Phụ huynh ơi, hãy để thầy cô giáo là người thầy
Phụ huynh ơi, không phải con cái mình có điểm số cao hay đỗ đạt khoa bảng, không phải nhà cao cửa rộng hay tiền bạc kếch xù là thành công đâu… đó chỉ là phương tiện để con cái tiến tới cuộc sống hạnh phúc chứ không phải đích đến của con người.
Mặc dù, nghề thầy giáo trong xã hội hiện đại có nhiều đổi khác so với mấy thập kỷ trước, từ vị trí là người cung cấp và truyền thụ kiến thức trước đây sang vai trò trang bị kỹ năng tự học, tự lĩnh hội kiến thức cho học sinh. Song, cuộc sống xã hội thay đổi ra sao đi nữa thì thầy giáo vẫn đóng vai trò quyết định xây dựng một thế hệ tương lai của đất nước, người thầy có trách nhiệm tối thượng về sản phẩm của quá trình giáo dục do mình tham gia.
Tác phẩm Nghề thầy của Hoàng Đạo Thúy.
Trong quyển sách Nghề thầy của Hoàng Đạo Thúy được viết ra hơn 70 năm trước đã nói về “nghề làm thầy” như sau: “Bước vào giáo giới là chúng ta đã có mục đích: Không phải đi làm để kiếm ăn thôi, không phải chỉ đi làm công. Chúng ta “làm thầy”".
Nhưng dường như hiện nay, thầy cô giáo không còn giữ được vị trí là thầy giáo, mà chỉ còn đóng vai trò người dạy học, vì có quá nhiều sự can thiệp khác nhau tác động tới tiến trình dạy làm người.
Yêu cầu của “nghề làm thầy” một lần nữa được Hoàng Đạo Thúy đặt ra thế này: “Mục đích của chúng ta là đem lũ trẻ con mà người ta trao cho, mà rèn giũa sao cho nên người, nên người có hiếu, sau này gây được gia đình bền chặt, người dân tốt giúp được nước, người có tâm với thiên hạ, làm người biết đạo người, sống hợp với lẽ trời đất”.
Trách nhiệm của nhà trường và người thầy rất lớn và cao cả, nhưng đòi hỏi của phụ huynh chỉ là cho con cái đến trường học cái chữ để làm việc nên dẫn tới sự biến dạng của mục đích giáo dục học đường.
“Đi nhà trường, để học đọc, học viết, học tính, để thi đỗ, để rồi đi làm thì đủ thứ sung sướng. Việc hiểu như vậy làm sai lạc cả mục đích của việc giáo dục. Thu hẹp việc giáo dục vào một chỗ học để kiếm tiền thôi, thì thiếu thốn quá. Đã hướng cả công trrình giáo dục vào một việc tầm thường thì chỉ bổ cho một lòng dục, lòng dục ấy sẽ phát rộng ra và mạnh ra, lại thêm không có sức đạo đức ngăn cản, thì nguy lắm” – Hoàng Đạo Thúy nhìn nhận sự hạn chế trong lối suy nghĩ của phụ huynh.
Xuất phát sự học biến dạng như ngày hôm nay một phần là từ gia đình. Cả xã hội chúng ta đang thấy là các bậc cha mẹ đang áp đặt mong muốn của mình lên con cái, cha mẹ thuở trước khó khăn, vất vả nên chỉ mong con cái học hành đỗ đạt thành tài nhằm có cuộc sống tốt hơn. Vô hình trung, cha mẹ cho con đến trường là để cho con học chữ và nóng lòng muốn thấy được kết quả ngay qua con điểm.
Cái đòi hỏi phải có hiệu quả ngay trong học kỳ này, ngay trong năm này… dẫn tới hậu quả nhãn tiền mà ai ai cũng đang thấy là con cái là học sinh giỏi nhiều hơn học sinh trung bình ngày một nhiều. Nếu chưa giỏi thì cha mẹ ngay lập tức cho con ôn tập thật nhiều để thi có điểm cao, tranh thủ đi học thêm để biết các chiêu thức làm bài…
Video đang HOT
Nhà trường không còn cách nào khác, phải hoàn thành trách nhiệm với đòi hỏi của khách hàng (phụ huynh) của mình bằng cách “đi tắt đón đầu” theo nhiều phương cách, phương tiện khác nhau.
Và, khi một em học sinh nào đó có kết quả không như mong đợi của phụ huynh, trong khi khả năng tùy thuộc vào từng cá nhân học sinh khác nhau thì mọi ánh mắt đồ dồn về giáo viên.
Giáo viên sẽ nhận sự chỉ trích của phụ huynh và chịu sự đánh giá của lãnh đạo, không còn cách nào khác, giáo viên cũng phải “hỗ trợ” đủ mọi cách để học sinh chuyển biến tích cực từ yếu lên trung bình, từ trung bình lên khá, và khá phải lên giỏi… nên tỉ lệ học sinh giỏi, khá càng nhiều càng cao.
