Phụ huynh và cộng đồng sẽ tham gia đánh giá hiệu trưởng
Phụ huynh và cộng đồng sẽ tham gia đánh giá hiệu trưởng nhưng không chấm điểm như trước đây mà chỉ đưa ra ý kiến về vấn đề liên quan đến năng lực hiệu trưởng.
Phó giáo sư, Tiến sĩ Đặng Thị Thanh Huyền (nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học Quản lý giáo dục, Học viện Quản lý giáo dục).
Đó là một trong những điểm nhấn trong Dự thảo chuẩn hiệu trưởng phổ thôngđang được Bộ Giáo dục và Đào tạo xin ý kiến.
Xung quanh nội dung này Báo đã có cuộc trao đổi với Phó giáo sư, Tiến sĩ Đặng Thị Thanh Huyền – nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu khoa học Quản lý giáo dục (Học viện Quản lý Giáo dục), bà đồng thời là trưởng nhóm nghiên cứu về Chuẩn hiệu trưởng trường phổ thông.
Tự soi, tự sửa từ Chuẩn hiệu trưởng mới
Hiệu trưởng có vai trò quan trọng đối với sự phát triển của mỗi nhà trường. Trong bối cảnh đổi mới giáo dục như hiện nay, theo bà chân dung của người hiệu trưởng mới sẽ như thế nào để phù hợp với thực tiễn và tương lai?
P hó giáo sư, Tiến sĩ Đặng Thị Thanh Huyền: Người hiệu trưởng trong giai đoạn đổi mới cần có phẩm chất và năng lực mới.
Thay vì thực thi nhiệm vụ hành chính như trước đây, nhà trường ngày càng được tăng quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình, xây dựng trường học lấy người học làm trung tâm, phát triển toàn diện phẩm chất, năng lực cho mỗi học sinh.
Có thể nói tiến bộ và hạnh phúc của mỗi học sinh là thước đo năng lực hiệu trưởng.
Trong bối cảnh giao quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình rất cao của nhà trường như hiện nay, đầu tiên người hiệu trưởng phải có tinh thần chủ động, năng động và sáng tạo để tổ chức mọi hoạt động giáo dục mang đến sự phát triển tốt nhất cho học sinh.
Khi xây dựng Chuẩn hiệu trưởng, chúng tôi tiếp cận theo yêu cầu về phát triển năng lực và tập trung vào năng lực quản trị nhà trường của hiệu trưởng.
Đầu tiên, hiệu trưởng phải đáp ứng tiêu chuẩn về phẩm chất chính trị và đạo đức lối sống.
Theo đó, hiệu trưởng phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, gương mẫu, chuẩn mực, được đồng nghiệp, học sinh, cha mẹ học sinh và cộng đồng tin tưởng, yêu mến, kính trọng.
Thứ hai, là năng lực chuyên môn nghiệp vụ và ngoại ngữ, tin học.
Hiệu trưởng phải vững vàng về chuyên môn, am hiểu nghiệp vụ sư phạm, khoa học quản lý, quản trị nhà trường; sử dụng được ít nhất 1 ngoại ngữ (hoặc tiếng dân tộc ở vùng dân tộc thiểu số) và ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nhà trường.
Thứ ba, về năng lực quản trị nhà trường, hiệu trưởng phải điều hành các hoạt động của nhà trường một cách chuyên nghiệp, hiệu quả và minh bạch.
Bao gồm lập kế hoạch phát triển nhà trường, quản lý hoạt động dạy học, giáo dục học sinh, quản trị tổ chức, hành chính, nhân sự, tài chính, cơ sở vật chất, thiết bị giáo dục, quản lý chất lượng giáo dục của nhà trường và xuyên suốt năng lực quản trị trường học là lãnh đạo sự thay đổi nhà trường.
Thứ tư, là năng lực xây dựng môi trường giáo dục dân chủ.
Hiệu trưởng phải có năng lực chỉ đạo xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, an toàn, thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, xây dựng nếp sống văn hóa trong nhà trường chuẩn mực, bền vững.
