Phương pháp giúp cha mẹ dạy con tại nhà
“Mẹ thông thái dạy con tại nhà” được viết với mục đích cung cấp kiến thức cho phụ huynh trong việc giúp con có những năng lực xã hội cần thiết thông qua học tập tại nhà.
Cuốn sách này dành cho các bậc cha mẹ có con ở độ tuổi tiền tiểu học và trong những năm tháng đi học tiểu học hoặc chuẩn bị thi vào trung học cơ sở, quan tâm việc giáo dục tại nhà cho con.
Theo phân tích của tác giả, trẻ em ngày nay cần phải được trang bị về năng lực tư duy, năng lực sử dụng ngôn ngữ và năng lực biểu đạt. Những năng lực này hoàn toàn có thể được bồi đắp tại gia đình thông qua hoạt động giữa cha mẹ và con cái, mà xuất phát điểm là các “trải nghiệm đón đầu”.
Những “trải nghiệm đón đầu” này được bồi đắp trong những hoạt động vui chơi tại nhà. Mẹ thông thái dạy con tại nhà cung cấp một số tình huống cụ thể mà cha mẹ có thể áp dụng.
Sách Mẹ thông thái dạy con tại nhà . Ảnh: Thái Hà Books.
Theo Shouko Yoshimoto, đầu tiên, phụ huynh nên đầu tư thêm công sức vào những câu chuyện mỗi ngày với trẻ như: Miếng đậu phụ hình chữ nhật này con; hãy chia thành một phần hai nhé; chỗ đậu này mẹ muốn chia đều cho 5 người, vậy không biết mỗi đĩa bày bao nhiêu miếng là đủ nhỉ?…
Từ đó, trẻ dần có được ý thức về khả năng của bản thân có thể hoàn thành được một công việc giống như người lớn. Sẽ có người cho rằng nhờ trẻ giúp thì chỉ tổ vướng chân vướng tay nhưng các bà mẹ cần tận dụng cơ hội này. Đó là lúc trẻ đang rất sẵn lòng và tràn đầy hứng khởi để học hỏi những điều mới.
Video đang HOT
Thông qua trải nghiệm thực tế và qua việc trò chuyện giữa cha mẹ và con cái, trẻ sẽ tiếp xúc và có được chút hiểu biết đầu tiên về những kiến thức như khái niệm hình học, phân số trong số học, về vùng sản xuất trong địa lý.
Làm như vậy thì sau này khi trẻ học ở lớp hoặc học trong sách giáo khoa, những ký ức lưu lại của trải nghiệm đón đầu sẽ được “gọi về”, trẻ sẽ ngay lập tức hiểu ra vấn đề và trở nên hào hứng bắt tay vào việc học.
Khi mẹ và con cùng thực hiện trải nghiệm sẽ làm những cuộc nói chuyện giữa hai mẹ con trở nên phong phú hơn, vốn từ vựng của trẻ cũng nhờ thế mà tăng lên.
Thêm vào đó, việc cố gắng thể hiện ý kiến của bản thân với cha mẹ về những hiện tượng hay kiến thức thu được trong trải nghiệm, trẻ sẽ được bồi đắp rất nhiều về năng lực biểu đạt.
Những trải nghiệm này đồng thời còn giúp nuôi dưỡng sự tò mò và tinh thần ham học hỏi của trẻ. Niềm vui khi trẻ được làm việc cùng cha mẹ có mối liên hệ rất chặt chẽ với sự hăng hái, động lực nội tại của trẻ.
Shouko Yoshimoto có hơn 25 năm kinh nghiệm trong giáo dục ở trung học cơ sở. Trong quá trình tìm kiếm ý nghĩa của năng lực học tập thực sự, khi nhận thấy rõ tính hiệu quả của những “trải nghiệm đón đầu”, tác giả đã đưa ra những phương pháp giáo của mình.
Hành trình nuôi dạy con tài năng của bà mẹ Mỹ
Thất vọng vì con trai bị từ chối cho học vượt cấp, chị April Kopcsick-Bergrin đã dạy con học tại nhà, sau đó tìm được ngôi trường phù hợp.
