Phụ huynh có con học theo phương pháp “vuông tròn” khẳng định: “Con biết đọc nhanh, chính xác”
Giữa hàng loạt tranh cãi về cách đọc theo ô vuông, hình tròn, tam giác trong sách tiếng Việt Công nghệ Giáo dục, nhiều phụ huynh có con học phương pháp này đã lên tiếng.
Những ngày qua, đoạn clip quay lại cảnh cô giáo hướng dẫn học sinh học câu thơ “Tháp mười đẹp nhất bông sen/Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ” bằng phương pháp nhìn vào dấu chấm, ô vuông để đọc thuộc lòng đã thu hút sự quan tâm rất lớn từ cộng đồng mạng.
Phần đông phụ huynh cho rằng đây là cách dạy học kỳ lạ, thậm chí khó hiểu vì khiến con họ chỉ có thể học vẹt chứ không nhận được mặt chữ với thái độ phản đối hết sức gay gắt. Tuy nhiên, một số người lại khẳng định phương pháp dạy và học “vuông tròn” này không hề ảnh hưởng đến khả năng học tập của trẻ.
Những bài đọc khiến nhiều phụ huynh bức xúc, lo lắng vì không hiểu sẽ dạy con thế nào
Chị Trần Trang (Hà Nội) – phụ huynh có con từng học đọc theo ô vuông , tam giác cho biết, con gái chị từng học lớp 1 theo cách này mà không hề gặp bất kỳ trở ngại nào. Hết học kỳ 1 là bé đã đọc viết thuần thục, không nhầm lẫn, không sai chính tả, không phải lò dò đánh vần từng chữ mà đọc một lèo đoạn văn dài không vấp, không ngọng và đặc biệt là bé học rất vui vẻ, hào hứng.
“Tối hôm kia mình đã hỏi con có nhớ hồi lớp 1 con học đọc với các hình vuông hình tròn không? Con nghĩ vì sao cô lại dạy con thế? Bé trả lời rằng: Con nhớ rất rõ mà, đấy là cô dùng các hình đó thay cho tiếng, mỗi một ô tương ứng với một tiếng trong câu, có bao nhiêu tiếng thì sẽ có bấy nhiêu ô.
Với cả lúc đấy các bạn mới đi học đã biết chữ đâu nên cô có viết chữ các bạn cũng không đọc được. Chỉ là cách để đếm xem câu cô nói có bao nhiêu tiếng thôi mà mẹ. Các tiếng giống nhau sẽ có màu giống nhau nữa, cô còn vừa đọc vừa vỗ tay vào nhau ấy mẹ, mỗi tiếng vỗ tay là một tiếng cô đọc. Học thế vui mà mẹ.
Mình hỏi tiếp: Sau khi con chuyển sang trường mới thì có gặp khó khăn gì không? Bé đáp lại rằng: Không mà mẹ, lớp con còn nhiều bạn lớp 2 vẫn khó đánh vần đấy, và đánh vần thì khác cách con học. Ví dụ là chữ Nguyên, các bạn đánh vần rất dài: u y ê nờ uyên, ngờ uyên nguyên trong khi con được học ghép vần ngắn hơn là ngờ uyên Nguyên.
Đấy là với những từ không có dấu, còn nếu có dấu thì chỉ cần đánh vần thế này: Nguyên ngã Nguyễn (vừa đọc vừa vỗ tay xong xoè từng bàn tay mỗi khi đọc: Nguyễn vỗ tay vào nhau, xoè tay phải ra đọc Nguyên, tay trái đọc Ngã, vỗ hai tay vào nhau đọc Nguyễn). Vừa làm bạn ấy vừa nói mặt rất thản nhiên, không gặp khó khăn gì.
Mình lại hỏi tiếp: Sao mẹ thấy con phát âm ba chữ C, K, Q đều là cờ, thế con phân biệt khi viết và khi đọc các từ có các chữ đấy thì thế nào? Bé trả lời rằng: Đấy là 3 con chữ khác nhau mà mẹ, khi phát âm ra miệng thì giống nhau là cờ nhưng khi ghép với từng chữ đi sau nó thì phải theo “LUẬT CHÍNH TẢ” mà sẽ viết là C hay K hay Q. Ví dụ “cờ” đi với i, e, ê thì theo luật Chính tả sẽ được viết là con chữ K, con chữ C không bao giờ ghép với các chữ đó….”, chị T. chia sẻ.