Thứ năm, là năng lực phát triển các mối quan hệ.
Hiệu trưởng tổ chức hiệu quả các hoạt động xây dựng và phát triển mối quan hệ giữa nhà trường với các bên liên quan trong giáo dục học sinh, phát triển nhà trường và cộng đồng.
Đó là các mối quan hệ theo chiều dọc đối với ngành, quan hệ đối với cha mẹ học sinh, chính quyền địa phương, các tổ chức xã hội và với truyền thông…
Tất cả những năng lực đó tạo dựng nên hình ảnh một người hiệu trưởng 3T & H. Trong đó 3T: T1= Tâm; T2 = Tầm; T3 = Tài đều hướng đến H: phát triển phẩm chất, năng lực Học sinh.
Video đang HOT
So với Chuẩn hiện hành thì Chuẩn hiệu trưởng mới có điểm gì khác và việc tham gia đánh giá hiệu trưởng sẽ được thay đổi như thế nào, thưa bà?
Phó giáo sư, Tiến sĩ Đặng Thị Thanh Huyền: Chuẩn hiệu trưởng trường phổ thông (sửa đổi, bổ sung) khác so với Chuẩn hiệu trưởng hiện hành đó là:
Mục đích quan trọng hàng đầu của chuẩn là để hỗ trợ, bồi dưỡng cho hiệu trưởng phát triển năng lực ở các mức ngày càng cao.
Đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục, đặc biệt là đổi mới Chương trình giáo dục phổ thông thay vì để phân loại phục vụ thi đua, bình bầu, xếp loại như trước đây.
Ở chuẩn hiệu trưởng sửa đổi, bổ sung, điều quan trọng nhất là hiệu trưởng tự đánh giá với các minh chứng đầy đủ, rõ ràng để từ đó lập kế hoạch tự học , tự bồi dưỡng.
Việc đánh giá hiệu trưởng theo chuẩn cũng sẽ được tham khảo ý kiến của giáo viên, cha mẹ học sinh và cộng đồng…
Tuy nhiên giáo viên, cha mẹ học sinh và cộng đồng sẽ không chấm điểm hiệu trưởng như trước đây mà chỉ đưa ra ý kiến về các vấn đề liên quan đến năng lực của hiệu trưởng.
Cơ quan quản lý cấp trên sẽ quyết định xếp loại hiệu trưởng theo các mức nêu trên, căn cứ vào kết quả tự đánh giá của hiệu trưởng và ý kiến của giáo viên, cha mẹ học sinh và cộng đồng…
Đồng thời căn cứ vào kết quả đánh giá và kế hoạch học tập của hiệu trưởng, cơ quan quản lý sẽ xây dựng kế hoạch bồi dưỡng, tạo điều kiện tối đa phát triển năng lực cho đội ngũ cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông, các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phát triển chương trình và tổ chứcbồi dưỡng, hỗ trợ hiệu trưởng phát triển năng lực quản lý trường học thường xuyên, liên tục.
Ở chuẩn hiệu trưởng sửa đổi bổ sung này, người đánh giá quan trọng nhất vẫn là hiệu trưởng và những người được đánh giá theo Chuẩn vì chính họ phải hiểu rõ họ phải thực sự thay đổi những gì, cần được bồi dưỡng gì để có thể thực hiện tốt nhiệm vụ.
Như vậy Chuẩn hiệu trưởng mới chính là cái để mọi người tự soi, tự sửa và tự mình học hỏi, hoàn thiện.
Giúp hiệu trưởng phát triển năng lực, phẩm chất lãnh đạo
Nói như vậy thì chúng ta cũng phải có công cụ để đánh giá xếp loại hiệu trưởng theo Chuẩn mới?
Phó giáo sư, Tiến sĩ Đặng Thị Thanh Huyền:Hiện nay, chúng tôi xác định có 3 mức phát triển năng lực lãnh đạo quản trị của hiệu trưởng:
Mức cao nhất là mức Tốt; mức tiếp theo là Khá và mức cuối cùng là Đạt. Tất nhiên sẽ có những người không đạt.
