Phụ huynh nói gì về kỳ thi đổi mới đầu tiên?
TTO – Nói về kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 lần đầu tiên tổ chức theo hình thức “hai trong một”, vừa xét tốt nghiệp vừa xét đại học, nhiều phụ huynh cho rằng cả gia đình lẫn thí sinh đều giảm bớt áp lực về thời gian, sức khỏe.
Thí sinh trao đổi bài sau khi hoàn tất môn thi tại cụm thi trường ĐH Saì Gòn – Ảnh: Như Hùng
Từ bốn thi ở các năm trước, gồm kỳ thi tốt nghiệp THPT và ba đợt thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm nay chỉ còn một kỳ thi duy nhất.
Tiết kiệm tiền bạc, thời gian và khỏe hơn
Bà Đào Thị Thủy, phụ huynh thí sinh Nguyễn Văn Hiếu (quê Bình Dương) cho biết kỳ thi này hai mẹ con cô khăn gói lên TP.HCM đi thi từ ngày 28-6. Tính đến nay, chi phí khoảng 2,5 triệu – bằng một tháng lương của bà. Tuy vậy bà vẫn nhận xét nhờ những đổi mới trong kỳ thi năm nay nên cô tiết kiệm được tiền bạc, thời gian lẫn sức khỏe.
“Thay vì nghỉ làm hơn nữa tháng đưa con đi dự thi hai khối như các năm trước thì đổi mới năm như năm nay, tôi chỉ xin nghỉ làm một tuần. Thi nhiều đợt vừa tốn kém tiền ăn ở, đi lại trên thành phố, vừa mất thu nhập vì nghỉ làm. Giờ thi một đợt là xong hết, vừa đỡ tốn kém và khỏe hơn” – bà Thủy chia sẻ.
Trong khi đó phụ huynh Võ Thị Hoa Hồng, đưa con từ Trà Vinh lên TP.HCM dự thi ở cụm thi Trường ĐH Y dược TP.HCM, cho biết:: “Cô rất phấn khởi với kỳ thi năm nay. Làm như vậy gọn nhẹ cho cả phụ huynh và học sinh. Mọi năm, thi xong khối này là chạy đôn chạy đáo dẫn con đi thi khối khác ở chỗ khác, chưa kể còn thi cao đẳng này nọ. Vừa nhọc nhằn, tốn kém cho phụ huynh vừa ảnh hưởng sức khỏe, tinh thần thí sinh”.
Video đang HOT
Phụ huynh Nguyễn Thị Đan Thanh đã đưa con đi thi ba lần. Bà Thanh hiện đang là công nhân công ích, chồng là thợ xây. Để đưa con đi thi, bà Thanh sau giờ làm từ 23g đến 4g sáng hôm sau lại chở con đi thi lúc 6g. Vì nhà ở Q.2, năm nay bà Thanh đưa con đến Trường THPT Nguyễn Trãi ở Q.4 chỉ mất 25 phút đi xe máy.
Bà Thanh cho biết: “Năm đầu tiên muốn thi vào một trường ở Thủ Đức, hai mẹ con phải dậy lúc 4g sáng để tránh kẹt xe. Năm thứ hai nó muốn thi vào một trường ở Q.7, hai mẹ con lại dậy lúc 5g sáng để lên đường. Năm nay, điểm thi gần nhà hơn và không lệ thuộc vào nguyện vọng, hai mẹ dậy lúc 6g, đi ăn sáng rồi thong thả đến trường”.
Bên cạnh đó, bà Thanh cũng nhận xét: “Năm nay kỳ thi yên ả quá, không được nhộn nhịp rộn ràng như mọi năm. Do vậy mà cũng thoải mái hơn, ít kẹt xe hơn”.
