Phụ huynh và cuộc đua… chạy chức cho con
Một cô giáo nhận được lời đề nghị của một phụ huynh cho con trai mình làm lớp trưởng với lý do: “Cháu là trưởng chi họ to nhất làng, lại học giỏi. Cho cháu làm lớp trưởng để cháu rèn thêm kỹ năng giao tiếp, làm việc làng, việc họ…”.
Gian nan đường… làm lớp trưởng
Ở cấp THCS và THPT không ít phụ huynh “ chạy chọt”, thậm chí gây sức ép để con được làm lớp trưởng.
Trong đó hy hữu nhất là trường hợp mà cô H.Giang, giáo viên dạy lớp 11, ở Kiến Xương, Thái Bình kể, cô nhận được lời đề nghị của một phụ huynh cho con trai mình làm lớp trưởng với lý do: “Cháu là trưởng chi họ to nhất làng, lại học giỏi. Cho cháu làm lớp trưởng để cháu rèn thêm kỹ năng giao tiếp, làm việc làng, việc họ…”.
Dẫu lý do rất “chính đáng” như vậy nhưng cô H.Giang cũng không dám để cậu bé này làm lớp trưởng vì cậu bé rất hiền, trong khi lên cấp III, lớp trưởng thường phải cùng GVCN giải quyết các vụ việc liên quan tới học sinh, thậm chí phải làm việc cả với Hiệu trưởng.
“Hơn nữa, lớp tôi chủ nhiệm cũng đã có một lớp trưởng xứng đáng. Cô bé này đã là lớp trưởng 5 năm liền hồi cấp II, rất xinh xắn, cô giáo giao việc gì cũng hoàn thành. Đặc biệt cô bé rất tháo vát chuyện tiền nong, thu chi quỹ lớp, tổ chức các hoạt động ngoại khóa, biết bảo vệ, bảo ban các bạn. Vì thế, giáo viên chủ nhiệm rất nhàn…”- cô H.Giang cho biết.
Không ít phụ huynh “chạy chọt”, thậm chí gây sức ép để con được làm lớp trưởng (Ảnh minh họa)
Cô giáo M.Lan, dạy cấp III ở Hải Phòng thì bị bạn thân của chồng gây sức ép cho con gái làm lớp trưởng. Chồng cô cũng “mặt nặng mày nhẹ” bảo vợ: “Chức ấy ở trong tay em, có gì mà không cho cháu nó làm”. Lý do anh bạn muốn con làm lớp trưởng vì muốn con có thành tích hoạt động ngoại khóa để dễ xin học bổng du học. Hơn nữa, nếu con làm lớp trưởng thì có nhiều bạn bè hơn.
Video đang HOT
Cô M. Lan chia sẻ: “Em cũng muốn cho cháu nó làm cho yên cửa, yên nhà, nhưng các bạn cùng lớp lại không bầu, vì cô bé không có uy tín”. Cô M.Lan đã từng dính “phốt” khi đưa một học sinh không được các học sinh khác tín nhiệm lên làm lớp trưởng.
“Lớp đó có 2-3 bạn gái khác rất ghê gớm, lớp trưởng thường xuyên bị bắt nạt nên cũng chẳng nói được ai. Cô bé đó cũng không quán xuyến được việc lớp, hiền quá. Trong lớp có bạn nhà nghèo, bị tai nạn, cô bé lớp trưởng chẳng quan tâm, tổ chức các bạn đi thăm. Một bạn gái khác trong lớp phải đứng ra tổ chức, rồi quyên góp tiền, tặng quần áo. Lớp trưởng nói không ai nghe, lớp nhiều bè phái kích bác nhau. Giáo viên chủ nhiệm mệt mỏi lắm”.
Trong khi các lớp chuyên, chọn phụ huynh lo lắng cho con làm lớp trưởng thì ở lớp bổ túc lại chẳng phụ huynh nào “dám” cho con làm lớp trưởng. Một cô giáo đang dạy tại Trung tâm giáo dục thường xuyên ở Hà Nội cũng chia sẻ nỗi buồn về việc chọn lớp trưởng ở khối học này:
“Tôi chọn em nào, phụ huynh các em cũng giãy nảy lên để chối. Điều này cũng không có gì lạ, lớp học bổ túc các em học tập lơ là. Lớp trưởng mà ngoan, gương mẫu thì bị bạn ghét; mà lớp trưởng lười học, a dua theo các bạn thì có khi còn tai quái, điêu ngoa trên tài các bạn vì còn phải học cách đối phó với cô”- cô nói.
