Phương pháp luyện nghe của người thạo 5 thứ tiếng
Thành thạo tiếng Anh, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Nga, Pháp, James Granahan (sống tại Argentina) chia sẻ năm bước luyện nghe có thể áp dụng với mọi ngôn ngữ.
Tôi cho rằng nghe là kỹ năng ngôn ngữ khó học nhất và tôi từng rất vất vả để có thể nghe hiểu một ngôn ngữ mới vì không biết làm thế nào để ôn tập.
Trước đây, tôi học tiếng Tây Ban Nha khá tốt khi còn ở quê nhà nhưng từ ngày chuyển đến sống tại Argentina tôi mới nhận ra kỹ năng nghe của mình thật tệ. Ở đây, mọi người rất ít khi sử dụng tiếng Anh trong khi tôi không thể nghe ra họ nói gì bằng tiếng Tây Ban Nha nên thời gian đầu tôi chỉ gật đầu, mỉm cười và nỗ lực tuyệt vọng để hiểu mọi người xung quanh.
Dần dần, kỹ năng nghe của tôi được cải thiện đáng kể và tôi phát hiện ra trình độ của mình được nâng cao nhờ vào việc tập trung lắng nghe. Trước đây, tôi học nghe thụ động, nghĩa là “vào tai này, ra tai kia” mà không nghiêm túc tìm hiểu và ghi nhớ thông tin. Khi sống ở Tây Ban Nha, tôi buộc phải chăm chú lắng nghe, ghi nhớ và nghiên cứu lời nói của mọi người xung quanh và tôi nhận ra đó chính là cách luyện tập kỹ năng này.
Sự khác nhau giữa lắng nghe thụ động và chủ động
Nghe thụ động có nghĩa là bạn lắng nghe mà không tập trung. Chẳng hạn bạn mở chương trình phát thanh tiếng Pháp trong khi đang nấu ăn, dọn dẹp nhà cửa để học ngôn ngữ này. Hãy thử tưởng tượng tiếng Pháp là tiếng mẹ đẻ, liệu bạn có ghi nhớ toàn bộ nội dung của nó khi đang bận làm việc khác? Tất nhiên là vô ích. Nếu với tiếng mẹ đẻ, việc nghe thụ động không có tác dụng thì tại sao nó lại hiệu quả để học ngoại ngữ?
Tôi không hoàn toàn phủ định việc nghe thụ động vì đôi khi trong lúc lơ đễnh trí não bạn vẫn ghi nhớ được một vài từ, cụm từ hoặc đôi tai bạn sẽ được làm quen với ngoại ngữ. Tuy nhiên, nếu chỉ sử dụng phương pháp này để luyện nghe, bạn sẽ không thể thành công. Đó là lý do người học ngôn ngữ cần luyện nghe chủ động, nghĩa là tập trung lắng nghe, lặp đi lặp lại nội dung nghe trong đầu nhiều lần và biến nó thành của riêng.
Việc nghe chủ động giúp bạn phân biệt được những khác biệt nhỏ nhặt ở những từ có cách phát âm gần giống nhau hoặc cách người bản ngữ luyến láy ngôn ngữ của họ. Chẳng hạn, người Mỹ thường nói “Wassup”. Đây vốn không phải một từ có nghĩa. Nó là cách nói tắt của câu “What’s up?” (kiểu chào của người bản ngữ, tương tự câu “Hi, how are you?”, có nghĩa là sao rồi).
Ảnh: Fluent in 3 Months.
Năm bước luyện nghe ngoại ngữ
Khi luyện nghe, tôi thường sử dụng tệp âm thanh không dài quá bốn phút với chủ đề tôi yêu thích để duy trì cảm hứng học tập.
1. Nghe nhưng không đọc
Bước đầu tiên chỉ đơn giản là nghe tệp âm thanh. Bạn không cần đọc văn bản trước hoặc vừa nghe vừa đọc. Điều quan trọng là bạn phải tập trung nghe và xác định có thể hiểu được bao nhiêu phần nội dung mà không cần bất cứ sự trợ giúp nào.
Video đang HOT
Trừ khi bạn đạt trình độ cao, bước này sẽ tương đối khó khăn. Thay vì cố gắng hiểu từng từ đơn lẻ, hãy tập trung tìm ra ý chính của tệp âm thanh. Bạn có thể ghi chú những từ khóa giúp hiểu được nội dung chính. Những từ khóa này sẽ là gốc rễ ban đầu giúp bạn xây dựng ngữ cảnh.