Tương tự, phụ huynh Trần Quốc Ngọc (70 tuổi) ở xã Khánh Xuân, TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) đánh giá: “So với các năm, kỳ thi năm nay đã tạo rất nhiều thuận lợi cho phụ huynh lẫn thí sinh. Từ chỗ phụ huynh chúng tôi phải đưa con đi thi ở nơi này nơi kia thì bây giờ đưa về một cụm thi, vừa rút ngắn thời gian đi lại, vừa tiết kiệm được tiền bạc. Và quan trọng hơn nữa là cả phụ huynh lẫn thí sinh đi thi với tâm thế rất phấn khởi, không phải lo sốt vó về đường sá, phòng trọ nữa. Rất hoan nghênh Bộ GD-ĐT đã tổ chức kỳ thi này.”
Thí sinh trao đổi bài trước giờ vào phòng thi môn sinh tại cum thi trường ĐH Tôn Đức Thắng – Ảnh : Như Hùng
Giao thông thuận lợi hơn, nhà trọ bớt chặt chém
Phụ huynh Nguyễn Văn Khoa, quê Long An đưa con đi thi tại Trường THPT Nguyễn Trãi, Q.4, TP.HCM cho biết đây là lần đầu tiên hai cha con lên TP.HCM. “Từ lúc lên TP.HCM hai cha con luôn được các sinh viên tình nguyện giúp đỡ, từ tìm chỗ trọ, chỉ đường, phát cơm, nước miễn phí… Cứ nghĩ lên TP.HCM sẽ cực lắm nhưng hôm nay sắp trở về vẫn thấy bình thường, thậm chí như là được nghỉ việc, đi chơi xa. Xe buýt đi từ Thủ Thừa đến TP.HCM chỉ mất hơn 2 tiếng, giao thông thì cũng phức tạp nhưng do chỉ đi bộ và đi xe buýt nên chẳng có vấn đề gì”
Ông Nguyễn Trường Phát có con thi tại điểm thi Trường THCS Trần Ngọc Quế, Cần Thơ nhận xét: “Tôi thấy kì thi “hai trong một” này rất thuận lợi cho phụ huynh về mọi mặt. Từ năm 2014 trở về trước đó lượng thí sinh từ 13 tỉnh thành đổ dồn về Cần Thơ rất nhiều, nên rất dễ xảy ra tình trạng ùn tắc. Năm ngoái tôi đưa con đi thi kẹt xe xém chút nữa trễ giờ. Còn năm nay tôi xem báo đài biết khu vực ĐBSCL có đến 6 cụm thi THPT quốc gia. Lượng thí sinh đổ về Cần Thơ thi chỉ bằng 1/3 so với năm trước. Năm nay tôi đưa đứa cháu đi thi không kẹt xe gì cả. Chẳng những thí sinh mà người dân lưu thông trên địa bàn TP Cần Thơ cũng không bị kẹt xe trong những ngày cao điểm này. Tôi ủng hộ cách thi cử “hai trong một”.
Đồng quan điểm trên, những phụ huynh ở các tỉnh khác đưa con lên Cần Thơ thi đợt này cũng cho rằng việc đổi mới thi cử năm nay rất thuận lợi.
Bà Đỗ Thị Ánh Tuyết (xã Bình Hòa Phước, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long) cho biết: “Tôi nghe nói năm ngoái thí sinh về đây thi rất đông, nên một số nhà chủ trọ nhân đó chặt chém, tăng giá rất cao rồi ăn uống cũng rất mắc. Năm nay, tôi đưa đứa con gái đi thì không thấy tình trạng đó. Chỗ hai mẹ con tôi ở giá cũng rẻ. Ăn uống giá cũng bình dân chứ không thấy chặt chém gì hết. Chắc tại năm nay số thí sinh ít hơn nhiều so với mấy năm ngoái. Năm nay thi chỉ có một đợt ít tốn kém hơn. Dân quê thu nhập chỉ có mấy công đất như tụi tôi tiết kiệm được đồng nào hay đồng nấy. Mà tôi thấy thi một lần đỡ phải hồi hộp, chứ thi hai đợt hồi hộp dữ lắm”.