“Cánh tay nối dài” của cô giáo
Nguyễn Thu T- cô bé xinh xắn, lớp trưởng lớp 3 ở Hà Đông, Hà Nội kể với giọng rất người lớn: “Cô giáo con bảo, lớp trưởng là người đứng đầu lớp, thay mặt cô giáo khi đi vắng. Để làm lớp trưởng, con phải học giỏi, gương mẫu và… quát được các bạn”.
Hình ảnh của Thu T. ở lớp khi cô giáo đi vắng là tay lăm lăm cái thước để dọa bạn và ghi nhớ các trò nghịch ngợm để khi cô về thì mách cô. “Công việc của con vất vả nhất lúc ăn cơm và cho các bạn đi ngủ trưa. Con phải giúp cô xem cơm canh các tổ lấy về đủ chưa, có bạn nào thiếu không…”
Cô M.H- Chủ nhiệm lớp bé Thu T cho biết, lớp cô đang chủ nhiệm năm nay có tới …4 phụ huynh đặt vấn đề xin cho con làm lớp trưởng. Trong đó có một phụ huynh là chị gái của đồng nghiệp trong trường. Lời đề nghị nào cũng nể nhưng với kinh nghiệm giáo viên lâu năm, cô M.H chọn bé…làm được việc.
Cô cho biết: “Học sinh tiểu học thuần, dễ bảo nhưng lớp học quá đông, 50-60 em, hầu như cô giáo nào cũng cần người biết giúp quản lớp. Năm lớp 1, lớp này có bé khác làm lớp trưởng nhưng không dám nói bạn nào. Cứ cô đi vắng là lớp như cái chợ. Tới năm lớp 2, cô giáo chủ nhiệm lớp chọn bé Thu T. Năm nay, mới qua mấy ngày đầu năm học, tôi thấy bé Thu T làm rất thích hợp, các bạn trai thì … thích, các bạn gái thì nghe. Còn cô giáo dặn dò gì, bé nhớ ngay và thực hiện đúng yêu cầu”.
Cũng theo cô M.H, các cô giáo trong trường thích nhất là những bé có năng khiếu tổ chức. “Những bé này chỉ huy các tổ lấy giấy, vở, đề bài rất quy củ. Nếu bé không biết chỉ huy, để các học sinh tự lấy, lớp sẽ như cái chợ, ảnh hưởng tới lớp khác. Vì thế, dù lớp có 4 phụ huynh “xin” cho con làm lớp trưởng, tôi đều gạt đi và thuyết phục mẹ bé Thu T. để bé tiếp tục làm lớp trưởng. Còn những bé khác, vì quan hệ nên cũng sắp xếp cho làm lớp phó, tổ trưởng”- cô M.H nói.
Cô Hà Thị Thủy- giáo viên tiểu học ở Gia Lâm (Hà Nội) thì chia sẻ, trong lớp có 50 học sinh, cô thường chọn bé nào lớn hơn các bạn cùng lứa một chút, nói năng được, và đặc biệt là “cô bảo phải nghe”..
Cô Thủy cho biết thêm, bé nào có năng lực, làm được lớp trưởng thì cũng khá vất vả vì hoạt động cũng mất nhiều thời gian nên một số phụ huynh không thích cho con làm lớp trưởng. Tuy nhiên, tỷ lệ số phụ huynh muốn con mình làm lớp trưởng bao giờ cũng nhiều hơn bởi lớp trưởng phải học giỏi, gương mẫu mới nói được các bạn, có kỹ năng giao tiếp và tổ chức. Bé nào làm lớp trưởng, nếu có tổ chất thì đều phát huy được các năng lực này. Vì thế, đầu năm học, thường có 1 vài phụ huynh tới đặt vấn đề với cô xin cho con làm lớp trưởng để “cho cháu nó thử sức”.
Thậm chí có phụ huynh có cậu con trai lớn hơn các bạn cùng lớp, hay gây gổ đánh nhau với bạn cũng đề nghị cô: “cho cháu làm lớp trưởng, tổ trưởng cũng được để cháu phải làm gương cho các bạn, bớt nghịch ngợm”.
Theo Lê An- Nguyễn Trang (Dân Việt)
Học lớp 1 đã lo "chạy chức"
Việc "chạy chức" cứ ngỡ chỉ dành cho người lớn nhưng tại một số trường tiểu học ở TP HCM, nhiều phụ huynh cũng đang điêu đứng "chạy" cho con được làm lớp trưởng hoặc đôi khi chỉ làm tổ trưởng.
Không được lớp trưởng thì tổ trưởng
Mới vào đầu năm, một giáo viên dạy tiểu học tại quận 4, TP HCM đã gặp tình huống khó xử. Số là một phụ huynh đến đặt vấn đề với cô cho con mình được làm lớp trưởng. Theo lý giải của phụ huynh này, con anh nói năng lưu loát, thông minh, ở bậc mầm non đã được các cô đặt biệt danh "ông cụ non" vì tính tình già dặn hơn các bạn cùng lứa. Vì thế, anh mong ở bậc tiểu học, con được tạo điều kiện để phát huy.