Khi 4 tháng tuổi, Nathan Bergrin đã biết cầm, lật giở các trang sách. Vào sinh nhật một tuổi, khi bạn bè đồng trang lứa mới bập bẹ nói "bố, mẹ", em đã nó được câu hoàn chỉnh. Một ngày, khi April Kopcsick-Bergrin, mẹ của Nathan, đưa con vào công viên, em nói: "Con mèo đã nhảy qua hàng rào".
Là mẹ đơn thân, April biết con trai thông minh. Nhưng cô không nhận ra Nathan thông minh đến mức nào cho đến khi con làm bài kiểm tra IQ. Kết quả cho thấy Nathan là "tài năng xuất chúng" (profoundly gifted), nằm trong nhóm 0,01% người thông minh nhất thế giới. Sở hữu bộ não hoạt động khác với người bình thường, Nathan có khả năng xử lý, kết nối thông tin nhanh và hiệu quả.
Con trai có khả năng trí tuệ đặc biệt dường như là mơ ước của mọi phụ huynh, nhưng để hỗ trợ các em phát triển là thách thức. Tại Mỹ, các trường phổ thông công lập lẫn tư thục không dành cho trẻ tài năng. Việc đáp ứng nhu cầu học tập cho trẻ tài năng cũng khó như giúp đỡ trẻ khuyết tật hay trẻ giáo dục đặc biệt. Điều này càng căng thẳng hơn khi April phải nuôi dạy con một mình.
Khi Nathan tròn 4 tuổi, April đăng ký cho con vào trường mầm non Montessori tại thành phố West Palm Beach, bang Florida. Nhưng Nathan không phù hợp với môi trường này. Trong khi những đứa trẻ khác học về hình tròn, hình vuông, Nathan nói về hình bình hành, hình thoi.
April lập tức chuyển con đến trường tư thục dành cho trẻ có năng khiếu. Dù học mẫu giáo, Nathan có trình độ đọc tương đương lớp hai, tự học phép cộng và trừ. Khi Nathan lên tiểu học, April đã đề nghị nhà trường cho con học lớp ba nhưng bị từ chối. Trường học giải thích không muốn trẻ "tăng tốc" quá nhanh vì gây tác động xấu đến cảm xúc, mối quan hệ xã hội của trẻ.
Tuy nhiên, April cho biết dù học với bạn bè đồng trang lứa, Nathan vẫn bị cô lập, bắt nạt. Nhiều người thân của April cũng ngăn cản cô thúc đẩy con học tập. Họ cho rằng April quá tham vọng trong khi Nathan chỉ cần học tại trường thường, đạt điểm A như bè bạn.
Bỏ qua những ý kiến trái chiều, April vẫn tìm cách để con trai có thể phát triển trình độ học thuật như mong muốn. Sau khi tìm kiếm các nghiên cứu khoa học về trẻ tài năng, April càng vững tin vào lựa chọn của mình.
Nathan Bergrin nhận chứng nhận học trực tuyến dành cho trẻ tài năng từ Trung tâm Johns Hopkins. Ảnh: April Kopcsick-Bergrin.
Nghiên cứu chỉ ra hầu hết trẻ tài năng thích nghi tốt hơn với học sinh lớn tuổi, phát triển mạnh khi được tăng tốc trong học tập. Ví dụ, Miraca Gross, nhà nghiên cứu người Australia đã theo dõi nhóm 60 học sinh có chỉ số IQ cao trong hai thập kỷ. Cô nhận ra những học sinh được phép học vượt ba lớp phát triển tốt về mặt học thuật và xã hội. Hầu hết có bằng tiến sĩ, sự nghiệp thăng tiến. Ngược lại, 33 người không được học vượt cấp có cuộc sống khó khăn hơn. Hầu hết theo học trường cao đẳng có tỷ lệ chọi thấp. Một số chưa tốt nghiệp trung học và đại học. Các mối quan hệ xã hội cũng bị hạn chế.
Lựa chọn duy nhất phù hợp vào thời điểm này là học tại nhà. Vì vậy, giữa năm lớp 1, April cho Nathan nghỉ học và trực tiếp dạy tại nhà. Sau 2 năm, April chuyển nhà đến thành phố Trenton, bang New Jersey. Cô đề nghị trường cao đẳng địa phương cho phép Nathan tham gia một số lớp Hóa học vì tại nhà em không được làm thí nghiệm. Dù kết quả kiểm tra cho thấy Nathan đạt trình độ học Hóa cấp đại học, chính quyền địa phương không đồng ý. Họ không muốn trẻ 9 tuổi có mặt trong phòng thí nghiệm nên April tiếp tục cho con học tại nhà.
