Phụ huynh khó từ chối mua sách tham khảo, bài tập
“Khi trường đưa ra danh mục sách, bất kể nhiều hay ít, phụ huynh không có sự lựa chọn. Muốn con học bình thường, không bị soi mói, cha mẹ phải răm rắp làm theo”, chị Phương nói.
Thiếu thông tin về sách giáo khoa và đặt niềm tin tuyệt đối vào thầy cô khiến nhiều phụ huynh đáp ứng vô điều kiện những yêu cầu mua sắm sách vở từ nhà trường.
Các bậc cha mẹ cho rằng họ không thể từ chối hoặc thắc mắc với giáo viên về những danh mục sách mà trường đưa ra.
Sách giáo khoa kèm nhiều đầu sách tham khảo là vấn đề nan giải của ngành giáo dục hiện nay. Ảnh minh họa: Quỳnh Trang.
Sách bài tập bắt buộc là “luật bất thành văn”?
Bộ GD&ĐT thông tin mỗi bộ sách giáo khoa lớp 1 chỉ có 8 cuốn bắt buộc và 1 quyển tiếng Anh tự chọn. Thực tế, một số trường yêu cầu phụ huynh phải mua sách bài tập cho con kèm sách giáo khoa.
“Nói chỉ có 8 cuốn sách giáo khoa là bắt buộc nhưng nhà trường dùng sách bài tập để cho con làm bài. Phụ huynh không thể không mua. Không mua thì con làm bài tập vào đâu?”, chị Phương Lan, phụ huynh tại quận 10, TP.HCM, đặt câu hỏi.
Không phàn nàn về sách bài tập Toán, Tiếng Việt nhưng phụ huynh này băn khoăn sách bài tập các môn Âm nhạc, Đạo đức, Hoạt động trải nghiệm có thực sự cần thiết không?
Mỗi đầu sách giáo khoa đều đi kèm một sách bài tập. Ảnh: Phụ huynh cung cấp.
Nhiều giáo viên cũng thừa nhận, từ nhiều năm nay, họ dùng các cuốn sách bài tập đi kèm như sách giáo khoa bắt buộc.
Cô Đỗ Thị Hòe, giáo viên lớp 1 trường Marie Curie (Hà Nội), cho biết giáo viên ở trường cô đều yêu cầu phụ huynh mua sách bài tập đi kèm sách giáo khoa. Dù không nằm trong danh mục bắt buộc của bộ, sách bài tập là loại buộc phải có theo thực tế sử dụng.
Video đang HOT
“Thời gian đầu, học sinh lớp 1 chưa viết chữ. Các em không thể tự viết bài tập ra vở trắng. Sách bài tập đã in sẵn tiện lợi cho học sinh và đỡ mất thời gian cho giáo viên”, cô Hòe nói.
Tương tự, cô H.P., giáo viên lớp 1 tại TP.HCM, sử dụng sách bài tập cho học sinh từ nhiều năm nay.
“Thời gian mỗi tiết học có hạn, trẻ lớp 1 còn rất chậm, nếu hướng dẫn các con viết ra vở trắng để làm thì không đủ thời gian, nhất là với những trường chỉ dạy 1 buổi/ngày”, cô H.P. cho hay.
Cô Hòe cho rằng việc sử dụng sách bài tập cho các môn cần viết, làm bài nhiều như Toán, Tiếng Việt là chấp nhận được. Nếu môn nào cũng kèm sách bài tập, đó là áp lực cho phụ huynh.
Ông B., hiệu trưởng trường tiểu học tại TP.HCM, thừa nhận những môn như Toán, Tiếng Việt, học sinh cần có sách bài tập. Sách giáo khoa hiện nay không để chỗ cho học sinh viết trực tiếp. Các môn như Âm nhạc, Mỹ thuật, Thể dục thì không cần sách bài tập.
Trả lời câu hỏi khi sách bài tập được giáo viên yêu cầu mua để dùng, phụ huynh có từ chối được không, ông B. cho rằng cha mẹ vẫn có thể không mua. Nhưng thực tế, ông chưa thấy phụ huynh nào từ chối.
“Nếu phụ huynh không mua tức là đã biết năng lực con mình có thể tự viết bài tập ra vở trắng mà vẫn bắt kịp tốc độ của các bạn dùng sách in sẵn. Thực ra, với một số môn cần thiết, làm bài tập nhiều như Tiếng Việt, Toán, khi giáo viên giải thích cách dạy, phụ huynh đều đồng ý mua sách bài tập để tiện lợi hơn cho cả cô và trò”, vị hiệu trưởng này cho hay.