Theo đó, mỗi một hiệu trưởng sẽ có mức năng lực khác nhau ở từng tiêu chí cụ thể. Ví dụ: ở mức thấp nhất (mức Đạt), người hiệu trưởng phải thực hiện được đúng quy định và có khả năng làm việc một cách độc lập, mặc dù có thể chưa nhiều kinh nghiệm.
Ở mức hai (mức Khá) thì hiệu trưởng phải tổ chức thực hiện nhiệm vụ một cách thành thạo, có kinh nghiệm, làm việc hiệu quả và đặc biệt là có khả năng hỗ trợ được đồng nghiệp.
Còn ở mức Tốt thì hiệu trưởng phải có khả năng sáng tạo, luôn luôn rà soát, đánh giá, cải tiến và đổi mới; biết vượt lên nghịch cảnh để thự chiện tốt nhiệm vụ.
Trong những môi trường làm việc cụ thể, ở mỗi tiêu chí cũng như đánh giá chung, sẽcó những người đạt ở mức thấp, có những người đạt mức cao hơn.
Tuy nhiên, nếu chúng ta bồi dưỡng, phát triển những năng lực đó cho họ thì họ có thể làm tốt được các nhiệm vụ theo mức độ ngày càng cao dần.
Vậy bà đặt kỳ vọng gì vào chuyên đề nghiên cứu Chuẩn hiệu trưởng trường phổ thông?
Phó giáo sư, Tiến sĩ Đặng Thị Thanh Huyền: Chúng tôi kỳ vọng sẽ hỗ trợ cho hiệu trưởng được nhiều hơn, sẽ giúp hiệu trưởng nhiều hơn.
Chúng ta đang đổi mới với rất nhiều những yêu cầu mới; có thể những hiệu trưởng giỏi ở giai đoạn trước đây nhưng đến giai đoạn mới này nếu họ vẫn làm theo cách cũ thì không thành công.
Vậy thì Chuẩn lần này sẽ giúp cho hiệu trưởng có thể phát triển những năng lực và làm tốt các nhiệm vụ, từ đó thích ứng với bối cảnh đổi mới.
Ví dụ trong Chuẩn mới, có một tiêu chí là quản lý phát triển chương trình nhà trường – một công việc mà trước đây hiệu trưởng chưa bao giờ làm và không được làm.
Tuy nhiên, trong chương trình giáo dục phổ thông mới tới đây thì vai trò của nhà trường trong việc phát triển chương trình sẽ vô cùng quan trọng.
Lúc này sách giáo khoa cũng chỉ là tài liệu tham khảo, không bắt buộc đối với giáo viên.
Giáo viên được thỏa sức sáng tạo nhưng sáng tạo như thế nào để học sinh đạt chuẩn về phẩm chất, năng lực của môn học, cấp học thì nhà trường phải định hướng phát triển chương trình đúng hướng.
Lúc này rất cần có một thuyền trưởng đó chính là hiệu trưởng. Thực tế, việc này trước đây hiệu trưởng chưa được học, chưa được làm cho nên phải tạo điều kiện để họ được học và làm được.
Thẳng thắn nhìn nhận, trước đây nội dung bồi dưỡng hiệu trưởng chưa nhiều, thậm chí chưa đến nơi, đến chốn. Khi bồi dưỡng, chúng ta mới chỉ dạy lý thuyết, ít dạy thực hành.
Đã đến lúc phải thay đổi nội dung, cách thức bồi dưỡng, để hiệu trưởng có thể được học thường xuyên, liên tục và tại chỗ.
Kinh nghiệm của Singapore cho thấy, cách đánh giá học tập ở các lớp bồi dưỡng hiệu trưởng rất hay.
