Phụ huynh đã biết sợ thành tích?
Đừng lấy “con điểm” làm thước đo năng lực của con cái; đừng chạy điểm, xin điểm, quà cáp, đổi chác, mua điểm, tạo “tiền đề dối trá” cho con mình vào đời.
LTS: Bệnh thành tích trong giáo dục đã trở nên báo động. Điều này khiến chính những phụ huynh cũng cần nhìn lại để hướng đến một nền giáo dục dạy thật – học thật – thành tích thật.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết của thầy Sơn Quang Huyến về vấn đề này.
Vợ chồng Tr. làm kinh doanh, ở thành phố, cả tuần có khi không ăn được bữa cơm chung cả nhà; việc học tập của cu Tũn đều giao hết cho cô giúp việc, gia sư và …nhà trường.
Có dịp đón con gặp cô chủ nhiệm, lễ tết, Tr. đều gửi quà biếu cô. Tr. bảo, em là “phụ huynh của năm”, luôn quan tâm đến sự nghiệp giáo dục. Tũn (tên gọi thân mật ở nhà) năm nào, kì nào cũng nhận được giấy khen, vợ chồng Tr. yên tâm lắm.
Vừa rồi, đọc báo thấy 42/43 học sinh giỏi trong một lớp, người ta nói “điểm ảo”. Tr. lo lắm, nhờ giáo viên uy tín “khảo sát chất lượng” con trai; cô giáo phỏng vấn, kiểm tra kĩ năng đọc, đọc hiểu, viết, tính toán… phán Tũn chưa… “đạt chuẩn”!
Những hệ lụy nghiêm trọng của căn bệnh thành tích trong giáo dục (Ảnh minh họa: Báo Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh).
Mọi giấy khen của Tũn, trước đây Tr. khoe trên Facebook như một niềm tự hào, đều được xóa sạch, Tr sợ mấy cái giấy khen lắm rồi.
Đã đến lúc phụ huynh phải “biết sợ” trước “thành tích ảo” của con mình. Những con điểm không đánh giá đúng năng lực của con mình, thực chất đang làm chúng ta ngộ nhận, say sưa trong men chiến thắng, chết lúc nào không hay.
Khi người học, người dạy chạy theo điểm số tất yếu sẽ dẫn đến hiện tượng tiêu cực, mua, bán điểm; xin, cho điểm.
Video đang HOT
Học sinh phải có điểm cao bằng mọi giá, nên học tủ, quay cóp, gian lận; để có kết quả bộ môn cao, giáo viên nâng điểm, cấy điểm; phân công học sinh làm nhiệm vụ “tỏa sáng” cho bạn chép bài, đảm bảo cả lớp cùng đạt điểm cao.
Chuyện những giáo viên “gà bài” kiểm tra ở lớp học thêm; phân biệt đối xử, trù dập, dồn ép học sinh không đi học thêm, không phải là cá biệt.
Năng lực học tập tốt, có thể đạt điểm cao; điểm cao chưa chắc do học tốt. Đừng lấy “con điểm” làm thước đo năng lực của con cái; đừng chạy điểm, xin điểm, quà cáp, đổi chác, mua điểm, tạo “tiền đề dối trá” cho con mình vào đời.
Làm sao hạn chế được nạn điểm ảo?
Những ngôi trường, giáo viên mà “Khen cho nó chết”, ngôi trường không tốt, giáo viên không tốt. Đầu tiên phải bắt đầu từ phụ huynh; phụ huynh phải hiểu được con mình “dốt” mà được khen, khen đó là “Khen cho nó chết”.
Khi phụ huynh không có cầu “điểm ảo”, tự dưng “cung điểm ảo” sẽ mất dần.
Về phía nhà trường, cần có “hệ thống giám sát chất lượng” khách quan. Đề kiểm tra phải bám sát chuẩn kiến thức, kĩ năng.
Nếu đề trắc nghiệm cần có nhiều đề, đảo đề, ít nhất mỗi lớp có 6 đề khác nhau; thời gian kiểm tra, cố gắng sắp xếp được lịch kiểm tra đồng loạt, tránh lộ đề.
Giáo viên lớp này, chấm học sinh lớp khác. Vào điểm trên Vnedu, không giao cho giáo viên bộ môn, tránh cấy, sạ, nâng, sửa. Vào điểm xong, trả bài lại cho giáo viên, trả bài cho học sinh.
Đánh giá giáo viên, tuyệt đối không dựa vào chất lượng bộ môn. Nếu còn đánh giá chất lượng giáo viên dựa vào chất lượng bộ môn, điểm tổng kết chắc chắn “ảo tung chảo”.
Với giáo viên chủ nhiệm, cũng vậy, không đánh giá chất lượng dựa trên hai mặt giáo dục của lớp. Nếu cứ dựa vào điểm học sinh, “buộc” giáo viên chủ nhiệm phải “xin điểm” cho học trò. Xin qua, xin lại, dễ người, dễ mình, điểm học trò lại “lên mây”.
Dạy học, hướng đến sự phát triển năng lực cá nhân của học sinh, truyền cảm hứng cho học sinh tự học và sáng tạo.
Giaó viên, phụ huynh cần tôn trọng những giá trị khác biệt của học trò, đánh giá học trò dựa vào sự tiến bộ so với chính chúng, chứ đừng so sánh với “con nhà người ta”.
Giáo dục phải đi vào thực chất mới đáp ứng được yêu cầu đào tạo những con người thực sự có năng lực, phẩm chất, vừa hồng vừa chuyên; đáp ứng yêu cầu phát triển xã hội ngày càng cao trong thời đại 4.0 hiện nay.
