Phụ huynh tranh luận về trường Newton cho học sinh ăn ở hầm gửi xe
Trên mạng xã hội, nhiều phụ huynh bày tỏ sự bất ngờ khi trường Tiểu học – THCS – THPT Newton cơ sở 2 (Hà Nội) cho học sinh ăn cơm ở hầm gửi xe.
Ngày 9/7, thành viên H.N đăng tải hình ảnh học sinh trường Newton ăn cơm ở hầm gửi xe lên mạng xã hội. Người này cho biết phụ huynh phải đóng số tiền không nhỏ nhưng con lại ăn ở nơi gần bếp ga công nghiệp.
Nhiều phụ huynh bình luận không khí dưới hầm gửi xe rất bí, gây cảm giác khó thở, ảnh hưởng sức khỏe, không phù hợp khi làm nơi ăn trưa của học sinh.
Hình ảnh học sinh ăn cơm dưới hầm gửi xe nhận được nhiều ý kiến bình luận trái chiều trên mạng.
Phụ huynh Việt Anh bức xúc kể ra hàng loạt bất cập khi học sinh ăn cơm dưới hầm gửi xe như xì ga, khói thải, mùi xăng xe.
Một phụ huynh khác bình luận: “Cho học sinh ăn ở tầng hầm là bất chấp nhiều nguy cơ tiềm ẩn như cháy nổ, an toàn vệ sinh, an toàn thực phẩm”.
Video đang HOT
Trong khi đó, thành viên Hà Na cho hay khi đi học về con nói ăn ở tầng hầm do nhà ăn đang cải tạo, trường đông học sinh, phòng ăn trên tầng không đủ chỗ. Theo người này, chuyển tầng hầm thành nhà ăn cũng hợp lý vì học sinh đi thang máy, con kể tầng hầm mát, có nhiều gió.
Ý kiến phụ huynh khác cho rằng trung tâm thương mại lớn ở tòa nhà của các nước văn minh cũng sử dụng tầng hầm để làm nhà ăn. Vì thế, nhà trường cho trẻ ăn dưới hầm gửi xe là bình thường.
Nhiều phụ huynh cho rằng ăn trưa dưới hầm gửi xe không đảm bảo an toàn, vệ sinh.
Trao đổi với Zing.vn tối 9/7, bà Lê Thị Chính – Hiệu trưởng trường Tiểu học – THCS – THPT Newton – cho hay hình ảnh được phụ huynh chụp, chia sẻ trên mạng xã hội, là ở cơ sở 2 (đường Hồ Tùng Mậu, Hà Nội). Trong quá trình chuẩn bị cho năm học mới, trường thử nghiệm và bố trí một số hoạt động giáo dục, trong đó có việc thử chuyển nhà ăn từ trên tầng xuống dưới hầm.
Tuy nhiên, ngay sau khi nhận thấy việc bố trí này không hợp lý, nhà trường đã báo cáo hội đồng quản trị và có phương án điều chỉnh. Các con chỉ ăn ở dưới hầm một ngày, sau đó đã lên tầng trên như bình thường.
Theo bà Lê Thị Chính, trường đang nghỉ hè nên hiện chỉ có các CLB tham gia, ảnh chụp có nhiều học sinh ở các cấp học khác nhau.
Hiệu trưởng nhà trường cho biết thêm khu vực hầm gửi xe rộng, được cải tạo sạch sẽ, có điều hòa. Phụ huynh thắc mắc thể hiện sự lo lắng dành cho trẻ. Nhà trường chia sẻ với sự lo lắng đó.
Theo Zing
Cùng giám sát an toàn thực phẩm bếp ăn trường học
Trước những bất an về chất lượng bữa ăn học đường, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã khuyến khích phụ huynh tham gia vào việc giám sát công tác bảo đảm an toàn thực phẩm tại các nhà trường.
Nhiều trường học trên địa bàn Hà Nội cũng đã tạo điều kiện để phụ huynh học sinh tham gia giám sát, quản lý bếp ăn. Đây là việc làm cần thiết, tăng thêm lực lượng ngăn chặn thực phẩm không bảo đảm an toàn tuồn vào trường học.
Ban Chỉ đạo An toàn, vệ sinh thực phẩm huyện Đông Anh kiểm tra an toàn thực phẩm tại một trường học trên địa bàn.
Thêm lực lượng kiểm soát
Theo Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), số vụ ngộ độc thực phẩm tập thể tại trường học chỉ chiếm khoảng 3,7% tổng số các vụ ngộ độc thực phẩm trung bình hằng năm. Tuy nhiên, khi ngộ độc thực phẩm xảy ra ở trường học, số người bị mắc khá lớn. Hơn nữa, những người bị ngộ độc chủ yếu là trẻ nhỏ, có sức đề kháng yếu, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe. Chính vì vậy, những vụ việc xảy ra liên quan tới vấn đề mất an toàn, vệ sinh thực phẩm học đường luôn gây lo lắng cho các bậc phụ huynh và khiến dư luận bức xúc.
Để phụ huynh an tâm về bữa ăn của con em mình, Trường Tiểu học Ái Mộ A (quận Long Biên, Hà Nội) đã quyết định để phụ huynh cùng được tham gia vào khâu kiểm soát thực phẩm của nhà trường. Chị Nguyễn Thanh Hà, thành viên Ban phụ huynh của nhà trường cho biết, giờ đây Ban phụ huynh có thêm một việc mới là cùng với Ban Giám hiệu nhà trường kiểm tra và nhận thực phẩm được đưa vào bếp ăn. Việc công khai, minh bạch nguồn thực phẩm cung cấp cho bếp ăn của trường, giúp phụ huynh yên tâm hơn. Điều quan trọng, Ban phụ huynh sẽ trở thành một kênh giám sát, hỗ trợ nhà trường trong công tác bảo đảm chất lượng, an toàn, vệ sinh thực phẩm trường học.
