Phụ huynh ‘nháo nhào’ đăng ký tổ hợp môn lớp 10 cho con
Sáng 13-7, nhiều trường THPT tại TP.HCM đã tổ chức họp phụ huynh, học sinh lớp 10 công lập để tư vấn việc chọn lựa tổ hợp môn theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 theo lộ trình.
Tại trường THPT Hiệp Bình (TP Thủ Đức), sáng nay, ban giám hiệu trường đã có buổi sinh hoạt với toàn thể học sinh cũng như phụ huynh có con vừa trúng tuyển vào lớp 10 của trường.
Hiệu trưởng Lê Thị Ngọc Anh cho biết năm nay, trường có 14 lớp 10 với hơn 600 học sinh, tăng hai lớp so với các khóa tuyển sinh trước nên trường cũng gặp thêm một số khó khăn.
Phụ huynh lắng nghe ban giám hiệu nhà trường trao đổi về tổ hợp môn lớp 10. Ảnh: PHẠM ANH
Về việc tổ chức môn học, cũng như các trường khác, trường sẽ có 8 môn học bắt buộc là toán, ngữ văn, lịch sử, tiếng Anh, quốc phòng an ninh, giáo dục địa phương, giáo dục thể chất và hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp.
Về các môn lựa chọn theo tổ hợp, vì quy định của Bộ GD&ĐT sẽ có ba nhóm tổ hợp môn, nếu để tự học sinh chọn theo ý thích sẽ có đến 108 tổ hợp, trường không thể có đủ điều kiện để đáp ứng việc dạy học nên chỉ triển khai một số nhóm tổ hợp để học sinh chọn.
Phụ huynh bày tỏ thắc mắc với ban tư vấn của trường THPT sau buổi họp. Ảnh: PHẠM ANH
Đồng thời, theo bà Ngọc Anh, do trường hiện không có giáo viên có đủ điều kiện chuyên môn cho hai môn âm nhạc và mỹ thuật nên tạm thời năm học này, trường không triển khai hai môn này. Thay vào đó, trường sẽ dạy cho học sinh các môn như Công nghệ, Tin học.
Trao đổi cụ thể hơn về vấn đề này, Phó hiệu trưởng Võ Thị Bình Minh, cho biết căn cứ vào tình hình đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất của trường, trường đưa ra 7 nhóm tổ hợp. Trong đó 4 nhóm ở tổ hợp thiên về khoa học tự nhiên với 10 lớp và ba tổ hợp khoa học xã hội với bốn lớp.
Học sinh, phụ huynh sẽ đăng ký học theo cả hai hình thức là online (google form) qua quét mã QR và bản giấy nộp cho trường. Học sinh sẽ căn cứ vào năng lực, sở thích và định hướng nghề nghiệp để chọn các tổ hợp môn với ba nguyện vọng, theo thứ tự ưu tiên từ nguyện vọng 1 đến nguyện vọng 3. Những phụ huynh đăng ký sớm nhất sẽ được ưu tiên xếp lớp theo tổ hợp ở nguyện vọng một, sau đó nếu quá số lượng sẽ chuyển sang nguyện vọng 2 và 3. Ngay sau khi lãnh đạo trường thông tin việc đăng ký môn học, nhiều học sinh, phụ huynh nháo nhào “chạy” đi quét mã QR để đăng ký tổ hợp môn cho con.
Video đang HOT
“Số lớp theo tổ hợp ít, nhưng trường nhận xếp lớp theo thời gian đăng ký, ai đăng ký sớm được xếp trước, ai làm sau sẽ bị chuyển sang nguyện vọng khác. Làm như vậy thiệt thòi cho những em có học lực tốt theo những môn ở nguyện vọng 1 nhưng vì đăng ký muộn hoặc do nghẽn mạng nên sẽ bị xếp lớp khác là vô lý. Trong khi việc đăng ký này cần cân nhắc kỹ, thời gian của phụ huynh cũng hạn chế vì phải đi làm, phụ thuộc đường truyền mạng nữa…”, Chị VTL bày tỏ.
