Phương án thi tốt nghiệp THPT 2020: Giảm tải đáng kể cho thí sinh
Năm 2020, thí sinh sẽ tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT với phạm vi kiến thức nằm trong chương trình học đã được tinh giản, giảm đáng kể áp lực ôn tập và thi cử.
Các trường đại học vẫn có thể sử dụng kết quả kỳ thi này để xét tuyển; Bộ GD&ĐT tiếp tục hỗ trợ các trường đại học và thí sinh trong công tác tuyển sinh, đặc biệt là khâu đăng ký xét tuyển và lọc ảo như năm 2019.
Điều này có ý nghĩa giúp thí sinh bớt nhiều gánh nặng khi thi cử và xét tuyển vào đại học – vấn đề đang được dư luận rất quan tâm trong những ngày gần đây.
Xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp, đỡ phân tâm “tốt nghiệp – đại học”
Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 trước tiên đảm bảo mục tiêu chính là lấy quả để xét công nhận tốt nghiệp THPT theo mặt bằng chung của cả nước có tính tới điều kiện ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Đặc biệt, với quy trình tổ chức thi cử nghiêm túc, đảm bảo chất lượng, các trường đại học hoàn toàn có thể sử dụng kết quả kỳ thi để xét tuyển, theo đúng chủ trương tự chủ đại học vài năm trở lại đây.
Điều chỉnh phương án tuyển sinh 2020 giúp thí sinh giảm đáng kể áp lực thi cử
Xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp, thí sinh không phải tốn thời gian, công sức, kinh phí đi lại, nộp hồ sơ dự tuyển nhiều nơi rồi lại đi rút hồ sơ nếu không đúng nguyện vọng,… nên rất thuận lợi cho thí sinh đăng ký những ngành học, trường học mình mong muốn. Thêm vào đó, với phạm vi kiến thức được giảm tải, nằm hoàn toàn trong chương trình tinh giản (giảm kiến thức học kỳ 2 lớp 12), học sinh chỉ cần ôn tập những nội dung đã học, giảm đáng kể những lo lắng, căng thẳng cho học sinh và cả giáo viên. Sau khi thông báo phương án chính thức về kỳ thi tốt nghiệp THPT, Bộ GD&ĐT cũng cho biết sẽ hoàn thiện và công bố đề thi minh họa trong thời gian sớm nhất để giáo viên và học sinh dễ dàng ôn tập.
Đối với các trường có sử dụng kết quả thi tốt nghiệp để xét tuyển đại học, Bộ GD&ĐT vẫn sẽ hỗ trợ trong việc tổ chức thi, đăng ký xét tuyển, lọc ảo theo nhóm trường,… Với quan điểm cố gắng tối đa đảm bảo công tác tuyển sinh diễn ra thuận lợi, công bằng, khách quan, trung thực, nhất là quyền lợi của thí sinh.
Áp dụng cấu trúc đề thi như năm 2019, bài thi tổng hợp chỉ lấy 1 đầu điểm
Hiện tại, Bộ GD&ĐT đang hoàn thiện Quy chế tuyển sinh năm nay và sẽ ban hành sớm nhất trong những ngày tới. Tuy nhiên, theo những công bố hiện tại từ lãnh đạo Bộ GD&ĐT, thí sinh có thể hoàn toàn yên tâm tập trung ôn tập vì cấu trúc đề thi, môn thi không bị xáo trộn so với năm 2019.
Video đang HOT
Đề thi năm nay sẽ được giữ nguyên cấu trúc như năm 2019, trong đó bài thi tổng hợp chỉ lấy 1 đầu điểm
Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 sẽ gồm 3 bài thi độc lập (Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ) và 2 bài thi tổng hợp (Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội). Trong đó bài thi Khoa học tự nhiên gồm tổ hợp 3 môn Vật lí, Hóa học và Sinh học; còn bài thi Khoa học xã hội gồm tổ hợp của 3 môn Lịch sử, Địa lí và Giáo dục công dân. Tương tự năm 2019, thí sinh thực hiện 03 bài thi bắt buộc Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và có thể tự chọn 1 trong 2 bài thi tổng hợp tùy theo lợi thế của mình. Đây là một trong những ưu điểm đáng chú ý của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay vì vẫn đảm bảo tính chủ động của thí sinh trong chủ trương giảm bớt áp lực thi cử cho các bạn.