Họ không chỉ đánh giá bằng bài kiểm tra thu hoạch cuối học kì, mà quan trọng hơn, sau khi kết thúc khóa học, người học mang một dự án về địa phương, về nơi mình công tác để thực hiện dự án đó. Sau một thời gian, họ quay trở lại báo cáo kết quả đó.
Như vậy, thời gian học của một lớp không phải kéo dài 8 tuần như chúng ta, mà kéo dài đến 6 tháng, tất nhiên họ cũng không phải học liên tục mà chỉ tập trung từ 1 đến 2 tuần.
Hiệu trưởng ở “Quốc gia học tập” đã được đào tạo, dạy dỗ như thế nào?
Điều đáng nói là họ có những môi trường học tập, có thể học trường trực tuyến và tìm kiếm tài liệu, tài nguyên học tập bất cứ lúc nào họ muốn.
Ngoài ra, họ sẽ nhận được hỗ trợ liên tục từ những chuyên gia giỏi nhất để có thể trao đổi trực tiếp với nhau.
Thiết nghĩ, chúng ta có thể tham khảo cách làm của Singapore để tạo ra một môi trường học tập thường xuyên cho hiệu trưởng.
Qua đó, mới có thể đảm bảo hiệu trưởng của chúng ta đáp ứng được Chuẩn mới này.
Xin cảm ơn bà!
Theo Giaoduc.net
Hiệu trưởng phải làm gì để phát triển nhà trường
Theo TS. Ngô Thị Thùy Dương - Phó Viện trưởng Phụ trách Viện Nghiên cứu khoa học Quản lý Giáo dục (Học viện Quản lý Giáo dục), ở Mỹ một số yếu tố trong Chuẩn Hiệu trưởng trường phổ thông là: Sứ mệnh, tầm nhìn và giá trị cốt lõi; Đạo đức và chuẩn mực nghề nghiệp; Bảo đảm sự công bằng và tôn trọng văn hóa. Theo đó, tất cả những việc hiệu trưởng phải làm là để nhà trường phát triển bền vững.
ảnh minh họa
Sứ mệnh, tằm nhìn và giá trị cốt lỗi
Các nhà lãnh đạo trường học hiệu quả phải xây dựng và ban hành một sứ mệnh, tầm nhìn và giá trị cốt lõi gắn với giáo dục chất lượng cao và đạt được sự thành công trong quá trình học tập và sự phát triển của mỗi học sinh. Theo đó, người lãnh đạo hiệu quả phải:
Phát triển một sứ mệnh giáo dục cho trường học để thúc đẩy sự thành công trong quá trình học tập và phát triển của mỗi học sinh.
Phối hợp với các thành viên khác của nhà trường, cộng đồng và sử dụng các dữ liệu có liên quan, phát triển và thúc đẩy một tầm nhìn cho trường học dựa trên cơ sở sự thành công trong học tập và phát triển của mỗi học sinh và trên thực tiễn tổ chức và giảng dạy của trường.
Kết nối và phát triển các giá trị cốt lõi xác định văn hóa của trường và tập trung vào giáo dục lấy học sinh làm trung tâm; kỳ vọng cao và hỗ trợ học sinh; công bằng, toàn diện; có tính mở, sự chăm sóc chu đáo, sự tin tưởng; và liên tục cài tiến.
Xây dựng chiến lược phát triển, thực hiện và đánh giá các hoạt động để đạt được tầm nhìn trường học.
Xem xét và điều chỉnh sứ mệnh và tầm nhìn của nhà trường đề có sự thay đổi phù hợp với các kỳ vọng và cơ hội cho trường học, với nhu cầu và hoàn cành của học sinh.
Xây dựng sự hiểu biết chung về sứ mệnh, tầm nhìn và giá trị cốt lõi trong nhà trường và cộng đồng và cam kết thực hiện.
Xây dựng các mô hình và theo đuổi sứ mệnh, tầm nhìn và giá trị cốt lõi cùa nhà trường trong tất cả các khía cạnh.
