Phụ nữ Triều Tiên kiếm tiền giỏi hơn chồng
Trong một xã hội quân sự với nam giới chiếm ưu thế, phụ nữ Triều Tiên đang là người gánh vác kinh tế gia đình trong bối cảnh nước này đang hình thành một nền kinh tế dựa trên thị trường phi chính thức.
Các phụ nữ bán hàng trong một khu chợ Triều Tiên. Ảnh chụp năm 2012. (Ảnh: Wordpress)
Theo kết quả nghiên cứu của Viện Thống nhất Hàn Quốc (KINU), phụ nữ Triều Tiên chiếm một nửa trong số 12 triệu người Triều Tiên đang làm kinh tế, song kiếm tới hơn 70% thu nhập trong mỗi gia đình, chủ yếu nhờ buôn bán ở những thị trường phi chính thức đang phát triển nhanh chóng trong những năm gần đây. Hiện phần lớn nam giới nước này hoặc đang phục vụ trong quân ngũ, hoặc đang mắc kẹt trong những công việc nhà nước với thu nhập thấp.
“Người Triều Tiên chúng tôi nói rằng, nam giới chiến đấu trên mặt trận xã hội chủ nghĩa, còn phụ nữ chiến đấu trên mặt trận cuộc sống”, một cô gái 26 tuổi họ Jung nói và không công khai tên họ đầy đủ vì muốn bảo vệ người thân.
Cô Jung đã sang Hàn Quốc từ năm 2012, theo học một trường cao đẳng và thường làm thêm để gửi tiền về quê giúp mẹ kinh doanh rượu ngô và nuôi heo. “Cha tôi làm công việc nhà nước và không được trả lương, ông phải làm như một nghĩa vụ”, Jung cho biết.
Nền kinh tế kế hoạch tập trung của Triều Tiên vẫn chưa phục hồi kể từ khi Liên Xô sụp đổ. Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Liên Xô là nước hậu thuẫn về kinh tế và quân sự cho Triều Tiên. Triều Tiên sau đó còn phải trải qua nạn đói khủng cướp đi sinh mạng của 800.000 đến 1,5 triệu người hồi thập niên 1990. Trong thời kỳ này, phụ nữ Triều Tiên phải bán các loại nấm dành cho gia súc và dây cáp lõi đồng để có chút tiền nuôi sống gia đình.
Hiện đất nước biệt lập này đang dần chuyển sang một nền kinh tế thị trường phi chính thức, và phụ nữ đóng vai trò tích cực trong quá trình này. Tuy nhiên, nam giới vẫn chiếm ưu thế trong quân đội và chính phủ. Một số phụ nữ ít ỏi có mặt trong giới thượng lưu của Triều Tiên đều là những người thân của nhà lãnh đạo Kim Jong-un, như cô em gái Kim Yo-jong và người cô Kim Kyong-hui.
Nền kinh thị trường “xám” vẫn được tồn tại ở đất nước khắt khe này bởi một số quan chức tham nhũng tham gia vào thị trường này. Các tiểu thương đã lập các quầy hàng ở một số trong khoảng 400 khu chợ trên khắp đất nước, và phải trả tiền “bảo kê” cho các quan chức để duy trì. Và vì thế, số tiền mà những người buôn bán độc lập kiếm được không phải là nhiều.
Những người chồng không giỏi kiếm tiền
Một gia đình Triều Tiên trốn sang Hàn Quốc. (Ảnh: Epoch Times)
Video đang HOT
Từ thông tin của 60 phụ nữ đào tẩu từ Triều Tiên sang Hàn Quốc trong năm 2011-2012 cho thấy, thu nhập không chính thức hàng tháng của nhiều người trong số họ chỉ vào khoảng 50.000 – 150.000 won, (chỉ tương đương 6 – 18 USD theo tỷ giá chợ đen).
Tuy nhiên, mức thu nhập này cũng đã là nhiều so với mức lương nhà nước của các ông chồng (chỉ khoảng 2.000-6.000 won/tháng), thậm chí còn ít hơn giá 1kg gạo ở thành phố Hyesan (8.500 won). Dù vậy, hiện các số liệu này vẫn chưa được xác thực, đồng thời 60 người phụ nữ đào tẩu được khảo sát phần lớn đến từ các vùng nông thôn, trong khi phụ nữ thành thị ở Triều Tiên được cho là kiếm được số tiền lớn hơn nhiều.
Một người phụ nữ đào tẩu tên là Kim Min-jung, chuyên làm nghề mai mối, cho hay: “Nếu một cô gái muốn sống thoải mái ở Triều Tiên, hoặc cô ấy ra chợ bán hàng, hoặc phải cưới cho được một người đàn ông sống nhờ tiền hối lộ hay tiền thuế của những phụ nữ buôn bán ngoài chợ”.
Ngoài ra, bà Kim nói rằng phụ nữ Triều Tiên thường xuyên phàn nàn về đàn ông nước này, ví họ giống như “những chiếc đèn mất điện suốt cả ngày”. Phụ nữ Triều Tiên thường xem đàn ông là vô dụng, và không kiếm được tiền nuôi gia đình, bà Kim nói.
