Phụ huynh “cuồng” con qua điểm số
Xem điểm số của con là niềm tự hào của mình, là câu chuyện để khoe với mọi người; con bị điểm thấp như là nỗi nhục.. Theo đó, có không ít đứa trẻ chỉ được bố mẹ “cuồng” qua điểm số.
Cậu học trò lớp 10 một ngôi trường nổi tiếng TPHCM từ hôm biết điểm thi học kỳ thì bỏ hết mọi gặp gỡ, vui chơi, chỉ lên thư viện ngồi… để tránh mặt phố mẹ, tránh hết những cuộc gặp của gia đình. Hai điểm 8 trong kết quả điểm thi trở thành gánh nặng vô hình với cậu học trò. Từ nhỏ, bối cảnh gia đình toàn những người thành đạt về mặt học vấn, cậu đã quen với việc điểm 10 là hiển nhiên.
Trong mọi cuộc họp mặt gia đình người thân, dù là gặp cuối năm, đầu năm để chúc Tết, mừng thọ nhưng chưa lúc nào mọi người quên đề cập, tranh luận, khen thưởng và cả so sánh điểm số, thành tích của con cháu. Cuộc họp cuối năm nay của gia đình, cậu dự định từ chối và không ngờ mẹ gật đầu ngay: Điểm thấp ở nhà, đi cho mọi người cười bố mẹ!
Những đứa trẻ được bố mẹ yêu bằng điểm số như cậu học trò trên không hề là “của hiếm”. Có những học sinh vừa ngại, vừa ngượng, đỡ không nổi những màn khoe con của bố mẹ khi đạt điểm cao, thành tích tốt. Từ khoe trên mạng, khoe người thân, khoe với những ông bố mà mẹ có con điểm thấp hơn… Tình yêu, ánh mắt họ rạng ngời, xuýt xoa dành cho những con số, những tờ giấy khen thưởng của con.
Trong rất nhiều gia đình, những tờ giấy khen, chứng nhận của con luôn được in ép, đóng khung cẩn thận, treo ở phòng khách nơi bắt mắt nhất, có nhà hết chỗ còn dùng giấy khen để lót dưới bàn kính cho tiện nhìn…
Khách đến nhà, kể cả chưa từng biết, từng nhớ mặt mũi đứa trẻ ra làm sao nhưng đã được nhiều phụ huynh nhiệt tình giới thiệu giấy khen, thành tích, kỷ niệm chương… với vẻ tự hào, chất chứa. Trước hình ảnh quá quen thuộc này, một chuyên gia giáo dục ở TPHCM đã từng phải thốt lên sao phụ huynh yêu con, sao không yêu thương trẻ ở từng ánh mắt, từng cử chỉ, từng lời nói, nỗi niềm buồn vui… mà chỉ chăm chăm yêu ở qua những con số, tờ giấy.
Điểm số, thành tích của con trẻ qua cách ứng xử của bố mẹ như thể một “món nợ” đối với con trẻ. Có em học trò, năm trước giành giải Nhất học sinh giỏi quốc gia, cả nhà đi rình rang cùng đi nhận giải thưởng, bố mẹ… miệt mài khoe kết quả của con đến tận mùa thi năm sau chưa ngớt.
Video đang HOT
Rồi năm nay, khi em đạt giải Khuyến khích, sự im lặng của bố mẹ ám ảnh cậu học trò. Bố mẹ im thin thít không nói chuyện với cậu, né tránh mọi người… Hôm dự lễ khen thưởng, người đi cùng cậu là cô giúp việc. Cô hồn nhiên kể với mọi người, giải lẹt đẹt, ông bà xấu hổ, chẳng thiết tha gì nên giao cô đi thay.
Nhiều lắm, những đứa trẻ nếu bị điểm thấp như trở thành “tội phạm” trong mắt bố mẹ. Có đó, những cô cậu bất chấp sự an toàn, bỏ nhà đi chỉ vì không đạt điểm 9, điểm 10; có đó những em học sinh vứt hẳn lòng tự trọng, quỳ sụp dưới chân thầy cô để xin sửa điểm khi không dám đối diện với bố mẹ. Cách ứng xử của các em chịu tác động từ chính thái độ của bố mẹ với điểm số, thành tích.