Đối với những loại sách dùng trong nhà trường, phụ huynh không có sự lựa chọn nào ngoài gợi ý của giáo viên. Ảnh minh họa: Hiền Đức.
Phụ huynh không có sự lựa chọn
Học sinh lớp 1 chưa đọc thông viết thạo, làm sao có thể đọc và hiểu những nội dung trong sách bổ trợ, tham khảo. Nếu có học những chủ đề giao thông, bạo lực học đường, trẻ cũng chỉ nghe hướng dẫn từ giáo viên.
Phụ huynh Nguyễn Hằng
Ngoài sách bài tập, trong danh mục sách lớp 1, nhiều đầu sách bổ trợ như Giáo dục An toàn giao thông, Giáo dục quyền và bổn phận trẻ em, Giáo dục phòng chống bạo lực học đường… cũng được các trường gợi ý cho phụ huynh. Dù biết hay không, phụ huynh vẫn phải mua theo sự giới thiệu của nhà trường.
Chị Nguyễn Hằng (quận 9, TP.HCM) cho biết năm ngoái, khi con chị học lớp 1, nhà trường cũng yêu cầu phụ huynh mua nhiều đầu sách tham khảo như trên. Nhưng đến khi lên lớp 2, trẻ vẫn không hiểu được những nội dung trong các sách này.
“Học sinh lớp 1 chưa đọc thông viết thạo, làm sao có thể đọc và hiểu những nội dung trong sách bổ trợ, tham khảo. Nếu có học những chủ đề giao thông, bạo lực học đường, trẻ cũng chỉ nghe hướng dẫn từ giáo viên. Bây giờ đã lên lớp 2, cầm cuốn sách về bạo lực học đường, con tôi vẫn không hiểu những hình vẽ minh họa trong sách là gì”, chị Hằng nói.
Dù vậy, phụ huynh vẫn mua đủ những đầu sách bổ trợ được nhà trường giới thiệu, vì không muốn con mình bị đối xử khác thường so với bạn bè. Theo chị Hằng, khi trường giới thiệu danh mục đồng nghĩa đây là những đầu sách bắt buộc học sinh phải có.
“Phụ huynh không có chuyên môn, không thể chất vấn giáo viên tại sao dùng sách này, tại sao phải mua sách kia. Có tự nguyện hay không, phụ huynh đều phải mua theo giới thiệu của trường”, chị Hằng giải thích.
Chị Phương (Bình Chánh, TP.HCM) có con học lớp 1 và 2 tại một trường tiểu học ở quận 7, cho biết chỉ vì chưa kịp mua sách Mỹ thuật l ớp 2 theo phương pháp Đan Mạch mà con của chị phải đứng vòng tay suốt tiết học.
“Khi trường đã đưa ra danh mục sách, bất kể nhiều hay ít, phụ huynh đều không có sự lựa chọn. Muốn con học hành bình thường, không bị soi mói, cha mẹ phải răm rắp làm theo. Vì thiếu sách do trường bán hết, nhà sách không có mà học sinh phải đứng khoanh tay. Nếu phụ huynh ý kiến, không mua, con mình còn bị đối xử thế nào nữa?”, chị Phương nói.
Cô Đỗ Thị Hòe cho biết trong suốt 12 năm đi dạy từ trường công đến tư thục, nữ giáo viên chưa từng thấy phụ huynh thắc mắc hay ý kiến với danh mục sách, vở, đồ dùng phải mua sắm cho con.
“Phụ huynh rất tin vào nhà trường và giáo viên. Khi trường đã giới thiệu, họ nghĩ cuốn sách cần thiết phải mua cho con. Hơn nữa, phụ huynh không có nhiều thông tin về các đầu sách nên không thắc mắc, hỏi lại giáo viên”, cô Hòe cho biết.
TS Hoàng Ngọc Vinh, thành viên Tổ tư vấn Ủy ban đổi mới Giáo dục – Đào tạo, cho rằng việc quảng bá danh mục sách tham khảo hay bổ trợ do hiệu trưởng và giáo viên giới thiệu dưới bất kỳ hình thức nào cũng thể hiện sự “gợi ý” hoặc “ép buộc” cha mẹ học sinh phải mua.
