Phụ huynh nhà giàu chi ngàn đô cho “cục cưng” đi trại hè ở nước ngoài – Bỏ tiền ra có phí phạm?
Hè đến là nở rộ những chương trình trại hè trong và ngoài nước dành cho trẻ. Nhiều gia đình khá giả đã chi hàng ngàn đô cho con đi trại hè ở nước ngoài.
Chuyến đi “tập dượt” cho kế hoạch du học
Chỉ còn một vài tuần nữa là chính thức đến kỳ nghỉ hè của con trẻ. Thời điểm này, phụ huynh đã cấp tập tìm kiếm, chuẩn bị khóa học mùa hè cho con.
Học vẽ, học đàn, học múa, học ngoại ngữ, tham gia các trại hè… Trong số đó, có không ít gia đình khá giả đang có xu hướng cho con đi trại hè ở nước ngoài với giá dao động từ vài chục triệu đồng cho tới hàng trăm triệu đồng.
Chia sẻ với PV Phụ nữ Sức khỏe, chị Nguyễn Thị Thu Thủy, Quận Thanh Xuân, Hà Nội cho biết, hai năm nay, con lớn của chị đều đi trại hè tại Philippines. Mọi thông tin về trại hè này do con tự tìm hiểu, chọn lựa. Chi phí cho mỗi chuyến trại hè tại Philippines là 60 triệu đồng.
“Trước đó, con đã học online tiếng Anh với giáo viên người Philippines. Con rất thích giáo viên bản xứ vì sự kiên trì, khích lệ học viên có hứng thú học tập.
Vì thế, sau khi tìm hiểu, con đã quyết định chọn Philippines là điểm đến trong mùa hè. Con cũng xác định rõ rang đây là chuyến đi nhằm mục đích học tiếng Anh, mở mang tư duy, kiến thức nên tôi hoàn toàn yên tâm”, chị Thu Thủy nói.
Cho con đi trại hè ở nước ngoài là nhu cầu của nhiều gia đình khá giả. Ảnh minh họa.
Theo đánh giá của chị Thủy thì số tiền chị bỏ ra là xứng đáng đồng tiền bát gạo bởi sự thay đổi tích cực, khả năng tự lập của con sau chuyến đi. Hơn nữa, Philippines gần Việt Nam, là một quốc gia nói tiếng Anh tốt trên thế giới.
Chị cảm thấy hài lòng bởi sau hai năm tham gia trại hè, “trình” tiếng Anh của con đã tiến bộ vượt bậc, điểm IELTS đạt 6.5.
Mùa hè năm nay, chị Thủy cho con đi tiếp trại hè ở Mỹ bởi con có mong muốn được sang Mỹ du học. Đây sẽ là chuyến đi “tập dượt” cho kế hoạch du học trong tương lai.
Cẩn thận chi phí “ẩn”
Chị Trần Thị Dần, một phụ huynh từng gửi con đi trại hè tại Anh Quốc khi con mới hơn 13 tuổi cho biết, trước khi đi, con có vẻ “ngại” vì quen ở nhà với bố mẹ.
Tuy nhiên, sau khi hoàn thành khoá học về, con nói thích môi trường học ở nước ngoài và quyết tâm học tiếng Anh để làm hồ sơ du học.
“ Trại hè tại nước ngoài khác với trại hè trong nước là các con sẽ xa bố mẹ, sinh hoạt với các bạn mới trong một môi trường mới, cần sử dụng tiếng Anh thường xuyên. Đây sẽ là một cơ hội cho các con “thử” trở thành công dân toàn cầu trong khoảng thời gian ngắn từ 1 tuần đến 2 tháng, là bước đệm cho những gia đình có nhu cầu cho con đi du học“, chị Dần nhận định.
Phụ huynh cần tìm hiểu kỹ chất lượng trại hè quốc tế. Ảnh minh họa.
Lợi ích của việc đi trại hè ở nước ngoài không ai có thể phủ nhận.
