Phụ huynh ơi, đừng biến trẻ thành ‘ông trời con’
Phụ huynh cần bình tĩnh trước những lời nói của con về giáo viên, bản thân giáo viên cũng nên ứng xử khéo léo, phải nhập vai cha mẹ, anh chị của học trò.
Phụ huynh đưa đón trẻ tại Trường mầm non Việt – Lào, TP Vinh, Nghệ An sáng 26-3 – Ảnh: DOÃN HÒA
Liên quan đến việc phụ huynh hành hung, bắt giáo viên phải quỳ xin lỗi cũng như việc giáo viên có những hình phạt không phù hợp với học sinh, thầy Ngô Khắc Vũ, giáo viên Trường THPT Mộ Đức 2 (Quảng Ngãi), đã có những chia sẻ về nghề từ kinh nghiệm bản thân.
Tôi làm giáo viên và hội trưởng hội phụ huynh đã nhiều năm qua. Có lẽ vì may mắn vậy nên tôi vừa ước mong nhận được sự tôn trọng của phụ huynh dành cho mình khi trên bục giảng, và tôi cũng đối xử với tư cách là phụ huynh dành cho giáo viên của con mình bằng cả những mong muốn đó.
Hãy tìm hiểu con như một người bạn
Một đứa trẻ bắt đầu hình thành nhân cách khi bước vào môi trường tập thể, nơi đó sẽ thể hiện được tính cách từng em. Có em ngỗ ngược, hiếu thắng, có em lại rất trầm tính và hiền lành. Dĩ nhiên cha mẹ biết rõ hơn cả thầy cô về tính cách của con mình.
Khi thấy bất kỳ dấu hiệu nào của con về sự không hài lòng ở trường, hãy tìm hiểu như một người bạn. Chúng sẽ kể lại chuyện, từ đó mình ngồi phân tích với con.
Phụ huynh cần bình tĩnh trước những lời nói của con về giáo viên. Một vết bầm trên người con khiến chúng ta bực tức về thầy cô, nhưng hãy nhớ rằng vết bầm ấy không giết chết con trẻ. Cái giết chết chúng là tâm lý khi nhận đòn roi của giáo viên và tính cách chúng sẽ bị ảnh hưởng nếu không được uốn nắn đúng cách.
Nếu rơi vào tình cảnh con mình bị giáo viên phạt, đánh đòn, chắc chắn có một phần lỗi của con mình và cả sự bất lực của giáo viên để giáo dục một đứa trẻ đi vào nề nếp. Sau khi nghe con, khi ở cạnh con hãy phân tích rằng con sai.
Khi đó chúng sẽ nhận ra phần nào và sẽ thấy mình không được “kích động” sự ngang bướng và sai trái ở trường. Nếu thấy giáo viên sai, hãy nói riêng với nhau giữa hai người lớn. Đừng để bọn trẻ thấy.
Hồi con gái lớn của tôi học lớp 4, cháu không tham gia văn nghệ vì chê cô giáo thực tập. Cô giáo kiểm điểm, cháu không phục về nói với tôi. Tôi hỏi và tâm sự với con cả buổi tối.
Sáng hôm sau tôi lập tức dắt con đến trường xin lỗi cô giáo. Chính bé đã nhận ra cái sai và tự xin vào lại đội văn nghệ. Cô giáo cũng hết buồn, bản thân tôi cũng thấy hạnh phúc vì con mình đã biết sai.
Vai trò của hội phụ huynh rất lớn nhưng hiện tại gần như bỏ ngỏ. Khi có một sự không thống nhất trong cách giáo dục giữa giáo viên và phụ huynh với một đứa trẻ, hội phụ huynh hãy đứng ra phân giải.
Đừng để phụ huynh và giáo viên đơn độc trong cuộc “chiến tranh lạnh” có thể bùng phát bất cứ lúc nào. Tôi không thấy vai trò của hội phụ huynh ở đâu trong hai vụ việc đáng tiếc vừa xảy ra trong ngành giáo dục.
Video đang HOT
Lý lẽ của tôn sư tôi dám chắc chỉ có đem lại tươi sáng cho con em mình. Dù một học sinh có ngỗ ngược đến đâu nhưng nếu phụ huynh mang tâm thế cầu thị và mong muốn có một cách giáo dục khác dành cho con mình, chắc chắn giáo viên sẽ làm theo.
Suy cho cùng, sau cơn bực tức nhất thời, giáo viên và phụ huynh sẽ có cách giải quyết nếu chấp nhận đi trên cùng chuyến tàu.
Thầy cô phải nhập vai cha mẹ, anh chị của trò
Phải nói thật rằng để dạy dỗ một lớp học đến vài chục học sinh là rất khó. Mỗi gia đình chỉ có một hai người con mà đôi khi còn nóng giận đánh đòn con, nói chi là áp lực của một tập thể nghịch ngợm.
