Phụ huynh chật vật vì trường thiếu phòng học
Sĩ số tăng cao, thiếu phòng học, nhà trường đưa ra giải pháp học 4 ngày/ tuần. Phụ huynh ở khu vực quận Hoàng Mai (Hà Nội) lao đao đến mất ăn mất ngủ vì phương án gửi con để đi làm.
Phụ huynh đón con trưa ngày 22/8 ở trường Tiểu học Chu Văn An (Hoàng Mai) Ảnh: H.L
Xáo trộn và tốn kém
Trường có hàng nghìn học sinh, phòng học không đủ nên chuyện đưa đón, trông coi con hàng ngày thế nào khiến rất nhiều gia đình ở quận Hoàng Mai “đau đầu”. Đa số phụ huynh đi làm xa cả ngày nên phải thuê xe ôm công nghệ, người quen, nhờ hàng xóm…đưa đón và trông cả những ngày con buộc phải nghỉ học. Hàng tháng để gửi con những ngày nghỉ học luân phiên, các gia đình phải mất thêm hơn 1 triệu đồng, chưa kể, khi gửi con ở ngoài trường học, không ai đảm bảo sự an toàn cho trẻ.
Hơn 11 giờ ngày 22/8, trường Tiểu học Chu Văn An (quận Hoàng Mai) tan học, học sinh ùa ra như ong vỡ tổ. Ngoài cổng trường, bố mẹ, ông bà, xe ôm, grap, người đón hộ…nhớn nhác tìm con, cháu.
Chị Nguyễn Quỳnh Hoa đứng chờ đón con trai lớp 2A5 cho biết, năm ngoái, trường thiếu phòng học nên con chỉ đi học thứ 4 đến thứ 7 , thứ 2 và thứ 3 phải nghỉ ở nhà. Cho con học trường công, không mất học phí nhưng vợ chồng phải tìm lớp của cô giáo gửi con với chi phí khoảng 1,3 triệu đồng/ tháng bao gồm cả tiền ăn. Theo chị Hoa, năm trước trong cuộc họp phụ huynh đã có nhiều ý kiến, tuy nhiên nhà trường đưa ra phương án “học nửa buổi/ ngày” phụ huynh còn khổ hơn. Vì thế, đành chấp nhận phương án học 4 ngày/ tuần, học thứ 7 thay vì 5 ngày/ tuần từ thứ 2 đến thứ 6 như những trường công lập khác.
Có cháu học lớp 2A4, ông Trần Văn Hoán cho biết, nhà con trai ở chung cư HH1 (Linh Đàm). Ông quê ở Thanh Hoá, nhưng con đi làm cả ngày, ông đành phải ra Hà Nội ở để đưa đón và trông cháu. Theo ông Hoán, năm cháu học lớp 1, học 4 ngày/ tuần những ngày còn lại bố mẹ đi làm khoá cửa nhốt con trong nhà, nhưng gia đình không thể yên tâm. Sau đó, bố cháu tập hợp được 4-5 cháu gửi một gia đình ông bà đã nghỉ hưu trong toà nhà, trả phí 100.000 đồng/ ngày nhưng các cháu tuổi nghịch ngợm, ông bà không có phương pháp quản lý nên được vài tháng họ từ chối. “Chúng tôi mong trường học đủ chỗ cho cháu có nơi học tập, chứ như thế này thì khổ quá”, ông Hoán nói.
Video đang HOT
Cũng trong quận Hoàng Mai, Trường tiểu học Đại Từ năm nay dù không tuyển sinh đủ chỉ tiêu được giao (giao chỉ tiêu 600 em, tuyển 510 em) nhưng trường này cũng không đủ phòng học cho học sinh.
Bà Nguyễn Thị Tâm, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, năm nay, trường chỉ sơn lại và sửa nhà vệ sinh, không xây mới được phòng học nào. Từ năm 2017 đến nay, số lượng học sinh đông, trường buộc phải học 4 ngày/ tuần và học cả ngày thứ 7. Nhà trường và gia đình đã trao đổi, bàn bạc nhiều nhưng không có phương án nào khả thi hơn. “Đáng ra, học sinh chỉ học từ thứ 2-thứ 6 và thứ 7 phụ huynh nghỉ làm sẽ có thời gian gần gũi với con thì nay con đi học thứ 7, trong khi đó, ngày trong tuần bố mẹ đi làm, con lại nghỉ. Gia đình rất vất vả, tốn kém khi phải thuê thêm người trông nom, chăm sóc”, bà Tâm nói.