Tuy nhiên, điểm khác biệt là năm 2020 mỗi bài thi tổng hợp được chấm chỉ với 1 đầu điểm, không có điểm các môn thành phần như đối với bài thi tổ hợp trong kỳ thi THPT quốc gia những năm trước đây. Tương ứng, các trường đại học có sử dụng kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay sẽ phải có sự điều chỉnh toàn bộ tổ hợp môn xét tuyển cho phù hợp. Chẳng hạn, đối với Trường Đại học Công nghệ TP.HCM (HUTECH), tổ hợp xét tuyển A01 (Toán, Văn, Lý) dự kiến sẽ được thay bằng tổ hợp mới Toán, Văn, Khoa học tự nhiên.
Nhiều trường đại học vẫn xét điểm thi tốt nghiệp THPT
Trước ảnh hưởng dịch Covid-19, khó khăn của kỳ thi THPT và tuyển sinh đại học 2020 là điều tất yếu. Hàng loạt trường đại học cũng đã điều chỉnh các phương thức xét tuyển cho phù hợp hơn với tình hình hiện nay, trong đó, nhiều trường cho biết vẫn giữ phương thức xét tuyển điểm thi THPT, kết hợp với các phương thức xét tuyển khác của trường.
Thí sinh cần thường xuyên theo dõi thông tin tuyển sinh của các trường để xét tuyển hiệu quả
Theo TS. Nguyễn Quốc Anh – Phó Hiệu trưởng HUTECH, kỳ thi THPT giảm khối lượng kiến thức nhưng vẫn đánh giá được khả năng tiếp thu kiến thức, năng lực học tập nói chung của thí sinh nên trường đại học vẫn có thể sử dụng kết quả kỳ thi này để xét tuyển, bên cạnh các phương thức do trường tự chủ.
Ông Quốc Anh cho biết: “ Thực hiện chủ trương tự chủ đại học của Bộ GD&ĐT, những năm gần đây HUTECH đã sử dụng nhiều phương thức xét tuyển đồng thời. Cùng với xét điểm thi THPT, trường cũng xét tuyển học bạ từ năm 2014 và tổ chức kỳ thi tuyển sinh riêng từ năm 2019. Tuy nhiên, có một kỳ thi chung của cả nước để làm căn cứ xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học khi lộ trình tự chủ chưa hoàn thiện như hiện nay vẫn là điều cần thiết. Do đó, HUTECH vẫn áp dụng xét tuyển điểm thi tốt nghiệp THPT 2020 cho tất cả các ngành đào tạo của trường, cân đối chỉ tiêu tuyển sinh với các phương thức khác”.
P.V
Những điểm cần lưu ý khi ôn tập thi tốt nghiệp THPT
Mục tiêu kỳ thi THPT năm nay chỉ còn để tốt nghiệp. Vậy các học sinh cần lưu ý những gì khi ôn tập?
Học sinh lớp 12 tham gia học trực tuyến trong thời gian nghỉ do dịch Covid-19 - ẢNH: ĐẬU TIẾN ĐẠT
Tập trung kiến thức cơ bản của toán
Từ thay đổi mục tiêu của kỳ thi THPT, thầy Trần Văn Toàn, Tổ trưởng tổ toán Trường THPT Marie Curie (Q.3, TP.HCM), hướng dẫn tất cả kiến thức của học kỳ 2 như tích phân, số phức và hình học giải tích thì học sinh (HS) chỉ cần nắm thật vững kiến thức cơ bản, không nên đào sâu.
Yêu cầu kiến thức ở học kỳ này sẽ nhẹ nhàng, thế nên HS cần chú trọng kiến thức cơ bản, nguyên hàm, xác định công thức của hình phẳng. Còn số phức thì làm các câu hỏi liên quan đến phép toán, khái niệm đều dùng máy tính để tìm ra đáp số nên chỉ cần lưu tâm đến ý nghĩa hình học của số phức.
Về hình học giải tích thì nắm vững các kiến thức cơ bản liên quan đến đường thẳng, mặt phẳng, mặt cầu và các công thức về tọa độ điểm và véctơ.
Riêng học kỳ 1, nên ôn sâu hơn theo phân bổ số câu khảo sát hàm số. Do vậy, nên nắm thật vững kiến thức cơ bản: Nhận biết được khái niệm về tính chất đơn điệu, cực trị của hàm số, nhận dạng được đồ thị hàm số, giá trị lớn nhất, nhỏ nhất.
Độ khó của đề chắc chắn rơi vào khảo sát hàm số và độ khó quen thuộc như đề thi 2 năm vừa qua. Vì vậy HS nên coi lại kiến thức đồng biến, cực trị, giá trị lớn nhất, nhỏ nhất... Ở học kỳ 1 nên thuộc các công thức mũ và logarit là đủ để giải quyết được 2/3 số câu hỏi ở phần này. Dự đoán đề sẽ cho câu hỏi thực tiễn liên quan đến kiến thức trên.
