Phụ huynh dọa cho con nghỉ học vì trường chưa có giấy phép
Đối thoại với lãnh đạo nhà trường Pascal (Hà Nội), phụ huynh yêu cầu trường phải có giấy phép hoạt động thì mới cho con tiếp tục theo học.
9h ngày 8/9, khoảng 100 phụ huynh (mỗi lớp đại diện 5 người) có mặt tại Trường Tiểu học – THCS Pascal (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) để dự buổi họp với lãnh đạo nhà trường sau sự cố đổ cát, gạch trong mấy ngày qua.
Bà Lê Bích Dung, Chủ tịch Hội đồng quản trị trường Pascal, cầm theo tờ bệnh án chứng minh sức khỏe không cho phép để gặp phụ huynh sớm hơn. Bà dành khoảng 45 phút phân tích về tính pháp lý của nhà trường trên lô đất TH1 thuộc khu đô thị Nam Cường (phường Cổ Nhuế 1, Bắc Từ Liêm).
Bà Lê Bích Dung có mặt tại buổi họp với tờ bệnh án. Ảnh: Gia Chính
Lắng nghe những gì bà Dung trình bày, một phụ huynh đứng dậy nói: “Chúng tôi không quan tâm tranh chấp kinh tế của nhà trường, trường phải có trách nhiệm đảm bảo an toàn cho học sinh theo học, phải có giấy phép hoạt động. Con tôi về nhà hỏi thế chúng con học chui à”.
Một phụ huynh khác cho biết con thường xuyên than phiền bị bạn bè trêu phải đi học nhờ trường khác. Người này yêu cầu nhà trường cam kết có thời hạn hoàn thành thủ tục xin giấy phép để bảo vệ quyền lợi học sinh, nếu không sẽ cho con nghỉ học.
Có con học tại trường Pascal từ ngày đầu thành lập, một phụ huynh đề nghị phải chuyển học sinh về lại trường cũ (vị trí trường Newton – lô TH2) vì “không thể cho con em mình đi học nhờ mãi”.
Trả lời phụ huynh, bà Lê Bích Dung nói: “Chúng tôi không thể cam kết người ta sẽ làm gì. Chúng tôi đã gửi đơn đến các cơ quan chức năng. Giấy phép chúng tôi chưa có là do hệ thống PCCC chưa hoàn thiện, khi nào có giấy phép PCCC trường sẽ có giấy phép hoạt động. Nhà trường mong muốn phụ huynh chia sẻ”.
Video đang HOT
Một phụ huynh đề nghị chuyển các con về lại trường cũ (vị trí trường Newton – lô TH2). Ảnh: Gia Chính
Tất cả phụ huynh có mặt đều không đồng tình với câu trả lời của lãnh đạo trường Pascal và cho rằng “việc có giấy phép PCCC hay không thuộc về trách nhiệm của nhà trường, trường phải có đủ trách nhiệm pháp lý”.
Cuối buổi họp, đại diện trường Pascal cho biết, các biện pháp khắc phục phải hết học 1 hoặc hết năm học mới có thể thực hiện. “Việc chuyển trường bây giờ là không khả thi vì bên trường Newton rất đông học sinh. Còn tôi luôn đứng về phía quyền lợi của học sinh”, bà Dung khẳng định.
Trước đó đêm 31/8, Công ty cổ phần phát triển giáo dục TDS (đơn vị cho trường Pascal thuê cơ sở vật chất) đã cho người đổ cát, gạch lấp toàn bộ sảnh A của trường khiến hoạt động khai giảng bị ảnh hưởng. Nhà trường phải tổ chức khai giảng nhờ cho hơn 1.100 học sinh ở trường Newton nằm kế bên.
Phó chủ tịch quận Bắc Từ Liêm, ông Lưu Ngọc Hà cho biết, quận chưa cấp giấy phép cho bất kỳ trường nào hoạt động trên lô đất TH1. “Sự việc xảy ra ở trường Pascal là do mâu thuẫn giữa các chủ đầu tư và phải được giải quyết theo quy định của pháp luật, không thể để ảnh hưởng môi trường giáo dục”, ông nói.
Ông Hà yêu cầu trường Pascal xây dựng phương án tổ chức dạy học trên khu đất TH2 (khu đất của trường Newton) đã được cấp phép, hoàn thành trước 15/9.
