Phú Thọ: Đưa vào hoạt động điểm trường cho trẻ mầm non người H’Mông, Dao
Ngày 28/8, tại Phú Thọ, Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam đã khánh thành, bàn giao điểm trường mầm non khu Đâng, xã Trung Sơn.
Công trình mới khang trang đã chấm dứt tình trạng cô, trò nơi đây phải sinh hoạt, học tập trong điều kiện thiếu thốn cơ sở vật chất, chất lượng giáo dục không đảm bảo.
Tương lai của các con đã gần hơn
Hơn 10 năm giảng dạy tại trường mầm non xã Trung Sơn (huyện Yên Lập, Phú Thọ), phải tới hôm 28/8, cô Đinh Thị Đào – Hiệu trưởng nhà trường mới thực sự cảm nhận được niềm vui và sự yên tâm khi chứng kiến cơ sở khang trang của điểm trường mầm non khu Đâng – một trong 6 điểm khó khăn nhất của trường mầm non xã Trung Sơn.
Điểm trường mầm non cũ trước khi xây mới.
“Điểm trường hiện cách trung tâm xã tới 18 km đường đồi núi. Khi chưa được xây dựng mới, cô và trò đều phải sinh hoạt và học tập trong các nhà mái lá ẩm thấp, quây tạm bằng bạt nhựa, vừa chật hẹp và không đảm bảo vệ sinh. Ngày nắng thì oi nóng. Ngày mưa, các nhà đều bị dột nhiều chỗ. Điểm trường cũ không có chỗ vui chơi và bị úng nước khi có cơn mưa” – cô giáo Đinh Thị Đào nhớ lại.
Vượt qua nhiều khó khăn về địa điểm thi công, thiếu điện, thời tiết mưa rừng và khối lượng đào đất lớn, sau một thời gian nỗ lực, điểm trường mầm non khu Đâng đã được xây mới hoàn thiện khang trang.
Điểm trường mầm non khu Đâng được xây dựng trong 14 tháng, trên cơ sở nguồn vốn hỗ trợ chính từ Công ty TNHH KN Cam Ranh, ngoài ra có vốn đối ứng của địa phương và nguồn kinh phí của Quỹ Bảo trợ trẻ em VN (Bộ LĐ-TB&XH).
Hiện tại, điểm trường được xây dựng trên diện tích 400 m2, gồm: 8 gian bố trí làm 4 lớp học, 4 gian còn lại được bố trí làm các gian vệ sinh, khu vực bếp khép kín và sân vui chơi. Điểm trường có thêm hệ thống các thiết bị vui chơi, công trình phụ trợ ngoài trời cho các cháu.
Các đại biểu, giáo viên và học sinh chụp ảnh kỷ niệm tại Lễ khánh thành.
Video đang HOT
Cô Đinh Thị Đào vui mừng cho biết: “Với điều kiện cơ sở mới, điểm trường khu Đâng có khả năng đáp ứng việc chăm sóc cho khoảng 150 cháu. Năm học 2019, chúng tôi đã đón 60 cháu bé từ 3 – 5 tuổi tới học bán trú, tăng 5 cháu so với năm học trước và dự kiến đón thêm 40 cháu từ các điểm lẻ khác trong năm 2019. Các cháu chủ yếu là người dân tộc H’Mông và Dao”.
Chắp cánh những ước mơ
Phát biểu tại Lễ khánh thành, ông Trần Việt Hùng – Chủ tịch UBND huyện Yên Lập (Phú Thọ), đánh giá cao việc đưa vào hoạt động điểm trường mầm non khu Đâng.
Lễ khánh thành điểm trường mầm non khu Đâng mới.
“Việc đầu tư điểm trường có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với huyện Yên Lập nói chung và với các thầy, cô giáo và trên 50 học sinh nơi đây. Từ hôm nay, các cháu đã có lớp học an toàn và đầy đủ đồ dùng, đồ chơi. Các thầy, cô cũng có điều kiện nâng cao chất lượng giảng dạy và yên tâm công tác…” – ông Trần Việt Hùng cho biết.
Với tư cách là nhà tài trợ chính, ông Nguyễn Hữu Thanh – Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và kinh doanh Golf Long Thành (Công ty “mẹ” của Công ty TNHH KN Cam Ranh) cho biết: “Trong nhiều năm qua, Ban lãnh đạo Tập đoàn đã luôn quan tâm công tác từ thiện, đặc biệt là chương trình chăm lo tới trẻ em thông qua Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam, như: “Chương trình hỗ trợ sữa miễn phí cho trẻ em tiểu học giai đoạn 2017 – 2022″, “Mùa xuân cho em “, “Giải bóng đá quốc gia dành cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt”…
Điểm trường mới khang trang và đầy đủ tiện nghi.
