Phụ huynh hoang mang chọn lựa hoạt động Hè cho trẻ
Việc các trung tâm hoạt động Hè với đủ loại hình “mọc lên như nấm” và chọn lựa thế nào để các hoạt động an toàn, phù hợp cho trẻ là mối quan tâm của rất nhiều phụ huynh.
Kỳ nghỉ Hè đang đến, các em học sinh háo hức những ngày vui chơi nghỉ dưỡng vui vẻ, còn ngược lại với các bậc phụ huynh thì lại tất bật tìm nơi để trông con trong thời gian dài này. Hiện nay, các hoạt động Hè với đủ loại hình “mọc lên như nấm” và việc lựa chọn các hoạt động an toàn, phù hợp cho trẻ là mối quan tâm của rất nhiều phụ huynh.
Phụ huynh hoa mắt tìm khóa học Hè cho con
Hôm nay, 1/6, hai con đã chính thức bước vào kỳ nghỉ Hè, nhưng anh Nguyễn Văn Công (phường Phan Chu Trinh, Hoàn Kiếm, Hà Nội) vẫn chưa chốt được sẽ cho con học Hè ở địa điểm nào.
“Tôi hay đi công tác dài ngày, còn vợ cũng phải đi làm, ông bà ở xa nên không thể để con ở nhà suốt mấy tháng Hè. Nhưng tìm khóa học Hè cho con cũng không đơn giản vì… quá nhiều lựa chọn, từ nội dung chương trình đến kinh phí, khiến tôi hoa mắt, chóng mặt,” anh Công chia sẻ.
Học sinh được nghỉ Hè nhưng bố mẹ vẫn phải đi làm, không có ai trông con. Vì thế, trong khi con háo hức chờ đợi những ngày vui chơi, nghỉ dưỡng thì các bậc phụ huynh thì lại tất bật tìm nơi để gửi con trong thời gian dài này. Nhiều phụ huynh cũng coi đây là dịp để giúp con có thêm các kiến thức, kỹ năng còn thiếu hụt trong chương trình đào tạo của các nhà trường.
Nắm bắt được nhu cầu này, ngay từ đầu tháng Năm, dù chưa tới kỳ nghỉ Hè, tại các cổng trường, trên mạng xã hội đã tràn ngập tờ rơi, thông tin quảng cáo về các lớp học, trung tâm đào tạo kỹ năng cho trẻ.
Nội dung chương trình học vô cùng phong phú, từ các lớp kỹ năng, năng khiếu múa, hát, nhạc, họa, đến “Học kỳ quân đội”, “Lớp đầu bếp online”, “Khóa tu mùa Hè, “Khóa học lãnh đạo trẻ”, “Công dân toàn cầu”… Để thu hút phụ huynh và và học sinh, nhiều trung tâm còn mua bản quyền các chương trình dạy kỹ năng sống của các nước phát triển như Mỹ, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc…
Các khóa học Hè không chỉ diễn ra trong nước mà còn được các trường, doanh nghiệp phối hợp đưa học sinh đi tham gia các trại hè ở nước ngoài, nhằm phục vụ nhu cầu của các học sinh có mong muốn nâng cao khả năng tiếng Anh, trải nghiệm môi trường quốc tế hoặc chuẩn bị cho việc đi du học sau này. Thời gian học linh hoạt, từ một vài tuần đến cả ba tháng Hè.
Kinh phí cho các các khóa học theo đó cũng có rất nhiều mức, từ vài triệu đồng đến hàng chục, thậm chí cả trăm triệu đồng.
Video đang HOT
Hình ảnh phụ huynh đón con đi học về tại một trung tâm ngoại ngữ. (Ảnh:PV/Vietnamplus)
Chất lượng của những trung tâm sinh hoạt Hè liệu có như kỳ vọng?
Giữa “ma trận” các khóa học Hè, việc cha mẹ tìm được cho con một lớp học phù hợp, có chất lượng đào tạo tốt là điều không đơn giản.
Theo anh Công, vì có quá nhiều chương trình và tất cả đều được quảng bá, giới thiệu với rất nhiều lời “có cánh” nên vợ chồng anh vẫn cân nhắc, đắn đo, không biết chọn ở đâu đảm bảo chất lượng, an toàn và bổ ích cho con. Theo anh Công, trước tiên phải đảm bảo con an toàn, khỏe mạnh, sau đó mới đến việc con học hỏi được điều gì.
