Phụ huynh phát hoảng vì con phải học thuộc lòng nhiều kiến thức khó
Rất nhiều kiến thức, khái niệm trong sách giáo khoa như ‘thành tựu quốc phòng’, ‘bố trí lực lượng’, ‘ cải cách ruộng đất’, ‘triều đại phong kiến phương Bắc’… khiến học sinh lớp 4 khó khăn khi phải học thuộc lòng.
Yêu cầu học sinh học thuộc lòng rất nguy hiểm vì khiến trẻ hình thành thói quen học vẹt, học mà không hiểu
“Con 9 tuổi mà có cảm giác con đang phải học lớp 12″
Chị Nguyễn Hương T., có con học lớp 4 Trường tiểu học Huỳnh Văn Chính, Q. Tân Phú, TP.HCM kể lại: “Vợ chồng mình đang đau đầu với kiến thức lịch sử lớp 4. Có những khái niệm khiến trẻ ngơ ngác. Chẳng hạn khi học bài về nước Âu Lạc, con phải học thuộc một đoạn miêu tả Triệu Đà cho Trọng Thủy sang làm con rể An Dương Vương để điều tra cách bố trí lực lượng và chia rẽ nội bộ những người đứng đầu nước Âu Lạc. Con tôi hỏi bố trí lực lượng và chia rẽ nội bộ là gì hả mẹ. Sau đó cháu phải học thuộc lòng. Nhưng khi tôi kiểm tra lại thì con cứ bị quên mấy từ đó. Rồi thì ‘ách đô hộ của các triều đại phong kiến phương Bắc’ con tôi cũng không thể nào học thuộc”.
Chị T. cho biết thêm câu hỏi trong sách giáo khoa yêu cầu bé cho biết thành tựu quốc phòng của người dân Âu Lạc là gì, bé không hiểu chữ “thành tựu quốc phòng”. “Các con không hiểu, thì học thuộc để làm gì? Mà không hiểu thì học thuộc chỉ là học gạo, rất mau quên. Có hôm con tôi ngồi thừ trước trang sách toàn chữ, mếu máo tìm cách học thuộc. Rồi cô còn bắt học cả bài thơ mấy chục câu, có những từ con không biết nghĩa khiến tôi phải ngồi giải thích”, chị T. chia sẻ.
Chị Bùi Thị Lan, có con học lớp 4 Trường tiểu học Bế Văn Đàn, Q.Bình Thạnh, TP.HCM cũng cho biết mình đang đau đầu về kiến thức lịch sử mà con phải học. “Các con mới lớp 4 mà phải học nhiều kiến thức tôi cho là quá sức, giống như kiểu “nhồi nhét” vậy. Thầy còn bắt con tôi về tìm hiểu thêm nội dung cải cách ruộng đất để thảo luận nhóm nữa. Thấy con hí húi lên Google tìm kiếm cải cách ruộng đất là gì, tôi có cảm giác con đang học lớp 12 chứ không phải lớp 4″, chị Lan bức xúc.
Kiến thức quá hàn lâm
Anh Nguyễn Kim Tân, có con học lớp 6 tại một trường tiểu học ở Q.5, TP.HCM lại gay gắt phản ứng về sách giáo khoa công nghệ. Anh Tân bức xúc: “Cuốn sách đưa những kiến thức theo kiểu hàn lâm, bác học trong khi không được thực hành để hiểu, khiến học sinh tẩu hỏa nhập ma. Chẳng hạn con tôi phải học vải bông, vải sợi pha, vải tổng hợp, tất cả đều trên lý thuyết mà không hề biết thực tế ra sao để phân biệt. Đã vậy còn có quy trình ủi đồ theo cái kiểu: vải bông lớn hơn 160 độ C, vải sợi pha nhỏ hơn 160 độ C… Lúc ủi các con lấy cái gì đo? Hay phải sờ tay vào bàn ủi? Chưa kể, nhiều từ ngữ đến người lớn đọc còn khó hiểu huống gì là học sinh lớp 6. Đã vậy còn phải học thuộc lòng, trả bài… Học sinh không hiểu thì không thể nào nhớ, kiến thức sẽ trôi tuột đi”.