Chính vì vậy, ngay khi có thông tin về dự án xây dựng điểm trường mầm non khu Đâng, Ban lãnh đạo và tập thể cán bộ nhân viên công ty đã nhiệt tình ủng hộ. Hy vọng với cơ sở vật chất mới, các em nhỏ nơi đây sẽ có một môi trường học tập lành mạnh và an toàn, đồng thời cha mẹ các em cũng yên tâm gửi con để chăm lo sản xuất, qua đó cải thiện đời sống – ông Nguyễn Hữu Thanh cho biết.
Đồng quan điểm trên, bà Nguyễn Thị Hiền – Phó Giám đốc Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam, cho biết : “Khu Đâng được chọn để xây mới điểm trường bởi đây là vùng xa nhất của xã miền núi Trung Sơn. Khu Đâng còn là 1 trong 6 khu dân cư nghèo nhất trong xã Trung Sơn. Ngoài ra điểm trường cũ nằm trong quy hoạch di dời để xây dựng hồ chứa nước của tỉnh”.
Đánh giá cao ý nghĩa của việc khánh thành công trình mới, bà Nguyễn Thị Hiền hy vọng việc học của trẻ mầm non không bị gián đoạn khi địa phương triển khai xây dựng hồ chứa nước trên địa điểm nơi học cũ. Đồng thời nâng cao chất lượng giáo dục mầm non trên địa bàn, qua đó thu hút thêm nhiều gia đình người dân tộc đưa trẻ tới học.
Được biết, việc xây trường học, xóa bỏ lều tạm, lán trại cho học sinh vùng sâu, vùng xa là chủ trương được Lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH giao cho Quỹ Bảo trợ trẻ em VN thực hiện. Từ năm 2008 đến nay, Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam đã hỗ trợ xây dựng cho hơn 75 công trình với tổng số tiền trên 50 tỷ đồng.
Thời gian gần đây, Quỹ Bảo trợ trẻ em VN đã khánh thành, ban giao các điểm trường, như: Điểm Trường Tiểu học và THCS xã Quang Trung, huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng; Điểm trường Bản Lá – Trưởng Tiểu học xã Sinh Long, huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang…Các điểm trường đang thực hiên và sắp khánh thành bàn giao: Trường PTDT Bán trú Tiểu học xã Mù Cả, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu; Trường Mầm non xã Tân Hạnh, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long; Điểm trường Dộc Máy -Trường TH Nhất Hòa…
Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam là Quỹ duy nhất của Nhà nước được thành lập tháng 5 năm 1992 theo Luật Bảo vệ, Chăm sóc và Giáo dục trẻ em (nay là Luật Trẻ em), có nhiệm vụ vận động các tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế để hỗ trợ thực hiện các mục tiêu vì trẻ em của Chính Phủ. Từ khi thành lập đến nay, Quỹ Bảo trợ trẻ em các cấp đã vận động được hơn 6.800 tỷ đồng, giúp trên 32 triệu lượt trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Các hoạt động của Quỹ nhằm góp phần cùng ngân sách nhà nước hỗ trợ thực hiện Công ước Quốc tế về Quyền trẻ em…
Vi Tiên
Theo Dân trí
Bài 3: Không gây áp lực cho giáo viên
Nêu quan điểm duy trì Hội thi Giáo viên giỏi trong các nhà trường, trong ngành Giáo dục là điều cần thiết, cô giáo Đỗ Thu Hà - Trường THPT Công nghiệp Việt Trì, Phú Thọ - đưa ra một số đề xuất để hội thi thực sự thiết thực, thực chất, hiệu quả.
Giáo viên giỏi cần kinh qua sát hạch. Ảnh minh họa/ INT
Phát hiện tiềm năng đội ngũ
Nhiều năm công tác trong ngành Giáo dục, cô Đỗ Thu Hà cho rằng, hội thi giáo viên giỏi là một hoạt động sinh hoạt chuyên môn bổ ích cho giáo viên THPT, bởi lẽ đây là cơ hội giúp giáo viên trau dồi, nâng cao khả năng tự học, tự rèn luyện, đầu tư tìm hiểu, nghiên cứu, áp dụng các phương pháp dạy học tích cực vào các tiết học cụ thể.
