Phụ huynh đề nghị đặc cách cấp bằng THCS cho học sinh trường múa
Phụ huynh đề nghị cấp bằng trung cấp chuyên nghiệp cho học sinh đã hoặc sắp tốt nghiệp. Họ cũng mong muốn những em đang học tại trường có mã định danh.
Trao đổi với Zing sau khi nhận tin Bộ GD&ĐT cho phép Học viện Múa Việt Nam in phôi bằng và in bằng tốt nghiệp theo quy định hiện hành, ông Hoàng Mạnh Cường, phụ huynh có con đã tốt nghiệp, cho biết ông tương đối hài lòng về cách xử lý này.
Về vấn đề học sinh không được cấp bằng THCS và THPT, theo ông Cường, việc cấp mã định danh cho những em đã tốt nghiệp hoặc sắp ra trường là điều bất khả thi. Với tấm bằng trung cấp chuyên nghiệp, học sinh cũng có thể học tiếp lên bậc cao hơn hoặc đi làm.
Phụ huynh vẫn hy vọng những học sinh đang học ở trường múa sẽ được đặc cách cấp bằng THCS.Ảnh: Học viện Múa Việt Nam.
Bà Lưu Thị Thu Lan, phụ huynh có con vào trường từ năm 2017, đánh giá quyết định của hai bộ “tạm thời vá lỗi” cho những học sinh đã học xong.
Tuy nhiên, một số phụ huynh vẫn phân vân, không biết với những em đang theo học tại trường, bộ sẽ có phương án xử lý như thế nào.
“Trong cuộc họp ngày 1/4, đại diện trường cho biết hướng là kết hợp với trung tâm GDTX, cho học sinh học và thi theo chương trình này. Đây là cách làm đúng luật nhưng tôi không biết trường áp dụng từ khóa nào”, ông Cường thắc mắc.
Cùng băn khoăn, bà Thu Lan cho rằng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cũng như Học viện Múa Việt Nam, chưa đưa ra phương án giải quyết rõ ràng cho những học sinh đang học tại trường. Bà hy vọng nhân dịp này, bộ giải quyết dứt điểm, tránh trường hợp một vài năm sau, phụ huynh lại phải đấu tranh để con được cấp bằng.
Video đang HOT
Nữ phụ huynh hy vọng học sinh đang học tại Học viện Múa Việt Nam được cấp mã định danh ngay lập tức, đặc cách cấp bằng THCS hệ bổ túc cho những em đã hoàn thành chương trình THCS. Sau đó, học sinh có thể học tiếp chương trình THPT.
Bà Thu Lan đưa ra đề nghị như vậy vì lo lắng lúc con mình học xong, trình độ văn hóa của con là chưa tốt nghiệp THCS. Bà nói thêm gia đình định hướng cho con du học vì với chuyên ngành Ballet cổ điển, việc đào tạo 6 năm là chưa đủ. Nếu muốn du học, con bà cần đến bằng cấp, chứng nhận để có thể xin học bổng.
Về việc tại sao từ đầu không nắm thông tin học sinh Học viện Múa Việt Nam không được cấp bằng THCS, THPT, phụ huynh thừa nhận một phần lỗi do họ chưa tìm hiểu kỹ. Tuy nhiên, nhà trường cũng có trách nhiệm khi không thông tin rõ ràng.
Ông Hoàng Mạnh Cường cho rằng lẽ ra, trường phải thông báo rõ đây là môi trường đặc thù, học văn hóa và cấp bằng khác với trường khác. Như vậy, phụ huynh sẽ lưu ý để hỏi lại kỹ hơn.
“Trường không nói rõ ràng nên tôi không nắm được thông tin học sinh học xong không có bằng THCS, THPT”, bà Thu Lan nêu ý kiến tương tự.
Người này nói thêm thời gian qua, khi biết không được cấp bằng, tâm lý của con bà chịu ảnh hưởng lớn. May mắn, bà cũng trong nghề nên thường xuyên động viên để con yên tâm học tiếp. Giáo viên cũng trò chuyện để học sinh không quá lo lắng.
Tuy nhiên, nhiều em, đặc biệt những em sống xa gia đình, tâm lý không vững, đã buông lơi, dẫn đến trốn học hoặc bỏ dở việc học. Vì thế, một lần nữa, bà Lan mong Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sớm có hướng giải quyết cho học sinh nhập học từ năm 2017 trở lại đây.
Phụ huynh trường Múa kêu cứu: Không thể giải quyết theo từng sự vụ
Dù Bộ GD-ĐT đã kịp thời tháo gỡ phần nào vướng mắc liên quan tới vụ 325 phụ huynh Học viện Múa Việt Nam kêu cứu, nhưng cả phụ huynh lẫn cơ quan chức năng nhận thấy bản chất của vấn đề vẫn chưa được giải quyết.