Sách giáo khoa cho năm học mới: Vừa thừa, vừa thiếu
Câu chuyện thiếu sách giáo khoa (SGK) nhiều môn lớp 6 hiện nay ở các nhà sách không khác gì so với tình trạng đỏ mắt tìm SGK lớp 2 của năm học trước, cũng thời điểm này. Điệp khúc nhà trường bán SGK kèm sách bổ trợ nhập nhèm, thiếu rõ ràng vẫn diễn ra ở một số nơi.
Ảnh minh họa.
Tại sao cùng một câu chuyện vẫn lặp đi lặp lại từ năm học này qua năm học khác trong khi việc bảo đảm đủ chỗ học, sách học cho học sinh là những yêu cầu cơ bản đặt ra đối với ngành giáo dục?
Đỏ mắt tìm mua sách
Có con bắt đầu vào cấp THCS, chị Lan Anh (quận Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết năm nay ảnh hưởng của dịch bệnh nên con nhập học muộn hơn so với mọi năm. Phải đến khi nhận lớp, trước khai giảng mấy hôm, nhà trường mới hướng dẫn danh sách các SGK, sách tham khảo cần mua để phục vụ cho việc học nên các bố mẹ lúc này mới bắt đầu đi mua sách. Tuy nhiên, một số cuốn đặc biệt khan hiếm như bộ 4 cuốn SGK tiếng Anh lớp 6 đã hết từ đầu tháng 9 tại nhiều cửa hàng sách lớn tại Hà Nội. Đáng chú ý, ngay cả các cửa hàng sách và thiết bị trường học thuộc hệ thống Nhà xuất bản giáo dục Việt Nam (NXBGDVN) - đơn vị phát hành sách này cũng không sót cuốn nào để mua.
"Năm học mới đã bắt đầu được 1 tuần nhưng nhiều học sinh trong lớp con gái tôi cũng chưa có đủ sách để học. Giải pháp tạm thời trong những ngày này được phụ huynh lớp tôi bàn nhau là photo cho các con học tạm và tiếp tục... lùng mua sách ở các địa chỉ khác nhau", chị Lan Anh cho biết.
Về phía NXBGDVN, đơn vị này thừa nhận: Trong vài ngày qua, có hiện tượng thiếu cục bộ một số đầu SGK lớp 6, tại một số cửa hàng thuộc hệ thống NXBGDVN ở khu vực Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.
Nguyên nhân là năm học 2020 - 2021, do ảnh hưởng của dịch bệnh nên nhu cầu mua sắm ở các địa phương có biến động so với mọi năm, giảm ở các vùng có dịch, tăng ở một số TP lớn. Việc mua sắm sách vở, đồ dùng học tập diễn ra chậm hơn mọi năm và dồn dập vào dịp sau khai giảng (so với mọi năm là trước khai giảng). Hiện đơn vị này đang gấp rút điều chuyển sách giữa các địa phương và khu vực, in bổ sung gấp để đáp ứng nhu cầu phát sinh để có đủ sách trong 1 - 2 ngày tới.
Trên thực tế, đây là năm học cuối cùng dùng SGK lớp 2 và lớp 6 theo chương trình hiện hành nên các nhà sách đều cân đối số lượng nhập về, tránh tồn đến năm sau. Tuy nhiên, do khối lớp 2 thường các trường đã thông báo danh sách SGK cần mua từ cuối năm ngoái trong khi học sinh lớp 6 là khối lớp đầu cấp, nhập học muộn nên mua sách muộn, dẫn đến hiện tượng khan hiếm sách ở một số địa phương.
Tuy nhiên, câu chuyện này không mới khi cả năm học 2018-2019 và 2019-2020, nhiều phụ huynh phải chạy đôn chạy đáo tìm mua sách cho con, nhất là các lớp đầu cấp mỗi khi năm học đã bắt đầu. Có ý kiến cho rằng nguyên nhân là do năm 2019-2020, Bộ GDĐT thay đổi SGK lớp 1 và các cấp khác kể từ các năm sau đó nên các nhà sách nhập cầm chừng. Song, ngay cả NXBGDVN là đơn vị cung ứng sách cũng... hết sách thì phụ huynh biết đi đâu để tìm mua sách? Trong khi trách nhiệm đáp ứng đủ nhu cầu SGK cho học sinh là việc năm nào cũng được Bộ GDĐT lưu ý song lịch sử cũ vẫn lặp lại? Trách nhiệm của các cơ quan quản lý ra sao khi 3 năm qua, cứ đến đầu năm học là lại thiếu SGK? Giải pháp nào để hiện tượng này chấm dứt ở các năm sau khi việc thay SGK của chương trình hiện hành bằng SGK của chương trình giáo dục phổ thông mới rất cần sự vào cuộc của các cơ quan chức năng.
