Phụ huynh phàn nàn vì đầu năm thu 6 triệu, trường THPT Lê Quý Đôn phân trần
Sau buổi họp đầu năm, nhiều phụ huynh có con học trường THPT Lê Quý Đôn tại TP.HCM phàn nàn về số tiền phải đóng lên đến 6 triệu đồng. Vì thế, Hiệu trưởng nhà trường đã lên tiếng.
Sau buổi họp phụ huynh các lớp, một số phụ huynh có con học trường THPT Lê Quý Đôn, quận 3, TP.HCM tỏ ra ngao ngán với các khoản phí được đưa ra.
Ngoài tiền học phí hơn 1,6 triệu đồng, phụ huynh còn phải đóng thêm hàng loạt khoản tiền khác.
Danh sách gồm: tiền nước uống 200.000 đồng/năm; sổ liên lạc điện tử 120.000 đồng/năm; ấn phẩm 50.000 đồng/năm; tập san 130.000 đồng/năm; sách tiếng anh 142.000 đồng/năm; quỹ trường 400.000 đồng/năm; tiền phô tô tài liệu, ủng hộ các câu lạc bộ của trường; tiền bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn…
Anh L.V.T, một phụ huynh có con đang học lớp 11B1, trường THPT Lê Quý Đôn than thở: “Ngoài các khoản tiền thông báo chung của nhà trường, tôi còn phải đóng thêm 2 triệu tiền quỹ lớp. Con tôi không học bán trú nhưng tổng các khoản phải đóng cho trường vào đầu năm học mới đã gần 6 triệu đồng”.
Trường THPT Lê Quý Đôn, TP.HCM bị phụ huynh phàn nàn về việc đóng các khoản tiền đầu năm học.
Trước bức xúc của phụ huynh, ông Hà Hữu Thạch, Hiệu trưởng trường THPT Lê Quý Đôn, TP.HCM khẳng định, nhà trường không chủ trương thu bất cứ khoản gì từ phụ huynh cho việc xây dựng cơ sở vật chất hay phục vụ cho đội ngũ cán bộ, giáo viên.
“Chúng tôi đang xem xét việc phụ huynh phản ánh học sinh đóng tiền quỹ trường, quỹ lớp. Có thể là hai bên chưa hiểu rõ nội dung thu chi và cách gọi khoản này là quỹ lớp, quỹ trường cũng chưa phù hợp”, ông Thạch nói.
Ông Thạch cũng cho biết, nhà trường được đầu tư cơ sở vật chất rất tốt nên không để xảy ra việc lợi dụng ban Đại diện phụ huynh để ủng hộ các khoản không hợp lý.
Video đang HOT
“Đối với khoản tiền ở trong lớp là do giáo viên và phụ huynh cùng trao đổi trong năm có những hoạt động học tập cần in ấn tài liệu, các tiết học tích cực, các giờ học ngoại khóa cần đến việc tổ chức, đóng vai, diễn kịch… cần khoản chi phí nhất định. Hai bên cùng trao đổi, đưa ra mức phí cho các hoạt động học tập của lớp học trong năm.
Đây không phải là chủ trương của trường mà là hoạt động dạy học của lớp. Tuy nhiên, nhà trường sẽ nhắc giáo viên, không thu dồn và gây áp lực đầu năm học cho phụ huynh”, ông Thạch chia sẻ.
Còn đối với 400.000 đồng tiền đóng cho quỹ ban Đại diện phụ huynh trường, lãnh đạo nhà trường giải thích, khoản tiền này được sử dụng cho các hoạt động khuyến học, khuyến tài, khen thưởng, các hoạt động trong năm của học sinh.
Vị Hiệu trưởng phân trần: “Chúng tôi tính toán trong một năm dự trù để cho ra mức 400.000 đồng/người. Còn trên thực tế, có những mạnh thường quân đóng nhiều hơn, có người đóng ít hơn và có những người không đóng”.
