Phụ huynh Quảng Trị chạy đôn đáo không mua được sách bổ trợ VNEN lớp 4
Liệu có xảy ra tình trạng sách bổ trợ, vở bài tập mua tốn tiền nhưng có rồi cũng chẳng còn thời gian làm, hết năm học đôi khi chỉ mới lật ra được khoảng vài tờ
Dù năm học mới đã bước sang tuần thứ 2 nhưng một số học sinh tại tỉnh Quảng Trị vẫn chưa mua đủ sách giáo khoa và vở bài tập để học.
Một số học sinh Quảng Trị thiếu sách giáo khoa VNEN (Ảnh Phan Tuyết)
Nếu như nhiều tỉnh thành hiện đang thiếu sách giáo khoa lớp 6 của chương trình hiện hành thì tại tỉnh Quảng Trị nhiều phụ huynh có con học tiểu học chương trình VNEN cũng không tìm đâu ra những cuốn sách giáo khoa VNEN và sách bổ trợ do nhà trường yêu cầu.
Có trường cho học sinh mượn sách VNEN nhưng lại yêu cầu phải mua sách bổ trợ, hiện phụ huynh không biết phải mua ở đâu vì nơi nào cũng hết (Ảnh CTV)
Phụ huynh chạy đôn chạy đáo mua không ra sách giáo khoa và sách bổ trợ VNEN
Anh M.N. phụ huynh có con học lớp 4 tại Trường Tiểu học Hòa Bình, thị xã Đông Hà cho biết, nhà trường cho học sinh mượn sách giáo khoa VNEN nhưng cũ quá cũng khó học. Chúng tôi muốn mua cho con bộ sách giáo khoa mới nhưng tìm không ra.
Nhà trường còn hướng dẫn phụ huynh mua thêm 4 loại sách bổ trợ: Vở thực hành tiếng Việt, vở thực hành Toán, vở thực hành Khoa học, vở thực hành Lịch sử & Địa lý.
Địa chỉ được giới thiệu là đến mua là Công ty phát hành sách và Thiết bị trường học. Thế nhưng anh M.N. cho biết: “Chúng tôi tới hỏi thì họ bảo hết, đi vài cửa hàng văn phòng phẩm trong thành phố Đông Hà cũng không còn, giờ gia đình không biết mua ở đâu cho con học. Nước cùng chắc phải mượn sách để đi phô tô thôi”.
Anh M.N. nói cũng đã nhờ cậy người quen ở nhiều nơi mua dùm gửi về nhưng có địa phương học chương trình VNEN cũng không học những cuốn vở bài tập thế này.
Có nhất thiết phải học những cuốn vở thực hành như thế không?
Chúng tôi, những giáo viên hiện đã và đang giảng dạy chương trình VNEN ngay từ những thời gian đầu tiên mô hình này du nhập về Việt Nam. Thế nhưng, tại tỉnh Bình Thuận nói chung và trường học của chúng tôi nói riêng không yêu cầu học sinh phải có những cuốn vở bài tập thực hành như thế.
Bởi một tiết học có 35 đến 40 phút rất ít khi chúng tôi dạy hết nội dung kiến thức của bài học do quy trình dạy một tiết VNEN có quá nhiều công việc hình thức như giới thiệu hội đồng tự quản, nhóm, nhận xét, báo cáo…Nếu môn nào cũng làm vở bài tập thực hành thì chẳng còn thời gian nào để thực hiện.
Những tiết bổ sung, giáo viên đã có giáo án riêng, bài tập sẽ được phô tô ra giấy hoặc chép lên bảng cho học sinh thực hiện.
Nếu phụ huynh nào có nhu cầu muốn cho con rèn luyện thêm vẫn có thể mua nhưng vở thực hành phải để ở nhà cho các em tự luyện.
Nay, nhìn thông báo của một trường tiểu học ở Đông Hà yêu cầu phụ huynh mua tới 4 cuốn vở bài tập thực hành trong khi Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành quy định cấm các trường học yêu cầu phụ huynh mua sách bổ trợ, vở bài tập cho học sinh.
Chúng tôi cứ luôn tự hỏi, yêu cầu học sinh môn nào cũng phải có vở bài tập thực hành, chẳng biết thầy cô nơi ấy sẽ hướng dẫn học sinh làm vào lúc nào?
Video đang HOT
Liệu có xảy ra tình trạng sách bổ trợ, vở bài tập mua đã tốn tiền nhưng có rồi cũng chẳng còn thời gian làm, hết năm học đôi khi chỉ mới lật dở ra được khoảng vài tờ?