"Tôi phải giải thích rằng những tố chất đó của bé là tốt nhưng chưa đủ để được làm lớp trưởng. Hơn nữa, nếu gia đình quá đề cao các bé sẽ tạo cho bé tính tự cao và ảo tưởng về bản thân. Các bé mới vào lớp 1, còn quá lạ lẫm để hiểu được tính cách của từng bé nên thường tôi phải để gần hết học kỳ mới tổ chức chọn lớp trưởng cho lớp. Qua các hoạt động tập thể, sẽ phát hiện bé nào có tố chất. Lớp trưởng không phải cứ học giỏi là được" - giáo viên này nói.
Phụ huynh nên để cho trẻ được hồn nhiên đúng với lứa tuổi của mình. Ảnh chỉ mang tính chất minh họa - Ảnh: Tấn Thạnh
Những câu chuyện tương tự thu hút rất nhiều sự quan tâm của phụ huynh. Theo một diễn đàn trên mạng, nhiều phụ huynh chia sẻ chuyện "chạy chức" cho con cũng nan giải và gay go không kém gì "chạy trường".
Chị Nhung, có con học lớp 3 tại một trường tiểu học ở quận 5, kể con chị rất nhút nhát và sợ đám đông nên chị xin giáo viên chủ nhiệm cho con làm lớp trưởng để khắc phục nhược điểm này. Tuy nhiên, vị trí lớp trưởng thường rơi vào con của vị hội trưởng hội phụ huynh lớp, những cháu học giỏi hoặc đã từng làm lớp trưởng ở những năm trước.
Khi chị xin cô giáo, cô đã khuyên con chị không phù hợp làm lớp trường, các bạn trong lớp sẽ không phục nhưng chị vẫn kiên trì thuyết phục. Cuối cùng, cô giáo cho con chị làm tổ trưởng, chuyên để ý các bạn trong tổ có mặc đồng phục đúng quy định hoặc có làm bài tập về nhà không.
Chỉ làm hư trẻ
Giáo viên một trường THCS tại quận 3 chia sẻ nhiều phụ huynh đã đến xin cho con họ làm lớp trưởng, sau đó là liệt kê những thành tích của các cháu. Thậm chí có phụ huynh nói thẳng để con họ làm lớp trưởng thì mọi phong trào đóng góp gì phụ huynh sẵn sàng tham gia.
Chị Trang, phụ huynh một trường tiểu học tại quận 1, bày tỏ: Ban đầu chị không chú ý, cứ nghĩ để các con phát triển tự nhiên, đưa những cuộc chạy đua thế này nhồi nhét vào đầu các cháu quá sớm thì không tốt nhưng thấy các phụ huynh khác chạy rầm rộ quá nên chị cũng không thể đứng ngoài cuộc.
Theo ông Cao Huy Thảo, Hiệu trưởng Trường THPT Quốc tế Việt Úc, tại nhiều trường học ở Singapore, học sinh sẽ luân phiên nhau làm lớp trưởng. Đó như là một nhiệm vụ để học sinh rèn luyện tính giao tiếp, khả năng độc lập, tự tin mà không phải là sự chạy chọt mang ý đồ của người lớn.
Đồng tình với ý kiến trên, Tiến sĩ tâm lý Võ Văn Nam, giảng viên Trường ĐH Sư phạm TP HCM, khuyến cáo: Mọi sự chạy chọt đều có thể ảnh hưởng đến tâm hồn và sự phát triển của trẻ nhỏ. Lớn lên, các cháu sẽ bị ám ảnh rằng mọi sự thành công đều do chạy chọt mà có. Vì vậy, nếu muốn cho con tự tin, các bậc phụ huynh nên tạo điều kiện để phát huy năng lực thực sự của trẻ. Ngoài ra, để trẻ giao tiếp tốt, rèn luyện tính tự tin thì phụ huynh hãy trau dồi cho trẻ các kỹ năng sống ngoài đời với chính những gì mà các cháu đang có và thể hiện.
Theo Đ.Trinh (Người lao động)
TP.HCM miễn học phí cho học sinh lớp chuyên Bên cạnh đó, thành phố còn tiếp tục không thu tiền cơ sở vật chất, vệ sinh từ mầm non đến THPT. Ngày 5/9, liên sở GD - ĐT và Tài chính TP.HCM đã có hướng dẫn công tác thu, sử dụng học phí và thu khác của các cơ sở giáo dục công lập từ năm học 2013-2014 đến năm học 2014-2015....