“Như mọi năm, có trường hợp phụ huynh không đóng nhưng có người lại đóng nhiều hơn. Và các hoạt động, chương trình, khen thưởng thì phụ huynh dù đóng hay không, học sinh đều được thụ hưởng”, ông Thạch nói.
Trường THPT Lê Quý Đôn là một trong những trường thực hiện theo mô hình tiên tiến hội nhập tại TP.HCM. Mức phí tại trường năm học này theo thông báo của sở Giáo dục & Đào tạo (GD&ĐT) TP.HCM là 1,5 triệu đồng/tháng/học sinh, chưa bao gồm các khoản thu hộ, chi hộ.
Trước những vấn đề lạm thu vào đầu năm học mới, sở GD&ĐT TP.HCM đã có văn bản gửi đến các cơ sở giáo dục trên địa bàn về các khoản thu đầu năm học mới 2019 – 2020. Trong đó, Sở yêu cầu các trường phải công khai các khoản thu, tuyệt đối không được giao cho giáo viên thu, chi tiền.
Ông Lê Hoài Nam, Phó Giám đốc sở GD&ĐT TP.HCM cho biết, các khoản thu thỏa thuận phải được thống nhất với phụ huynh trước khi thực hiện, khi thu phải cấp hóa đơn cho từng học sinh và thực hiện đầy đủ các chế độ quản lý tài chính theo quy định.
Cùng với đó, phải giãn thời gian thực hiện các khoản thu, không tổ chức thu gộp nhiều khoản trong cùng một thời điểm.
Theo nguoiduatin
Kiến nghị đưa tiết đọc sách vào chính khóa
Sách thực sự có tác động mạnh mẽ, tích cực đến việc hình thành tri thức và nhân cách của học sinh.
Đó là khẳng định của nhiều giáo viên, học sinh, phụ huynh, nhà nghiên cứu... tại tọa đàm "Thói quen đọc sách góp phần hình thành nhân cách cho HS như thế nào?" do Hội Xuất bản Việt Nam, Thành Đoàn TPHCM phối hợp với Sở GD&ĐT TPHCM tổ chức ngày 27/8 vừa qua. Đặc biệt, có ý kiến cho rằng cần đưa tiết đọc sách vào thời khóa biểu chính khóa.
Học sinh Trường TH Nguyễn Văn Trỗi, quận 4 trong tiết đọc sách tại thư viện
Học sinh "lớn lên" cùng sách
Tham gia tham luận, em Nguyễn Phương Anh, HS lớp 10 Trường THPT Lê Quý Đôn, quận 3 cho biết, sách đã giúp em trưởng thành ra sao. Từ nhỏ, Phương Anh đọc rất nhiều sách và em có thành tích học tập rất tốt. Tuy nhiên, kết quả học tập tốt nhờ đọc sách chưa là gì đối với những thứ mà em đạt được khi đọc sách. Sách giúp em hình thành những ý tưởng "khởi nghiệp" khi học lớp 5. Và khi đọc cuốn Bí mật tư duy triệu phú, em tìm thấy cho mình một đam mê và thích thú công việc kinh doanh. Cũng từ đó, hoài bão trở thành một nhà kinh doanh xuất sắc và thành công xuất hiện trong đầu em. Sách đã cho em ước mơ và hoài bão.
Phương Anh kể tiếp, em bị mắc chứng bệnh ngoài da, khó chữa nên bản thân rất tự ti về mình. Nhưng rồi khi em đọc sách Vượt lên chính mình đã giúp em thay đổi về suy nghĩ.
Tương tự, em Lê Nguyễn Vân Anh, học sinh lớp 5, Trường Tiểu học Triệu Thị Trinh (quận 10) chia sẻ, trước đây, em không biết nhận khuyết điểm của bản thân, chưa biết nhường nhịn bạn, khi làm sai chưa biết nhận lỗi. Tuy nhiên, nhờ đọc quyển sách Hạt giống tâm hồn - Cho lòng dũng cảm và tình yêu cuộc sống, em đã thay đổi.