Thầy và trò trường THCS Lê Quý Đông, quận 3, TP.HCM trong một tiết học STEM. Ảnh: Tư liệu
Làm giáo dục thì ai cũng hiểu rằng từng cá nhân học sinh có tố chất và khả năng riêng, không phải em nào cũng giỏi tất cả các môn. Còn trong trường học hiện nay, để đánh giá học sinh giỏi thì các môn Toán, Tiếng Việt/Ngữ Văn cần phải có điểm giỏi (tức là 8 điểm trở lên).
Giáo viên không phải thần thánh, nên không thể giúp học sinh có thiên hướng yêu thích các môn xã hội lại chỉ trong một vài tháng có thể giỏi cả các môn tự nhiên (nếu có thì cũng rất ít). Vậy mà tới ngày tổng kết, đâu đâu cũng thấy phụ huynh khoe con cái học sinh giỏi toàn diện…
Để có được những học sinh từ mức học bình thường lên giỏi nhiều giáo viên đã giúp các em tập trung học để kiểm tra liên tục trong nhiều tháng… vì vậy mà tỉ lệ học sinh khá giỏi ngày càng nhiều nhưng bỏ quên học ra sao để làm người đầy đủ nhân cách, tử tế! Để mỗi ngày mở trang báo, đọc tin đầy trên mạng là những hành vi bạo lực, phi nhân tính, văn hóa ứng xử, lối sống thiếu nhân văn nhan nhản tập trung nhiều ở những người trẻ. Thật đau lòng!
Phụ huynh ơi, không phải con cái mình có điểm số cao hay đỗ đạt khoa bảng, không phải nhà cao cửa rộng hay tiền bạc kếch xù là thành công đâu… đó chỉ là phương tiện để con cái tiến tới cuộc sống hạnh phúc chứ không phải đích đến của con người.
Tôi nghĩ rằng, phụ huynh đừng đè nặng áp lực lên giáo viên và nhà trường, cũng đừng kỳ vọng con cái quá sức của nó. Mỗi đứa trẻ là một cá tính riêng và trong quá trình giáo dục tại nhà trường, thầy cô giáo có trách nhiệm tìm ra con người bên trong của từng em, và quá trình ấy cũng hình thành nên con người phù hợp từ tâm sức của giáo viên. Hãy để các thầy cô giáo được làm việc của người thầy.
Nếu phụ huynh có thể xây dựng cho con một thế giới mà ở đó con cái có thể sống và học tập như một niềm vui và hạnh phúc mỗi ngày thì quá tuyệt vời, còn không thể thì để con trẻ phát triển bình thường như vốn tự thân nó vậy, đừng can thiệp vào quá trình giáo dục của nhà trường bằng cách đòi hỏi những kết quả học tập cao chót vót nhưng không có niềm vui và chẳng thể thành con người đúng nghĩa.
Nguyễn Minh Thanh (GV trường THCS Hưng Long, Bình Chánh, TP.HCM)
Theo plo.vn
Phụ huynh tố trường Quốc tế Singapore "lạm thu": Giám đốc trường nói gì?
Một khoản tiền 8 triệu đồng được thu với cái tên "đặt cọc" đã khiến phụ huynh phản ứng gay gắt. Họ cho rằng, khoản thu này vô lý và chưa từng đồng ý với trường về khoản thu này. Trong khi đó, đại diện trường cho rằng đã nhận được sự đồng thuận của phụ huynh?
Theo đó, ông N.V.T., trú quận Hải Châu, TP.Đà Nẵng đã có đơn gửi UBND, sở Giáo dục và Đào tạo TP.Đà Nẵng phản ánh việc trường Quốc tế Singapore tại TP.Đà Nẵng "lạm thu" khoản tiền của phụ huynh trái quy định.
Trả lời PV báo điện tử Người Đưa Tin, ông T. cho hay, ông có con đang theo học ở ngôi trường này và ngoài các khoản thu theo quy định, trường còn thu thêm 8 triệu đồng/học sinh gọi là phí đặt cọc năm học 2019-2020.
Khoản phí này đã ngay lập tức gây ra tranh cãi giữa phụ huynh và nhà trường. Tuy nhiên, để đảm bảo việc học của con em, các phụ huynh vẫn đóng tiền, đồng thời cho biết sẽ khiếu nại việc này.
Phụ huynh vẫn nộp "đặt cọc" 8 triệu đồng vì không muốn làm gián đoạn việc học của con; tuy nhiên, họ sẽ khiếu nại khoản phí vô lý này?!