Anh Tân cho rằng kiến thức nào cũng tốt, nhưng phải phù hợp với lứa tuổi và phương pháp dạy phải đúng. “Môn nào cô giáo cũng bắt học thuộc kiểu đó thì quá áp lực cho học sinh. Tôi toàn phải giảng cho con hiểu rồi nói con ghi nhớ chứ không cần học thuộc từng câu chữ. Nhiều sách giáo khoa viết như thể áp đặt, người viết đưa những thứ mình biết vào sách chứ không phải những thức mà học sinh cần. Giống như kiểu đầu bếp nấu một nồi xương và nói các con ăn đi, ăn được hay không thì không cần biết”, anh Tân so sánh.
Chị Lan cũng chỉ ra sách Khoa học lớp 4, tiếng Việt lớp 4… mà con mình phải học, có quá nhiều kiến thức, bài thơ thậm chí bài văn mẫu mà người lớn muốn ghi nhớ hay học thuộc cũng không dễ dàng, huống chi các bé mới 8, 9 tuổi.
Video đang HOT
Nói về ảnh hưởng của việc “học vẹt”, phụ huynh Bùi Đặng Quốc Thiều (đang làm việc tại Công ty tư vấn tài chính – bảo hiểm TCA, TP.HCM) nhìn nhận: “Không hiểu mà phải thuộc bài có thể gọi là học vẹt. Thứ nhất, nó không tốt cho sự phát triển tư duy. Thứ 2, học thuộc lòng tạo cho trẻ thói quen thụ động, có nghĩa là không cần suy nghĩ hay thắc mắc, mà chỉ cần học theo. Trẻ sẽ không có tư duy sáng tạo. Thứ 3, tạo cho trẻ áp lực không đáng, vì nếu trẻ không học thuộc lòng được, sẽ thấy sợ môn học đó, sợ đi học. Trong khi với lứa tuổi đó, điều tốt nhất là giúp trẻ hưng phấn, tạo cảm giác thích đến trường và kích thích nhu cầu ham muốn tìm hiểu của trẻ”.
Bắt học thuộc là do giáo viên, không phải do chương trình
Chia sẻ về vấn đề này, cô Nguyễn Thúy M., giáo viên Trường tiểu học Võ Thị Sáu, Q.Gò Vấp, TP.HCM, cho biết: “Đúng là các con phải học khá nhiều kiến thức khó so với lứa tuổi của mình. Tuy nhiên, việc bắt học thuộc là do phương pháp của mỗi cô giáo, chứ không phải chương trình bắt buộc như vậy. Có cô giáo không yêu cầu học sinh học từng câu chữ, mà chỉ yêu cầu ghi nhớ. Có cô giảng bài cặn kẽ, giúp các con hiểu những câu từ, khái niệm khó trước rồi chỉ cách sao cho ghi nhớ dễ dàng. Cũng có những cô lại yêu cầu về nhà phải học thuộc hết, nhờ phụ huynh khảo bài. Như vậy sẽ khiến học sinh lẫn phụ huynh đều áp lực”.
Theo cô M., việc yêu cầu học sinh học thuộc rất nguy hiểm vì khiến trẻ hình thành thói quen học vẹt, học mà không hiểu, không cảm nhận được nội dung của bài dẫn đến nhanh quên và không kích thích được trí tưởng tượng, sự sáng tạo của trẻ.
Cô Nguyễn Thị Thu H., giáo viên Trường THCS Phước Thiền, Nhơn Trạch, Đồng Nai cũng cho rằng khung chương trình chỉ yêu cầu học sinh ghi nhớ chứ không bắt học thuộc lòng từng câu từng chữ. “Mỗi lứa tuổi có một yêu cầu riêng, nhưng đúng ra giáo viên chỉ yêu cầu các con ghi nhớ và giúp các con phương pháp ghi nhớ bài, chứ không bắt trả bài hay kiểm tra theo kiểu phải đúng từng câu chữ. Cách đánh giá học sinh cũng vậy, cần khuyến khích những em học có sáng tạo, chứ không nên cho điểm cao những em học thuộc. Có như vậy học trò mới phát triển được tư duy, không sợ hãi, không chán học”, cô Thu H. nêu quan điểm.
Theo thanh niên
Buổi họp phụ huynh cuối năm lạ lùng
Đó là buổi họp phụ huynh của Trường THPT Việt Nhật (TP.HCM).
Cuối tuần qua, tôi có dịp được dự buổi họp phụ huynh của Trường THPT Việt Nhật tại TP.HCM.