Về vấn đề này, đại diện nhà trường cho rằng trường đã tổ chức các tổ hợp môn theo xu hướng lựa chọn của học sinh. Trong đó, các tổ hợp môn ở khối tự nhiên hoặc trong khối xã hội có số môn học tự chọn gần giống nhau nên học sinh nếu bị chuyển sang nguyện vọng khác cũng không có thay đổi lắm. Hơn nữa, hiện trường đang triển khai cho đăng ký trước, sau đó, tùy tình hình thực tế theo số đăng ký sẽ xếp lớp phù hợp nguyện vọng các em hơn.
Ban giám hiệu trường THPT Bùi Thị Xuân tổ chức tư vấn cho phụ huynh học sinh.
Tương tự, sáng nay trường THPT Bùi Thị Xuân, quận 1 cũng tổ chức tư vấn cho học sinh và phụ huynh trong việc chọn lựa các tổ hợp môn cho chương trình lớp 10 sắp tới. Việc tư vấn được chia làm 4 ca trong đó sáng 2 ca và chiều 2 ca. Sau khi được ban giám hiệu tư vấn tại hội trường, phụ huynh sẽ chia thành tốp nhỏ về các phòng riêng được các giáo viên cũng như học sinh của trường tư vấn thêm về việc chọn tổ hợp cũng như định hướng ngành trong tương lai.
Phụ huynh theo dõi các tổ hợp môn nhà trường đưa ra để chọn lựa cho con mình. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN
Bà Vũ Thị Ngọc Dung, Hiệu trưởng nhà trường cho biết đây là năm học trường BTX có số lượng học sinh vào lớp 10 khá đông. Trường có 10 lớp thường với 708 học sinh.
Ngoài 8 môn bắt buộc, học sinh sẽ phải lựa chọn một trong các tổ hợp môn để học tại trường.
Nhà trường tổ chức 6 nhóm tổ hợp môn để học sinh chọn lựa. Cụ thể nhóm khối A (Toán – Vật lý – Hóa học) dự kiến 3 lớp, nhóm khối A1 (Toán – Vật lý – tiếng Anh) dự kiến 4 lớp, nhóm khối A2 (Toán – Hóa học- tiếng Anh), dự kiến mở 1 lớp, nhóm khối B (Toán – Hóa học – Sinh học) dự kiến 3 lớp, nhóm khối D (Toán – Ngữ văn – tiếng Anh) dự kiến mở 3 lớp, nhóm khối C (Ngữ văn – Lịch sử – Địa lý) dự kiến 1 lớp. Bên cạnh 3 môn trong các nhóm khối các em chọn, học sinh sẽ lựa chọn thêm một số môn học khác.
Hiệu trưởng trường THPT Bùi Thị Xuân, quận 1 cho biết lớp học chỉ được mở nếu có số lượng học sinh đăng ký trên 30 học sinh.
“Việc lựa chọn môn của các em phải như nào để sau này khi chọn ngành nghề cho nó phù hợp. Do đó, phụ huynh và học sinh cần phải cân nhắc thật kỹ vấn đề này. Bản thân các em phải biết mình có năng lực về cái gì, nếu có khả năng về tự nhiên nên chọn tổ hợp nào trong khi đó thiên về xã hội thì nên chọn sao, tránh có sự thay đổi “, bà Dung nhắn nhủ.
Sau khi được tư vấn, nhiều phụ huynh hoang mang vì họ không biết chọn lựa tổ hợp nào cho con, hơn nữa thời gian từ đây đến hết ngày hết hạn đăng ký quá ít để gia đình đưa ra quyết định. Bên cạnh đó, có phụ huynh lo lắng nếu đăng ký theo các tổ hợp của chương trình môn, có những môn không đăng ký thì các con sẽ không phải học. Tuy nhiên theo tổ hợp thi tốt nghiệp THPT năm nay có 3 môn Lý, Hóa, Sinh nhưng trong các tổ hợp lựa chọn có nhóm có Lý, Hóa không có Sinh, có nhóm có Sinh không có Hóa vậy điều này có ảnh hưởng đến các con…
Hàng trăm tổ hợp môn tự chọn lớp 10: Nhà trường lúng túng, phụ huynh 'đau đầu'
Việc có đến 108 cách chọn tổ hợp môn trong chương trình giáo dục phổ thông mới với lớp 10 đang khiến các nhà trường, giáo viên và học sinh lúng túng.