Đã đến lúc cả xã hội cần chung tay “xử lý” vấn nạn chất lượng ảo, cuối mỗi năm học, cuối mỗi kì thi không còn “mưa điểm mười”, “mưa giấy khen”, “vỡ quỹ khuyến học”.
Trả lại thật thà, đừng gieo dối trá; chỉ riêng ngành giáo dục khó có thể làm được, cần sự chung tay đóng góp của cả xã hội.
Sơn Quang Huyến
Theo giaoduc.net
Cô giáo than thở: Khi học sinh giỏi vẫn ỉ ôi xin điểm
Một đồng nghiệp của tôi từng ca thán rằng cuối năm học là mùa xin điểm. Muôn kiểu xin điểm từ học sinh, phụ huynh và giáo viên là muôn mặt tiêu cực khiến căn bệnh thành tích trong giáo dục ngày càng khó chữa.
Ảnh minh họa
Báo chí thường đề cập đến việc sửa điểm, nâng điểm, "gieo sạ" điểm số trong nhà trường nhằm đạt chỉ tiêu đăng ký đầu năm. Báo chí cũng từng vạch trần hệ lụy khôn lường của việc sửa điểm để học sinh hoàn thành chương trình, có học bạ đẹp, đủ điều kiện xét tuyển vào các trường tốp trên...
Có những trường hợp đã sớm "ra dấu" từ phụ huynh, được chủ nhiệm "đánh dấu" nhờ vả. Nhưng đa phần bắt đầu rục rịch xin điểm từ khi điểm thi được công bố, điểm trung bình được cập nhật. Nhiều nhất vẫn là những em học sinh có điểm cận giỏi, khá, trung bình thường được giáo viên chủ nhiệm chủ động gặp gỡ giáo viên bộ môn để xin điểm.
Là một giáo viên, hẳn là ai cũng đã từng đối diện với những lần nhờ vả "xem lại điểm của em ấy giúp anh/chị". Khi thì học sinh thiếu phẩy lẻ để đạt danh hiệu Khá, Giỏi, khi học sinh thiếu chút xíu nữa là đủ điểm trung bình, lúc khác lại cần điểm bộ môn cao để đẩy phẩy tổng kết nhất trường nhằm xét danh hiệu học sinh toàn diện.
Ngạc nhiên hơn cả là có lần tôi được nhờ cậy nâng điểm cho một học sinh mà khi xem xét điểm số thì em ấy đã đạt 8,1 môn Ngữ văn. Đó là cậu lớp trưởng có sức học khá, ý thức học tập tốt. Kiến thức bộ môn được em nắm rất chắc, cách hành văn trôi chảy cùng chữ viết tròn trịa nên việc đạt điểm giỏi môn Văn là điều dễ hiểu.
Nhưng lạ là mẹ em cũng là một đồng nghiệp cùng trường với tôi lại nhắn tin cho tôi đề nghị nâng điểm cho con trai mình. Và tôi thật sự bất ngờ trước lí do xin điểm của mẹ em: điểm trung bình học kỳ một môn Văn của em đạt 8,3, giờ rớt xuống 8,1 thấp hơn nên "sợ bạn bè cười". Hóa ra, học sinh giỏi cũng ỉ ôi xin điểm...
Sau một lời nhờ vả là một con điểm bị sửa kéo theo học lực của một cá nhân thay đổi, thành tích của một lớp học được cải thiện. Chính vì lẽ đó mà cứ mỗi dịp cuối năm lại xôn xao chuyện điểm số và càng lớp cuối cấp lại càng chộn rộn xin điểm.
Có những người thầy nghiêm khắc kiên quyết chối từ lời nhờ vả của giáo viên chủ nhiệm và phụ huynh. Nhưng cũng có một vài giáo viên xiêu lòng, dễ dãi trong "xin - cho" nên nhanh chóng sửa điểm. Như một đồng nghiệp của tôi từng nói: "Điểm số trong tay, có mất mát gì đâu mà không sửa?", "Nghĩ đi nghĩ lại thì được vẫn nhiều hơn mất mà"...
Cái "được" theo điểm nhìn của người đó chính là giúp trò đạt được danh hiệu Khá, Giỏi sau một năm học phấn đấu, giúp trò lên lớp an toàn khỏi vướng vào ôn tập thi lại trong hè. Cái "được" ở đây còn là được lòng của giáo viên chủ nhiệm và được tiếng với phụ huynh học sinh ư?
Vậy còn sự ngộ nhận của học sinh về năng lực của bản thân, sự hoang mang của phụ huynh về sức học thật của con, sự trăn trở của những người thầy chân chính về kiểm tra và đánh giá thực chất, sự hoài nghi cùng đả kích của dư luận về căn bệnh thành tích trong giáo dục?
Lời giải nào cho bài toán nan giải ấy chắn chắn không chỉ dựa vào sự nỗ lực của một vài cá nhân. Nó cần sự đổi thay tích cực và chuyển động mạnh mẽ của cả một hệ thống giáo dục!
Đến bao giờ sau mùa xin điểm sẽ chấm dứt? Câu hỏi ấy vần còn mơ hồ...
Nguyễn Thùy
Theo Dân trí
Ý kiến giáo viên: Còn chuộng thành tích, còn "xin điểm" Tôi có những đồng nghiệp thường xuyên tắt điện thoại mỗi mùa thi, có những người thẳng thừng từ chối chuyện sửa điểm, nâng điểm. Nhưng đổi lại là lời dèm pha "không biết thương trò", "điểm số trong tay mà không biết tận dụng", "nâng cho trò một vài điểm có chết ai đâu"... Ảnh minh họa Dõi theo tâm sự của...