Đạo đức và chuẩn mực nghề nghiệp
Các nhà lãnh đạo trường học hiệu quả phải hành động có đạo đức và tuân theo chuẩn mực nghề nghiệp để thúc đẩy sự thành công học tập và sự phát triển của mỗi học sinh.
Những việc hiệu trưởng phải làm là:
Hành động có đạo đức và chuyên nghiệp trong các ứng xử cá nhân, các mối quan hệ với những người khác, ra quyết định, quản lý các nguồn lực của trường, và tất cả các khía cạnh về lãnh đạo nhà trường.
Hành động tuân thủ và thúc đẩy các chuẩn mực chuyên nghiệp một cách toàn diện, công bằng, minh bạch, tin tưởng, hợp tác, kiên trì, học hỏi và liên tục cải tiến.
Lãnh đạo với sự xác định giáo dục lấy học sinh làm trung tâm và có trách nhiệm với sự thành công trong học tập và hạnh phúc của mỗi học sinh.
Bảo vệ và phát huy các giá trị về dân chủ, trách nhiệm và tự do cá nhân, bình đẳng, công bằng xã hội, cộng đồng và tính đa dạng.
Lãnh đạo nhà trường với kỹ năng giao tiếp tốt, hiểu biết các vấn đề xã hội, về nền văn hóa và lý lịch của tất cả các giáo viên, nhân viên và học sinh.
Đưa ra các nguyên tắc, các định hướng về đạo đức cho nhà trường và đẩy mạnh cách ứng xử tốt đẹp về mặt đạo đức và nghề nghiệp giữa các giảng viên và nhân viên.
Bảo đảm sự công bằng và tôn trọng văn hóa
Các nhà lãnh đạo trường học hiệu quả phải phấn đấu vì sự bình đẳng về cơ hội giáo dục và thực hiện tôn trọng văn hóa để thúc đẩy thành công học tập và sự phát triển của mỗi học sinh. Cụ thể, người lãnh đạo hiệu quả phải:
Đảm bảo rằng mỗi học sinh được đối xử công bằng, tôn trọng và với một sự hiểu biết về văn hóa và bối cảnh của mỗi học sinh.
Công nhận, tôn trọng và quan tâm đến sự đa dạng, văn hóa và điểm mạnh của mỗi học sinh được coi như là tài sản phục vụ giảng dạy và học tập.
Đảm bảo rằng mỗi học sinh đều được tiếp cận công bằng trong học tập với các giáo viên có trình độ, với các cơ hội học tập, các hỗ trợ học tập và vấn đề xã hội và các nguồn lực khác cần thiết cho sự thành công.
Xây dựng các chính sách với học sinh, quy định hành vi của học sinh một cách tích cực, công bằng, và không thiên vị.
Biết xử lý và làm thay đổi những thành kiến của học sinh, tình trạng thâm hụt ngân sách trong nhà trường, kết quả thấp gắn với các yếu tố về chủng tộc, giai cấp, văn hóa và ngôn ngữ, giới tính và khuynh hướng tình dục, tình trạng đặc biệt hay khuyết tật.
Thúc đẩy ý thức chuẩn bị sớm của học sinh để bước vào cuộc sống tự tin và có thể đóng góp vào các bối cảnh văn hóa đa dạng của một xã hội toàn cầu.
Hoạt động với sự tôn trọng văn hóa trong các mối quan hệ tương tác, trong quá trình ra quyết định và thực hiện.
Biết giải quyết các vấn đề về công bằng và đáp ứng văn hóa trong tất cả các khía cạnh của lãnh đạo.
TS. Ngô Thị Thùy Dương
Theo Giaoducthoidai.vn
Xây dựng văn hoá quản lý trong nhà trường Theo PGS.TS Trần Thị Minh Hằng - Học viện Quản lý giáo dục, xây dựng văn hoá quản lý trong nhà trường phải bắt đầu từ xây dựng văn hoá quản lý của hiệu trưởng. Văn hoá quản lý của hiệu trưởng biểu hiện văn hoá nhà trường, các thành viên trong nhà trường sẽ học tập và làm theo hiệu trưởng từ...