Phụ huynh học cùng con qua Ngày hội đọc sách
Với tiết học mở và ngày hội đọc sách, phụ huynh có dịp tham dự các hoạt động cùng con tại trường để hiểu về việc học hàng ngày của con em mình diễn ra như thế nào.
Phụ huynh tham dự tiết học cùng con – Bảo Châu
Từ ngày 26.10, tại TP.HCM, Trường tiểu học Đinh Tiên Hoàng (Quận 1, TP.HCM) sẽ bắt đầu tổ chức chuỗi các hoạt động Ngày hội đọc sách, tiết học mở “ Open House” dành cho học sinh và phụ huynh. Theo đó, lần đầu tiên, phụ huynh học sinh Trường tiểu học Đinh Tiên Hoàng được trực tiếp tham dự tiết học của con em để biết giáo viên và học sinh thực hiện việc học hàng ngày như thế nào.
Chị Hoàng Ngọc Khánh Vân, phụ huynh lớp 4 của trường, chia sẻ: “Hàng ngày, trong suy nghĩ của phụ huynh, giáo viên lên lớp là giảng kiến thức, hết tiết thì thôi. Nay có dịp tham dự sẽ thấy hết một tiết dạy của giáo viên tiểu học không chỉ là truyền đạt kiến thức đơn thuần mà còn phải thu hút, tạo hứng thú, sự tập trung vào bài giảng do học sinh ở lứa tuổi tiểu học khá hiếu động”.
Cô và trò cùng đọc sách – Bảo Châu
Trước đó, nhà trường cũng tổ chức Ngày hội đọc sách. Ở hoạt động này, nhà trường thiết kế thành nhiều trạm sách phù hợp cho từng khối lớp. Ở trạm dành cho khối 1, học sinh được tô vẽ tranh mô phỏng các câu chuyện, trạm dành cho các khối lớp lớn thì học sinh kể và viết cảm nhận…
Học sinh Hoàng Thùy Khanh, lớp 4, nói: “Con muốn nhà trường tổ chức nhiều hoạt động như hôm nay để chúng con học một cách thoải mái nhất ạ”
Còn phụ huynh Nguyễn Linh, lớp 1, chia sẻ: “Lúc đầu tôi thắc mắc học sinh lớp 1 chưa đọc rành thì các con tham gia ngày hội đọc sách thế nào. Tuy nhiên khi chứng kiến các bạn lớp 1 tham gia xếp tranh, tự kể chuyện theo nhóm và tự tin tham gia các hoạt động với giáo viên nước ngoài, tôi thấy phấn khởi vô cùng”.
Đọc sách theo nhóm – Bảo Châu
Video đang HOT
Nói về mục đích tổ chức ngày hội này, bà Trần Thị Thu Hương, Hiệu trưởng Trường tiểu học Đinh Tiên Hoàng, cho biết: “Đây là hoạt động giúp giáo viên chủ động đổi mới phương pháp giảng dạy, tạo cầu nối giữa nhà trường, giáo viên với phụ huynh để mục đích cuối cùng vẫn là nâng cao chất lượng giờ học của học sinh. Ngoài ra, ngày hội đọc sách còn giúp học sinh tích lũy vốn từ ngữ phong phú, phát triển đam mê đọc sách…”
Theo Thanh niên
Nghi con bị đánh, phụ huynh lắp camera quay lén giáo viên được không?
Con mách cha mẹ rằng mình bị đánh, phụ huynh không có chứng cứ để tố cáo với nhà trường. Lắp camera quay lén trong lớp là một giải pháp. Thế nhưng, việc làm này có đúng luật?
Những ngày qua, nhiều phụ huynh và giáo viên dậy sóng vì đoạn video ghi lại hình ảnh một giáo viên trường Tiểu học Phan Chu Trinh (TP.HCM) đánh, mắng học sinh. Video được cho là do phụ huynh lén đặt camera trong lớp học ghi lại.
Hành động của cô giáo sai hoàn toàn. Nhưng nhiều phụ huynh thắc mắc nếu nghi ngờ, họ có được quyền lén đặt camera để thu thập chứng cứ trong các lớp học không?