Theo lý giải của Tổng chủ biên chương trình mới thì việc triển khai chương trình với lớp 10 không quá phức tạp. Song với những người trực tiếp thực hiện chương trình là các nhà trường, giáo viên, việc tổ chức dạy học môn tự chọn như thế nào đang là câu hỏi rối bời trong khi thời gian đang rất gấp ở phía trước.
Khó đảm bảo đội ngũ giáo viên
Từ nay cho tới khi chương trình mới bắt đầu với lớp 10 chỉ còn khoảng 5 tháng nữa. Thời gian chuẩn bị cho việc thực hiện chương trình không còn nhiều nhưng tới thời điểm này đa số phụ huynh, học sinh vẫn mơ hồ, chưa hiểu sẽ lựa chọn tổ hợp môn học ra sao trong 3 năm học bậc THPT.
Trong khi đó, bản thân các nhà trường, giáo viên cũng đang lúng túng trong việc triển khai dạy môn tự chọn như thế nào, bố trí giáo viên ra sao.
Hiệu trưởng của một trường THPT tại Hà Nội cho rằng, việc đưa ra quá nhiều môn tự chọn, bản thân giáo viên, nhà trường còn bối rối nên phụ huynh và học sinh mơ hồ cũng không có gì lạ.
Một giờ học của cô và trò Trường THPT Chu Văn An (quận Tây Hồ, Hà Nội).
Hiệu trưởng này cũng chia sẻ lo lắng rằng, đội ngũ giáo viên nhà trường không đủ đáp ứng việc triển khai môn tự chọn. Vì vậy, để tổ chức dạy môn tự chọn cần phải sắp xếp giáo viên khéo kéo dựa vào tình hình thực tế đội ngũ của nhà trường. Bên cạnh đó, dựa vào đăng ký lựa chọn của học sinh, nhà trường sẽ có sự điều chỉnh cho phù hợp.
"Năm đầu tiên thực hiện chương trình mới chắc chắn sẽ có nhiều khó khăn nên việc bố trí giáo viên dạy các môn tổ hợp của trường cần liệu cơm gắp mắm", hiệu trưởng này cho hay.
Tại Trường THPT Phan Huy Chú (quận Đống Đa, Hà Nội) - trường tự chủ tài chính, việc cho học sinh chọn tổ hợp môn đã được nhà trường thực hiện từ nhiều năm học trước. Cô Lê Thị Hồng Hạnh, Tổ trưởng Tổ Ngữ Văn nhà trường cho biết, nhà trường đang chuẩn bị và sẵn sàng cho việc thực hiện chương trình 2018 với lớp 10 trong năm học 2022 - 2023.
Theo cô Hạnh, hiện tại nhà trường đã hoàn thiện chương trình dạy học, chờ học sinh đăng ký nguyện vọng tổ hợp môn tự chọn để sắp xếp đội ngũ.
Cho rằng việc chương trình mới có hàng trăm tổ hợp môn lực chọn là xu hướng tất yếu của giáo dục hiện đại, phát huy tốt năng lực của học sinh, song cô Hạnh nhìn nhận, việc này sẽ gây khó khăn với các trường công lập.
Bởi vốn dĩ số học sinh các trường công đông, học sinh chỉ học 1 buổi/ngày nên sẽ khó khăn cho các trường trong việc sắp xếp cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên cũng chưa được chuẩn bị để đáp ứng yêu cầu của chương trình mới.
Không thể ép học sinh
Trao đổi với phóng viên, ông Trần Bách Tùng, Hiệu trưởng trường THCS-THPT Thông Nguyên (Hà Giang) cho biết, để triển khai chương trình mới, các trường trên địa bàn tỉnh đang vướng mắc về đội ngũ. Hiện nay, hầu hết các trường đang thiếu giáo viên dạy môn nghệ thuật là Âm nhạc và Mỹ thuật. Đây là hai môn học rất mới của bậc THPT, các trường không có giáo viên dạy học môn này.