Những ngôi trường từ chối hoa hồng, tặng sách giáo khoa mới cho học sinh lớp 1
Sách bổ trợ, tham khảo nếu mua nhiều quá sẽ làm phân tâm các em học sinh, sách giáo khoa có 1 quyển trong khi sách bổ trợ nhiều gấp mấy lần thì khổ các cháu quá.
Hơn 23 triệu học sinh trên cả nước đã chính thức bước vào năm học mới 2020-2021. Đây là năm học được đặt nhiều kỳ vọng, mở đầu chặng đường đổi mới giáo dục, chuyển từ truyền thụ kiến thức sang phát triển toàn diện phẩm chất, năng lực học sinh.
Nhưng hình ảnh những đứa trẻ lớp 1 phải "cõng" tới 23 đầu sách mà 2/3 trong số đó là sách tham khảo, theo ý kiến phụ huynh và chuyên gia giáo dục thì đây là đang đi ngược với mục tiêu.
Quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, bộ sách giáo khoa lớp 1 năm học 2020 - 2021 thực hiện theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã được phê duyệt, gồm 8 môn học bắt buộc: Toán, Tiếng Việt, Đạo đức, Tự nhiên - Xã hội, Giáo dục Thể chất, Hoạt động trải nghiệm, Âm nhạc, Mỹ thuật và 1 môn học tự chọn là tiếng Anh.
Hiện nay sách giáo khoa theo chương trình mới được Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt thì bộ sách ít nhất là 9 cuốn và bộ nhiều nhất là 11 cuốn.
Quá nhiều sách tham khảo bán kèm bộ sách giáo khoa chuẩn của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Ảnh: PV.
Tuy nhiên theo phản ánh của một số phụ huynh, có tình trạng một số trường tiểu học yêu cầu phụ huynh học sinh mua sách giáo khoa, tài liệu tham khảo thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 1 năm học 2020-2021 không đúng quy định.
Cụ thể có những trường yêu cầu phụ huynh mua sách và tài liệu, tổng cộng tới trên 800.000 đồng 1 bộ.
Phụ huynh phản ánh là không được nhà trường, hay đơn vị phát hành thông báo, giải thích rõ ràng đâu là sách giáo khoa (bắt buộc phải mua) và đâu là sách bổ trợ, tham khảo (không bắt buộc phải mua).
Kết quả thông qua nhà trường, phụ huynh phải mua cả "combo" sách và đồ dùng lớp 1 cho con do Công ty cổ phần sách và thiết bị trường học Hà Nội phát hành, với 19 cuốn, có giá là 305.000 đồng.
Cộng thêm bộ hình khối môn Toán, bộ đồ dùng Toán - tiếng Việt cũng với giá vài trăm nghìn đồng.
Đồ dùng cá nhân của học sinh thì nhà trường không nên can thiệp vào mà hãy để gia đình các em tự mua. Ảnh: PV.
Số lượng sách giáo khoa mới phải mua vượt cả về số lượng và giá tiền. Ảnh: PV.
Lớp 1 chưa cần phải có quá nhiều sách tham khảo
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, nhà giáo Đào Thị Thủy - Phó hiệu trưởng phụ trách chuyên môn của Trường tiểu học Đoàn Thị Điểm, Hà Nội, cho biết: "Bao nhiêu năm nay cứ đầu năm vào lớp 1 thì nhà trường chúng tôi tặng cho mỗi con 1 bộ sách giáo khoa mới đầy đủ các đầu sách tối thiểu và một vài tài liệu in lưu hành nội bộ.
Trong quá trình học nếu học sinh cần thêm các bài tập bổ sung, bổ trợ để rèn luyện kỹ năng, mở rộng thêm thì giáo viên chủ nhiệm sẽ in phiếu, phô tô phát cho học sinh chứ các con không phải mua bất kỳ một sách tham khảo nào ngoài thị trường.
Toàn bộ giáo viên nhà trường đã được quán triệt tuyệt đối không khuyến khích, yêu cầu hay vận động tư vấn cho phụ huynh mua bất cứ loại sách tham khảo nào.
Trước đây các nhà xuất bản cũng thường vận động chúng tôi hướng dẫn các con mua nhiều loại sách tham khảo và có trích lại phần trăm cao cho nhà trường, nhưng vì chúng tôi không có chủ trương đó nên những năm sau họ không đến mời nữa.