Bức tranh “Lại điểm 2″ nổi tiếng vẫn nguyên nỗi ám ảnh, sợ hãi vì điểm số của học trò chúng ta ngày nay
Học trò của chúng ta ở thế kỷ 21 vẫn không khác cậu bé trong bức tranh nổi tiếng “Lại điểm 2″ của F.P.Reshetnikov, Nga gần 70 năm trước là bao. Cậu bé đạt điểm 2 trở về nhà không dám nhìn ai – chào đón cậu là ánh mắt câm lặng, nghiêm khắc của người mẹ, là cái nghiêng đầu trách móc và có chút tinh vi của chị gái đội viên gương mẫu, cậu em nhỏ chưa đi học nhìn anh “đau khổ” mà khoái chí… Cậu học trò còn không dám quay đầu đón nhận sự chào đón, cảm thông từ chú chó thân quen..
Có những đứa con từ nhỏ đã phải sống trong niềm tự hào, kỳ vọng điểm số của bố mẹ. Lớn hơn, những đứa trẻ ấy tiếp tục phải gồng gánh “nuôi” niềm tự hào của bố mẹ bằng lương bao nhiêu, thu nhập thế nào, nhà cửa ra làm sao, địa vị, danh vọng…
Bố mẹ cho trẻ quyền được điểm thấp, được thất bại, được sai để thấy mình cần cố gắng, cần khắc phục. Hãy đón con trở về chứ không phải đón điểm số, tiền tài, danh vọng. Hãy yêu thương đứa trẻ trước hết vì con chính là con. Để những đứa trẻ không phải diễn, không phải “đeo mặt nạ” với chính bố mẹ… Trong giáo dục, bố mẹ cần tạo động lực cho con học tập chứ không phải gây áp lực cho con để chờ hái điểm ngọt!
Hoài Nam
Theo Dân trí
Bạn đọc viết: Điểm thi, giấy khen và nỗi buồn trẻ con
Điểm 7 Toán lớp 2 của con gái tôi khiến cả nhà rào rào phản ứng. Mẹ trách bố không chịu kèm cặp con kỹ càng. Con gái lấy cớ ăn vạ, trách bố suốt ngày xem điện thoại, làm con bị điểm kém. Anh trai thì chê em gái "học gà". Vậy là con gái buồn rầu, mếu máo, mắt rơm rớm muốn khóc vì tủi thân.
Ảnh minh họa
Tôi sắp đi họp phụ huynh cho con gái học lớp 2. Trước đó một tuần, mấy phụ huynh gần nhà đã kháo nhau điểm thi học kỳ của các con. Con gái khoe bạn T. thi được 2 điểm 10. Tôi sốt ruột tra tìm điểm trên điện thoại nhưng không thấy. Tôi sang nhà một chị có con học cùng lớp con tôi, chị nói biết điểm mấy ngày nay, tra tìm trên máy tính dễ dàng hơn trên điện thoại. Về nhà, tôi mở máy tính và xem đi xem lại phiếu đánh giá cả học kỳ của con. Con được 8 điểm môn tiếng Việt, 7 điểm môn Toán. Tôi buồn bã chừng 5-10 phút, cố lục lại trong đầu quá trình cùng học bài, cùng ôn tập với con xem mình lơ là, bỏ sót bài tập nào không. Tôi nhớ ngay ra việc con gái hay nhầm lẫn bài toán đố dạng nhiều hơn, ít hơn và chỉ cần câu hỏi lắt léo một chút là con tính nhầm.
Điểm 7 Toán của con khiến cả nhà rào rào phản ứng. Mẹ trách bố không chịu kèm cặp con kỹ càng. Con gái lấy cớ ăn vạ, trách bố suốt ngày xem điện thoại, làm con bị điểm kém. Anh trai chê em gái "học gà", anh kể hồi cấp 1 anh chưa bao giờ bị điểm 7 Toán. Vậy là con gái buồn rầu, mếu máo, mắt rơm rớm muốn khóc vì tủi thân. Tôi giở vở con xem, chữ con viết cẩu thả quá! Con gái đúng là chưa chăm học, chỉ thích chơi và xem ti vi.