Là một phụ huynh nhưng con còn nhỏ, vì vậy với cuộc họp này, tôi là người ngoại đạo. Tôi tới bởi muốn biết cuộc họp phụ huynh cuối năm ở các trường như thế nào, khi lâu nay câu chuyện "đầu năm đóng góp, cuối năm chốt tiền" đã trở nên quen thuộc.
Mặt khác, tôi cũng tò mò khi cuộc họp phụ huynh được diễn ra dưới sự chủ trì của vị hiệu trưởng từng là Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM - ông Phạm Ngọc Thanh.
Cuộc họp phụ huynh dưới sự chủ trì của hiệu trưởng Phạm Ngọc Thanh, từng là Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM
Mở đầu cuộc họp, khác với những gì tôi hình dung, hiệu trưởng nhà trường dành lời tri ân cho phụ huynh.
"Trước hết, tôi xin thay mặt nhà trường hoan nghênh các phụ huynh đã tới đúng giờ. Điều này chứng tỏ quý vị phụ huynh rất quan tâm đến việc chăm sóc, dạy dỗ con em mình nên người, điều này giúp nhà trường chúng tôi cảm thấy rất được an ủi. Phụ huynh ai cũng thương con, nhưng không phải ai cũng chăm lo cho con đúng đắn vì những tất bật cuộc sống, đến khi con xảy ra chuyện thì những hành động của phụ huynh không ápđặt được để giúp con phát triển đúng. Vậy nên sự có mặt của quý vị ngày hôm nay chúng tôi rất hoan nghênh".
Ông nói cuộc họp hôm nay sẽ là những chia sẻ mà ông tâm đắc nhất.
Rồi thầy hiệu trưởng nói về những tệ nạn xã hội gần đây, trong đó có cả việc mua điểm và chạy điểm. Ông bảo những tệ nạn đặt ra cho người thầy cũng như các phụ huynh một bài toán đáng phải suy nghĩ.
"Điều đầu tiên nhà trường muốn dạy cho học sinh là học có kiến thức để biết đúng - sai, học để có năng lực sinh tồn, và học để lòng nhân ái yêu thương, vị tha lớn hơn vị kỷ"
"Do việc chạy theo thành tích của nhà trường và phụ huynh đã tạo áp lực cho học sinh. Chúng ta không nên như vậy mà phải chấp nhận cho trẻ thất bại để từ đó đi lên. Không nên khoe khoang là con mình học thế này thế kia để khi trẻ thất bại sẽ bị áp lực rất lớn. Đến lúc đó, gia đình lại lo lót điểm để con được vào các trường tốt".
Ông chỉ ra thông thường, mong muốn của phụ huynh là con có địa vị xã hội và có nhiều tiền. "Nhưng chúng ta nên nhớ rằng nếu nhấn mạnh việc đó quá, về lâu về dài sẽ tạo ra nhiều hệ lụy. Vì tiền nên tạo ra sự gian dối, thủ đoạn. Cuộc đời sẽ không bền vững nếu chúng ta nuôi dưỡng sự gian dối, không trung thực"...
Chú ý quan sát, tôi thấy có vị phụ huynh trầm trồ tán thưởng, có phụ huynh ngồi im lặng chăm chú nghe.
Tiếp tục cuộc họp, vị hiệu trưởng chỉ ra 4 vòng tròn đào tạo. Ông nói vòng tròn đầu tiên là kiến thức - đây là cái không phải ngày một ngày hai mà gần như suốt cả cuộc đời sẽ phải học. Thứ hai là vòng tròn kỹ năng - hiện tại doanh nghiệp rất ưa chuộng, nhưng phụ huynh phải hiểu kỹ năng là biết sử dụng kiến thức đã học để làm việc. Thứ ba là vòng tròn xu hướng, tính cách - đó là mỗi người có thể giỏi mặt này hoặc mặt kia. Và vòng tròn cốt lõi là phải biết áp dụng những vòng tròn trên vào cuộc sống.
Ông bảo ở trường này, điều đầu tiên nhà trường muốn dạy cho học sinh là học có kiến thức để biết đúng - sai, học để có năng lực sinh tồn, và học để lòng nhân ái yêu thương vị tha lớn hơn vị kỷ. Bởi vì một đứa trẻ muốn phát triển phải được rèn luyện và chia sẻ. Một học sinh giỏi không hề vi phạm quy định vì đã được dạy dỗ, có cái nền nhưng khi em cũng không hề dạy lại cho các bạn và để đó giành thành tích riêng là đã tạo ra mầm mống của sự ích kỷ, sau này sẽ không muốn làm việc nhóm và có thủ đoạn để vươn lên trên người khác.