2. Nghe lặp lại
Sau khi nghe, nhiều người mắc sai lầm vì ngay lập tức chuyển sang đọc nội dung văn bản. Bước thứ hai chưa phải là đọc mà bạn vẫn nên tiếp tục luyện nghe.
Trong lần nghe ở bước đầu tiên, bạn có thể ghi chép một số từ khóa chính. Ở lần này, hãy lắng nghe cẩn thận, tìm thêm nhiều từ hoặc cụm từ bỏ lỡ. Đến bây giờ, bạn đã có thể hình dung khái quát về nội dung tệp âm thanh. Nếu chưa thể hình dung ra, đừng lo lắng mà hãy tiếp tục ghi lại những từ khóa quan trọng. Thực hiện liên tục nhiều lần, bạn có thể vẽ nên bức tranh tương đối chi tiết về nội dung nghe.
Ở bước hai, tôi khuyến khích các bạn nên nghe ít nhất ba lần với mỗi lần nghe để hiểu thêm một chút về tài liệu. Mục tiêu chính là sử dụng trình độ, kiến thức ngoại ngữ hiện tại để nghe hiểu càng nhiều càng tốt trước khi chuyển sang đọc nội dung. Khi bạn không thể nghe thêm bất cứ từ mới nào, hãy chuyển sang bước tiếp theo.
3. Đọc
Giờ là thời gian để đọc nội dung văn bản. Trong khi đọc, hãy đối chiếu ghi chú của bạn với nội dung văn bản để kiểm tra độ chính xác. Nếu gặp từ mới trong văn bản, bước đầu bạn nên đoán nghĩa của từ dựa theo bối cảnh hoặc câu văn. Khi thực sự không thể đoán được, hãy tra từ điển. Với những từ mới có thể sử dụng trong thực tế, bạn nên ghi lại và luyện tập sử dụng.
Với những từ bạn nhìn quen mắt nhưng không hiểu rõ nghĩa, hãy cứ tra cứu cẩn thận vì dù quen mắt bạn vẫn chưa biết cách sử dụng. Một số từ nghe rất khác với bạn vẫn hay luyện tập vì có thể được nói ở tốc độ bản địa. Bạn nên lưu ý chúng khi nghe lại tệp âm thanh.
4. Nghe kết hợp đọc
Khi đã đọc qua nội dung, tra cứu nghĩa của từ mới, bạn có thể nghe lại tệp âm thành nhiều lần kết hợp đọc văn bản. Đây là bước duy nhất bạn kết hợp thị giác và thính giác cùng nhau nên hãy tận dụng nó. Cố gắng kết nối âm thanh nghe được và nội dung văn bản, đặc biệt chú ý đến từ mới, cụm từ hoặc cách phát âm.
Nếu văn bản chứa nhiều từ mới, bạn nên chia nhỏ tệp âm thanh thành các đoạn để có thể kết hợp nghe hiểu và đọc hiểu cùng lúc. Bạn có thể nghe toàn bộ hoặc nghe một phần nội dung. Cá nhân tôi thường lặp lại bước này ít nhất hai lần.
5. Nghe không có văn bản
Bước cuối cùng là nghe lại tệp âm thanh nhưng thoát ly khỏi văn bản. Đến lúc này, bạn có thể nghe hiểu âm thanh tương đối tốt mà không cần đến sự trợ giúp bên ngoài.
Trong nhiều ngày sau, hãy nghe lại tệp âm thanh vào thời gian rảnh rỗi. Nếu bước này lặp lại càng nhiều lần, độ tự tin và mức độ am hiểu của bạn sẽ càng tăng cao. Sau này, bạn có thể nhanh chóng nắm bắt một số từ hoặc cụm từ trong giao tiếp hoặc những tệp âm thanh khác.
Tú Anh ( Fluent in 3 Months/VNE)
Cách dạy trẻ song ngữ của bà mẹ nói 6 thứ tiếng
Shannon Kennedy ở bang California, Mỹ, nói chuyện với con bằng tiếng Anh, tiếng Trung Quốc trong khi chồng cô chỉ sử dụng tiếng Pháp.
Thành thạo 6 ngôn ngữ (Anh, Pháp, Quan Thoại, Nga, Croatia, Nhật), Shannon chia sẻ phương pháp nuôi dạy con trai thành trẻ song ngữ.