Tại Trường Tiểu học Đền Lừ (quận Hoàng Mai, Hà Nội), Ban Giám hiệu nhà trường kết hợp với Ban phụ huynh kiểm tra chất lượng thực phẩm đầu vào hằng ngày. Đoàn giám sát thực hiện nhiệm vụ luôn đầy đủ 5 thành phần: Ban Giám hiệu, nhân viên kế toán, nhân viên y tế, giáo viên trực và Ban phụ huynh. Việc giám sát được tiến hành song hành theo kế hoạch và đột xuất khi vào bữa ăn, lúc chế biến hay khi giao - nhận thực phẩm. Ngoài ra, nhà trường thường xuyên lấy ý kiến phụ huynh về thành phần các bữa ăn, đơn vị cung cấp để bảo đảm chất lượng bữa ăn cho trẻ.
Theo bà Phạm Thị Hòa, Phó Chủ tịch UBND quận Hà Đông, vai trò của phụ huynh rất quan trọng trong việc giám sát để bảo đảm chất lượng thực phẩm. Phụ huynh sẽ là người sát sao nhất với chất lượng thực phẩm vì sức khỏe của chính con em họ. Vì vậy, quận khuyến khích phụ huynh tăng cường giám sát, kiểm tra chéo đối với các trường học trên cùng địa bàn. Mặt khác, yêu cầu Phòng Giáo dục và Đào tạo phối hợp Phòng Y tế và lực lượng chức năng của quận thường xuyên kiểm tra việc chấp hành các quy định về an toàn thực phẩm trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn. Cụ thể, kiểm tra năng lực, trách nhiệm của các đơn vị cung cấp thực phẩm, cung cấp suất ăn, nước uống... Bên cạnh đó, Phòng Giáo dục và Đào tạo quận đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục trên địa bàn duy trì việc gắn camera giám sát tại khu vực chế biến thức ăn, kiên quyết chấm dứt hợp đồng với các đơn vị không bảo đảm chất lượng an toàn thực phẩm.
Phát huy vai trò giám sát đột xuất
Ông Trần Ngọc Tụ, Chi cục trưởng Chi cục An toàn, vệ sinh thực phẩm Hà Nội cho rằng, để phụ huynh tham gia giám sát an toàn thực phẩm tại các nhà trường là điều rất cần thiết. Dù không có chuyên môn, không có công cụ, nhưng bằng mắt thường, phụ huynh có thể quan sát thực phẩm có tươi hay không, có bị dập nát, biến chất, đổi màu, có mùi vị lạ hay đã hết hạn sử dụng. Ngoài việc kiểm tra dụng cụ, bát đĩa sử dụng trong chế biến, đựng thức ăn có bảo đảm vệ sinh, phụ huynh có thể đối chiếu với giấy tờ để biết được đơn vị cung cấp có nhập nguyên liệu, thực phẩm đúng với hợp đồng hay không.
Ông Trần Ngọc Tụ cũng lưu ý, các trường học có bếp ăn tập thể phải thực hiện nghiêm túc hợp đồng có thỏa thuận chặt chẽ với các đơn vị cung cấp suất ăn bán trú và đơn vị cung ứng thực phẩm, rau an toàn. Ngoài ra, các trường nên phát huy vai trò giám sát thường xuyên và đột xuất của ban đại diện cha mẹ học sinh trong việc phối hợp tổ chức bữa ăn bán trú, giám sát nguồn gốc nguyên liệu thực phẩm của nhà cung cấp, quy trình phân chia và định lượng suất ăn. Mặt khác, các trường học nên nghiêm túc thực hiện việc lưu mẫu thức ăn, sổ kiểm thực 3 bước theo đúng quy định. Việc làm này sẽ giúp truy xuất được nguồn gốc thực phẩm khi cần. Ngoài ra, bất cứ sản phẩm nào mà ban phụ huynh hay nhà trường nghi ngờ về chất lượng đều có thể lưu lại, Chi cục An toàn, vệ sinh thực phẩm Hà Nội sẽ hỗ trợ xét nghiệm kiểm tra.
Còn theo ông Trần Văn Châu, Trưởng phòng Công tác thanh tra, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), đường dây nóng: 0243.2321556 hoặc 0911.811.556 tiếp nhận thông tin liên quan đến vấn đề bảo đảm an toàn thực phẩm hoạt động 24/24 giờ hằng ngày. Chính vì vậy, phụ huynh khi nghi ngờ chất lượng thực phẩm cung cấp cho trường học không bảo đảm an toàn hay có thông tin về đơn vị cung cấp thực phẩm không tuân thủ các điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm hãy gọi tới đường dây nóng. Cục An toàn thực phẩm sẽ tiến hành thanh tra đột xuất và có thể trực tiếp đến trường để kiểm tra, mà không thông qua địa phương.
Theo hanoimoi
Cho em một mùa hè đúng nghĩa của tuổi thơ Mùa hè là thời gian trẻ em được tận hưởng vui chơi thú vị, sinh hoạt các hoạt động ở xã, phường, câu lạc bộ, nghỉ ngơi nạp lại năng lượng để bước vào năm học mới với tâm thế hào hứng, dễ dàng tiếp thu kiến thức mới. Bóng đá là môn thể thao được nhiều bạn nam chơi vào mùa hè...