Phụ huynh Học viện Múa VN vẫn bất an với cách giải quyết hiện nay - QUÝ HIÊN
Hoạt động đào tạo trong các lĩnh vực đặc thù hiện vẫn chưa có các căn cứ pháp lý đảm bảo.
Phụ huynh vẫn bất an
Liên quan tới vụ 325 phụ huynh Học viện Múa VN (gọi tắt là Trường Múa) kêu cứu, sau khi nhiều báo đồng loạt lên tiếng, các bộ liên quan đã có những động thái xử lý kịp thời. Chỉ sau khi nhận được công văn của Bộ VH-TT-DL mấy tiếng đồng hồ, chiều tối 1.4, Bộ GD-ĐT đã có Công văn số 1261/BGDĐT- GDTrH trả lời Bộ VH-TT-DL về việc tháo gỡ vướng mắc trong công tác đào tạo và cấp bằng tốt nghiệp trung cấp chuyên nghiệp cho học sinh (HS) Trường Múa. Bộ GD-ĐT đồng ý để Trường Múa được in phôi bằng và in bằng tốt nghiệp trung cấp chuyên nghiệp cho những trường hợp đã hoàn thành đầy đủ chương trình theo quy định.
Tuy nhiên, công văn không đề cập việc giải quyết thế nào về vấn đề cấp bằng THCS và bằng tốt nghiệp THPT cho HS, mà chỉ cho phép Trường Múa được cấp giấy chứng nhận hoàn thành khối lượng kiến thức văn hóa THPT cho những em đã hoàn thành chương trình (mà Bộ GD-ĐT đã quy định).
Trao đổi với báo chí, nhiều phụ huynh cho biết dù Bộ GD-ĐT nhanh chóng "tháo gỡ" nhưng không giải tỏa được hết nỗi lo của họ. Rốt cuộc, 273 HS Trường Múa vẫn sẽ không có bằng tốt nghiệp THCS, THPT. Ngoài ra, hàng chục HS khác đang học cũng sẽ đối diện với nguy cơ này khi học xong.
Bà Phạm Thị Thanh Thủy, một phụ huynh, e ngại về giá trị pháp lý của bằng trung cấp chuyên nghiệp mà Trường Múa cấp. Đặc biệt, các văn bằng cốt lõi xác định trình độ học vấn một người công dân cần có khi vào đời là bằng tốt nghiệp THCS, bằng tốt nghiệp THPT, thì các HS Trường Múa vẫn sẽ không được cấp.
Trong đó, quan trọng nhất là HS cần phải có bằng tốt nghiệp THCS. Bởi dẫu có được xác nhận đã học hết chương trình THPT, HS muốn dự thi kỳ thi tốt nghiệp THPT, điều kiện cứng về hồ sơ là các em phải có bằng tốt nghiệp THCS. Hệ lụy lâu dài khi HS không có bằng tốt nghiệp THCS là không thể lường hết được. "Sau này, HS sẽ khốn đốn vô cùng vì không thể giải thích được hết với các cơ quan chức năng khi gặp vấn đề liên quan", bà Thủy nói.
Cần giải quyết vấn đề tận gốc
Ông Lê Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Đào tạo (Bộ VH-TT-DL), cho biết vụ việc liên quan tới đơn kêu cứu của 325 phụ huynh Trường Múa về cơ bản đã được giải quyết. Với bằng trung cấp chuyên nghiệp mà HS sẽ được cấp, các em sẽ được quyền học tiếp chuyên ngành phù hợp trong hệ thống đào tạo ngành văn hóa - nghệ thuật. Còn vướng mắc về bằng tốt nghiệp THCS, THPT thì nằm ngoài phạm vi xử lý của Trường Múa, cũng như của Bộ VH-TT-DL. "Cái này là lỗi của trường khi tuyển sinh đã không truyền thông đầy đủ tới phụ huynh HS, khiến các phụ huynh ngộ nhận. Khi theo học các chương trình đào tạo đặc thù, HS chỉ có thể tiếp tục học cao hơn trong lĩnh vực chuyên môn đặc thù. Còn muốn rẽ sang các ngành khác thì HS phải tự bổ túc thêm các kiến thức văn hóa để đủ điều kiện đầu vào các ngành khác đó", ông Tuấn nói.