Đối với cá nhân tôi thì những loại sách tham khảo cho học sinh bán ngoài thị trường bao giờ cũng có 2 mặt, có ích nhiều hay ít mà thôi.
Nhiều phụ huynh được sự "vận động" của nhà trường, hoặc không nắm rõ nên đã vội mua dẫn đến không dùng tới, lãng phí vì những sách đó không hề rẻ.
Ngoài việc các con học ở trường và giáo viên đã nắm được khả năng tiếp thu kiến thức của con đến đâu, mạnh hay yếu môn nào, cần nâng cao hay bổ sung... thì các cô đều có giáo trình điều chỉnh phù hợp.
Nếu ngay từ đầu năm nhiều phụ huynh đã mua ồ ạt các loại sách đó thì theo tôi là chưa sát thực. Còn nếu phụ huynh dành nhiều thời gian đồng hành với con thì phần nào sách tham khảo đó cũng có tác dụng, còn với đại trà thì không.
Tất nhiên là sách thì có tác dụng, tuy nhiên là học sinh hay phụ huynh có sử dụng sách tham khảo đó hiệu quả đến đâu nếu không sẽ dẫn đến lãng phí, có tình trạng là nhiều em học sinh mua rất nhiều sách tham khảo theo đề nghị của nhà trường về rồi cả năm không dùng đến.
Kiến thức trong sách giáo khoa của Bộ là phủ rộng khắp các chương trình cơ bản, nhưng đưa những kiến thức đó đến được các con lại tùy thuộc vào cách giảng dạy của giáo viên, cũng như khả năng tiếp thu của từng học sinh.
Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm của chúng tôi yêu cầu giáo viên chủ nhiệm chia các em học sinh trong lớp thành nhiều nhóm, căn cứ vào trình độ của từng nhóm thì giáo viên sẽ có cách đưa kiến thức hoặc giao bài phù hợp.
Còn về đồ dùng học sinh như bút, thước kẻ...thì đó là đồ dùng cá nhân của các con và các gia đình tự mua chứ nhà trường không bán hoặc mua hộ, tuy nhiên nhà trường vẫn bố trí mỗi lớp có một số đồ dùng sơ cua phát miễn phí phòng khi các con bị hỏng hoặc quên khi đến lớp.
Những đồ dùng cho các con học theo dự án hoặc dạy STEM thì yêu cầu phải đảm bảo an toàn nên với những dụng cụ này nhà trường sẽ tự mua và các con cũng không phải đóng góp gì".
Nhà giáo Đào Thị Thủy - Phó hiệu trưởng phụ trách chuyên môn của Trường tiểu học Đoàn Thị Điểm, Hà Nội. Ảnh: Tùng Dương.
Theo cô Thủy: "Đối với sách giáo khoa cho học sinh từ lớp 2 trở lên thì vào cuối năm theo hướng dẫn của phòng giáo dục cũng có tên các loại sách giáo khoa tối thiểu, trường chúng tôi dựa vào đó để thông báo cho các phụ huynh.
Phụ huynh sẽ tự đi mua cho các con ngoài thị trường, và nhà trường rất khuyên khích các bậc phụ huynh dành thời gian đưa các con đến hiệu sách để mua sắm các vật dụng chuẩn bị cho năm học mới.
Việc được bố mẹ đưa đi hiệu sách khiến các con có cảm xúc rất vui sướng, đó cũng là một tâm lý có lợi để các con có tâm thế bước vào năm học.
Hiện nay có nhiều trường hướng dẫn phụ huynh học sinh mua rất nhiều loại sách tham khảo thì tôi cũng không rõ mục đích của các trường đó thế nào?
Nhưng theo tôi thì học sinh lớp 1 cũng chưa cần phải có quá nhiều sách tham khảo như vậy và quan trọng nữa là mua nhưng không dùng đến cũng như có hiệu quả hay không?
Chúng ta hướng đến mục tiêu giảm tải, giảm áp lực học hành cho học sinh, việc phải mua nhiều sách như vậy là đi ngược chủ trương này.
Quá nhiều sách tham khảo sẽ làm phân tâm học sinh
Đồng quan điểm trên về vấn đề này, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Võ Thế Quân - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Đông Đô (Hà Nội), chia sẻ: "Tôi biết việc nhiều trường mua sách giáo khoa cho học sinh mà không phải chỉ riêng lớp 1 đâu mà còn tất cả các cấp học phổ thông nữa.
Tiến sĩ Võ Thế Quân - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Đông Đô (Hà Nội). Ảnh: Tùng Dương.