"Chúng tôi yêu cầu trường giải thích, cung cấp phiếu thu nêu rõ mục đích và căn cứ pháp lý hoặc văn bản cho phép của cơ quan có thẩm quyền về khoản tiền thu thêm, nhưng nhà trường không cung cấp... Kế toán giải thích rằng, khoản tiền đặt cọc 8 triệu đồng này sẽ được trả lại cho phụ huynh khi các em học hết lớp 12. Ví dụ, bây giờ con tôi vào lớp 1 thì 12 năm sau, không hóa đơn chứng từ, chúng tôi dựa vào đâu mà lấy lại khoản tiền cọc này?", ông T. bức xúc.
Cũng theo ông T., ông có đến 3 người con đang theo học ở trường Quốc tế Singapore với tổng chi phí hơn 700 triệu mỗi năm. Theo quy định và cam kết, nếu học sinh chuyển trường hoặc bỏ, thì số tiền đã nộp sẽ không được hoàn lại.
"Do đó, chẳng có lý gì lại thu thêm 8 triệu đồng mỗi học sinh để "đặt cọc". "Đặt cọc" ở đây là đặt cọc cái gì? Cả trường có hàng trăm học sinh thành ra sẽ có một khoản không nhỏ bị "chiếm dụng" suốt thời gian dài. Liệu đây có phải là hình thức lợi dụng hay không?", ông T. bày tỏ.
Cũng như ông T., bà L.Th., đang có con học ở trường Quốc tế Singapore cho rằng, chi phí học ở ngôi trường này rất cao, nhưng bà chấp nhận và cho con theo học. Tuy nhiên, khoản "đặt cọc" vô lý khiến bà không hài lòng.
Khi thắc mắc lên ban lãnh đạo trường, bà Th. được trả lời rằng, tiền "đặt cọc" này là để phòng khi học sinh làm hư hỏng tài sản gì của trường thì sẽ mang ra đền?!
"Làm gì có chuyện đó, nếu học sinh làm hỏng đồ đạc, thiết bị, nhà trường yêu cầu cha mẹ của em đó đền bù ngay chứ không thể thu tiền đặt cọc của tất cả. So với tổng số hơn 200 triệu đồng/học sinh/năm học chúng tôi nộp thì 8 triệu đồng "đặt cọc" là không lớn. Tuy nhiên, phải rõ ràng, minh bạch, hợp lý. Chúng tôi bức xúc vì thấy nhà trường thu khoản này bất minh và vô lý. Rồi nữa, tính rộng ra, hàng trăm học sinh thì sẽ có hàng trăm triệu, hàng tỷ đồng. Số tiền này được cất vào đâu suốt hàng năm trời? Sử dụng như thế nào?", bà Th., nói.
Cũng theo các phụ huynh này, họ chưa từng ký cam kết nào với nhà trường để đồng ý thu khoản phí "đặt cọc" nêu trên!
Trường Quốc tế Singapore tại TP.Đà Nẵng.
Trả lời PV Người Đưa Tin về vụ việc này, bà Trần Công Minh Hữu, Giám đốc trường Quốc tế Singapore tại TP.Đà Nẵng xác nhận, từ năm 2018, trường thu 8 triệu đồng/học sinh là tiền "đặt cọc". Sau khi học sinh tốt nghiệp lớp 12, nhà trường sẽ trả lại khoản tiền này cho phụ huynh. Khoản thu này chỉ áp dụng với đối tượng chuyển cấp, tức là những em mẫu giáo lên lớp 1 và học sinh lớp 9 lên cấp 3.
Trái ngược với nhóm phụ huynh cho rằng, chưa từng thỏa thuận với trường về khoản thu "đặt cọc" này thì bà Hữu cho rằng: "Khoản thu này đã có sự thỏa thuận dân sự giữa nhà trường và phụ huynh. Việc thu tiền này không căn cứ theo quy định nào của bộ Giáo dục và Đào tạo".
Vị này cũng giải thích rằng: "Khoản thu này được sử dụng để phạt những em bỏ học giữa chừng hoặc phụ huynh chậm đóng học phí... Hóa đơn chứng từ của khoản thu được ghi chung trong hóa đơn thu các khoản chứ không có hóa đơn riêng".
Trước câu trả lời của vị Giám đốc chi nhánh trường Quốc tế Singapore tại TP.Đà Nẵng, các phụ huynh bất bình rằng, nếu nhà trường nói là đã có sự đồng thuận của phụ huynh thì phải nêu đích danh ra đó là ai? Chứ không thể vì một số quan điểm hay trường hợp nhỏ mà đánh đồng bắt cả trường phải theo.
Báo Người Đưa Tin sẽ tiếp tục thông tin vụ việc!
Theo nguoiduatin
'Ma trận' trại hè: Bí quyết thông thái của bà mẹ 7X (Bài 3) Bạn thường chọn trại hè cho con theo tiêu chí nào? Điều đó có thực sự đảm bảo chất lượng và đáp ứng sở thích, nhu cầu của con? Mời bạn tham khảo những chia sẻ dưới đây của một bà mẹ 7x, với nhiều năm kinh nghiệm cho con đi trại hè. Là mẹ của cậu con trai học cấp 3 và...