Hình học không gian, kiến thức lớp 11, nếu có thì cũng chỉ ở mức độ cơ bản, thông thường.
Môn tiếng Anh ôn tập theo chủ điểm
Thầy Phạm Hùng, Tổ phó tổ tiếng Anh Trường THPT Marie Curie (Q.3, TP.HCM), nói rằng HS nên lưu ý: Dù đề thi Bộ có giảm tải kiến thức hay "không đánh đố" thì những kiến thức cơ bản, các em phải nắm vững.
Ví dụ, bài 6 lớp 12 chủ đề là Future Job, các em phải có vốn từ vựng, ngữ pháp. Dù phần ngữ pháp, cấu trúc có giảm tải không có nghĩa là chúng ta không học phần đó (phần mệnh đề quan hệ). Với chương trình đã học, HS nên nắm vững các chủ đề như gia đình, văn hóa xã hội, nghề nghiệp, tương lai, thể thao...
Từ mỗi chủ điểm bài học, HS nắm vững từ vựng và các chủ điểm ngữ pháp bài học đề cập. Sau đó dành thời gian luyện tập các dạng bài tập và mở rộng vốn từ vựng theo các chủ đề.
Những chủ điểm ngữ pháp, HS có thể tham khảo qua các chuyên đề ôn tập kiến thức đang được phát sóng trong chương trình Bí quyết ôn thi THPT đạt điểm cao trên các kênh thanhnien.vn, Facebook.com/thanhnien và YouTube Báo Thanh Niên.
Nắm vững các tác phẩm trọng tâm học kỳ 2
HS cần nắm vững trọng tâm của học kỳ 2. Sau khi tinh giản còn lại 3 tác phẩm được xem là trọng tâm, có thể sẽ ra trong đề thi, gồm: Vợ chồng A Phủ (Tô Hoài), Vợ nhặt (Kim Lân) và Chiếc thuyền ngoài xa (Nguyễn Minh Châu). Như vậy, trọng tâm môn văn lớp 12 gồm các tác phẩm quy về các thể loại sau đây: văn chính luận, thơ, tùy bút/bút ký và truyện ngắn. Trong đó, truyện ngắn Vợ chồng A Phủ vừa được đưa vào đề thi minh họa và bút ký Ai đã đặt tên cho dòng sông? (Hoàng Phủ Ngọc Tường) đã ra trong đề thi năm 2019.
Để làm bài hiệu quả, HS cần tự rèn các kỹ năng đọc hiểu văn bản, viết đoạn văn ngắn, phân tích các thể loại tác phẩm, kỹ năng đưa dẫn chứng vào bài làm... Các phần này, trang giáo dục Báo Thanh Niên đã chia sẻ rất nhiều bài viết và trong chương trình Bí quyết ôn thi THPT đạt điểm cao trên các kênh thanhnien.vn, Facebook.com/thanhnien và YouTube Báo Thanh Niên.
Với phần nghị luận văn học, HS cần ôn tập theo hệ thống thể loại, nắm vững đặc trưng và các dạng đề thi thường cho của mỗi thể loại. Chẳng hạn, với văn chính luận thường yêu cầu là phân tích nghệ thuật lập luận; thơ thường là cảm nhận về vẻ đẹp của tâm trạng chủ thể trữ tình, phân tích nội dung và nghệ thuật; tùy bút thì yêu cầu làm rõ về hình tượng nhân vật và bút pháp nghệ thuật của nhà văn; còn truyện ngắn cần chú ý về tình huống truyện, chi tiết đặc sắc và phân tích nhân vật, để rút ra được giá trị tư tưởng và nghệ thuật.
Tuy nhiên để làm bài tốt, HS cần nắm chắc toàn bộ văn bản và có cách xây dựng dàn ý triển khai hợp lý.
Trần Ngọc Tuấn - Bích Thanh
Bí quyết ôn thi THPT quốc gia đạt điểm cao môn tiếng Anh: Ngữ âm Vào lúc 15 giờ hôm nay 25.4, Báo Thanh Niên phát sóng chương trình Bí quyết ôn thi THPT quốc gia đạt điểm cao năm 2020 môn tiếng Anh tại địa chỉ thanhnien.vn, Facebook.com/thanhnien và YouTube Thanh Niên. Chương trình Bí quyết ôn thi THPT quốc gia đạt điểm cao năm 2020 hôm nay sẽ phát sóng chuyên đề thứ 3 của môn...