Phụ huynh nói gì về chương trình Công nghệ Giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại?
Một phụ huynh đang có con học lớp 1, chương trình Công nghệ Giáo dục cho rằng tài liệu này dùng từ địa phương để học sinh phân biệt.
Xin giới thiệu chia sẻ của một phụ huynh đang có con học lớp 1, chương trình Công nghệ Giáo dục, nội dung bài viết tham khảo thông tin từ nhiều nguồn, nhất là từ các giáo viên dạy lớp 1 và tài liệu “Thiết kế tiếng Việt 1″ dành cho giáo viên:
Hiện đang có nhiều thông tin trái chiều liên quan đến phương pháp dạy trẻ theo mô hình “vuông, tròn, tam giác” trong sách “Tiếng Việt lớp 1 – Công nghệ Giáo dục”. Phải nói rõ rằng, tên gọi chính xác của sách Tiếng Việt 1 – Công nghệ Giáo dục” là “Tài liệu Tiếng Việt lớp 1 – Công nghệ Giáo dục” do NXB Giáo dục Việt Nam ấn hành.
Về thông tin cho rằng sách sử dụng quá nhiều ngôn ngữ địa phương, vùng miền hoặc không có nghĩa như: “quện nhau, quằn quặn, gà qué, quả chấp, bé huơ…”.
Quan điểm của “Tài liệu Tiếng Việt lớp 1 – Công nghệ Giáo dục”: Khi học sinh mới bắt đầu học tiếng Việt lớp 1 là “chân không về nghĩa”. Giai đoạn này học sinh lớp 1 mới bắt đầu học âm, vần, đọc từ. Các em chưa thể nhận biết nghĩa của từ, do vậy cơ bản giáo viên chưa giải thích nghĩa từ ngữ cho học sinh.
Cuốn sách hướng đến 3 mục tiêu: đọc thông viết thạo, viết đúng chính tả và không bao giờ tái mù chữ (nếu nghe được thì nhắc lại được, viết ra được và đọc được). Các em được phát triển tư duy khoa học theo các việc làm bằng sức lao động và sản phẩm của mình.
Do đó, toàn bộ các bài học trong Tài liệu Tiếng Việt lớp 1 – Công nghệ Giáo dục đã quét hầu hết tất cả các tiếng có trong tiếng Việt, kể cả tiếng có vần ít gặp và khó đọc mà trước đây chương trình hiện hành không đưa vào (ví dụ quện, qué, quàu quàu, quều quào, chuếnh choáng…).
Mỗi bài học các em được học rất nhiều tiếng và từ. Ví dụ, khi dạy bài “ênh, êch”, các em sẽ được học và tự chiếm lĩnh hết tất các tiếng có chứa hai vần đó (khác với chương trình hiện hành các em chỉ học vần, các từ khóa và từ ứng dụng). Ngoài ra, học sinh còn nắm được luật chính tả vần “êch” chỉ có dấu thanh sắc, thanh nặng đi kèm.
Một số từ nghe lạ như “quện nhau”, nhiều cư dân mạng với đầu óc người lớn khá “đen tối” đã suy nghĩ rằng đây là từ “bậy bạ”. Tuy nhiên đọc tài liệu thì thấy từ “Quện nhau” có nghĩa “kiệt sức mà chết, hết đời”, đó là từ cổ xuất hiện trong bài ca dao “Tò vò mà nuôi con nhện/ Đến khi nó lớn nó quện nhau đi/ Tò vò ngồi khóc tỉ ti/ Nhện ơi nhện hỡi nhện đi đằng nào”.
Bản thân bài ca dao “Tò vò mà nuôi con nhện” ám chỉ một hiện tượng tự nhiên, đó là khi con tò vò bắt con nhện về và đẻ trứng vào người con nhện, con nhện sẽ sống dở chết dở, khi ấu trùng tò vò non nở ra, nó sẽ ăn thịt con nhện để trưởng thành. Thế nên mới nói “quện nhau đi” tức là “chết đi”.
Một số từ như “gà qué” (tiếng vùng Nghệ An để gọi con gà với ý chê trách), “con ĩ” (con heo/lợn), quả chấp (cùng họ quả chanh)… là ngôn ngữ thuần Việt, dân gian, địa phương và điều đó có nghĩa.
Ý đồ cuốn sách đưa các từ này để khi dạy, cô giáo sẽ chỉ cho học sinh phân biệt được một số từ ngữ là ngôn ngữ nói hàng ngày nhưng khi viết các cháu nên chọn lọc từ ngữ để viết.
Trong sách còn cố ý xuất hiện những từ viết sai chính tả ngay bên cạnh từ đúng, mục đích để học sinh phân biệt tìm ra từ đúng; từ đó học sinh không viết từ sai mà chỉ sử dụng từ viết đúng chính tả. Chẳng hạn sách in 3 từ cạnh nhau “giô ra”, “dô ra”, “vô ra”; các cháu sẽ được dạy từ “vô ra” là đúng chính tả.
Tài liệu Tiếng Việt lớp 1 – Công nghệ Giáo dục không có từ “con dơi” hoặc “con rơi” như cộng đồng mạng phản ánh. Nội dung in sai “con dơi” thành “con rơi” được in trong cuốn “Luyện nét”, không phải do Bộ Giáo dục & Đào tạo phát hành.
Hoàng Nguyễn Việt Tiến
(Thị trấn Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng).
Theo Dân trí
GS Hồ Ngọc Đại: "Dù ai chỉ trích Công nghệ giáo dục, tôi không chấp, không bực tức"
Giữa "tâm bão" của những chỉ trích liên quan đến chương trình Công nghệ giáo dục, GS Hồ Ngọc Đại cho biết ông không chấp, không bực tức, bởi "Công nghệ giáo dục sẽ tồn tại vĩnh viễn".