Thứ nhất về phía nhà trường có trách nhiệm thông báo, và có thể giúp phụ huynh làm việc với công ty phát hành sách để chọn được bộ sách phù hợp với học sinh.
Nên hướng dẫn mua đúng bộ sách chuẩn theo quy định của Bộ và trách nhiệm của nhà trường nên dừng ở đó. Còn những em học sinh hoặc gia đình có nhu cầu tự mua thì hãy để gia đình các em quyết định, nhà trường không nên can thiệp vào.
Nhiều gia đình có nhu cầu khác nhau và cũng có nhiều em không cần sách bổ trợ, phụ huynh hiện nay đều có trình độ và họ muốn dạy con định hướng, phát triển theo cách riêng của họ.
Mà theo tôi các sách bổ trợ, tham khảo nếu mua nhiều quá còn làm phân tâm các em học sinh, sách giáo khoa có 1 quyển trong khi nhìn cả chồng sách bổ trợ nhiều gấp mấy lần thì quả là vất vả cho các cháu.
Tôi thấy việc mua sách bổ trợ tham khảo là thực sự không cần thiết vì hiện nay rất nhiều phương pháp học mới, dạy mới cũng như lượng kiến thức có rất nhiều trên Interrnet và cần thì có thể tham khảo ở đó.
Việc nhà trường mua hộ sách giáo khoa cho học sinh cũng có mặt tích cực bởi khi nhà trường đặt mua số lượng lớn thì thường được giảm giá, thứ hai nữa là tránh tình trạng học sinh tự đi mua nhưng lại mua phải sách in lậu.
Nhưng nhà trường cũng nên hướng dẫn và chỉ mua hộ sách giáo khoa theo đúng quy định của Bộ thôi, còn các sách tham khảo thì không nên mua bởi có thể việc đó lại khuyến khích các nhà xuất bản ra thêm nhiều sách chạy theo lợi nhuận nhưng tác dụng lại không nhiều, vô tình tạo thêm gánh nặng về kinh tế cho các gia đình.
Theo tôi được biết sách bổ trợ và sách tham khảo có phần trăm hoa hồng sau bán hàng rất lớn, hơn rất nhiều so với phần trăm bán sách giáo khoa".
Giá sách giáo khoa mới cao hơn giá sách cũ, hiện giá của các bộ sách mới không chênh nhau nhiều.
Giá cụ thể của 5 bộ sách giáo khoa lớp 1 năm nay như sau:
Bộ Cánh Diều của Nhà xuất bản Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh phát hành với 8 cuốn có giá 199.000 đồng.
4 bộ còn lại của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam gồm Kết nối tri thức với cuộc sống 10 cuốn giá 179.000 đồng, Chân trời sáng tạo gồm 9 cuốn giá 186.000, Cùng học để phát triển năng lực 10 cuốn giá 194.000, Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục 9 cuốn giá 189.000 đồng.
Giá của bộ sách giáo khoa lớp 1 năm học 2019 - 2020 theo chương trình hiện nay là 54.000 đồng, thấp hơn nhiều so với sách mới nhưng chỉ có 6 cuốn: tiếng Việt (hai tập), toán, tự nhiên và xã hội, tập viết (hai tập).
Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các trường tiểu học phải cung cấp kịp thời, đầy đủ thông tin về sách giáo khoa sử dụng tại trường để học sinh và gia đình học sinh biết, mua sắm.
"Nhà trường trang bị tài liệu tham khảo phục vụ hoạt động giảng dạy và nghiên cứu của giáo viên, khuyến khích giáo viên sử dụng tài liệu tham khảo để nâng cao chất lượng giáo dục.
Mọi tổ chức, cá nhân không được ép buộc học sinh phải mua tài liệu tham khảo, phụ huynh, học sinh tự mua sắm theo nhu cầu thực tế và quyền tự chọn, không bắt buộc". Bộ Giáo dục và Đào tạo nhắc nhở trong văn bản gửi các sở Giáo dục và Đào tạo.
Nơi gieo mầm con chữ cho những đứa con của Trường Sơn Từ bản làng trong dãy Trường Sơn, các em học sinh về học dưới mái trường nội trú của tỉnh Quảng Trị, để mai này các em đem mầm xanh con chữ về gieo cho đại ngàn. Quảng Trị nằm giữa khúc ruột miền Trung, như chiếc đòn gánh oằn vai gánh hai đầu đất nước. Đây là mảnh đất có khí hậu...