Ông dặn phụ huynh không nên so sánh giữa các học sinh. Hiện nay, điều nhà trường lo lắng là chính là "con nhà người ta".
Phụ huynh dự họp
"Tôi nói với các giáo viên là dạy để đủ đậu, riêng các em có năng khiếu thì hỗ trợ khơi gợi cho các em niềm đam mê và khả năng tự học, sẽ tạo kiến thức bền vững. Khẩu hiệu của chúng tôi là sống yêu thương, sống tự chủ, sống trách nhiệm".
"Chúng tôi sẽ tập cho học sinh nở nụ cười vào sáng thứ hai. Tôi cũng yêu cầu giáo viên trong tuần phải có một câu chuyện giáo dục đạo đức để các em biết yêu thương, thấu hiểu nhau, biết đối mặt với thất bại của chính mình, tập chấp nhận những điều không thể thay đổi...".
Cuối buổi họp, vị hiệu trưởng cam kết sẽ thường xuyên liên lạc với phụ huynh để gặp mặt, trao đổi. Trao đổi ở đây không có nghĩa là mắng vốn mà là sự báo cáo về việc học của các em, có sự tiếp xúc qua lại giữa nhà trường và gia đình.
Ông Phạm Ngọc Thanh cũng mong muốn phụ huynh tâm sự nhiều hơn với các con. "Phụ huynh hãy hỏi rằng con cảm thấy mình đã tiến bộ những gì trong năm vừa qua, không chỉ là môn học mà còn trong cuộc sống, và vì sao con lại cảm thấy như vậy. Hãy hỏi cháu về bạn bè trong lớp và thêm nhiều điều khác. Từ đó, chúng ta sẽ hiểu hơn về con mình. Phụ huynh cũng nên tổ chức ăn mừng về những việc cháu đã làm được trong năm học vừa qua. Ăn mừng ở đây có rất nhiều cách, để tuyên dương và giúp các em phát triển hơn trong năm tiếp theo..." - ông dặn dò và kết thúc buổi họp.
"Tôi rất là tâm đắc vì nhà trường đã có buổi họp phụ huynh bổ ích như vậy, để chia sẻ thêm những kinh nghiệm nuôi dạy con. Nhưng nếu chỉ sinh hoạt như thế này thì hơi đơn điệu mà nên xen kẽ với những hoạt động giúp phụ huynh và con mình gắn kết hơn, sẽ đem lại lợi ích thiết thực hơn" - một phụ huynh chia sẻ.
"Tôi thấy thầy hiệu trưởng rất tâm huyết và có những chia sẻ chân tình. Tôi nghĩ một tuần hoặc một tháng nên có những buổi sinh hoạt như thế này để sự kết hợp giữa phụ huynh với nhà trường ngày càng chặt chẽ. Những cái tốt nhất nên được nêu ra để giúp học sinh học tốt và giải quyết những vấn đề tồn đọng, vướng mắc giữa nhà trường và các em" - phụ huynh Bùi Công Thành, bố của học sinh Bùi Quang Huy.
"Buổi họp phụ huynh hôm nay rất có ích, ngoài giúp chúng tôi biết cách giáo dục con cái thì nhà trường cũng thông tin những vấn đề học sinh đang được học. Các phụ huynh cũng như bản thân tôi học thêm được một bài học làm người. Dù đi họp cho con nhưng tôi có cảm giảm là mình đang được đi học" - phụ huynh Hà Thế Sự, bố của học sinh Hà Đình Thạch, lớp 12A.
Lê Huyền
Theo vietnamnet
Ủng hộ sáng tạo, khó quá chăng? Qua câu chuyện 'Rào cản từ... người trong ngành', Tuổi Trẻ nhận được nhiều ý kiến chia sẻ thêm các bức xúc từ thực tế với những ý tưởng muốn việc dạy và học tốt hơn trong nhà trường. Một tiết học môn sinh học theo hướng đổi mới của học sinh Trường THCS Minh Đức, Q.1, TP.HCM - Ảnh: H.HG. Tự trói...