Lén đặt camera là vi phạm pháp luật
Theo thạc sĩ Lưu Đức Quang, giảng viên khoa Luật, ĐH Kinh tế - Luật (ĐH Quốc gia TP.HCM), việc phụ huynh bí mật đặt camera ghi lại hình ảnh trong lớp học là trái luật.
Thạc sĩ Lưu Đức Quang, giảng viên ĐH Kinh tế - Luật (ĐH Quốc gia TP.HCM). Ảnh: NVCC.
Cụ thể, khoản 1 điều 20 Hiến pháp năm 2013 quy định: Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm.
Khoản 1 điều 21 Hiến pháp 2013 nêu rõ: Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình. Thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình được pháp luật bảo đảm an toàn.
"Quyền riêng tư, bí mật cá nhân, quyền bất khả xâm phạm về danh dự, nhân phẩm là hiến định, quyền cơ bản nhất của con người và bất cứ ai cũng được pháp luật bảo vệ những quyền này. Quyền riêng tư, bí mật cá nhân được quy định cụ thể hơn là quyền đối với hình ảnh cá nhân trong Bộ luật Dân sự. Lén gắn camera để ghi lại hình ảnh của người khác là xâm phạm đến bí mật đời tư, quyền sử dụng hình ảnh của họ, đó là vi phạm pháp luật", thạc sĩ Quang nói.
Theo giảng viên ĐH Kinh tế - Luật (ĐH Quốc gia TP.HCM), muốn sử dụng hình ảnh của người khác thì phải xin phép, trừ trường hợp việc đó liên quan lợi ích quốc gia, công cộng, cộng đồng. Trường hợp này, phụ huynh gắn camera mà không có sự đồng ý của cô giáo và học sinh là trái pháp luật. Đầu tiên có thể thấy quyền đối với hình ảnh bị xâm phạm, danh dự, nhân phẩm của những người có mặt trong video không được bảo vệ.
Nhiều ý kiến cho rằng không gian lớp, trường học cũng là công cộng, pháp luật không cấm việc quay phim, chụp ảnh ở không gian công cộng. Nhưng theo thạc sĩ Quang, lớp học là không gian công cộng có giới hạn, không giống quảng trường, công viên, trạm xe.
"Không gian công cộng nhưng con người là riêng tư, cái pháp luật bảo vệ là quyền bí mật đời tư của các cá nhân. Chưa kể lớp học là không gian công cộng hạn chế, nó chỉ là công cộng đối với 50 học sinh và cô giáo chứ không phải dành cho cả xã hội. Do đó, việc đặt máy quay phim ở nơi mà không có sự đồng ý của những người liên quan là sai", giảng viên này giải thích.
Ở đây đặt ra vấn đề giữa quyền đối với hình ảnh cá nhân và quyền giám sát. Nhưng theo thạc sĩ Quang, phụ huynh dù thực hiện quyền giám sát cũng phải tôn trọng quyền riêng tư của cá nhân giáo viên và học sinh. Giáo viên và học sinh có quyền được biết có camera. Tương tự các khu phố, trung tâm thương mại có camera quay hình đều có biển thông báo, được xem như là cách hỏi ý kiến người đi qua khu vực đó.
"Trường hợp cô giáo ở trường Tiểu học Phan Chu Trinh, do hành động của cô là sai hoàn toàn, vì lợi ích của 50 học sinh, chúng ta có thể bỏ qua quyền đối với hình ảnh của cô giáo. Nhưng quyền đối với hình ảnh của 50 học sinh này lại không được đảm bảo", thạc sĩ Quang nói.
Nên gắn camera trong lớp hay không?
Câu chuyện phụ huynh phải lén đặt camera mới có được hình ảnh chứng minh cô giáo sai đặt ra vấn đề liệu có nên đưa camera vào lớp học như "mắt thần" của phụ huynh hay không?