Những bài thơ của bé T.L, đang theo học tại trường tiểu học Thực Nghiệm (Hà Nội) đã làm. Mẹ bé khẳng định bé đã biết làm thơ từ lớp 2. Vần thơ gieo đều, có ý nghĩa và đúng chính tả. Ảnh facebook N.T.Tr.
Đồng quan điểm với chị T., chị Nguyễn Thị Dung (Thanh Liêm, Hà Nam) có con đã 3 năm tiếp xúc với cách học này, chị cho biết 2 con chị chỉ hết học kỳ 1 là đã có thể đọc được thơ văn mà không bị vấp chữ hay sai chính tả.
“Bài về ô vuông hay ô tròn chỉ là bài đầu tiên và các con chỉ học trong 2, 3 tiết chứ không học dài, không như mọi người nghĩ rằng thay hoàn toàn chữ bằng những ô vuông ô tròn như vậy. Tôi cho rằng đây là phương pháp học rút ngắn quá trình, giảm sự sai sót trong quá trình học giúp các con hiểu ngữ pháp, cấu trúc của tiếng, nên dễ ghi nhớ hơn” chị Dung nhấn mạnh.
Minh Trang
Theo emdep.vn
Đánh vần theo sách Công nghệ Giáo dục khác sách đại trà thế nào
Sách Tiếng Việt Công nghệ Giáo dục dạy học sinh đánh vần theo tiếng, còn sách đại trà theo con chữ.
Tài liệu Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ Giáo dục của giáo sư Hồ Ngọc Đại gồm 3 tập với thứ tự là: âm-chữ, vần và tự học. Sách hướng dẫn học sinh đánh vần trên cơ sở phân tích cấu trúc ngữ âm của tiếng Việt, có phân biệt rạch ròi âm với chữ, ví dụ âm /cờ/ và chữ c, k, q...
Học tiếng trước chữ viết
Trình tự dạy đánh vần của tài liệu là: phát âm - âm - con chữ, tức là dạy tiếng trước dạy chữ. Đây là điểm khác biệt cơ bản nhất giữa tài liệu Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ Giáo dục và sách giáo khoa hiện nay . Theo quan điểm chủ biên, cách này thuận với tự nhiên là trẻ con biết tiếng (phát âm) trước khi biết chữ.
Bài học đầu tiên trong tập 1 "âm-chữ", học sinh sẽ được học tách câu thành từng tiếng, ví dụ "một ông sao sáng" gồm 4 tiếng: một/ông/sao/sáng. Với mỗi tiếng, sách ký tự thành một hình tròn/vuông/ngôi sao... Tiếng giống nhau được đánh màu sắc giống nhau, để học sinh dễ hình dung.
Lời được tách thành từng tiếng, mỗi tiếng được biểu thị bằng một ô vuông, theo phương pháp của sách Tiếng Việt Công nghệ Giáo dục.
Do học tiếng trước học chữ nên với trẻ bắt đầu học lớp 1, khi nhìn vào mặt chữ sẽ không biết từ đó đọc là gì. Điều này khiến phụ huynh hoang mang, thậm chí có người bức xúc đến xé sách của con vì đã quen với phương pháp truyền thống là học chữ trước rồi nhìn vào con chữ để đánh vần và nhận diện từ.
Theo sách của GS Hồ Ngọc Đại, với mỗi tiếng, các em được hướng dẫn tách thành hai phần là đầu và vần, ví dụ tiếng "ba" có phần đầu là "b" và vần là "a". Song song đó, bài học đầu giới thiệu với học sinh sáu thanh trong tiếng Việt gồm: ngang, sắc, huyền, hỏi, ngã, nặng và ký hiệu của các thanh này.
Ở phần âm (bài 2), Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ Giáo dục dạy học sinh theo khoa học của ngữ âm học. Sách hướng dẫn cách phân biệt nguyên âm với phụ âm; trong vần có âm chính, âm đệm và âm cuối.
