viên duy trì được ngọn lửa đam mê nghề sư phạm mầm non và vững bước hơn trong sự nghiệp “trồng người”.
Theo baodansinh
Dạy Toán lớp 1 trong CTGDPT mới: Khuyến khích các hoạt động trải nghiệm
Môn Toán lớp 1 trong Chương trình giáo dục phổ thông (CTGDPT) mới có những điểm gì mới và cần chú ý ra sao trong quá trình dạy học - Đó là những vấn đề mà giáo viên, học sinh và cả xã hội quan tâm. PTS.TS Đỗ Tiến Đạt - Viện KHGD Việt Nam - Chủ biên SGK Toán 1 - NXB ĐHSP đã trao đổi với Báo GD&TĐ xung quanh vấn đề dạy học Toán theo CTGDPT mới.
Ảnh minh họa/ INT
Những điểm mới
- Ông có thể cho biết, nội dung môn Toán lớp 1 trong CTGDPT mới có sự phân bố ra sao về thời lượng và nội dung?
- PGS. TS Đỗ Tiến Đạt: Nói một cách vắn tắt, mục tiêu dạy học Toán 1 là:
Hình thành và phát triển các phẩm chất chủ yếu; năng lực chung và năng lực toán học ở mức độ phù hợp với HS lớp 1.
Giúp HS đạt được các yêu cầu cơ bản:
Số: Đếm, đọc, viết, so sánh, cộng, trừ các số trong phạm vi 100;
Hình: Nhận dạng (trực quan) một số hình phẳng và hình khối đơn giản;
Đo lường: Thực hành đo độ dài; đọc giờ đúng; Xem lịch (lịch tờ hàng ngày); Lắp ghép, xếp hình.
Thực hành GQVĐ: Liên quan đến ý nghĩa thực tiễn của các phép tính cộng, trừ.
Thực hành và trải nghiệm: Thực hành ứng dụng các kiến thức toán học vào thực tiễn hoặc các hoạt động ngoài giờ chính khoá (ví dụ: Các trò chơi học toán...) liên quan đến ôn tập, củng cố các kiến thức cơ bản.
Tổng thời lượng dành cho môn Toán lớp 1 là 105 tiết (so với chương trình hiện hành giảm 25%). Ước lượng thời gian (tính theo %) cho các mạch kiến thức là: Số và Phép tính khoảng 80%; Hình học và Đo lường khoảng 15%; Hoạt động thực hành và trải nghiệm khoảng 5%.
PGS.TS Đỗ Tiến Đạt
- Với những nội dung và yêu cầu mới trong SGK Toán 1, phương pháp dạy học cần có sự đổi mới ra sao, thưa ông?
- Môn Toán góp phần hình thành và phát triển toàn diện cả về phẩm chất và năng lực người học. Như vậy cần tổ chức quá trình dạy học theo hướng khuyến khích các hoạt động trải nghiệm, khám phá, phát hiện của HS.
Vì vậy, trong soạn bài dạy học, người giáo viên (GV) nên tổ chức quá trình dạy học thông qua một chuỗi các hoạt động học tập tích cực, độc lập, sáng tạo của học sinh (HS), hướng đến mục tiêu hình thành và phát triển năng lực toán học. Quá trình đó có thể được tổ chức theo chu trình: Trải nghiệm - Phân tích, khám phá, rút ra bài học - Thực hành, luyện tập - Vận dụng kiến thức, kỹ năng vào thực tiễn.
GV đóng vai trò then chốt
- Khi triển khai CTGDPT mới và bắt đầu ở khối lớp 1 và đặc biệt ở SGK Toán 1, những vấn đề đặt ra với nhà trường, đội ngũ CBQL, GV sẽ ra sao để đáp ứng yêu cầu?
- Từ kinh nghiệm của quá trình triển khai CT và SGK hiện hành, đối chiếu với yêu cầu của CTGDPT mới nói chung, môn Toán nói riêng, trước hết trong công tác quản lý, nhà trường cần bảo đảm các yêu cầu:
Xây dựng kế hoạch thực hiện CTGDPT mới của trường theo kế hoạch của sở GD&ĐT; phòng GD&ĐT và phù hợp với điều kiện của địa phương, nhà trường.
Quán triệt các văn bản chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ và Bộ GD&ĐT về đổi mới CT, SGK GDPT; tổ chức kịp thời cho CBQL, GV nhà trường nghiên cứu, thảo luận kỹ nội dung CTGDPT mới, đặc biệt môn Toán lớp 1.