Khi tôi và chồng chào đón con đầu lòng, chúng tôi đã thảo luận việc có nên nuôi dạy cháu trở thành trẻ song ngữ hoặc đa ngôn ngữ hay không. Trong bài viết này, tôi sẽ chia sẻ những gì tìm hiểu, phương pháp tôi áp dụng đối với con trai mình.
Đầu tiên, có rất nhiều tranh luận xoay quanh việc tại sao phải nuôi dạy một đứa trẻ song ngữ?. Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, việc dạy trẻ ít nhất hai ngôn ngữ mang lại những giá trị tuyệt vời cho chính các em. Những ích lợi này bao gồm: khả năng giao tiếp với đám đông, phát triển tính cách cởi mở, tăng khả năng tập trung, mở rộng cơ hội việc làm trong tương lai, tiếp cận với đa dạng nền văn hóa. Cuối cùng là giúp chống lại bệnh suy giảm trí nhớ Alzheimer.
Một nghiên cứu chống lại những lập luận này cho rằng dạy trẻ nhiều ngôn ngữ có thể khiến chúng bị rối loạn hoặc hạn chế khả năng tiếp thu. Nhưng nhiều chuyên gia đã chứng minh đây là nhận định sai lầm.
Khi trưởng thành, tôi thường nghe bố than thở về việc ông nội chưa bao giờ dạy bố và bác tôi tiếng Croatia, ngôn ngữ mẹ đẻ của bố tôi. Sự tiếc nuối của bố đã tạo ra tác động lớn đối với tôi. Đó là lý do giờ đây tôi đang học tiếng Croatia.
Tôi không muốn các con phải chịu sự nuối tiếc như ông nội. Tôi muốn các con được tiếp thu và gìn giữ ngôn ngữ, di sản văn hóa của bố mẹ. Nếu sau này khi lớn lên không học ngôn ngữ, tôi sẽ tôn trọng quyết định của con, nhưng giờ đây điều tối thiểu tôi có thể làm là dạy con những ngôn ngữ mà tôi thành thạo.
Khi nói đến việc nuôi dạy thành công trẻ song ngữ, thực tế là không có quy tắc chung dành cho mọi đối tượng. Vì vậy, bạn nên tìm kiếm và thử áp dụng nhiều phương pháp để tìm ra chương trình phù hợp cho con cái. Dưới đây là những phương pháp nuôi dạy trẻ song ngữ phổ biến nhất mà tôi đã tìm hiểu.
1. Mỗi người một ngôn ngữ
Phương pháp mỗi người một ngôn ngữ (OPOL) có nghĩa là bố và mẹ sẽ sử dụng hai ngôn ngữ khác nhau khi giao tiếp với trẻ. Chẳng hạn người mẹ nói với con bằng tiếng Bồ Đào Nha trong khi người bố sử dụng tiếng Anh.
Phương pháp này vô cùng hiệu quả khi hai ngôn ngữ này khác với ngôn ngữ cộng đồng dân cư của họ đang sử dụng. Như tôi đưa ra phía trên, gia đình này có thể sinh sống tại Nhật Bản và do đó đứa trẻ sẽ học tiếng Nhật từ mọi người xung quanh hoặc trong trường học.
OPOL thường được đánh giá là phương pháp nuôi dạy trẻ song ngữ tốt nhất vì hạn chế việc trẻ bị xáo trộn ngôn ngữ. Nó cũng đảm bảo các em được tiếp xúc và sử dụng thường xuyên cả hai ngôn ngữ. Tuy nhiên, cách này đòi hỏi rất nhiều sự nỗ lực, cố gắng từ phía bố mẹ.
Dạy trẻ hai ngôn ngữ mang lại nhiều lợi ích. Ảnh: Shutterstock
2. Ngôn ngữ phụ khi ở nhà
Phương pháp ngôn ngữ phụ khi ở nhà (ML@H) được sử dụng khi phụ huynh muốn con học ngôn ngữ ít phổ biến trong cộng đồng nhưng cá nhân họ coi trọng. Điều này có nghĩa là tại nhà, phụ huynh sẽ giao tiếp với trẻ bằng ngôn ngữ phụ. Chẳng hạn vợ chồng đều nói tiếng Pháp ở nhà (dù đó không phải là ngôn ngữ mẹ đẻ của cả hai), nhưng sống ở Đức, nơi đứa trẻ sẽ học tiếng Đức ở ngoài xã hội.