Là người trực tiếp làm việc trong môi trường có camera, cô Nguyễn Hạnh, giáo viên mầm non tại quận Gò Vấp, TP.HCM, cho rằng việc bị quay hình trong lớp học vừa có lợi nhưng cũng vừa có hại.
"Nhiều khi vấn đề xảy ra, có hình ảnh, cô giáo không bị đổ lỗi oan. Ban giám hiệu cũng nhìn và đánh giá được năng lực nghề nghiệp của giáo viên một cách công bằng. Nhưng phụ huynh quan sát lớp con mình bằng camera lại hay can thiệp thái quá, đôi khi những việc rất nhỏ cũng gọi ngay cho cô giáo và ban giám hiệu. Bản thân mình không thích sinh hoạt của mình bị người khác nhìn", cô Hạnh nói.
Ban giám hiệu, phụ huynh có thể giám sát giáo viên qua camera khiến giáo viên cảm thấy áp lực. Ảnh: Báo Hòa Bình.
TS Phan Thị Thanh Tú, Trưởng khoa Giáo dục tiểu học, ĐH Sài Gòn, cũng cho rằng lắp camera trong lớp không phải giải pháp tốt ở bậc tiểu học. Ở bậc mầm non, khi trẻ còn quá nhỏ, không biết cách diễn đạt những vấn đề chúng gặp phải trên lớp, việc lắp camera là cần thiết. Nhưng, học sinh tiểu học đã có thể diễn đạt được đầy đủ những vấn đề đó.
"Việc lắp camera tạo áp lực rất lớn cho giáo viên. Người thầy không cảm thấy được tôn trọng. Phụ huynh nào cũng xem con mình là số một, việc dạy và học của giáo viên khi bị can thiệp quá sâu sẽ không hay", TS Tú nêu ý kiến.
Bà Tô Thụy Diễm Quyên, chuyên gia giáo dục toàn cầu của Microsoft, cho rằng việc lắp camera chỉ là giải pháp phần ngọn, không giải quyết được câu chuyện bạo hành về lâu về dài.
"Có camera, giáo viên không trực tiếp đánh học sinh mà có những thái độ, lời nói gây tổn thương cho trẻ. Khi đó, camera nào có thể ghi được đầy đủ? Hơn nữa, khi có camera, giáo viên cảm thấy e dè như đang bị rình mò, vô tình không có thêm sự sáng tạo, say sưa với nghề", bà Diễm Quyên nói.
Bộ luật Dân sự 2015 quy định về quyền hình ảnh cá nhân mỗi người như sau:
Điều 32. Quyền của cá nhân đối với hình ảnh
1. Cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình. Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý. Việc sử dụng hình ảnh của người khác vì mục đích thương mại thì phải trả thù lao cho người có hình ảnh, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
2. Việc sử dụng hình ảnh trong trường hợp sau đây không cần có sự đồng ý của người có hình ảnh hoặc người đại diện theo pháp luật của họ:
a) Hình ảnh được sử dụng vì lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng;
b) Hình ảnh được sử dụng từ các hoạt động công cộng, bao gồm hội nghị, hội thảo, hoạt động thi đấu thể thao, biểu diễn nghệ thuật và hoạt động công cộng khác mà không làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh.
3. Việc sử dụng hình ảnh mà vi phạm quy định tại điều này thì người có hình ảnh có quyền yêu cầu tòa án ra quyết định buộc người vi phạm, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải thu hồi, tiêu hủy, chấm dứt việc sử dụng hình ảnh, bồi thường thiệt hại và áp dụng các biện pháp xử lý khác theo quy định của pháp luật.
Theo Zing
Phụ huynh lớp 1 bức xúc vì trường Hùng Vương thu nhiều khoản Đầu năm học, phụ huynh có con học lớp 1 tại Trường tiểu học Hùng Vương (Hải Phòng) bức xúc, kiến nghị về nhiều khoản đóng góp, tổng cộng khoảng 6 triệu đồng. Ngày 6/10, phụ huynh có con học lớp 1 tại Trường tiểu học Hùng Vương (quận Hồng Bàng, Hải Phòng) bức xúc vì phải nộp nhiều khoản thu đầu năm...