Sự nóng giận của giáo viên là chắc chắn có và tôi cũng không ngoại lệ. Nhiều khi tôi bực đến mức chỉ muốn lao xuống bàn học, đập cho một trận để xả đi cơn bực dọc.
Nhưng cho đến giờ, gần 20 năm làm nghề giáo, tôi chưa từng hành xử kiểu bợp tai, đánh đòn hay phạt nóng dành cho trò. Vậy nhưng ở trường dù tôi không chủ nhiệm, không dạy môn nào, học sinh vẫn sợ tôi theo kiểu tôn trọng.
Để có được điều này, đòi hỏi giáo viên phải nhập vai cha mẹ, anh chị của học trò. Bất kỳ sự bất thường, khó khăn nào của trò dù không học lớp tôi, tôi vẫn đến tìm hiểu và giúp đỡ. Thậm chí rất nhiều trường hợp học sinh xem tôi là thầy dù chỉ mới học cấp I, cấp II. Dần dần có sự kết nối với nhiều thế hệ học trò. Khi chúng yêu thương mình, chúng sẽ ngoan.
Tuổi mới lớn luôn nghĩ mình đúng, chúng nghĩ mình là “siêu nhân, anh hùng” nên phải thể hiện điều đó theo một cách mà chúng cho là “tỏa sáng”. Cái này không trách được, bởi phù hợp với lứa tuổi. Phải đưa các em này vào diện cần chia sẻ chứ không phải cá biệt.
Không thể bắt một đứa trẻ 7 tuổi suy nghĩ như đã 15 tuổi, hay 15 tuổi suy nghĩ như một chàng trai bước vào tuổi 30. Vậy nên giáo viên đừng bao giờ ép học trò rằng việc đó là sai và phải chấp hành hình phạt. Làm cho chúng thấy được việc đó là sai mới là cốt lõi.
Với học trò ngỗ ngược, tôi thường gặp riêng kể cho chúng nghe về hai nhân vật có thật tại nơi chúng sống. Người thành công và người thất bại dù học cùng trường. Chính học trò sẽ lấy lại sự cân bằng trong tính cách của mình. Nếu học trò tái phạm, hãy nói với chúng rằng thầy rất thất vọng về em.
Tôi cũng từng có một học trò rất hư, gần như chẳng khi nào nói mà em nghe. Tôi nghĩ mình đã hết cách và tôi đã nói với em: “Thầy rất thất vọng”.
Hôm sau gặp lại tôi hỏi: “Hôm nay học bài chưa?”, hôm khác thấy em đi học đúng giờ lại khen: “Chà, hôm nay thấy em thầy vui quá”. Cho đến một ngày em đến nói xin lỗi.
Tôi rất bất ngờ, giờ thì em đã ra trường và có việc làm ổn định. Đó cũng là tấm gương sáng để tôi kể cho học trò của mình rằng thay đổi tính cách sẽ thay đổi số phận.
Đáng báo động
Tôi thấy hai vụ việc phụ huynh bắt giáo viên quỳ ở Long An và Nghệ An, rồi học sinh bóp cổ giáo viên thật sự đã đến mức báo động của tôn sư và ứng xử với trò. Đừng nói ai đúng ai sai. Trong giáo dục không cho phép giáo viên dùng bất kỳ hành động nào hạ nhục, đánh đập học trò. Và cũng không có ai chấp nhận cách hành xử tệ hại của phụ huynh với thầy cô như những vụ việc vừa xảy ra.
Lao vào đánh hay bắt giáo viên quỳ xin lỗi chỉ giải quyết cái phần nổi. Đó là cách kết thúc sự nóng giận, cho mình hả dạ. Nhưng điều đó cũng khiến những đứa trẻ nghĩ mình đúng, chúng sẽ luôn là “ông trời con” trong tính cách. Chúng nghĩ không cần phải ngoan vì đã có cha mẹ hậu thuẫn, giáo viên không thể làm gì chúng. Tôi nói thật, nếu phụ huynh nào cũng hành xử như vậy, chắc chắn sẽ có một thế hệ ỷ lại và ích kỷ.
TRẦN MAI ghi
Theo tuoitre.vn
Mẹ là cô giáo, kèm con rất chặt, vậy mà vẫn không thoát ma trận dạy thêm
Không ít người khẳng định "học buổi ba (tức học thêm) mới là buổi học chính thức vì kiến thức được dạy đầy đủ. Còn học trên trường như buổi học tạm mà thôi".
LTS: Chỉ ra nguyên nhân dẫn đến tình trạng dạy thêm, học thêm vẫn còn ngang nhiên tồn tại như hiện nay, cô giáo Mai Hoa (bản thân cũng là một vị phụ huynh) đã có bài viết chia sẻ về vấn đề này.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Khá nhiều đồng nghiệp bức xúc việc con của mình (học khác trường mẹ dạy) thi kiểm tra cuối kì 2 vừa qua đạt điểm quá thấp (điểm 3, 4, 5).