Bản thân chị cũng phải thừa nhận thị trường nở rộ chương trình trại hè quốc tế do nhiều đơn vị tổ chức là sự thuận lợi cho những gia đình có nhu cầu cho con đi trại hè. Tuy nhiên, về chất lượng trại hè là rất khó kiểm định.
Vì thế, theo kinh nghiệm của chị thì ngoài việc dựa trên mong muốn của con, phụ huynh cũng nên cân nhắc “chọn mặt gửi vàng”.
Video đang HOT
“Theo mình, phụ huynh nên cân nhắc dựa trên các đặc điểm như công ty tư vấn làm hồ sơ có uy tín và kinh nghiệm hay không?
Thông tin trại hè có rõ ràng hay không? Bên cạnh đó là chi phí phù hợp với chương trình vì liên quan đến thời lượng học tiếng Anh nhiều hay ít, số lượng các chuyến đi dã ngoại trong chương trình hay điều kiện ăn ở như ký túc xá, khách sạn hay gia đình bản xứ.
Các công ty tư vấn uy tín thường có hợp đồng tư vấn rõ ràng, cụ thể cùng với chi tiết chi phí, không mập mờ và nhiều chi phí ẩn…”, chị Dần nhấn mạnh.
Bỏ tiền ra có phí phạm?
Nói về xu hướng cho con đi trại hè ở nước ngoài, Tiến sĩ Vũ Thu Hương, Khoa Giáo dục tiểu học, ĐH Sư phạm Hà Nội nhận định nếu các khóa học quốc tế nếu được thiết kế khoa học và hợp lý sẽ rất hữu ích cho trẻ.
Tuy nhiên, đi trại hè quốc tế là chuyến đi trải nghiệm không hề đơn giản với trẻ, đặc biệt là những đứa trẻ vốn đã quá quen được bố mẹ bao bọc, phục vụ từ những điều nhỏ nhặt.
Trong khi đó, với trại hè quốc tế, trẻ phải tự chăm sóc bản thân, tự lập 100%. Vì thế, phụ huynh hãy cân nhắc, lựa chọn và cùng con chuẩn bị thật kỹ trước chuyến xa nhà mà không có bố mẹ ở bên.
Nếu được chuẩn bị kỹ, trại hè quốc tế trở sẽ mở ra cánh cửa du học cho trẻ. Ảnh minh họa
Theo đó, ngoài việc chuẩn bị tâm lý cho cả phụ huynh lẫn học sinh, các con cần được trang bị kỹ năng sống xa nhà, thích nghi với sự khác lạ về phong tục tập quán, luật lệ ở nước sở tại và kỹ năng chi tiêu hợp lý.
“Nếu con thực sự thích thú thì trại hè quốc tế sẽ là bước đệm để con vững vàng hơn khi du học xa gia đình sau này.
Giá trị của chuyến đi này sẽ là rất lớn khi các con học được cách sống trong tập thể, tự mình lo cho bản thân và trau đồi vốn ngoại ngữ. Khi đó, đồng tiền cha mẹ bỏ ra là xứng đáng”, Tiến sĩ Thu Hương bày tỏ.
Tuy nhiên, nếu trẻ bất ngờ “bị” gửi đi trại hè quốc tế mà không có sự chuẩn bị kỹ về mặt tâm lý, kỹ năng thì chuyến đi sẽ trở thành “ác mộng” với chính đứa trẻ.
Thực tế cho thấy không phải phụ huynh, học sinh nào đánh giá trại hè ở nước ngoài có “màu hồng”. Có những đơn vị tổ chức trại hè theo kiểu “bình mới rượu cũ”, tức là như đi tour du lịch nhưng có thêm một số buổi học ngoại ngữ.
Học sinh vẫn được chăm sóc “tận răng”, lướt internet suốt ngày, thay vì có cơ hội giao lưu, học hỏi cùng bạn bè quốc tế, trải nghiệm cuộc sống cùng người bản xứ như quảng cáo.