GS Hồ Ngọc Đại lên tiếng về những tranh cãi liên quan đến cuốn "Tiếng Việt 1- Công nghệ giáo dục".
"Tôi không bực tức trước những lời chỉ trích"
Ngày 8.9, GS Hồ Ngọc Đại đã có những chia sẻ với báo chí về sách "Tiếng Việt 1 - Công nghệ giáo dục". Ông khẳng định, không quan tâm đến những tranh cãi trên mạng xã hội xung quanh việc đánh vần, đọc thơ theo ô vuông, tam giác trong sách "Tiếng Việt 1- Công nghệ giáo dục".
Nói về lý do, GS Hồ Ngọc Đại phân tích: "Tôi là nhà tâm lý học khoa học trẻ em mà người ta chê tôi không hiểu tâm lý. Nhiều người lấy những câu chữ vớ vẩn để phê phán tôi...
Bao nhiêu người chê tôi, chê triết lý giáo dục của tôi, nhưng giờ Trường Thực nghiệm vẫn dạy và học tốt. Công nghệ giáo dục sẽ tồn tại vĩnh viễn...
Khi người ta không biết gì mà người ta nói, tôi không bực tức, không chấp, tôi vẫn vui vẻ...".
GS Hồ Ngọc Đại cho rằng, tư duy hiện nay của một số người còn thấp, giờ lại có thêm vụ lợi.
"Khi tư duy thấp mà còn vụ lợi nữa thì không hy vọng gì. Nhưng đến một lúc nào đó cuộc sống sẽ tự loại bỏ, những gì hay, tốt sẽ được chấp nhận" - ông nói thêm.
GS Hồ Ngọc Đại chia sẻ về những ồn ào quanh chương trình "Công nghệ giáo dục". Clip: Văn Phú
Tác giả chương trình "Công nghệ giáo dục" dẫn chứng nhiều thành tựu mà sách tiếng Việt lớp 1 của mình đã đạt được:
"Tôi dạy trẻ con lớp 1 ở bất cứ vùng đất nào của đất nước này, vùng miền xa xôi, hẻo lánh nhất... đều đọc thông, viết thạo, viết không sai chính tả và không thể tái mù.
Giáo viên cũng kể lại cho tôi câu chuyện, một ông bí thư xã có con đang học sách Tiếng Việt 1 - Công nghệ Giáo dục. Sau khi nghỉ tết, cháu muốn xin được nghỉ thêm, người cha nói nếu con viết được đơn xin nghỉ, ông sẽ đồng ý. Ai ngờ, con viết được ngay một lá đơn, thế là ông khóc vì mừng quá.
Điều này tức là trẻ con học sách của tôi, từ tháng 9 đến sau tết, khoảng 4-5 tháng là có thể viết được".
"Đừng nghĩ Công nghệ giáo dục là của riêng Hồ Ngọc Đại"
Giải thích vì sao những bài đầu tiên trong sách "Tiếng Việt 1 - Công nghệ giáo dục" lại có bài đọc theo ô vuông, tam giác, GS Hồ Ngọc Đại cho biết: "Khóa đầu tiên của Trường Thực nghiệm Hà Nội - là khóa của GS Ngô Bảo Châu - suốt học kỳ một không học chữ, học toàn hình vuông, hình tam giác. Bởi học sinh cần phải nắm được tiếng, mà tiếng thì dùng ký hiệu nào biểu thị chẳng được.
Khi đã 82 tuổi, từ bỏ mọi thứ để dạy và viết sách cho học sinh lớp 1, GS Hồ Ngọc Đại cho biết vẫn theo đuổi triết lý: "Dùng cái tích cực của cuộc sống để dạy trẻ con, chứ không phải dùng cái ảo tưởng, mong ước, hay sự vụ lợi của người lớn để áp đặt lên con trẻ".
Tôi dạy học sinh lớp 1 thế nào là vật thật, vật thay thế. Tiếng nói là vật thật, còn chữ là một vật thay thế, là một dạng quy ước.
Nhiều người bây giờ vẫn không phân biệt được cái gì là vật thật, cái gì là vật thay thế. Còn trẻ con học sách "Công nghệ giáo dục", ngay từ lớp 1 biết được tiếng nói là vật thật và phân tích được câu mình nói ra có bao nhiêu tiếng.
Nguyên tắc sư phạm của tôi là học sinh tự làm lấy mọi việc, khi phân tích được như vậy các em sẽ nhớ lâu. Nó khác với việc "thầy giao việc, trò làm việc", "thầy giảng thật hay, học trò cần ghi nhớ" tồn tại lâu nay trong giáo dục".
GS Hồ Ngọc Đại thừa nhận, dù tất cả công trình của ông vô nghĩa đi nữa thì quyển "Tiếng Việt lớp 1" cũng an ủi ông. Bởi trong đó thể hiện những tư tưởng về lý thuyết khoa học, tâm lý học, những triết học trong cuộc đời.
"Đây là một công trình của lịch sử, chứ không phải của một cá nhân. Đừng nghĩ nó là của Hồ Ngọc Đại" - ông khẳng định.
ĐẶNG CHUNG
Theo laodong.vn
Ai chịu trách nhiệm về sách Công nghệ giáo dục? Con gái tôi vừa nhập học lớp 1 được hơn một tuần. Nhiều lần trò chuyện cùng bố mẹ có con bước vào lớp 1, chúng tôi băn khoăn vô cùng khi tiếp xúc với sách Tiếng Việt 1 theo chương trình Công nghệ Giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại. Dù không ít lần tìm kiếm sự giúp đỡ, tham vấn của...