3. Thời gian và địa điểm
Phương pháp thời gian và địa điểm (T&P) thường được áp dụng trong các trường học song ngữ. Buổi sáng, trẻ sẽ được học một ngôn ngữ trong khi buổi chiều là ngôn ngữ khác. Hoặc có thể thứ ba và thứ năm, trẻ sẽ học ngôn ngữ chính trong khi thứ hai, thứ tư và thứ sáu là thời gian dành cho ngôn ngữ phụ. Phụ huynh có thể điều chỉnh thời gian giảng dạy phù hợp với con.
4. Ngôn ngữ hỗn hợp
Theo phương pháp ngôn ngữ hỗn hợp (MLP), phụ huynh sẽ luân phiên sử dụng ngôn ngữ khác nhau với trẻ, phụ thuộc vào ngữ cảnh giao tiếp. Ví dụ cha mẹ sử dụng ngôn ngữ được hầu hết mọi người dùng khi nói về bài tập, hoạt động tại trường, thảo luận với con các vấn đề cá nhân bằng ngôn ngữ ít phổ biến hơn.
5. Hai bố mẹ, hai ngôn ngữ
Cách tiếp cận hai bố mẹ, hai ngôn ngữ (2P2L) là phương pháp tôi chia sẻ thêm, dành cho phụ huynh muốn nuôi dạy trẻ đa ngôn ngữ. Phương pháp này đòi hỏi bố và mẹ đều phải biết song ngữ. Chẳng hạn người mẹ nói với con bằng tiếng Anh, tiếng Đức trong khi người bố sử dụng tiếng Quan Thoại, tiếng Quảng Đông.
Phụ huynh không nhất thiết phải đi theo một phương pháp duy nhất mà có thể kết hợp tùy thuộc vào điều kiện, hoàn cảnh sống và tình huống sử dụng. Tuy nhiên, bất kể phương pháp nào, trẻ cũng cần được cung cấp nhiều tài liệu học và sự nhất quán trong việc giảng dạy từng ngôn ngữ.
Đối với đứa con đầu lòng, vợ chồng tôi giao tiếp với cháu bằng tiếng Pháp và tiếng Anh tại nhà. Với mục đích dạy con, chúng tôi đã hạn chế việc nói chuyện với nhau bằng ngôn ngữ này và bồi thêm một vài từ của ngôn ngữ còn lại.
Ngoài cộng đồng, gia đình tôi nói tiếng Anh, trong khi chồng tôi chỉ sử dụng tiếng Pháp. Như vậy, con trai tôi có thể dễ dàng tiếp thu tiếng Anh và tiếng Pháp và hiểu rằng nếu muốn giao tiếp với người thân, cháu sẽ phải học cả hai.
Thừa thắng xông lên, vợ chồng tôi quyết định nói chuyện với con bằng tiếng Trung Quốc. Chúng tôi đang đi theo phương pháp OPOL khi chồng tôi giao tiếp với con trai bằng tiếng Pháp còn tôi sử dụng tiếng Trung Quốc. Vì chúng tôi sống ở Mỹ nên không lo lắng về khả năng tiếng Anh của con. Cháu sẽ luyện tập nó với ông bà và trong trường học.
Tất nhiên theo thời gian và độ tuổi của con, chúng tôi sẽ phải điều chỉnh phương pháp giáo dục nhưng tôi tin rằng những chiến lược của mình sẽ tiếp tục phát triển theo quá trình trưởng thành của con. Và cuối cùng, một trong những cách học ngôn ngữ tốt nhất là sử dụng podcast. Mọi người hãy tham khảo cách sử dụng và tính năng tuyệt vời của podcast ngay hôm nay nhé.
Tú Anh
Theo Fluent in 3 Months/VNE
Cách thức thi tuyển công chức 2020 sẽ có gì mới? Để có thể kiểm tra được toàn diện hơn nữa năng lực, trình độ, kỹ năng của người tham gia dự tuyển công chức, Bộ Nội vụ đề xuất trường hợp thi vòng 2 bằng hình thức kết hợp cả thi viết và thi phỏng vấn. Đê xuât kêt hơp ca thi viêt va phong vân khi tuyên dung công chưc. (Ảnh minh...