Theo phụnusuckhoe
Nhận học bổng quá "khủng", 10X Việt được gọi là "nam sinh triệu đô"
Những trường ĐH "đình đám" như Stanford, Princeton, Dartmouth, Duke, Vanderbilt, Washington University in St. Louis, Davidson College, Colgate, Trinity và Yale-NUS đồng loạt gọi tên Trần Minh Thuận (18 tuổi) với tổng học bổng lên tới 1,3 triệu đô. Bạn bè chúc mừng và gọi Thuận là... nam sinh Việt "triệu đô".
Cậu học trò đa tài, đam mê môi trường
Minh Thuận (học sinh trường THPT quốc tế Concordia, Hà Nội) đã vừa tạo nên dấu ấn lớn khi là học sinh trường quốc tế hiếm hoi không chỉ trúng tuyển 10 trường đại học Mỹ danh tiếng mà còn được nhiều trường trong số đó mời gọi bằng học bổng "khủng".
Đó là học bổng 338.000 USD từ Đại học Duke kèm học bổng Karsh 21.000 USD để nghiên cứu; học bổng Cornelius Vanderbilt trị giá 204.000 USD Đại học Vanderbilt; học bổng John M. Belk trị giá 284.000 USD từ Đại học Davidson College; học bổng International Honors trị giá 104.000 USD từ Đại học Trinity.
Đại học Colgate cũng cấp cho Thuận học bổng Alumni Memorial (học bổng cao nhất) trị giá 188.000 USD.
Loạt trường đại học uy tín chào mời nhập học cùng lúc mang đến cho chàng trai con số học bổng đáng mơ ước lên tới 1,2 triệu đô (khoảng 28 tỷ đồng).
Trần Minh Thuận vừa trúng tuyển 10 đại học danh tiếng Mỹ, nhận tổng học bổng lên tới 1,2 triệu đô.
Trước khi vào cấp 3, Minh Thuận tham gia một trại hè ở trường ĐH Stanford (Mỹ) và vô cùng thích ngôi trường danh tiếng này. Bắt đầu nghĩ về việc đi du học Mỹ từ khi ấy, tuy nhiên sau một thời gian, Thuận đã đổi định hướng sang việc đi Canada vì tự nghĩ, Canada thì yên bình và bớt áp lực hơn.
Tuy nhiên đến cuối lớp 11, Thuận quay lại với việc nộp hồ sơ vào đại học Mỹ khi thấy các anh chị kể về việc học ở Mỹ tốt như thế nào. Phương châm của Thuận trong mọi mục tiêu là chăm chỉ học hành và làm những hoạt động mình thực sự thích.
Từ mùa hè năm 2018, Thuận trở nên đam mê với môi trường, nhất là khi môi trường của Hà Nội ngày càng ô nhiễm. Vậy nên, chàng trai dự định theo đuổi về ngành này ở bậc đại học, cùng với kinh tế để hiểu được hai yếu tố môi trường và kinh tế ảnh hưởng tới nhau như thế nào, đặc biệt ở Đông Nam Á.
"Em đặc biệt đam mê về môi trường. Một người em họ của em ở Bình Định đã mất, một phần vì bị tiếp xúc với chì và thuỷ ngân quá lâu dài do uống nước bẩn. Hệ thống lọc nước của Việt Nam còn chưa được tiên tiến như những nước phát triển nên cần phải chú trọng vấn đề này", Thuận chia sẻ.
Mỗi khi đi mua sắm, chàng trai không ngại mang túi của riêng em đi, cũng như khi đi uống cafe, Thuận sẽ mang riêng ống hút bằng gỗ để không phải sử dụng ống hút nhựa.
Năm 2018, Thuận tham gia nghiên cứu về nước ở sông hồ của Hà Nội - nồng độ thuỷ ngân, chì trong nước ở Đại học Bách Khoa Hà Nội vào mùa hè.