“Năm ngoái, bạn tôi cho con học trại Hè ở một trung tâm có tiếng, nhưng sau đó dành bỏ dở vì điều kiện chăm sóc chưa đảm bảo. Các con ngủ trưa trong điều kiện nóng bức, ngột ngạt vì trong phòng mấy chục người mà chỉ có vài chiếc quạt. Trong các hoạt động ngoài trời, trung tâm thường xuyên yêu cầu các con chạy bộ, học võ tự vệ. Nhiều cháu vì không chịu được áp lực mà bị ốm, sốt,” anh Công kể.
Với các phụ huynh muốn tìm trại Hè quốc tế, sự băn khoăn, lo lắng còn lớn hơn nhiều. “Tôi đã tham khảo khá nhiều công ty tư vấn du học Hè. Mục đích cho con đi là muốn con trải nghiệm, học hỏi kỹ năng, chuẩn bị hồ sơ cho con sau này đi du học. Tuy nhiên, tôi không biết chất lượng chuyến đi có được như họ hứa hẹn không?,” anh Tuấn Minh (Phúc Tân, Hà Nội) nói.
Theo diễn giả Trần Đăng Khoa, Giám đốc TGM, hiện nay có khá nhiều trung tâm đào tạo khóa hè còn kém chất lượng, không có giáo trình được nghiên cứu mà cóp nhặt, chắp vá, nội dung và hình thức na ná nhau. Chương trình của các trung tâm này cũng không có đơn vị nào đứng ra kiểm định về chất lượng. Vì thế, theo ông Khoa, trước khi đăng ký khóa học Hè cho con, phụ huynh cần tìm hiểu kỹ về chương trình đào tạo, lựa chọn đơn vị tổ chức có uy tín.
Phụ huynh cũng nên căn cứ vào nhu cầu thực tế trẻ và cha mẹ để chọn chương trình học phù hợp, như để chống đuối nước thì cần học bơi, để rèn kỹ năng tự lập cho con có thể theo khoa học kỳ quân đội, để giúp con trau dồi đạo đức có thể học các khóa tu, để chuẩn bị cho con du học thì tham khảo các trại Hè quốc tế. Bên cạnh đó, cha mẹ cũng cần chú ý đến sở thích, sở trường của con để có sự lựa chọn nội dung học hợp lý.
Cha mẹ nên chọn lựa cho con một lớp học phù hợp, có chất lượng đào tạo được kiểm định. (Ảnh minh hoạ)
Việc đưa trẻ đến học các khóa kỹ năng dịp Hè là cần thiết, nhưng bậc phụ huynh không nên quá kỳ vọng ở trẻ sẽ có sự thay đổi lớn sau một thời gian ngắn mà chỉ nên xem đây là một trong những hình thức giúp các em vui chơi, giải trí, giải tỏa áp lực tâm lý trong dịp Hè.
Để mọi trẻ em đều có một mùa Hè an toàn, bổ ích điều quan trọng nhất là các bậc cha mẹ cần chú trọng nhiều hơn vào việc rèn luyện các thói quen tốt cho trẻ ngay từ trong gia đình, dành cho con một mùa Hè đáng nhớ bằng những chuyến đi nhiều kỷ niệm, hòa mình với thiên nhiên, chủ động chọn môn học yêu thích, phát triển những kỹ năng toàn diện cho trẻ./.
M. Hiếu – P. Mai
Theo Vietnamplus
Áp lực học hè vì phụ huynh sợ con kém cỏi
PGS Chu Cẩm Thơ cho hay sức nóng của những cuộc thi chuyển cấp, khóa học hè vì cha mẹ lo sợ con mình kém cỏi hoặc không cố gắng tự mình giáo dục con.
Nhiều trẻ em hiện không có kỳ nghỉ hè đúng nghĩa khi bị cuốn vào việc ôn thi chuyển cấp, học hè. Zing.vn giới thiệu bài viết của PGS Chu Cẩm Thơ, Phó trưởng Ban Nghiên cứu đánh giá Giáo dục, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, Bộ GD&ĐT, Nhà sáng lập POMath, về vấn đề này.
Cuối tháng năm tưởng là mùa nghỉ ngơi sau một năm học kết thúc. Hóa ra không phải, nóng của mùa hè cũng không bằng các hoạt động không nghỉ về học tập như thi chuyển cấp, thi tốt nghiệp, thi đại học và cả những khóa học hè.
PGS Chu Cẩm Thơ - Nhà sáng lập POMath.
Đi tìm nguyên nhân của sức nóng này, tôi thấy phụ huynh than họ sợ con mình kém, sợ con mình tụt lại so với các bạn nên phải cố bằng được để vào được một trường tốt, một nơi học tốt hoặc học thật nhiều để sau này sẽ giỏi giang.