12 tuổi, Nathan đã có phong thái tự tin, đĩnh đạc nhờ dành phần lớn thời gian trò chuyện cùng người lớn. Em đam mê với côn trùng, âm nhạc, hóa học, nghệ thuật, tôn giáo và biến đổi khí hậu. Với trình độ khi đó, Nathan có thể đăng ký học đại học. Trong khi April có phần khiêm tốn trước thành tích của con trai, Nathan luôn tự tin, nói: "Cháu rất tự hào về thành tích này". April thừa nhận chưa muốn con học đại học và đang tìm kiếm phương pháp học tập thích hợp.
Câu trả lời nằm ở phía bên kia nước Mỹ, tại thành phố Reno, bang Nevada. Học viện Davidson là trường công lập do tư nhân tài trợ dành cho học sinh tài năng. Để được đăng ký theo học, ứng viên phải có chỉ số IQ từ 145 trở lên, đạt điểm gần như tuyệt đối trong các chứng chỉ tiêu chuẩn như SAT.
Khi April nộp đơn cho con theo học, trường từ chối em. Giáo viên tại Davidson nhận xét Nathan phải cải thiện kỹ năng viết, đề nghị em tham gia khóa học trực tuyến dành cho thanh thiếu niên có năng khiếu của Trung tâm John Hopkins trong thời gian bổ sung kỹ năng. Một năm sau, khi 13 tuổi, Nathan chính thức trở thành học sinh tại Học viện Davidson.
Tại học viện, không có các cấp như trường phổ thông thông thường. Thay vào đó, mỗi học sinh được làm bài đánh giá để xây dựng kế hoạch học cá nhân, phù hợp với khả năng của mình. Khi học sinh tại Davidson hoàn thành các yêu cầu của trường, em có thể tham gia các lớp học tại Đại học Nevada cơ sở Reno. Vào thời điểm học sinh trường tốt nghiệp, các em đã tích lũy 1-2 tín chỉ đại học.
Kế hoạch học tập của Nathan giúp April nhận ra, con phát triển không đồng bộ. Em được xếp vào lớp Hóa có trình độ cao nhất dù là học sinh nhỏ tuổi nhất. Nhưng ở môn tiếng Anh, Nathan được xếp vào lớp có trình độ thấp nhất, học cùng bảy học sinh 9-12 tuổi. Phương pháp học này đã thay đổi Nathan. Từ việc chỉ giải toán trong đầu, em phải học cách trình bày, diễn giải các công thức, phương pháp ra giấy hoặc bằng miệng.
"Cháu rất thích trường học. Cháu có những người bạn luôn sẵn sàng thảo luận về các ý tưởng và những lớp học có tính thử thách cao", Nathan nói. Năm 2019, Nathan tốt nghiệp Học viện Davidson và hiện theo học tại Đại học Rice, bang Texas. Ngoài việc học, chàng trai 21 tuổi dành thời gian đá bóng và trò chuyện với bè bạn.
Nhớ lại những năm tháng Nathan học tại Davidson, April cảm thấy may mắn vì đã tìm ra phương pháp học tập phù hợp với khả năng của con trai. Nhờ có quãng thời gian này, Nathan có thể vừa phát huy tài năng vừa hoàn thiện những khiếm khuyết để bước vào giảng đường đại học như hiện nay.
ĐH Quốc gia Hà Nội mở ngành học mới: Cử nhân Quản trị thương hiệu Năm 2021, Khoa Các khoa học liên ngành, ĐH Quốc gia Hà Nội (VNU - SIS) mở ngành học mới cử nhân ngành Quản trị thương hiệu. ĐH Quốc gia Hà Nội mở ngành học mới: Cử nhân ngành Quản trị thương hiệu Theo đó, từ kỳ tuyển sinh năm 2021, Khoa Các khoa học liên ngành sẽ tổ chức tuyển sinh và...