Minh Thuận miêu tả mình một người luôn luôn muốn học hỏi, kết nối. Em thích đọc sách, nói chuyện và kết bạn với những người có nền tảng khác mình để hiểu thêm về kinh nghiệm và kiến thức của họ.
Nam sinh Việt không ngừng cố gắng trau dồi bản thân bằng cách tham gia hoạt động trong nhiều mảng khác nhau ví dụ như chính trị, toán học, kịch, nhạc, hội hoạ...
Thuận từng 2 lần đoạt giải Toán quốc tế từ Đại Học Waterloo của Canada (lớp 10 và lớp 11), lọt top 25 thế giới và là cựu chủ tịch CLB Toán ở Trường Concordia.
Thuận là đồng sáng lập Concordia International Research Conference in Hanoi, hội thảo nghiên cứu quốc tế chỉ dành cho học sinh cấp 3. Tổ chức hướng đến việc đẩy học sinh cấp 3 tới việc nghiên cứu và tự tạo ra kiến thức cho thế giới.
Năng động, điển trai và hướng ngoại, Thuận còn sở hữu tài lẻ về âm nhạc, nghệ thuật. Em hát và chơi đàn ukulele ở dàn hợp xướng của Concordia; hát ở CLB Jazz Bình Minh vào những cuối tuần và viết nhạc cùng em gái để biểu diễn.
Nam sinh được chọn đi ngày hội AMIS International Honors Choir - một hội dành cho những bạn hát hay nhất hiện đang học trường quốc tế và thủ vai chính ở nhiều vở kịch tại trường (như vai Sherlock Holmes hay Romeo).
Không chỉ học giỏi, Thuận còn bộc lộ năng khiếu ca hát, nhiếp ảnh, hội họa, kịch...
Thuận tâm sự, em từng không tự tin về khả năng nói trước đám đông nhưng qua việc tham gia Tổ chức Hợp tác Thanh niên Việt Nam (VYCO) em bồi đắp được kỹ năng giao tiếp và phát triển sự tự tin, hiểu biết của bản thân.
Viết tiếp ước mơ từ nhà hàng của bố mẹ
Góp mặt vào rất nhiều hoạt động đa dạng nhưng Minh Thuận vẫn giữ được thành tích học tập xuất sắc. Em đạt điểm chuẩn hóa ACT: 35/36, TOEFL 117/120; SAT 2 Toán 800/800; SAT 2 Hoá 770/800; điểm trung bình GPA cao nhất khối (thủ khoa) và là thành viên của Hội Học sinh Danh dự ở Concordia.
Thuận học tốt Toán, em là cựu chủ tịch CLB Toán học ở trường cấp 3. Gia đình có một hàng ăn, mỗi ngày đi học hay hoạt động ngoại khóa về nhà, Minh Thuận lại cố gắng làm việc ở cửa hàng của bố mẹ trong vai trò kế toán để lấy thêm kinh nghiệm kinh doanh.
Chia sẻ câu chuyện về hành trình chinh phục 10 đại học danh tiếng của bản thân, Thuận nói rằng, em muốn hoàn thiện chân dung mình qua những hoạt động hướng đến cộng đồng, khai mở tri thức.
Thuận giữ vị trí Trưởng ban truyền thông SANSE - tổ chức phi chính phủ bán trà Bản Liền (Lào Cai) ở Hà Nội để dùng tiền lãi gửi các em lớp 9 ở Bản Liền đi học cấp 3 tại Trường THPT Bắc Hà.
Thuận và các bạn trong tổ chức SANSE trao quà cho em nhỏ ở Bản Liền (Lào Cai).
"Sở dĩ em yêu tổ chức SANSE là vì em rất đề cao tầm quan trọng của việc học. Bố mẹ em đã không được đi học đại học, nên họ cũng rất hỗ trợ em trong việc đi học và muốn em thực hiện trọn vẹn ước mơ của mình", Thuận nói.