Bên cạnh đó, thói quen đọc sách giúp các em có được kiến thức để học tốt hơn, nói năng lưu loát, giao tiếp tốt, đồng thời có thể hiểu và phân biệt được những điều tốt, xấu xung quanh, nhận ra điểm mạnh, điểm tốt của bạn bè, giúp mạnh dạn nhận lỗi khi có lỗi, biết giữ trật tự, vệ sinh, ngăn nắp, đúng giờ...
Chia sẻ về vấn đề này, cô Đỗ Hoàng Mai, giáo viên Trường Tiểu học Trần Văn Ơn (quận 11) cho biết, cô đã nhận ra học sinh của mình thay đổi rõ rệt như viết văn sáng tạo hơn, nói năng lưu loát, có ý thức tự học cao hơn nhờ đọc sách.
Học sinh tham gia Ngày hội đọc sách do Phòng GD&ĐT quận 4 tổ chức
Những "chiến binh" của văn hóa đọc
Cô Nguyễn Thị Mỹ, giáo viên Trường THCS-THPT Đinh Thiện Lý, quận 7 trao đổi, mặc dù trường dành 20 phút mỗi buổi học để học sinh đọc sách, nhưng với một số HS, nó giống như 20 phút... cực hình, mong từng giây trôi qua. Từ đó, cô trăn trở làm sao để 20 phút đọc sách ấy đối với tất cả học sinh chúng đều trân quý như nhau, đều sử dụng thật hiệu quả. Và cô bắt đầu chiến dịch "Mỗi tuần một cuốn sách" trong phạm vi lớp học.
Cô Mỹ tâm sự, để học trò yêu thích, có thói quen đọc sách đã khó, nhưng làm sao để hướng dẫn một đứa trẻ đọc sách có hệ thống, có khoa học còn khó hơn. Vì vậy cô cùng đồng nghiệp của mình nghĩ ra kế sách xây dựng "Nhật ký đọc" cho mỗi học sinh.
Cô giáo Nguyễn Thu Hà, giáo viên Trường THPT Võ Trường Toản, quận 12 lại có một cách khá đặc biệt để học trò tìm tới sách. Cô mở quán cà phê nhỏ ở nhà, trang bị rất nhiều sách để khách tới có thể lấy đọc. Để khuyến khích học trò đọc sách, cô dùng "chiêu", đọc và tóm tắt được một quyển sách sẽ được thưởng một ly thức uống tự chọn của quán. "Lúc đầu, các em đến với cà phê sách của tôi chỉ là để được uống nước "miễn phí", chỉ cần "cố" đọc cho xong một quyển sách. Về sau, dần dần các em thấy "nghiện" nơi đây, "nghiện" đọc sách và các em đã chủ động tìm những quyển sách đem đến góp vào "thư viện" nho nhỏ của tôi".
Cô Nguyễn Thị Ngọc Hạnh, giáo viên Trường Tiểu học Trần Thị Trinh (quận 10) kiến nghị, cần có 1 tiết đọc sách trong thời khóa biểu chính khóa để các giáo viên có thời gian giúp học sinh có thói quen đọc sách tốt hơn. Trước mắt, Sở GD&ĐT TP nên cho phép các trường thực hiện tích hợp tiết đọc sách trong tiết sinh hoạt lớp giúp học sinh phát triển tốt về mặt trí tuệ và tình cảm.
Thảo Nguyên
Theo GDTĐ
TPHCM ban hành khung mức thu đầu năm học mới Ngày 22/8, Sở GD&ĐT TPHCM ban hành văn bản hướng dẫn khung mức thu đối với các khoản thu thỏa thuận cho các đơn vị trực thuộc sở năm học 2019-2020. Học sinh TPHCM trong giờ an trưa ở trường Các khoản thu được Sở GD&ĐT quy định như tổ chức dạy học 2 buổi/ ngày, tiền vệ sinh, tiền tổ chức phụ...