Xin thưa, thực ra con chúng ta đâu kém, chúng ta cũng đâu khẳng định được việc học thật nhiều cho bây giờ sẽ tốt cho tương lai? Hiện tại chúng ta chỉ thấy lũ trẻ kém vô vàn thứ chỉ vì người lớn chúng ta đang kém.
Thứ nhất, người lớn có thái độ, lối sống kém. Ngoài xã hội, nhiều người không tuân thủ các quy định, thờ ơ vì nghĩ rằng nó hiển nhiên diễn ra như vượt đèn đỏ, uống thức uống có cồn, từ chối các hoạt động cộng đồng... Nề nếp của nhiều người lớn thuộc hạng "bét bảng". Nhiều người khó có được những hoạt động cần rèn luyện thể lực, sức khỏe, sống lành mạnh.
Từ đó con của chúng ta sẽ thiếu niềm tin vào cuộc sống. Trẻ sẽ nói sống tốt, giỏi để làm gì, để làm hài lòng cha mẹ hay chỉ là trang sức cho cuộc đời. Bởi sự thật người lớn dạy trẻ phải chăng chỉ là mưu mẹo, lừa dối.
Thứ hai, người lớn có hệ giá trị kém. Họ có tin những giá trị tốt đẹp không? Nhiều người không tin vào trung thực, bền bỉ, tận tâm hay hạnh phúc. Khi chúng ta nghèo nàn những giá trị tốt đẹp, làm sao chúng ta có thể để trẻ được thừa kế giàu sang?
Tôi có tham gia một cuộc tranh luận mới thấy rằng những người ở đó bị ám ảnh vì tiền. Họ cho rằng giá trị của số tiền là thước đo quan trọng, mặc dù chúng ta nhắc đến đạo đức, nhưng hành động thực sự lại bỏ mặc đạo đức một bên.
Thứ ba, nhiều người lớn có năng lực kém khi trẻ nhìn thấy họ có chuyên môn một đằng nhưng làm một nẻo. Có đứa trẻ hỏi tôi rằng: "Người lớn cứ bảo con phải học giỏi, có chuyên môn giỏi, nhưng con thấy người ta có sống bằng chuyên môn giỏi đâu". Có người có chuyên môn giỏi nhưng lại bỏ mặc nó. Vậy niềm tin nào cho sự giỏi giang mà ta sẽ rèn giũa cho tụi nhỏ đây?
Thứ tư, người lớn nghèo thời gian và lời hứa chắc nịch. Trong mẫu khảo sát của đồng nghiệp tôi với hơn 8.000 người, hầu hết cha mẹ sẵn tiền cho con đi chơi, đi ngoại khóa, mua sách, nhưng mà mấy khi đọc sách cho con, hướng dẫn con việc nhà, hướng dẫn con cư xử... Sự buông bỏ dễ dàng những điều đáng lẽ chỉ có cha mẹ mới làm tốt đã khiến người lớn thật sự xa cách, nghèo nàn với lũ trẻ.
Thứ năm, người lớn kém tạo cơ hội cho con mình. Nhiều người tin rằng sự đầu tư đầy đủ về vật chất và sự chăm nom chu đáo là tạo điều kiện tốt. Nhưng không phải, điều đó có thể đã tước đi cơ hội được sống trong bản năng khám phá của tụi nhỏ.
Tôi nhớ đến câu chuyện hôm qua của cậu bé bằng tuổi con tôi, mẹ cậu ấy nói rằng, khi đến thăm ngôi trường mới, đứa trẻ đã nói con thích học trường này. Vì ở đây con được nói, dù sai, còn trường cũ con phải nói cho đúng. Và có bao nhiêu người mẹ nhận ra, được sai là một khoản đầu tư để trở nên không kém.
Chúng ta, những người lớn sợ hãi sự kém cỏi, nghèo nàn vào thế hệ của con mình nhưng lại quên mất chúng ta nghèo, chúng ta kém thì ai lo? Huống hồ sự nghèo, kém đó còn được di truyền cơ học sang lũ trẻ. Điều đấy có đáng lo không, có đáng sợ không?
Theo Zing
Học sinh nghỉ hè, phụ huynh đau đầu tìm nơi gửi trẻ Đối lập với sự háo hức, mong chờ của hàng triệu học sinh về một kỳ nghỉ hè thú vị và đầy ý nghĩa là nỗi lo lắng, trăn trở đến mất ăn mất ngủ của các phụ huynh trong việc tìm nơi gửi trẻ. Hãy cho trẻ có một kỳ nghỉ hè bổ ích, gần gũi với thiên nhiên và đảm bảo...