Phương pháp dạy Toán của giáo viên Nhật Bản
Ngay từ ngày đầu tiên, giáo viên phải nhấn mạnh điều họ muốn ở học sinh không phải là trả lời đúng mà là thể hiện suy nghĩ của mình.
Yukiko Asami-Johansson, nhà nghiên cứu Nhật Bản tại Đại học Gavle (Thụy Điển) chia sẻ trên website trường về cách người Nhật cải thiện khả năng của học sinh ở môn Toán.
Tôn trọng cách nghĩ của học sinh
Người Nhật quan niệm kết quả học tập sẽ thay đổi tích cực nhờ kỹ năng giải quyết vấn đề. Giáo viên lựa chọn các bài toán phù hợp với nội dung bài học và đoán cách học sinh sẽ giải chúng.
Khi bài toán được đưa ra, thầy cô không giải mẫu từ đầu mà để học sinh tự mày mò. Từng em tìm cách giải theo ý mình, sau đó làm việc theo nhóm.
Học sinh sẽ nhận ra việc dự đoán dẫn lối suy nghĩ đi theo hướng hợp lý. Bên cạnh đó, khi đoán câu trả lời, các em sẽ tò mò muốn biết mình làm đúng hay sai.
Điều quan trọng là mỗi giáo viên ở xứ sở mặt trời mọc lên kế hoạch cụ thể cho các bài học và chuẩn bị bài toán thích hợp ngay từ ngày đầu tiên của năm học. Với một bài toán, họ đánh giá, cung cấp một số phương pháp giải khả thi, lôi kéo được sự tham gia của cả lớp và có thể nêu một số ví dụ về lỗi dễ mắc phải.
Giáo viên phải liên tục nhấn mạnh: “Điều tôi muốn các em làm khi giải toán là thể hiện cách nghĩ của mình”.
Học sinh Nhật Bản được khuyến khích trình bày nhiều cách giải Toán. Ảnh: iStock
Nếu quan sát một giáo viên Nhật Bản trong một tiết học, bạn sẽ thấy họ “diễn” rất nhiều. Mục đích của họ là giả vờ không có uy quyền, trao cho học sinh cơ hội bày tỏ. “Ồ, đó là cách em nghĩ à?”, “Điều này có đúng không?, “Nhưng xem kìa, cách này có vẻ hiệu quả đấy chứ…” là những câu họ thường nói.
Thay vì phô bày kiến thức bản thân, giáo viên nhún nhường để cho học sinh cùng thảo luận.
Theo Yukiko, ở nhiều quốc gia khác, giáo viên (chủ yếu ở các lớp cấp thấp) không thực sự muốn dạy Toán nhưng bị buộc làm công việc này. Khi không có động lực để khảo sát các cách giải của học sinh, họ thường áp đặt lối dạy để đạt được mục tiêu nhất định.
Chẳng hạn, nếu học sinh Kalle nghĩ ra cách giải nào đó rất khéo léo nhưng giáo viên không hiểu, có thể họ sẽ buộc Kalle loại bỏ cách giải đó: “Không Kalle, cô nghĩ em nên dùng cách giải của cô”. Và rồi giáo viên đó giết chết niềm vui giải toán của học sinh.
Video đang HOT
Các giáo viên “bắt tay” truyền đam mê giải toán
Ở Nhật, các giáo viên phải thực hiện một “bài học mở”. Họ cùng lên kế hoạch bài giảng, sau đó một giáo viên sử dụng để dạy lớp của mình trong khi những người còn lại theo dõi. Thậm chí giáo viên trường khác cũng có thể đến dự giờ.
Những mặt hiệu quả và chưa hiệu quả của bài giảng đó được đem ra “mổ xẻ”. Nhóm giáo viên cùng chỉnh sửa, hoàn thiện bài giảng để tiếp tục sử dụng ở lớp khác. “Đó là một quá trình tuần hoàn. Mỗi giáo viên sẽ ngày càng giỏi chuyên môn khi hoạt động theo mạng lưới”, Yukiko viết.
Bản thân Yukiko Asami-Johansson từng là giáo viên Toán trung học phổ thông và hiện giảng dạy các nhà sư phạm tương lai ở Đại học Gvle. “Tôi sử dụng phương pháp này và nhìn thấy tiềm năng. Tôi muốn sinh viên nắm được nó để hợp tác với giáo viên khác. Đây không phải phương pháp chỉ hiệu quả ở Nhật Bản, hoặc trong lớp học nhất định mà có tính phổ quát cho toàn thế giới”, bà nói.