Gia Chính
Theo Vnexpress
Dạy trẻ chưa biết chữ trước bằng... dọa dẫm?
Nhiều phụ huynh có những trải nghiệm vô cùng "thương đau" với quyết định không cho con học chữ trước khi vào lớp 1. Đó không chỉ là áp lực từ người thân trong gia đình mà đáng sợ hơn chính là "thái độ" của giáo viên.
Làm đúng cũng phải khóc
Con bị cô giáo la rầy trong khi tập đọc, tập viết, bố mẹ bị nhắc nhở, yêu cầu phải kèm cặp thêm... là những trải nghiệm không ít phụ huynh đã gặp phải khi lựa chọn không cho con học chữ trước khi vào lớp 1. Không phải là phổ biến vì thực tế hiện nay, số trẻ không học chữ trước khi vào lớp 1 rất ít. Phụ huynh được xem là "cá biệt" khi trong lớp chỉ mình con họ không học chữ trước.
Một lớp học chữ trước khi vào lớp 1 ở TPHCM.
Chị Trần Lệ Thủy, nhà ở Q.7, TPHCM cho biết, trước đây chị đã được nếm "mùi vị" khi có con chưa hề học viết, học đọc trước khi vào lớp 1. Khó khăn vì con chưa học chữ trước trong khi cả lớp các bạn đã biết viết, biết đọc vần đã đành nhưng căng nhất là từ giáo viên. Vào học được vào hôm, đi học về là con chị khóc, kể chuyện bị cô giáo cho ngồi ở góc lớp, gõ vào tay và chê, dọa đủ thứ. Mỗi lần chị đón con là cô giáo lại gặp chị than phiền là cháu không biết gì hết trơn, chậm, không bắt kịp nhịp học trong lớp.
Chị cũng liều nói với cô mình thực hiện theo quy định của Bộ, không học chữ trước nên bé chậm hơn là bình thường. Thế nhưng, chị nhớ như in khi chỉ mới đến trường được 2 tuần, cô giáo đã thản nhiên đánh giá: "Cháu học kém" kèm theo lời cảnh báo, thế này thì bé rất dễ bị đúp lớp, ảnh hưởng đến cô, đến trường, đến quận.
Cuối năm đó, con chị Thủy vươn lên nằm trong top đầu nhưng từ những trải nghiệm không mấy vui vẻ đó và xét nhiều yếu tố, chị chuyển sang trường quốc tế. Người mẹ này nói: "Giáo dục kiểu dọa dẫm con trẻ ngay từ những ngày đầu đến trường thì hỏi các em sẽ yêu thích việc học như thế nào?".
Nhưng không phải ai cũng "cứng" như chị Thủy. Rất nhiều phụ huynh phải bật khóc trước áp lực từ giáo viên khi lựa chọn không cho con học chữ trước. Chị Phạm Nhọc Oanh, nhà P.3, Q. Bình Thạnh kể, ngày nào đi học con chị cũng bị la vì chưa biết viết chữ, mẹ thì bị cô gọi lên mắng vốn, nhắc nhở đủ kiểu, chị nghe chỉ biết gật. Dù biết quy định của ngành là không học chữ trước nhưng chị cũng không dám ý kiến lại.
"Cháu bị giao bài về nhiều nhất, giao theo kiểu cho những trẻ đã biết chữ. Về nhà, hai mẹ con tối nào cũng "đánh vật" để học chữ đến 10 giờ đêm. Nghĩ lại đến giờ tôi vẫn sợ, thấy thương con khi niềm vui đi học như mẹ tô vẽ không hề có", chị Oanh nói. Sau này, con chị vẫn theo kịp nhưng chị phải thừa nhận gian nan và căng thẳng cho cả mẹ lẫn con. Đến đứa sau, chị cũng dự tính cho theo bước anh trai nhưng bị gia đình phản đối nên cháu đã học chữ trước.
May rủi tùy giáo viên
Nhiều phụ huynh cũng có những trải nghiệm khác nhau tùy thuộc rất nhiều vào cô giáo. Chị Đoàn Ngọc Phương, nhà Linh Đông, Thủ Đức cho hay, hai đứa con chị đều không học chữ trước nhưng tình cảnh lại trái nhau hoàn toàn. Cháu đầu vượt qua khá nhẹ nhàng khi gặp cô giáo đồng tình với việc trẻ không cần phải học chữ trước. Cô tận tâm, kiên nhẫn, không nóng lòng với thành tích dù con chị thuận tay trái.