Tổ chức rà soát, đánh giá thực trạng, xác định nhu cầu GV ở từng lớp học; đề xuất kế hoạch bổ sung đội ngũ GV đáp ứng yêu cầu thực hiện CTGDPT mới; chọn cử đội ngũ GV cốt cán, đảm bảo số lượng và chất lượng để thực hiện kế hoạch bồi dưỡng GV đạt hiệu quả.
Tổ chức rà soát, sửa chữa, sắp xếp để sử dụng có hiệu quả cơ sở vật chất, thiết bị dạy học hiện có; xây dựng kế hoạch đầu tư cơ sở vật chất, bổ sung thiết bị dạy học và lựa chọn SGK để thực hiện CTGDPT mới...
Một CT GD hiệu quả cần phản ánh triết lý, mục tiêu giáo dục; đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và kỳ vọng của các đối tượng người học. Mặt khác, một CT GD có hay đến mấy nếu không có sự tham gia tích cực của GV, HS, các CBQL, chỉ đạo của tất cả các bên liên quan, thì sẽ khó bảo đảm chất lượng.
Vì vậy, nhà trường cần tiến hành thực hiện đánh giá CBQL, GV theo chuẩn nghề nghiệp, chủ động xây dựng kế hoạch đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng CBQL, GV đáp ứng yêu cầu thực hiện CT, SGK GDPT mới.
SGK Toán 1 của NXB ĐH Sư phạm - PGS.TS Đỗ Tiến Đạt làm chủ biên.
- Cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện dạy học... đóng vai trò thế nào trong việc thực hiện CTGDPT mới ở bậc tiểu học nói chung và chương trình Toán lớp 1 nói riêng, theo ông?
- Phương tiện, thiết bị dạy học (TBDH) là một trong những điều kiện quan trọng nhất để thực hiện nội dung giáo dục, đổi mới PPDH, giúp HS tự chiếm lĩnh kiến thức, phát triển kỹ năng thực hành.
CT mới sẽ áp dụng đại trà đầu tiên cho lớp 1 nên HS lớp 1 sẽ sử dụng TBDH theo CT mới, còn từ lớp 2 trở lên vẫn sử dụng theo CT hiện hành. Theo thiết kế và định hướng xây dựng danh mục TBDH của CTGDPT mới là kế thừa và sử dụng thiết bị đang có. Vì vậy, về cơ bản, TBDH không thay đổi, chỉ thay đổi cách thức sắp xếp tổ chức lại ở các phòng học bộ môn.
Ngoài ra, định hướng về cơ sở vật chất, TBDH khi thực hiện CTGDPT mới ở cấp tiểu học phải bảo đảm yêu cầu một lớp/phòng để học 2 buổi/ngày (cấp THCS và cấp THPT bảo đảm yêu cầu tối thiểu 0,6 phòng/lớp để tổ chức học các môn tự chọn). Trong khi đó, các yêu cầu về phòng học bộ môn và phòng học chức năng hiện chỉ đáp ứng khoảng 70%. Về TBDH, theo báo cáo của các địa phương có thể đáp ứng trung bình 50% đối với cấp tiểu học (khoảng 50 - 60% đối với cấp THCS và THPT).
Với yêu cầu đặt ra, để thực hiện CT mới các địa phương cần phải cải tạo điều kiện, bổ sung thêm phòng học bộ môn, phòng học chức năng để phục vụ cho các môn học: Tin học, Khoa học - Công nghệ, Ngoại ngữ ở cấp tiểu học (ở THCS, THPT cần đầu tư thêm các phòng học bộ môn như: Công nghệ, Nghệ thuật, Vật lý...)
- Xin cảm ơn PGS.TS Đỗ Tiến Đạt!
Đức Trí (Thực hiện)
Theo giaoducthoidai
Hoạt động trải nghiệm: Mối liên kết trong phát triển toàn diện Hoạt động trải nghiệm trong Chương trình giáo dục phổ thông (CTGDPT) mới là hoạt động giáo dục bắt buộc. Đây cũng là lần đầu tiên, hoạt động này được xây dựng chương trình một cách bài bản và song hành cùng hoạt động dạy học các môn học khác để tạo ra sự phát triển toàn diện, hài hoà cho học sinh...