"Qua hội thi, các giáo viên sẽ có sự trao đổi, kết nối, học tập kinh nghiệm lẫn nhau. Trên thực tế, từ các hội thi, đã có nhiều tiết học hay, hấp dẫn, phát huy được tính tích cực, chủ động của người học, trở thành những tiết dạy minh họa quý giá để các đồng nghiệp tham khảo, học tập."
Cô Đỗ Thu Hà
Thông thường, một giáo viên đi thi sẽ được tổ chuyên môn hỗ trợ, nghiên cứu, thiết kế soạn giảng theo mô hình đổi mới sinh hoạt tổ, nhóm chuyên môn. Như vậy, hội thi cũng góp phần nâng cao chất lượng sinh hoạt chuyên môn trong các nhà trường, tạo không khí sinh hoạt sôi nổi, hăng say, tạo điều kiện cho các giáo viên có cơ hội được giao lưu, học hỏi nhiều hơn.
Đặc biệt, nhiều giáo viên thật sự trưởng thành sau hội thi. Hội thi chính là cơ sở quan trọng để các cơ quan quản lý giáo dục phát hiện tiềm năng của đội ngũ, có kế hoạch bồi dưỡng, đào tạo thành các giáo viên cốt cán của ngành Giáo dục trong tỉnh. Vì vậy, việc tổ chức, duy trì hội thi giáo viên giỏi trong các nhà trường, trong ngành Giáo dục là điều cần thiết.
Tuy nhiên, cô Đỗ Thu Hà cũng cho rằng, phải thẳng thắn thừa nhận, ở một số nơi, việc tổ chức hội thi giáo viên dạy giỏi còn mang tính hình thức, một số tiết học thiên về "diễn" "dựng lại" những gì học sinh đã được chuẩn bị từ trước. Điều này gây ra tâm lí nặng nề, căng thẳng cho cả giáo viên và học sinh, làm mất đi niềm hứng khởi trong mỗi giờ học, đánh mất ý nghĩa tích cực của hội thi.
Nhiều giáo viên thật sự trưởng thành sau hội thi. Ảnh minh họa/ INT
Tổ chức thi phải nhẹ nhàng, thực chất, không tạo áp lực
Đề xuất của cô Đỗ Thu Hà, vẫn duy trì hình thức tổ chức hội thi chứ không xét hồ sơ công nhận danh hiệu. Việc tổ chức hội thi cấp trường, cấp phòng phải thật sự khách quan và nghiêm túc, không hình thức, bệnh thành tích. Việc tổ chức thi phải nhẹ nhàng, không tạo áp lực, đi vào thực chất. "Tôi không đồng tình với việc xét công nhận giáo viên giỏi rồi đưa ra một loạt minh chứng hồ sơ "thật" mà lại "giả" - cô Đỗ Thu Hà nêu quan điểm.
Cùng với đó, cách thức tổ chức hội thi phải khoa học, bài bản, công bằng, chính xác, đánh giá đúng năng lực, thực lực của giáo viên. Nên kết hợp cả thi viết và giảng, cả thi nhận thức, hiểu biết các văn bản chỉ đạo chung của ngành và kiến thức chuyên môn. Bài giảng nên lựa chọn 2 bài theo những hình thức khác nhau để đánh giá khách quan năng lực của giáo viên. Quan trọng nhất là khâu phát hiện giáo viên giỏi từ cấp cơ sở đến cấp tỉnh, tạo được sự lan tỏa, uy tín cho đồng nghiệp và học sinh. Dù hình thức thi hay xét thì chất lượng giáo viên được suy tôn là giáo viên giỏi vẫn là điều quan trọng nhất.
"Ở mỗi đơn vị, nên phát động thường xuyên phong trào tự học, sáng tạo của giáo viên, tích cực tổ chức các hoạt động sinh hoạt chuyên môn, để các hoạt động như hội thi giáo viên dạy giỏi trở thành nhẹ nhàng, bình thường, không gây áp lực, căng thẳng cho giáo viên. Việc suy tôn và công nhận giáo viên giỏi các cấp vẫn cần phải được duy trì và tôn vinh, tránh tình trạng "cá mè một lứa" trong ngành Giáo dục" - cô Đỗ Thu Hà đề xuất.
Nguyễn Nhung
Theo GDTĐ
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh tặng quà tại Trường giáo dưỡng số 2 Ngày 15-8, đồng chí Đặng Thị Ngọc Thịnh, Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội đồng Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam và đoàn công tác tới thăm, tặng quà cho trẻ em tại Trường giáo dưỡng số 2, đóng tại tỉnh Ninh Bình, nhân kỷ niệm 74 năm Ngày truyền thống lực lượng Công an nhân dân....