Tiếp thêm động lực, đứa thứ hai chị không cho học chữ trước dù thời điểm đó, việc phải học chữ trước như là hiển nhiên. Nhưng lần này, họ không gặp may, hai mẹ con "tiêu điều" khi cô giáo của con là tổ trưởng khối 1, cô nói thẳng: "Chị nghĩ sao mà không cho bé đi học trước". Và mấy tháng đầu, chị bị cô gọi nhiều nhất để nói đi nói lại về việc con chị không học chữ trước nên giờ khổ bao nhiêu người. Thậm chí, chị khóc trên đường sau khi cô giáo đề nghị chị lên lớp nhìn con mình viết.
Ngày đầu tiên đến trường của học sinh lớp 1 trở nên khó khăn hơn lúc nào hết vì việc học chữ trước hay không (ảnh minh họa)
Vấn đề từng được đặt ra, chương trình ở lớp 1 nặng, sĩ số đông nên giáo viên cực khó để có thể kèm cặp học sinh trong lớp chưa biết chữ theo kịp nội dung. Đối với lớp 1, việc để ổn định trật tự trong lớp đã là một bài toán không hề dễ dàng đối với giáo viên.
Bên cạnh đó, quản lý một trường học ở TPHCM đặt ra vấn đề, cũng cần xem lại cả chương trình học và phương pháp giảng dạy của lớp Lá (5 tuổi). Trong chương trình, phần Ngôn ngữ có nội dung "chuẩn bị cho học Đọc - Viết". Nếu không vững vàng và thực hiện đúng mục đích yêu cầu thì giáo viên mầm non có thể đơn giản hóa nội dung này bằng cách dạy các cháu rèn chữ, đánh vần. Đa phần phụ huynh không nắm vững và cùng hỗ trợ nội dung này. Tiếp nữa, giáo viên lớp 1 lại xem việc các cháu biết đọc, biết viết trước là đương nhiên trên nền tảng số đông. Điều này kéo theo vấn đề luẩn quẩn.
Trước thực trạng cô giáo gây áp lực đối với trẻ chưa biết chữ trước, nhiều năm gần đây, trước khi bước vào năm học mới, Sở GD-ĐT TPHCM đều không quên gửi văn bản cho tất cả các trường "nhắc nhở" và yêu cầu giáo viên không được phân biệt học sinh biết và chưa biết chữ. Ngành cũng nhấn mạnh, thời gian đầu tập trung vào việc hướng dẫn học sinh làm quen với lớp trước khi vào chương trình.
Đây là thời điểm cực kỳ quan trọng hình thành tâm lý đối với việc học của trẻ, lãnh đạo Sở GD-ĐT TPHCM lưu ý giáo viên tuyệt đối không dọa nạt, to tiếng làm học sinh sợ hãi và cần thường xuyên trao đổi hợp tác với cha mẹ học sinh về những trường hợp trẻ có biểu hiện sợ sệt, khóc nhè..., giúp học sinh tự tin và thích đi học.
Tuy nhiên, nhắc là nhắc, không ít giáo viên nghe rồi để đó và gây căng thẳng với phụ huynh, với trẻ không học chữ trước với đủ lý do. Chính điều này góp phần làm cho việc con trẻ vào lớp 1 của nhiều gia đình lẽ ra nhẹ nhàng, vui vẻ lại trở nên áp lực, căng thẳng.
Nghịch lý không thể chấp nhận nổi đang tồn tại là trẻ vào lớp 1 để bắt đầu học chữ, học viết lại phải biết chữ trước. Đã đến lúc tất cả mọi người cùng phải nghiêm túc nhìn lại, khắc phục để con trẻ không bị áp lực không đáng có ngay từ những ngày đầu đi học.
Hoài Nam
Theo Dân trí
Gửi nhầm tin nhắn cho phụ huynh, cô giáo Mỹ mất việc Tin nhắn lăng mạ nam sinh tự kỷ khiến mẹ em sốc với thái độ của cô giáo. Insider ngày 9/5 đưa tin, một giáo viên vừa bị sa thải khỏi trường học ở Texas (Mỹ) sau khi nhắn tin nhầm cho phụ huynh, sử dụng ngôn ngữ thô tục để than phiền về con trai mắc chứng tự kỷ của họ. Mẹ...