Sáng đi làm, tôi trò chuyện cùng chị bạn đồng nghiệp. Chị có chung suy nghĩ như tôi khi các con học hành sa sút. Tôi buồn chuyện con gái lớp 2 thi học kỳ mà chỉ đạt điểm 7 môn Toán. Chị kể chuyện con trai lớp 9 tổng kết môn Văn chỉ được 6,2. Chị lo ngay ngáy vì con sắp thi vào cấp ba. Mấy ngày nghỉ lễ đầu năm, cô giáo giao bài tập về nhà, con không làm, cô nhắn tin khiến chị đau đầu. Chị hỏi con: "Con trả lời ngắn gọn thôi, con thích học hay thích chơi?". Con trai chị trả lời: "Con thích cả hai". Con nói, có nhiều bài tập khó, con không hiểu, không làm được bài...
Mỗi lần các con bị điểm kém, vợ chồng tôi cũng hay nói: "Thôi, con học kém thế này hay về quê với bà, làm ruộng, chăn trâu...". Con tôi giãy nảy, hứa hẹn sẽ chăm học hơn nhưng đâu vẫn đóng đấy. Đúng là không thể thờ ơ với việc học hành của các con. Tôi đùa với mấy anh chị xung quanh, trước dùng Facebook thành thần mà giờ phải cai hẳn để học với con, chỉ giục giã, hò hét chẳng ăn thua. Ít nhất tôi phải học cùng con hết cấp 1. Xong việc học với con lớn thì giờ lại tiếp kế hoạch học cùng con bé, mỗi đứa con một cách hướng dẫn, động viên và hy vọng khác nhau.
Con gái sức khỏe kém, tháng nào cũng phải nghỉ ốm 1-2 ngày. Tôi không thể ép con học nhiều mà chỉ kèm con vui học là chính. Chắc chắn là tôi phải dành thời gian kèm cặp con mỗi tối đều đặn, rèn lại chữ viết đến học Toán, tiếng Việt cùng con. Có buổi tối, tôi ngồi luyện chữ cùng con, con viết nhanh hơn mẹ, chữ đẹp hơn chữ mẹ, con vui lắm. Khi luyện chữ theo vở chính tả của con, tôi mới phát hiện ra vì sao con viết xấu, khoảng cách các chữ không đều nhau, ngay cả nét hất, nét móc nối giữa các chữ cũng có quy định rõ ràng. Muốn con học tiến bộ, bố mẹ phải toàn tâm toàn ý học cùng con. Con không thể hào hứng, tập trung học nếu bố mẹ giục con học nhưng mắt lại dán vào ti vi, điện thoại dù đã tắt tiếng.
Biết điểm của con, tôi rà soát các mức khen thưởng để dự đoán tình hình của con. Có lẽ con sẽ được giấy khen vượt trội môn tiếng Việt? Con ngây thơ hỏi: "Nếu con không được giấy khen, mẹ có mua quà tặng con giống anh không?". Tôi hứa sẽ tặng quà con vì con đã cố gắng suốt cả kỳ I và hai mẹ con mình sẽ cùng học chăm hơn để kỳ II đạt kết quả cao. Con gái vui vẻ đồng ý với kế hoạch mẹ đưa ra, con sẽ "chăm chỉ như ong" để học tốt. Chỉ vài lời động viên, an ủi, con gái ríu rít cười đùa và quên ngay nỗi buồn điểm thấp. Con tự hào vì mẹ khen: "Con bé thế này mà học tốt môn Thể dục, thật là tuyệt vời!".
Thanh Mai
(Thị trấn Đông Anh, Hà Nội)
Theo Dân trí
Cô giáo kể chuyện: Điểm 4 môn Văn và cuộc gọi của phụ huynh Theo dõi một loạt bài viết trên báo Dân trí như "Chấp nhận con bị điểm kém, thật khó!", "Áp lực học tập đến từ ai?" và "Khi bố mẹ được voi đòi tiên", tôi và nhiều người khác dần dần cảm nhận rõ hơn về áp lực mà mỗi đứa trẻ phải đeo mang bắt nguồn từ những kỳ vọng lớn lao...