Phú Thọ, TN từ chối liên thông, tại chức
Thông báo tuyển dụng viên chức giáo dục năm 2012 của Phú Thọ và Thái Nguyên từ chối ứng viên là người tốt nghiệp đại học hệ liên thông, tại chức.
Trong khoảng thời gian từ tháng 8 đến tháng 10 năm nay, một loạt địa phương trên cả nước đã tiến hành công tác tuyển dụng viên chức cho ngành giáo dục.
Đầu tháng 10, thông báo tuyển dụng giáo viên của Sở GD-ĐT Thái Nguyên nêu rõ yêu cầu về trình độ đối với các ứng viên: “Có bằng tốt nghiệp đại học sư phạm trở lên (thuộc hệ đào tạo giáo viên dạy trung học phổ thông) phù hợp với chuyên ngành cần tuyển hoặc có bằng đại học khác (hệ chính quy) trở lên phù hợp với chuyên ngành cần tuyển và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm kèm theo bảng điểm học nghiệp vụ sư phạm”.
Ngày 30/7, Sở GD-ĐT Phú Thọ có thông báo tuyển viên chức năm 2012 nêu rõ yêu cầu người dự tuyển viên chức giáo viên: “Tốt nghiệp hệ chính quy tập trung (không bao gồm chính quy liên thông) đại học sư phạm, khoa sư phạm của các trường đại học. Hoặc, tốt nghiệp đại học ở các trường khác (ngoài sư phạm) trong và ngoài nước phải có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm và có chuyên ngành phù hợp với vị trí việc làm cần tuyển dụng”.
Thông báo tuyển dụng viên chức của Sở GD-ĐT Phú Thọ mở cửa với các ứng viên ngoài tỉnh kèm yêu cầu: “Phải tốt nghiệp đại học sư phạm Hà Nội loại khá trở lên. Các thí sinh dự tuyển phải có bản cam kết phục vụ lâu dài tại đơn vị tuyển dụng”.
Trước đó, thông báo tuyển dụng viên chức năm 2012 của một số địa phương là Hà Nam, Nam Định, Hà Nội, Quảng Bình, Quảng Nam cũng nói “không” với người tốt nghiệp hệ đào tạo đại học liên thông, tại chức.
Theo VNN
Việt Nam đã mấy lần đổi mới giáo dục?
GS Mai Trọng Nhuận - GĐ ĐHQG Hà Nội: "Trên thế giới các nước có nền giáo dục xuất sắc như Anh, Mỹ hay Canada không bàn về đổi mới giáo dục, nhưng tại sao giáo dục của họ vẫn đổi mới? Nước trong khu vực Singapore cũng vậy, họ không đổi mới mà vẫn như đổi mới trong khi chúng ta đã qua vài lần đổi mới giáo dục".
Trong chuyên đề bàn về những "thất vọng và kỳ vọng vào nền giáo dục" trước thềm Hội nghị TƯ 6, GS. TS Mai Trọng Nhuận - Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội đã chia sẻ những suy nghĩ, trăn trở về những khó khăn khiến giáo dục nước nhà chậm thay đổi.
Video đang HOT
Theo GS. TS Trọng Nhuận thì bản thân giáo dục sẽ tự vận động và từ đổi mới, quan trọng là chúng ta có tạo điều kiện, tiền đề để cho giáo dục đổi mới hay không.
- Thưa GS Mai Trọng Nhuận, những vấn đề lớn của giáo dục Việt Nam hiện nay theo ông cần đặt vấn đề ở góc nhìn nào?
GS.TS Mai Trọng Nhuận
GS.TS Mai Trọng Nhuận: Tôi nói ở khía cạnh đổi mới giáo dục. Trên thế giới các nước có nền giáo dục xuất sắc như Anh, Mỹ hay Canada không bàn về đổi mới giáo dục, nhưng tại sao giáo dục của họ vẫn đổi mới? Nước trong khu vực Singapore cũng vậy, họ không đổi mới mà vẫn như đổi mới trong khi chúng ta đã qua vài lần đổi mới giáo dục.