Ông Đào Văn Tô cùng con trai – Ảnh: Ngọc Hiển
Ông Đào Văn Tô (49 tuổi, thôn Đại An Khê, xã Hải Thượng, huyện Hải Lăng, Quảng Trị) tâm sự: “Tôi cho rằng kỳ thi này thuận tiện cho cả thí sinh và phụ huynh.Thứ nhất là giảm tải áp lực cho thí sinh vì giảm bớt kỳ thi, mọi năm một thí sinh phải thi đến 3 kỳ thi từ tốt nghiệp THPT, thi đại học và thi cao đẳng. Thứ hai, đi lại gần hơn nên giảm đi rất nhiều gánh nặng kinh tế di chuyển tàu xe”.
Con trai của ông dự định nộp vào Trường ĐH Công an nhân dân, nếu như mọi năm thì ông cùng con trai phải vào TP.HCM hoặc ra TP. Vinh dự thi thay vì thi ở Huế như hiện nay.
Bà Nguyễn Thị Gái (43 tuổi, thôn An Thái, xã Cam Tuyền, huyện Cam Lộ, Quảng Trị): Đây là lần thứ hai tôi đưa con đi thi đại học nhưng lần này rất thuận tiện bởi chỉ cần thi một lần là hoàn thành cả ba bài thi tốt nghiệp, đại học và cao đẳng.
“Trước đây, con tôi phải vừa dành thời gian ôn thi các môn phụ, các kiến thức cơ bản để thi tốt nghiệp. Sau đó, con tôi phải tiếp tục dồn toàn tâm toàn lực để ôn thi các môn khối B để thi vào đại học. Còn bây giờ, con tôi chỉ ôn một lần các môn từ kiến thức cơ bản và nâng cao để thi một lần. Ngoài ra, thi ở cụm gần nhà nên con tôi có thời gian dưỡng sức, tâm lý ổn định chứ không phải mất sức vì chen chúc lên tàu xe để di chuyển đi thi đại học xa như những năm trước đây”, bà Gái nói.
Vẫn còn phải đi xa nhà, môn thi khó, dễ chưa hợp lý
Tuy nhiên, một số phụ huynh cho rằng việc bố trí theo cụm thi vẫn chưa hợp lý nên nhiều phụ huynh phải di chuyển một quãng đường khá xa để đưa con em mình đến điểm thi.
Phụ huynh Lâm Ngọc Bích, Q.2, TP.HCM đưa con thi tại Trường THPT Bình Phú, Q.6 thắc mắc: “Tại sao cùng một trường THPT mà đứa thi ở Q.7, đứa thi ở Q.5, đứa lại Q.6, do bốc thăm hay do xếp Alphabet cũng không biết. Nhà mình ở Q.2 đi lên điểm thi xa quá, hai mẹ con phải dậy sớm lúc 5g để đi, trong khi bạn nó thi gần nhà, có dậy trễ cũng tới kịp”.
Ông Trần Đức Minh, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ tâm sự: “Con tôi thi khối A. Cháu đăng kí môn tự chọn tốt nghiệp là môn lý. Theo tôi biết, môn lý đề rất khó, trong khi đó môn địa đề cho khá dễ. Như vậy là thiệt thòi cho những em chọn môn thi tốt nghiệp ở những môn tự nhiên. Tôi mong bộ nên điều chỉnh vấn đề này lại, bởi kì thi “hai trong một” này có rất nhiều thí sinh đăng kí vừa xét công nhận tốt nghiệp THPT vừa xét công nhận vào ĐH, CĐ do Trường ĐH Cần Thơ chủ trì”.
Ông Đào Văn Tô, Huế thì cho rằng ở kỳ thi này thí sinh chọn trường sau khi có kết quả cho nên dễ vào đại học nhưng khó chọn ngành mình thích bởi sẽ có nhiều thí sinh điểm cao cùng chọn một ngành.
Theo TTO