Phụ huynh làm kế hoạch nhỏ thay con
Cuối năm học, nghe trường thông báo phải làm kế hoạch nhỏ, nhiều phụ huynh ở Hà Nội đôn đáo chạy khắp nhà người quen xin giấy, sách báo cũ. Có người nhà chật, không tích trữ giấy báo cũ đành ra hàng đồng nát mua.
Nghe con trai học lớp 2 một trường tiểu học ở quận Hoàn Kiếm thông báo phải nộp 10 kg giấy vụn cho nhà trường để làm kế hoạch nhỏ, anh Hoàng Quân đi khắp nhà người quen để gom đủ số lượng. Đi xin mấy ngày anh mới thu được 7 kg.
Anh Quân cho biết, mỗi năm 2 học kỳ là hai lần con phải đóng giấy lộn, sách báo cũ làm kế hoạch nhỏ nên rất đau đầu. Nhà ở thành phố, không gian nhỏ, không có thói quen tích trữ sách báo cũ. “Cô giáo nói là việc đóng góp này không quan trọng, không chạy theo thành tích, nhưng nếu phụ huynh nào đóng dưới 10 kg là con bị phê bình. Cô không ghi vào sổ nhưng nhắc nhở cháu ở trước lớp”, anh kể.
Có lần con trai của anh Quân đi học về mặt buồn rười rượi, phụng phịu nói rằng cả lớp bị cô giáo phê bình vì đóng không đủ số lượng giấy, làm cho lớp không được đứng đầu bảng thành tích về phong trào kế hoạch nhỏ.
Video đang HOT
Đội viên thu gom giấy làm kế hoạch nhỏ. Ảnh: quangninh.gov.
Chị Thu Hà, có con học trường tiểu học ở quận Thanh Xuân cũng nhận được tin nhắn của nhà trường thông báo làm kế hoạch nhỏ. Con chị học lớp 1 phải đóng 3 kg giấy, còn các cháu khối lớn hơn thì đóng ít hơn một kg.
Làm truyền thông nên chị Hà thu gom báo, tạp chí ở cơ quan rồi mang đi đóng. Phụ huynh nào thu không đủ số lượng thì mua. Có lớp, hội trưởng hội cha mẹ học sinh còn chu đáo mang cả yến sách, báo cũ đến xem có học sinh nào không đóng đủ thì bù vào cho lớp đủ số cân giấy.
“Các cô giải thích là để rèn cho con tính tiết kiệm, bảo vệ môi trường, nhưng trên thực tế toàn là phụ huynh đi xin, đi mua để đóng cho các cháu. Các con không hiểu, phụ huynh cũng không quan tâm đến ý nghĩa của phong trào”, chị chia sẻ.
Theo nhiều phụ huynh, không thiếu gì cách để rèn cho học sinh tính tiết kiệm, bảo vệ môi trường. Nhà trường nên thông báo ngay từ đầu năm học, gom được bao nhiêu đóng bấy nhiêu và không áp đặt chỉ tiêu. Chị Tú, có con học trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (Cầu Giấy) chia sẻ, khi hỏi con trai nộp giấy vụn làm kế hoạch nhỏ có ý nghĩa gì thì cháu lắc đầu không biết, chỉ nói cô giáo thông báo thì phải đóng.
“Thay vì làm kế hoạch nhỏ bằng giấy báo, nên cho các cháu nuôi lợn tiết kiệm, hoặc dùng sách giáo khoa xong rồi chuyển lại cho nhà trường để góp lại, mang tặng những nơi khó khăn. Nói thật, từ thời mình đi học đã phải góp giấy vụn để làm kế hoạch nhỏ rồi, nhưng góp để làm gì và số tiền sau khi bán giấy vụn đó được dùng như thế nào thì chính mình cũng không biết”, chị nói.