Yukiko Asami-Johansson tin phương pháp dạy Toán của người Nhật nên được nhân rộng. Ảnh: Sveriges Radio
Khi thực hiện nghiên cứu về phương pháp này, bà hợp tác với một giáo viên để cùng lên kế hoạch tất cả bài tập giao cho học sinh. “Cô giáo đó tìm hiểu cách giải toán thông qua khả năng suy nghĩ của học sinh. Nếu một học sinh đến gặp tôi với cách giải như thế này, tôi nên phản ứng như thế nào? Với cách nghĩ đó, cô lên kế hoạch chi tiết cho mỗi bài học”, Yukiko cho biết.
Khi phỏng vấn học sinh sau đó, Yukiko nhìn thấy sự hào hứng. “Bây giờ toán là môn học yêu thích của em. Em nhận ra tìm kiếm đáp án không phải điều quan trọng nhất mà là cách nghĩ”, một em trả lời.
Để thành công với phương pháp dạy học này, theo bà Yukiko, học sinh phải cảm thấy tự tin về việc thể hiện mình. Nếu không tự tin, khi bị ai đó cười nhạo hoặc phản ứng tiêu cực, học sinh rất dễ bỏ cuộc.
Trong cuốn sách bán hơn một triệu bản được viết năm 1945 của nhà toán học Hungary George Pólya, ông viết: “Học tập trước tiên là để học sinh tự suy nghĩ, tự đánh giá”.
“Nhiều nước đã thông qua những ý tưởng này, Nhật Bản là một trong số đó”, Yukiko kết luận.
Theo VNE
Nguyên nhân biến trẻ thành đầu gấu ở trường
Bị người khác bắt nạt hoặc muốn tìm kiếm sự chú ý có thể là nguyên nhân khiến trẻ thích gây sự với bạn bè.
Theo trang No Bullying, nguyên nhân gây ra nạn bắt nạt học đường rất phức tạp, có thể là kết hợp của nhiều yếu tố.
Cảm thấy bất lực trong đời sống riêng
Việc bắt nạt hay hành hung người khác có thể xuất phát từ việc khao khát được thể hiện quyền lực. Những người bị nhắm đến thường do đi đôi giày quá cũ, quá lùn so với bạn bè, quá thông minh so với lứa tuổi, hành động ngớ ngẩn hoặc quá yểu điệu... Nhưng lý do không thật sự quan trọng.
Đứa trẻ đi bắt nạt thích thú khi chinh phục được kẻ khác. Chúng thường bốc đồng, nóng nảy và càng mạnh bạo hơn khi nạn nhân co rúm vì sợ.
Cảm giác chống lại sự bất lực thường xuất phát từ vấn đề nào đó ở nhà. Trẻ có thể gặp phải tình huống quá sức chịu đựng như bố mẹ ly hôn, một thành viên trong nhà nghiện rượu hoặc ma túy.
Bị người khác bắt nạt
Trong nhiều trường hợp, bắt nạt sinh ra bắt nạt. Một đứa trẻ cảm thấy ấm ức khi bị bắt nạt bởi bố mẹ, anh chị hay học sinh khóa trên có thể bị cám dỗ bởi cảm giác bắt nạt người khác. Nghiên cứu cho thấy những người từng trải qua chuyện bắt nạt có gấp đôi khả năng bắt đầu hành động xấu này.
Nhiều kẻ đi bắt nạt vì bị người khác bắt nạt. Ảnh minh họa: NST
Trong thời đại công nghệ, trẻ bị bắt nạt ở ngoài đời dễ trở thành kẻ đầu têu bắt nạt người khác qua mạng. Khi bị xem là yếu đuối hoặc tự đánh giá thấp bản thân, trẻ sử dụng Internet để thử đổi mới mình thành một người mạnh mẽ hoặc đáng sợ hơn. Chúng có thể tham gia các cuộc trò chuyện hay diễn đàn mở, đe dọa người khác.
Thông thường, bắt nạt qua mạng thường là phần mở rộng của bắt nạt trong thế giới thực. Chẳng hạn, trẻ có thể xâm nhập vào tài khoản mạng xã hội để hiển thị tin đồn tiêu cực về người mình ghét.
Ghen tị hoặc thất vọng
Khi trẻ chọn bắt nạt người luôn giơ tay phát biểu đầu tiên hoặc đạt điểm cao nhất trong các bài kiểm tra, nguyên nhân sâu xa là ghen tị với người kia hoặc cảm thấy thất vọng về bản thân.