Mấu chốt là họ tạo ra những tiền đề, thể chế, chính sách để giáo dục tự đổi mới và nhà nước không phải làm gì. Đổi mới thực chất chính là đổi mới cơ sở giáo dục và cơ sở quản lí giáo dục, sâu hơn nữa là đổi mới đội ngũ nhà giáo.
Bởi vì bản chất của giáo dục là tạo ra nguồn nhân lực và các sản phẩm trí tuệ, nhu cầu nguồn nhân lực thay đổi nếu không đổi mới sẽ chết, nên giáo dục phải được đổi mới. Hoạt động giáo dục đào tạo là một hoạt động đổi mới không ngừng, do tự thân của chính nó như một quá trình tự nhiên nằm ngoài ý muốn của mỗi cá nhân, tổ chức. Nhưng chúng ta đổi mới không được là vì thiếu những tiền đề và chính sách hay chính là chúng ta chưa tạo đường ray để cho giáo dục đi đúng hướng. Đó là mục tiêu mà Đảng phải làm.
- Chúng ta có thể hiểu mục tiêu của chương trình đổi mới này là gì, thưa ông?
GS.TS Mai Trọng Nhuận: Chính là tạo ra những tiền đề, thể chế, chính sách, tạo ra những tiền đề gắn với giáo dục để thực hiện đúng bản chất của giáo dục là thực hiện đổi mới không ngừng, tạo cho hoạt động giáo dục được thực hiện như tiến trình tự nhiên vốn có của nó.
Muốn vậy, nhân lực phải có phẩm chất tốt, có tầm nhìn, phù hợp với bậc nghề đào tạo, có năng lực sáng tạo, có kỹ năng nghề nghiệp, có kỹ năng sống để chuyển toàn bộ tiềm năng mình có để phục vụ xã hội.
- Ông có đề cập tới yếu tố "tầm nhìn" trong giáo dục, muốn phát triển tầm nhìn chúng ta phải làm gì?
GS.TS Mai Trọng Nhuận: Một đất nước muốn phát triển bền vững, tiến xa hơn thì mỗi người ở một vị trí khác nhau phải có tầm nhìn, tầm nhìn ở đây chủ yếu là lãnh đạo. Nếu làm mà không có tầm nhìn thì còn tổn hại hơn nhiều so với tội tham nhũng. Thất thoát tiền đó là xã hội mất, dân tộc mất, đất nước này mất cũng chỉ vì thiếu một tầm nhìn.
- Trong việc mở ra hệ tại chức, liên thông với nhiều trường đại học vừa qua phải chăng chủ trương này đang thiếu một tầm nhìn khi mà nhiều địa phương nói không với tại chức, liên thông?
GS.TS Mai Trọng Nhuận: Hai vấn đề này hoàn toàn khác nhau, việc sử dụng nhân lực tại chức và tầm nhìn có sự khác nhau. Tuy nhiên, vấn đề này cũng có, nhưng khi ta mở hệ tại chức với tầm nhìn ngắn hạn, có những công chức do nhiều lí do khác nhau, có khi phải tham gia chiến tranh mà không có cơ hội học đại học chính quy, nhưng hiện họ có năng lực, nhu cầu công việc cần để học ngoài giờ hành chính để trang bị kiến thức.
Cái cần hiện nay là mình cần có tầm nhìn dài hạn, tức là học trong giờ hay ngoài giờ hành chính thì chất lượng phải như nhau, nếu tầm nhìn được như vậy thì chuẩn hơn việc tuyển dụng kia.
- Để cho sự nghiệp giáo dục đào tạo phát triển bền vững, nhất là các đại học trọng điểm, theo ông sứ mệnh của các đại học này trong sự nghiệp đào tạo và xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao để từng bước đổi mới nền giáo dục?