Khi được học về âm đọc tròn môi (o, ô, u) và không tròn môi (a, e, ê, i/y, ơ, ư), học sinh sẽ được giới thiệu quy tắc ghép âm để tạo thành âm/vần mới. Ví dụ, ghép âm /a/ không tròn môi với âm /o/ tròn môi sẽ cho ra âm /oa/, hoặc vần "an" làm tròn môi bằng cách ghép với âm /o/ sẽ tạo thành vần "oan".
Ghi âm /cờ/ đứng trước âm đệm bằng chữ q; ghi âm /i/ đứng sau âm đệm bằng chữ y; dấu thanh đặt ở âm chính"... là một số luật chính tả được nêu trong Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ Giáo dục, buộc học sinh phải ghi nhớ và làm theo.
Chữ C/K/Q đều đọc là /cờ/
Có hai điểm khác biệt cơ bản trong cách phát âm chữ cái giữa tài liệu Tiếng Việt Công nghệ Giáo dục với sách giáo khoa đại trà. Khác biệt đầu tiên là cách đọc ba chữ cái c, k, q đều là /cờ/ trong khi sách đại trà có cách phát âm lần lượt là /cờ/, /ca/ và /quy/.
Khác biệt thứ hai nằm ở các nguyên âm đôi. Trong sách Tiếng Việt Công nghệ Giáo dục, có ba nguyên âm đôi là iê (đọc là /ia/) và có 4 cách viết là ia, ya, iê, yê. Trong khi sách giáo khoa đại trà chữ ia/ya, iê/yê phát âm lần lượt là /i-a/ và /i-ê/.
Nguyên âm đôi iê phát âm là /ia/ có 4 cách viết.
Nguyên âm đôi uô đọc là /ua/ có hai cách viếtlà ua và uô; trong khi trong sách phổ thông "ua" và "uô" cách đọc khác nhau. Nguyên âm ươ cũng có hai cách viết là ưa và ươ, đều đọc là /ưa/; khác với sách giáo khoa đại trà ươ sẽ đọc là 'ư-ơ/.
Với phát âm khác biệt này nên cách đánh vần trong Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ Giáo dục cũng khác. Từ "ke" sẽ được đánh vần là "cờ - e - ke" thay vì là "ca - e - ke" theo sách đại trà. Vần "uôn" sẽ được đánh vần là "ua - n - uôn" thay vì là "u-ô - n - uôn" như sách đại trà.
Video cô giáo dạy đánh vần theo sách của GS Hồ Ngọc Đại gây tranh cãi.
Trước đó, một video cô giáo hướng dẫn cách phát âm chữ cái c/k/q đều đọc là /cờ/, đánh vần chữ "qua" là "cờ-ua-coa"... gây xôn xao dư luận vì khác phương pháp được dạy đại trà cho học sinh lâu nay. Cách đánh vần đó được dùng theo cuốn sách Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ Giáo dục do giáo sư Hồ Ngọc Đại làm chủ biên và Bộ Giáo dục thông qua, cho phát hành.
Chủ tịch Hội đồng quốc gia thẩm định cuốn Tiếng Việt Công nghệ giáo dục - PGS Bùi Mạnh Hùng cho biết, tài liệu phần nào gây tranh cãi và còn có ý kiến trái chiều. Tuy nhiên, thực tế cho thấy phương pháp dạy đánh vần trong đó đã giúp học sinh phát triển khá hiệu quả kỹ năng đọc thành tiếng và viết đúng chính tả.
Đây không phải là chương trình riêng mà là tài liệu dạy học của chủ biên GS Hồ Ngọc Đại, được nhiều địa phương tự nguyện áp dụng. Nó không có trong nội dung chương trình Tiếng Việt năm 2000 (chương trình hiện hành) được áp dụng đại trà và không có trong chương trình giáo dục phổ thông mới.
Quỳnh Trang
Theo Vnexpress
Clip học sinh lớp 1 giải thích về cách đọc thơ theo ô vuông, tam giác Trước những tranh cãi trên mạng xã hội về cách đọc thơ theo ô vuông, tam giác trong sách "Công nghệ giáo dục", một người dân đã quay lại clip cháu gái mình - học sinh lớp 1 tại một trường tiểu học ở Hải Dương- giải thích về việc vì sao lại đọc thơ theo cách này. Trong clip, bé gái đã...