Sự thông minh, khả năng tập trung và tính sáng tạo thường đại diện cho các thuộc tính mà kẻ bắt nạt muốn có được. Bằng cách phá hoại các kỹ năng của người khác, kẻ bắt nạt nghĩ mình đang tạo ra sân chơi bình đẳng hơn.
Thiếu sự hiểu biết hoặc thấu cảm
Trong một số trường hợp, một đứa trẻ đi bắt nạt vì có một khía cạnh về nhân cách của người khác mà nó không hiểu hoặc không chấp nhận. Chúng có thể thành kiến với chủng tộc, tôn giáo, khuynh hướng tình dục của bạn bè, thậm chí nghĩ rằng bắt nạt người chúng nghĩ có hành vi sai trái là điều tốt.
Sự thấu cảm này có thể được học từ nhà. Ví dụ, nếu thấy bố có thái độ kỳ thị chủng tộc, trẻ sẽ thể hiện tương tự. Ngoài ra, không ít trẻ gặp vấn đề tâm lý làm giảm khả năng thấu cảm người khác.
Tìm kiếm sự chú ý
Một số kẻ bắt nạt không bao giờ nghĩ mình là kẻ bắt nạt. Chúng chỉ nghĩ tất cả những gì mình làm chỉ là trêu chọc một chút, thậm chí là cố gắng để kết bạn với người mà chúng đang bắt nạt. Những vấn đề xã hội này khiến trẻ gặp rắc rối trong giao tiếp lành mạnh, thay vào đó dùng cách lăng mạ hoặc bạo lực thể xác.
Thực tế, những kẻ bắt nạt kiểu này thường dễ "hoàn lương" nhất, bởi vì chúng cũng dễ cởi mở với khái niệm tử tế. Trẻ có thể bớt bắt nạt người khác, thậm chí đối xử tốt với người chúng từng bắt nạt tùy vào cách được đối xử. Trao cho kẻ bắt nạt sự chú ý tích cực trước khi chúng có cơ hội tìm kiếm sự chú ý tiêu cực, nạn nhân có thể khiến mọi thứ tốt hơn cho cả hai.
Ảnh hưởng của gia đình
Hoàn cảnh gia đình của những kẻ bắt nạt là một yếu tố quan trọng. Thiếu sự hỗ trợ tinh thần, bố mẹ độc đoán, ly hôn, bạo lực gia đình và kết nối kém với bố mẹ là những nguyên nhân tiềm ẩn trong cuộc sống.
Tiến sĩ Nerissa Bauer, chuyên gia Mỹ về vấn đề này cho biết: "Bố mẹ là những hình mẫu có vai trò rất lớn và trẻ sẽ bắt chước hành vi của họ, muốn trở thành người như họ. Chúng có thể tin rằng bạo lực là cách giải quyết vấn đề và áp dụng với bạn bè. Chúng có thể đánh người khác chỉ vì nghĩ rằng đang đi theo con đường của bố".
Điều quan trọng là những người đang chứng kiến bạo lực ở nhà nên nói chuyện để định hướng hành vi cho trẻ. Đôi khi, phụ huynh nên tìm đến phương pháp điều trị tâm lý.
'Phần thưởng' từ hành vi xấu
Nhiều trẻ không cố ý bắt nạt kẻ khác để được phần thưởng. Tuy nhiên, vô tình trẻ phát hiện mình lấy được tiền ăn trưa hoặc đồ đạc của bạn bè sau khi bắt nạt, hoặc được nổi tiếng, chú ý, củng cố quyền lực ở trường. Những phần thưởng không chủ ý này khích lệ hành vi xấu, khiến trẻ ngày càng lún sâu.
Không có khả năng điều chỉnh cảm xúc
Khi nản chí hay tức giận, trẻ có thể phản ứng thái quá. Những phiền toái nhỏ đột nhiên thổi bùng lên cảm xúc tiêu cực. Chẳng hạn, một đứa trẻ vô tội đi xuống hội trường và vô tình va vào kẻ bắt nạt. Dù nhận được lời xin lỗi, kẻ bắt nạt vẫn không giữ được bình tĩnh mà đẩy nạn nhân vào tường để đánh. Đây được xem là cách giải tỏa cảm xúc của chúng.
Theo VNE
Thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu chấn chỉnh tình trạng lạm thu đầu năm học Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh vừa có yêu cầu chấn chỉnh ngay tình trạng lạm thu đầu năm học ở trường. Ngày 9/10, Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đã có văn bản, gửi Sở Giáo dục và Đào tạo cùng với lãnh đạo các quận huyện, về việc chấn chỉnh tình trạng lạm...