GS.TS Mai Trọng Nhuận: Không có quốc giao nào phát triển nhanh mà không có các trường trụ cột đại học, Việt Nam phải mạnh dạn cho ra đời những trường như thế nhưng hiện nay công việc này vất vả vô cùng. Đại học quốc gia Hà Nội là mô hình của đổi mới giáo dục mà rất nhiều áp lực khác nhau. Nội hàm đổi mới là cơ chế quản lý được luật hóa, tạo dựng khuyến khích, nuôi dưỡng, nhằm triển khai giáo dục đạt được những kỹ năng như tầm nhìn, chuyển giao tri thức chất lượng cao.
- Theo ông, thể chế cho sự đổi mới này là gì?
GS.TS Mai Trọng Nhuận: Trong nội dung cơ chế chính sách có nội dung quan trọng là trao quyền tự chủ trách nhiệm cao, phù hợp với cơ sở giáo dục. Khi một đất nước mà phải dùng quyền lực hành chính thật nhiều để đổi mới tức là dự báo đổi mới đó không thành công. Cần trao quyền tự chủ cho các trường phù hợp với năng lực các trường để họ điều chỉnh hoạt động giáo dục phù hợp với nhu cầu xã hội.
- Tự chủ có được hiểu như đặc quyền không, thưa ông?
GS.TS Mai Trọng Nhuận: Không phải, tự chủ là bản chất của cơ sở giáo dục đại học, cũng giống như đổi mới giáo dục thì đó là tự thân và tự nhiên của hoạt động giáo dục. Không có tự chủ giáo dục đại học thì không còn là cơ sở giáo dục đại học nữa. Nó là thuộc tính có tính quyết định sống còn đến tổ chức giáo dục khác. Cốt lõi của tự chủ là định hoạt động của mình mà không phải xin phép để tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao, tạo sản phẩm trí tuệ đáp ứng yêu cầu cao của xã hội. Tự chịu trách nhiệm trước xã hội, trước luật pháp, trước các bên liên quan (người học, gia đình, đội ngũ thầy giáo).
Một lần nữa, đổi mới giáo dục lại là vấn đề nóng trước thềm Hội nghị Trung ương 6
- Ông có kỳ vọng gì ở nền giáo dục đại học sắp tới khi toàn Đảng, toàn dân tiếp tục thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục đào tạo?
GS.TS Mai Trọng Nhuận: Về cơ chế, cần khuyến khích huy động các nguồn lực, cơ chế phát hiện bồi dưỡng nhân tài trong giáo dục, đây là yếu tố vượt trội. Chính sách cơ chế hài hòa của tất cả các bên tham gia thực hiện đổi mới và hưởng lợi từ đổi mới, nếu quên đi lợi ích này thì giáo dục rất khó đổi mới.
Thứ hai, phát triển đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lí, đặc biệt là phẩm chất của cán bộ quản lí, họ phải nhận thức đúng bản chất tự nhiên của quá trình đổi mới giáo dục là hoạt động sáng tạo, phải ý thức được việc này và tạo mọi điều kiện cho quá trình hoạt động giáo dục thực hiện đúng.
Đổi mới nội dung, chương trình, phương thức đào tạo, chuyển giao công nghệ để đạt được những sản phẩm chất lượng cao, đào tạo theo hướng phát triển. Quan trọng phải có hành lang pháp lí và chế tài cho hoạt động giáo dục như tự nhiên vốn có.
Trân trọng cảm ơn ông!
Theo GDVN
Hà Nội từ chối bằng liên thông, tại chức Thành phố thiếu hơn 800 chỉ tiêu giáo viên các cấp, nhưng điều kiện xét tuyển phải có hộ khẩu Hà Nội, tốt nghiệp đại học chính quy các trường sư phạm hoặc trường có chuyên ngành cần tuyển... Chỉ tiêu tuyển dụng năm 2012 của Sở GS&ĐT Hà Nội là hơn 800 người, trong đó hơn 500 chỉ tiêu giáo viên THPT,...