Theo ông Tùng, trường Thông Nguyên là trường gồm 2 cấp học nên việc bố trí giáo viên dạy 2 môn học này ở bậc THPT sẽ thuận lợi hơn so với các trường THPT. Một số trường đang đưa ra giải pháp huy động giáo viên ở một số trường THCS để dạy môn Âm nhạc và Mỹ thuật với lớp 10.
Theo khảo sát của nhà trường, hầu hết các em học sinh lớp 9 đều lựa chọn nhóm môn Khoa học xã hội, rất ít em chọn nhóm môn Khoa học tự nhiên. Ông Tùng bày tỏ băn khoăn về tình trạng thừa - thiếu giáo viên khi chương trình mới bắt đầu. Vì vậy, nhà trường dự kiến, nếu giáo viên dạy nhóm môn Khoa học tự nhiên tới đây ít giờ dạy thì sẽ được điều xuống dạy bậc THCS.
Tuy nhiên, theo ông Tùng, giải pháp căn bản nhất hiện nay là các trường phải làm tốt công tác định hướng cho học sinh, phụ huynh.
"Quyền lợi của học sinh là được lựa chọn các tổ hợp môn tự chọn. Thầy cô không thể ép các em không được chọn tổ hợp này hay tổ hợp kia. Thay vào đó là các trường THCS nên định hướng cho các trò lựa chọn môn học phù hợp với nghề nghiệp các em yêu thích sau khi tốt nghiệp THPT", ông Tùng cho biết.
Đồng quan điểm, ông Lưu Văn Xuân, Hiệu trưởng Trường THPT Ngô Sỹ Liên (Bắc Giang) cho rằng, nếu để học sinh lựa chọn tổ hợp môn theo tùy thích thì nhà trường không thể đáp ứng được. Vì vậy, thời điểm này, vai trò định hướng của các trường là rất quan trọng.
Để chuẩn bị thực hiện chương trình mới, Trường THPT Ngô Sỹ Liên đang rà soát cơ sở vật chất để bổ sung, mua sắm những danh mục còn thiếu. Bên cạnh đó, căn cứ vào nguồn giáo viên hiện có, nhà trường xây dựng phương án dạy học cho năm học tới với lớp 10.
Với việc tổ chức, phân phối các môn học như chương trình mới đưa ra với lớp 10 thì học sinh sẽ có đến 108 cách lựa chọn tổ hợp môn. Theo ông Xuân, việc bố trí giáo viên dạy các môn tự chọn sẽ là khó khăn chung với các trường THPT, bởi các thầy cô bộ môn cơ bản đã ổn định từ trước tới nay.
"Việc cần làm thời điểm này là định hướng cho học sinh lựa chọn nhóm môn học phù hợp với điều kiện đội ngũ của nhà trường để làm sao có thể bố trí tất cả các thầy cô đều có thể lên lớp mà không để thầy cô nào có thời gian trống. Đây không phải việc làm dễ dàng", ông Xuân nêu quan điểm.
Không chỉ băn khoăn về tổ hợp môn tự chọn, nhiều học sinh, phụ huynh và giáo viên đặt câu hỏi rằng, kỳ thi tốt nghiệp THPT tới đây sẽ thay đổi như thế nào trong bối cảnh chương trình mới có hàng trăm sự lựa chọn môn học và nhiều sách giáo khoa khác nhau.
Trước khi chương trình mới bắt đầu với lớp 10, những người trong cuộc đang mong chờ hướng dẫn cụ thể từ Bộ GDĐT để giải tỏa lo lắng, vướng mắc cho học sinh và nhà trường, chuẩn bị sẵn tâm thế thực hiện chương trình mới trong năm học tới.
Trắng đêm mua hồ sơ tuyển sinh lớp 1 trường tiếng tăm, phụ huynh coi chừng đẩy con vào 'nỗi khổ'! Những ngày qua dân mạng truyền tay nhau hình ảnh hàng dài phụ huynh đứng trước cổng trường Marie Curie (Hà Nội) để mua hồ sơ đăng ký cho con vào lớp 1. Năm nay trường Marie Curie chỉ phát hành 360 hồ sơ với 180 chỉ tiêu nên rất nhiều phụ huynh dù đến rất sớm cũng không mua được hồ sơ...