Bản khảo sát các phụ nữ đào tẩu cũng chỉ ra một xu hướng, khi phụ nữ nắm quyền về kinh tế, nhiều người đang tìm cách ly hôn hơn.
Ngoài ra, việc phái yếu giỏi kiếm tiền hơn đang thay đổi văn hóa gia trưởng tại Triều Tiên, vốn luôn có định kiến rằng phụ nữ phải ở nhà để chu toàn cho gia đình.
Bà Kim Eun-ju, giám đốc Trung tâm chính trị và phụ nữ Hàn Quốc ở Seoul cho hay, mức sống của Triều Tiên hiện phụ thuộc vào khả năng kinh doanh của phụ nữ, chứ không phụ thuộc vào nhà nước. “Phụ nữ đang thay thế vai trò của nhà nước thông qua nền kinh tế thị trường”, bà Kim nhận định.
Thoa Phạm
Tổng hợp
Theo dantri
Triều Tiên dành 3 phút mặc niệm tưởng nhớ cố lãnh đạo Kim Jong-il
Truyền hình Triều Tiên hôm nay đã chiếu cảnh hàng chục nghìn người bất chấp thời tiết giá lạnh đã tới đặt hoa và kính cẩn nghiêng mình trước bức tượng đồng khổng lồ của cố lãnh đạo Kim Jong-il nhân dịp kỷ niệm 3 năm ngày mất của ông.
Người Triều Tiên cúi đầu trước tượng đồng của cố lãnh đạo Kim Jong-il và lãnh tụ Kim Nhật Thành.
Những dòng người dài bất tận đã xếp hàng bày tỏ sự thành kính của họ trước các bức tượng đồng cao 22 m của cố lãnh đạo Kim Jong-il và cha ông, lãnh tụ Kim Nhật Thành, tại Đồi Mansu ở thủ đô Bình Nhưỡng.
"Dù thời tiết giá rét vào sáng nay, trái tim của chúng ta dành cho ông càng nồng ấm hơn và lòng trung thành của chúng ta ngày càng mạnh mẽ hơn", người dẫn chương trình nói trên đài truyền hình trung ương Triều Tiên.
Trong khi đó, hãng thông tấn chính thức KCNA đưa tin, Triều Tiên đã kỷ niệm 3 năm ngày mất của ông Kim Jong-il theo nghi thức trang trọng.
Các hồi còi đã vang lên trên khắp Triều Tiên vào buổi trưa, khi xe cộ và tàu kéo còi cùng lúc.
Mọi người "đã dành 3 phút mặc niệm" để hướng về Cung điện Mặt trời Kumsusan ở thủ đô Bình Nhưỡng, nơi quàn thi hài của cố lãnh đạo.
Báo chí Triều Tiên cũng đăng tải nhiều bài viết ca ngợi cựu lãnh đạo, gọi ông là "Nhà lãnh đạo kính yêu", và các thành tựu của con trai ông, đương kim lãnh đạo Kim Jong-un, trong 3 năm qua.
Các phụ nữ Triều Tiên mang hoa tới tưởng niệm cố lãnh đạo.
Tờ Rodong Sinmun đã đăng trên trang nhất một bức ảnh lớn của cố lãnh đạo Kim Jong-il, cùng với một bài viết ca ngợi ông. Các trang báo khác cũng có các hình ảnh của ông và bài viết liên quan tới cố lãnh đạo.
Một tiêu đề bài viết nói rằng ông Kim Jong-il "sẽ sống mãi" như mặt trời của đất nước.
Bài viết ca ngợi ông Kim Jong-il trên tờ Rodong Sinmun.
Cam kết trung thành với Kim Jong-un
Ngoài ra, tờ Rodong Sinmun báo cũng viết rằng người Triều Tiên cam kết trung thành với đương kim lãnh đạo Kim Jong-un.
Tờ báo nhấn mạnh "chiến thắng" của ông Kim Jong-un trong cuộc chiến chống lại các cường quốc phương Tây và cho biết thời đại của nhà lãnh đạo "vĩ đại" đã bắt đầu.
Hôm nay, nhà lãnh đạo Kim Jong-un dự kiến sẽ chủ trì một lễ tưởng niệm quốc gia nhằm tưởng nhớ cha mình và tới viếng tại Cung điện mặt trời Kimsusan.
Phái đoàn tham gia sự kiện sẽ được các nhà quan sát Triều Tiên đặc biệt chú ý nhằm tìm hiểu vị trí của các nhân vật quan trọng chính quyền Bình Nhưỡng.
Năm nay, nhà lãnh đạo Kim Jong-un bước sang năm nắm quyền thứ 4 kể từ sau cái chết của người cha và đây có thể báo hiệu sự khởi đầu về một phong cách lãnh đạo ít bị ảnh hưởng bởi di sản của cha mình.
An Bình
Theo Dantri/AFP, Yonhap
Việt Nam luôn biết ơn sự hy sinh anh dũng của hàng triệu chiến sỹ Hồng quân! Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định, nhân dân toàn thế giới, trong đó có nhân dân Việt Nam luôn ghi nhớ và biết ơn nỗ lực anh hùng và sự hy sinh anh dũng của hàng triệu chiến sỹ Hồng quân và người dân Liên Xô trong cuộc đấu tranh đập tan chủ nghĩa phát xít và không bao giờ quên...