Vẫn bán SGK kèm sách bổ trợ
Câu chuyện bán SGK kèm sách bổ trợ nhưng không hề ghi rõ đâu là sách bắt buộc theo chương trình của Bộ GDĐT, đâu là sách bổ trợ không bắt buộc phải mua của nhiều nhà trường vẫn tiếp diễn qua nhiều năm dù đầu năm học nào, Bộ GDĐT cũng có văn bản chỉ đạo về việc này.
Đơn cử, danh mục SGK của một số nhà trường ở Hà Nội đối với lớp 1 năm nay phát cho phụ huynh có giá lên tới 600 nghìn đồng tới 800 nghìn đồng khiến các bậc phụ huynh đều sốc. Bởi theo thông báo của Bộ GDĐT, giá các bộ SGK theo chương trình GDPT mới chỉ hơn 200 nghìn đồng. Như bộ sách "Cánh Diều" gồm 9 cuốn đã được Bộ Tài chính chấp thuận giá bán ở mức 199.000 đồng/bộ; Bộ sách "Kết nối tri thức với cuộc sống" gồm 10 cuốn có giá 179.000 đồng; Bộ sách "Chân trời sáng tạo" gồm 9 cuốn giá 186.000 đồng; Bộ sách "Cùng học để phát triển năng lực" gồm 10 cuốn giá 194.000 đồng; Bộ sách "Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục" có 9 cuốn, giá 189.000 đồng...
Kể cả khi các trường chọn các cuốn sách độc lập từ 5 bộ sách này thì giá cũng không thể đội lên gấp 3, 4 lần như vậy. Nhìn vào danh mục các sách nhà trường bán cho phụ huynh, có thể thấy bao gồm cả vở bài tập, sách tham khảo, các bộ dụng cụ học tập và vở viết... nhưng không hề được ghi cụ thể cái nào là bắt buộc, cái nào là tự chọn. Đó là chưa kể, nếu đăng ký mua ở trường, phụ huynh không được chọn mua cuốn này, bỏ cuốn kia mà phải mua nguyên bộ theo quy định. Nên dù có biết, phụ huynh cũng khó lòng từ chối nhà trường không mua trọn bộ sách vì tâm lý, có thể cô sẽ dạy đến cuốn này, lúc ấy biết đi đâu mà mua...
Phó Giám đốc Sở GDĐT Hà Nội Phạm Xuân Tiến nhấn mạnh, do đặc thù năm nay mỗi trường được quyền chọn cho mình một hoặc nhiều hơn một bộ SGK nên rất cần sự thống nhất với phụ huynh. Về mặt nguyên tắc, học sinh phải được trang bị đầy đủ SGK. Còn sách tham khảo, bổ trợ và một số loại khác thì căn cứ nhu cầu thực tế, đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh. Phụ huynh hoàn toàn có thể chỉ đăng ký mua SGK ở trường, còn sách tham khảo ra hiệu sách mua để cho con làm thêm vào cuối tuần, nhà trường tuyệt đối không được bắt phụ huynh mua cả sách tham khảo ở trường.
Không được ép học sinh mua sách tham khảo dưới mọi hình thức là điệp khúc nhiều năm nay từ các cơ quan quản lý giáo dục nhưng trên thực tế, hiện Bộ GDĐT cũng không có quy định nào yêu cầu NXB, các Sở GDĐT, các Phòng GDĐT phải tách riêng SGK và sách bổ trợ. Và các nhà trường, mỗi khi bị truyền thông phản ánh, lại có nghiêm túc kiểm điểm và rút kinh nghiệm nhưng đến năm sau, chuyện cũ vẫn xảy ra...
Sách tham khảo: Dù không bắt mua nhưng phụ huynh vẫn phải móc ví Ngay tuần đầu tiên của năm học mới 2020-2021, câu chuyện về bộ sách lớp 1 được bán trong các trường học trở thành chủ đề thu hút sự quan tâm của xã hội khi số tiền phụ huynh phải bỏ ra có nơi lên tới hơn 800 nghìn đồng mà trong đó, tiền sách giáo khoa (SGK) chỉ là phần nhỏ. Ảnh...