Cô Hòa có con học lớp 4 một trường điểm của thị xã cho biết "con mình không đi học thêm cô chủ nhiệm dạy nhưng ở nhà mình vẫn hướng dẫn cho con những kiến thức đã học (mang tính khắc sâu).
Thế mà trong đợt kiểm tra vừa rồi, con chỉ đạt điểm 5. Theo cậu bé, lớp con cũng có nhiều bạn chỉ đạt điểm 3, điểm 4.
Cô Thùy có con học lớp 5 cũng cho biết, con mình nắm kiến thức khá chắc và tính toán cũng lanh lẹ nhưng không hiểu sao kì kiểm tra giữa kì con chỉ đạt điểm 4 môn Toán và điểm 5 môn tiếng Việt.
Bức xúc, cô Thùy gọi điện hỏi giáo viên thì được trả lời "nắm kiến thức chuẩn trong sách giáo khoa chỉ đạt điểm 5, điểm 6. Nếu làm bài không cẩn thận bị điểm 4 là đương nhiên.
Bài đạt điểm 8 đặc biệt điểm 9, 10 học sinh cần có sự tư duy để làm những bài tập có tính nâng cao hơn kiến thức căn bản.
Để đạt được mức điểm cao như thế đương nhiên học sinh phải ôn luyện nhiều đặc biệt là phải đi học thêm để "cày toán nâng cao" và tập viết văn theo định hướng.
Do các em cũng là con giáo viên nên hầu như giáo viên tự dạy con của mình. Nghẹt nỗi con không học trường ba mẹ dạy nên thầy cô cũng chỉ biết dạy cho các em những kiến thức cơ bản rồi nâng cao theo sự tiếp thu của con.
Bởi cách dạy "tù mù" nên khó có thể trúng dạng của chính giáo viên trong trường ấy dạy.
Theo cô giáo Hòa, trường học 2 buổi (buổi sáng học chính khóa, buổi chiều ôn tập lại những kiến thức các em đã học nhưng chưa nắm chắc. Đồng thời sẽ nâng cao kiến thức cho những học sinh giỏi.
Nếu giáo viên dạy đúng như thế đương nhiên học sinh học 2 buổi/ngày sẽ không cần phải đi học thêm buổi thứ 3.
Cô Hòa thắc mắc, vậy thì cớ gì sau kì kiểm tra đến gần nửa số lượng học sinh trong lớp dưới điểm trung bình? Số còn lại cũng chỉ lẹt đẹt điểm 5 đến điểm 7. Điểm 9, 10 gần như khá hiếm hoi, nếu có cũng chỉ rơi vào những học sinh đi học thêm buổi ba chính giáo viên dạy các em trên lớp.
Là con giáo viên nhưng có không ít thầy cô giáo cũng buộc phải gửi con học thêm chính cô chủ nhiệm.
Học sinh ra về sau buổi học thêm(Ảnh minh họa: Như Hùng).
Một giáo viên chia sẻ "mình không quan trọng điểm số nhưng vẫn phải cho con đi học để đỡ bị phân biệt đối xử trong lớp sẽ tội con ra".
Một số phụ huynh đã từng đặt câu hỏi "do giáo viên dạy buổi chính khóa ém kiến thức để dạy thêm hay đề kiểm tra đã ra vượt sức các em mà kết quả thi lại thấp đến vậy?
Hỏi thì hỏi vậy chứ câu trả lời ai cũng biết. Bởi vì, chỉ những học sinh không đi học thêm mới bị điểm kém như vậy.
Những học sinh có lực học kém hơn nhưng nhờ học thêm chăm chỉ điểm đạt được luôn ở mức cao.
Có lẽ vì điều này mà không ít người đã khẳng định "học buổi ba (tức học thêm) mới là buổi học chính thức vì kiến thức được dạy đầy đủ. Còn học trên trường như buổi học tạm mà thôi".
Và cũng vì học tạm nên nhiều phụ huynh lại buộc phải cho con đi học thêm buổi ba. Cái vòng luẩn quẩn ấy cứ lập đi lập lại không bao giờ có thể chấm dứt được.
Mai Hoa
Theo giaoduc.net.vn
Có nên chọn ngành "hot" Đây là một câu hỏi khá phổ biến mà các phụ huynh thường đặt ra khi hướng nghiệp, chọn ngành cho con. Tuy nhiên, chuyên gia hướng nghiệp chỉ ra rằng, độ "hot" của các ngành có thể thay đổi và nếu chạy theo một cách thiếu cân nhắc sẽ lợi bất cập hại. Thạc sĩ Phoenix Hồ Phụng Hoàng - chuyên gia...