Chị Đàm Lan, một phụ huynh lại cho rằng việc làm kế hoạch nhỏ cho con không tốn kém về kinh tế, không mất thời gian, không mấy công sức, đó là việc nhỏ nhưng có tác dụng lớn. Con gái chị mới học lớp 2 trường Tiểu học Nghĩa Đô (Cầu Giấy) nhưng cũng biết dồn sách vở đã học xong cho vào thùng, hoặc mẹ cất vào túi nylon để dành đóng cho kỳ sau. Theo chị, đó là rèn cho cháu biết dọn dẹp, ngăn nắp, biết thu dọn đồ không dùng nữa vào túi nylon gọn gàng.
Biết mỗi năm học con phải đóng sách báo cũ làm kế hoạch nhỏ 2 lần, nên thay vì bán đồng nát, chị Lan để dành sách báo cũ để cho con đóng góp. “Có lần con thích đóng nhiều hơn thì mình cũng vui vẻ. Chắc chắn không đến được ngưỡng tối đa nhưng cũng vượt qua được mức tối thiểu để cho con mình được thoải mái so với các bạn và không bị cô giáo nhắc nhở”, phụ huynh này chia sẻ.
Dưới góc độ của giáo viên, cô Tú An dạy lớp 5 than rằng rất áp lực mỗi khi phát động phong trào kế hoạch nhỏ. Cô phải nhắn phụ huynh đóng đúng tiến độ, đúng loại giấy, đủ cân nặng nhà trường yêu cầu. Nếu không đủ thì lại bị tổng phụ trách Đội nhắc nhở. Bản thân cô cũng là phụ huynh nên hiểu, học sinh tiểu học còn nhỏ, thấy cô giáo nhắc làm việc gì thì phải đòi bố mẹ làm cho bằng được, chứ đôi khi các cháu không hiểu được mục đích, ý nghĩa của việc làm đó.
Cô Tú An có cảm giác mỗi lần thực hiện kế hoạch nhỏ là một lần thi đua giữa phụ huynh, giáo viên, trở thành cuộc cạnh tranh giữa các trường. Nhiều trường còn đặt ra chỉ tiêu, mức đóng góp nhiều gấp mấy lần các trường khác. Trong chương trình sơ kết năm học của một trường tiểu học ở quận Hoàn Kiếm, ngoài 11 tấn giấy vụn thu được, trường còn trao danh hiệu kiện tướng kế hoạch nhỏ cho một số học sinh đạt từ 30 đến 90 kg, có em đạt danh hiệu đại kiện tướng từ 100 kg trở lên.
Theo cô giáo này, kế hoạch nhỏ là phong trào ra đời trong những năm đất nước còn chiến tranh, ý nghĩa ban đầu rất tích cực. Mục đích của phong trào là rèn luyện cho học sinh tính tiết kiệm, biết gom góp, biết bảo vệ môi trường, thêm được một phần quỹ cho hoạt động của Đội. “Nhưng ý nghĩa ban đầu dần vơi đi, giờ chỉ còn là phong trào thi đua hình thức. Mà cái gì là hình thức thì nên loại bỏ”, cô nói.
Kế hoạch nhỏ là phong trào của thiếu nhi Việt Nam ra đời năm 1958, do Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh tổ chức theo sáng kiến của thiếu nhi tỉnh Sơn Tây (cũ) và Hải Phòng, lấy kinh phí thu được để xây nhà máy nhựa thiếu niên tiền phong tại Hải Phòng. Phong trào được mở rộng trên toàn miền Bắc rồi cả nước sau ngày đất nước thống nhất.
Các hoạt động chủ yếu của phong trào là: thu gom giấy, phế liệu, tăng gia, trồng cây, nuôi gia cầm… để có kinh phí xây dựng các công trình có liên quan đến Đội, xây dựng cơ sở vật chất cho hoạt động của Đội, trao học bổng cho học sinh nghèo. Với số lượng hàng triệu đội viên, phong trào thu được nhiều kết quả, như xây dựng Khách sạn khăn quàng đỏ ở Hà Nội, dựng tượng đài và khu di tích kỷ niệm Kim Đồng, xây nhà tưởng niệm anh hùng liệt sĩ Võ Thị Sáu.
Theo VnExpress