Thế nên, Thuận muốn giúp những em nhỏ đi cấp 3. Nhóm thường đi lên Bản Liền để tạo một mối quan hệ thân thiết với trường học và các em ở Bản Liền. Thuận và các bạn mang sách vở, bánh kẹo lên dạy các em chơi đàn, học tiếng Anh, hát...
Ngoài ra, nhóm giúp gặt trà và mang những gói trà Bản Liền để mang về Hà Nội bán. Tất cả những tiền bán trà được dùng để trao học bổng cho các em ở Bản Liền.
Thuận cho rằng, em có một tiếng nói và câu chuyện riêng không trùng lặp với các bạn khác và em biết thể hiện điều này để nhà tuyển sinh các đại học Mỹ nhìn thấy.
Những ngày này, ngôi nhà của Thuận ngập tràn niềm hạnh phúc và những lời chúc mừng.
"Em cảm thấy ngạc nhiên vô cùng khi đã đỗ được những trường danh giá như vậy. Trên tất cả, em cảm thấy biết ơn những người giúp đỡ em như nhà trường, bạn bè và đặc biệt là bố mẹ, những người đã nâng đỡ giấc mơ du học của em từ cửa hàng phở", Thuận bộc bạch.
Thuận mong muốn nghiên cứu về lĩnh vực môi trường góp phần vì một Việt Nam xanh, sạch.
Nói về con trai mình, cô Phan Thúy Phương (mẹ Thuận) không giấu nổi niềm xúc động. Cô Phương tâm sự, Thuận có niềm đam mê về nghệ thuật (chụp ảnh, xem phim, ca nhạc) từ sớm.
"Thuận tình cảm, nồng hậu và chân thành. Con cũng hay chia sẻ những suy nghĩ, vướng mắc trong cuộc sống và học tập với mẹ và các bạn thân. Ham học hỏi, thích tìm hiểu, nghiên cứu, Thuận toàn thức khuya để học và đọc.
Để đạt được mục tiêu đỗ vào ngôi trường mơ ước, con đã nỗ lực rất lớn trong suốt mấy năm qua, bằng tất cả khả năng, lòng say mê và trách nhiệm", cô Thúy chia sẻ.
Các trường Thuận đỗ đều xếp hạng cao ở Mỹ và thế giới. Stanford đứng thứ 3 bảng xếp hạng đại học tốt nhất thế giới, Princeton giữ ngôi "quán quân" đại học quốc gia tốt nhất nước Mỹ. Dartmouth cũng là đại học nằm trong khối Ivy League (xếp hạng 12 đại học quốc gia Mỹ), Duke (xếp hạng 8 đại học quốc gia Mỹ) hay Davidson College (xếp thứ 10 đại học khai phóng của Mỹ)...
Khi được hỏi về lựa chọn giữa "mưa" học bổng, Minh Thuận nói, em đang phân vân giữa hai trường Stanford và Princeton. Dù chọn trường nào, Thuận vẫn muốn theo đuổi 2 ngành Statistical Science (thống kê) và Environmental Studies (môi trường học).
Về sau, em muốn quay lại quê hương Việt Nam và sử dụng khoa học dữ liệu (data science) để tạo một công ty về môi trường, có thể làm máy lọc mới bằng những phân tử nanocarbon (tuy nhiên cái này thì cần thêm nghiên cứu và tiền) hoặc làm cầu nối giữa các nhà đầu tư nước ngoài và chính phủ để gây dựng một nước Việt Nam sạch hơn, xanh hơn.
Lệ Thu
Theo Dân trí
Trường quốc tế Saigon Pearl giới thiệu Trại hè quốc tế Camp Asia Trường Quốc tế Saigon Pearl (ISSP) giới thiệu chương trình trại hè tiêu chuẩn quốc tế Camp Asia 2019 dành cho các bé từ 18 tháng đến 11 tuổi tại TP.HCM. Nhằm đem đến cho tất cả các bé một chương trình hè đạt chuẩn quốc tế cũng như sự yên tâm cho phụ huynh về một địa điểm trại hè độc đáo...