Ông Tuấn cũng cho biết những rắc rối như vừa qua ở Trường Múa xuất phát từ tính đặc thù trong đào tạo nghệ thuật - thể thao mà các cơ quan chức năng dù đã làm việc với nhau rất nhiều nhưng vẫn chưa đưa ra được giải pháp. Có rất nhiều yếu tố mà cần phải xét đến yếu tố đặc thù. Chẳng hạn như về số năm đào tạo, trường nghệ thuật - thể thao không thể chỉ đơn giản đào tạo gói gọn trong khung chương trình 1 - 2 năm với trung cấp, 2 - 3 năm với cao đẳng.
Hoặc đầu vào tuyển sinh của các trường này không thể đợi đến khi HS 15 - 18 tuổi, có bằng tốt nghiệp THCS hay THPT rồi mới tuyển. Do đó, các em bắt buộc phải học văn hóa song hành cùng với chuyên môn, mà trong đó, phần chuyên môn rất nặng (mỗi ngày tập luyện 6 - 7 tiếng). "Do đó, cần phải có chương trình văn hóa phù hợp với các em chứ yêu cầu các em phải học văn hóa như HS trường phổ thông bình thường là đòi hỏi quá cao", ông Tuấn chia sẻ.
Để giải quyết khúc mắc về đòi hỏi học văn hóa hiện nay với HS trường nghệ thuật, nhiều trường đã giải quyết bằng cách để các em tự lo phần học văn hóa ở bên ngoài, trường chỉ dạy chuyên môn. Nhưng nếu chỉ chú trọng chất lượng đào tạo chuyên môn, HS sẽ không thể theo nổi do không sắp xếp được lịch học phù hợp. Còn nếu nương theo điều kiện HS, chất lượng đào tạo chuyên môn không được ưu tiên. Nếu trường vừa dạy văn hóa vừa dạy chuyên môn, thì sẽ gặp khúc mắc như Trường Múa vừa rồi.
Theo ông Tuấn, hiện Bộ VH-TT-DL đang chủ trì soạn thảo văn bản quy định về đào tạo đặc thù trong lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật - thể thao. "Đó là cách giải quyết căn cơ, để không thể chạy theo từng sự vụ như vừa làm với trường hợp Học viện Múa VN. Vì Bộ VH-TT-DL có tới 15 trường nghệ thuật - thể thao, toàn quốc có khoảng 60 trường", ông Tuấn nói.
HS phải học bổ sung đủ khối lượng kiến thức đã được quy định
Trao đổi với Báo Thanh Niên sáng 2.4, ông Nguyễn Hữu Độ, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, giải thích, sở dĩ Công văn số 1261 của Bộ GD-ĐT không đề cập phương án giải quyết như thế nào với hàng trăm HS Trường Múa không có bằng tốt nghiệp THCS, THPT là bởi Bộ VH-TT-DL không đặt ra vấn đề này. Trước lo lắng của phụ huynh Trường Múa, ông Độ góp ý, phụ huynh nên đề xuất với Trường Múa, Trường Múa kiến nghị lên Bộ VH-TT-DL, Bộ VH-TT-DL làm việc với Bộ GD-ĐT, từ đó Bộ GD-ĐT mới có thể cho ý kiến.
Theo ông Độ, vấn đề này có thể giải quyết theo hướng rà soát, xem xét khối lượng kiến thức văn hóa mà HS Trường Múa đã được học (theo đề án đào tạo của Trường Múa mà Bộ VH-TT-DL đã phê duyệt thông qua Quyết định 92/2004/QĐ-BVHTT ngày 1.10.2004).
"Đây là một chương trình tích hợp nên không tương đương với chương trình phổ thông. Muốn xét tốt nghiệp THCS, các em phải được học bổ sung đủ khối lượng kiến thức đã được quy định thì mới được đưa vào diện xét cấp bằng. Cho nên phải rà soát xem chương trình học của các em, trên cơ sở đó mới làm việc với phòng GD-DT để tổ chức xét được", ông Độ cho biết, rồi nói thêm: "Với HS có nhu cầu được cấp bằng tốt nghiệp THPT cũng vậy, các em phải được học đủ khối lượng kiến thức chương trình THPT, phải tham gia kỳ thi tốt nghiệp chung với HS THPT của cả nước để được cấp bằng".
325 phụ huynh trường Múa kêu cứu: Bất an vì 'tháo gỡ' xong học sinh vẫn '2 không' Mặc dù Bộ GD-ĐT đã có văn bản cho phép Học viện Múa Việt Nam tự in phôi bằng và cấp bù bằng tốt nghiệp trung cấp chuyên nghiệp cho học sinh nhưng nhiều phụ huynh vẫn bày tỏ nỗi lo vì con họ vẫn "2 không". Học sinh Học viện Múa Việt Nam trả lời phỏng vấn các nhà báo - ẢNH...