Một số hiệu trưởng cho rằng, để xảy ra tình trạng trên lỗi thuộc về “quy hoạch” của cơ quan quản lý khi cho xây chung cư cao tầng nhưng không quy hoạch xây trường đảm bảo chỗ học cho học sinh, đẩy người dân và các nhà quản lý giáo dục vào thế khó.
hà nội Chi hơn 5.000 tỷ xây trường, vẫn thiếu chỗ học
Theo số liệu thống kê, năm học này, học sinh vào lớp 1 khoảng 167.000 em, giảm 13.000 em so với năm trước; số học sinh vào lớp 6 khoảng 132.000 em tăng nhẹ so với năm trước. Điều lệ trường phổ thông của Bộ GD&ĐT quy định, tiểu học đảm bảo 35 học sinh/lớp; THCS đảm bảo 45 học sinh/lớp. Tuy nhiên, năm 2018-2019, các trường ở Hà Nội căng thẳng khi có một số trường lên tới 65 em/lớp, đặc biệt trường ở quận Cầu Giấy, quận Thanh Xuân; quận Hoàng Mai, quận Đống Đa…Năm nay, cùng với việc xây mới trường, tăng phòng học, sĩ số mỗi lớp đã có sự chuyển biến tích cực nhưng vẫn còn vượt xa quy định.
Bà Đàm Thục Hạnh, Trưởng Phòng GD&ĐT quận Hoàng Mai cho biết, tất cả các trường trên địa bàn năm nay sĩ số không quá 50 em/lớp. Tuy nhiên, căng thẳng dồn vào khu vực có chung cư cao tầng như phường Hoàng Liệt. Năm học này, trường tiểu học Hoàng Liệt có hơn 1.820 học sinh vào lớp 1, trường Tiểu học Chu Văn An có hơn 800 em(giảm 200 em so với năm trước) nhưng trường vẫn chưa đáp ứng được cơ sở vật chất. Để giãn sĩ số cho trường Chu Văn An, quận Hoàng Mai đã phân tuyến tuyển sinh, chuyển bớt học sinh sang trường Tiểu học Hoàng Liệt.
Quận Hà Đông năm nay đưa 9 trường xây mới và sửa chữa vào hoạt động nhưng mới đảm bảo sĩ số theo quy định của Bộ GD&ĐT bậc THCS là 45 em/lớp. Riêng tiểu học, năm nay vẫn có trường sĩ số trên 50 (vượt quy định 15 học sinh/lớp). Hay như quận Tây Hồ năm ngoái, có trường sĩ số lên 59 học sinh/ lớp, năm nay UBND quận đầu tư 700 tỷ xây mới 9 trường và sửa chữa nhiều phòng học nên sĩ số đảm bảo ở mức xấp xỉ 50 em/lớp. Quận Long Biên dự kiến năm 2020 sẽ đưa vào sử dụng thêm 8 trường học mới, giúp giảm sĩ số đáng kể.
Ông Ngô Văn Quý, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, năm nay đã đầu tư xây mới 70 trường, sửa chữa 387 trường với kinh phí hơn 5.000 tỷ đồng tuy nhiên một số nơi vẫn chưa đáp ứng được cơ sở vật chất, giãn sĩ số học sinh, đặc biệt khu vực nội đô.
Quận Cầu Giấy, một trong những đơn vị căng thẳng vì thiếu trường, lớp năm nay cũng cơi nới phòng học cho 10 trường để “hạ nhiệt”. Theo thông tin từ lãnh đạo Phòng GD&ĐT, năm học 2020, Cầu Giấy sẽ xây mới thêm 8 trường học nữa. Tuy nhiên, với tốc độ di dân như hiện tại, việc xây thêm một số trường như vậy cũng chưa đáp ứng được nhu cầu.
HÀ LINH
Theo Tiền phong
Tuyển sinh đầu vào cấp tiểu học: Thêm trường để bớt "nóng"
Trước thềm năm học mới, ngành giáo dục cũng như phụ huynh (PH) trên địa bàn Hà Nội không còn đau đầu về sĩ số học sinh (HS) vào lớp 1 quá tải như năm trước.
Sĩ số "dễ thở"
Những năm gần đây, điều khiến PH, nhà trường lo lắng là khu đô thị mọc lên như nấm, dân cư tăng đột biến khiến các trường học luôn trong tình trạng quá tải HS lớp 1. Tuy nhiên, năm nay, sĩ số HS/lớp của lớp 1 ở nhiều quận giảm rõ rệt.
Để phục vụ cho năm học mới, quận Thanh Xuân đưa vào sử dụng mới 5 trường công lập, 5 trường tư thục. Bên cạnh đó, một số trường đã sửa chữa, nâng tầng, thêm phòng học như Tiểu học Kim Giang, Tiểu học Khương Đình, Tiểu học Hạ Đình... Tại phường Thanh Xuân Trung, một số HS được điều chuyển sang học trường Tiểu học Nguyễn Tuân vừa xây, có quy mô tiếp nhận 1.080 HS trong năm nay.
Hiệu trưởng trường Tiểu học Phan Đình Giót (Thanh Xuân) Nguyễn Thị Kim Ngọc cho biết, năm ngoái, trường có hơn 500 HS vào lớp 1, trung bình 61 HS/lớp. Nhận thấy số HS quá tải nên nhà trường đã mở thêm phòng học, chuẩn bị cơ sở vật chất đầy đủ. Năm nay, trường đón nhận 386 HS đúng tuyến vào lớp 1 và được chia thành 7 lớp học. Bà Ngọc cho rằng, sĩ số HS/lớp lớp 1 năm nay "dễ thở" hơn năm ngoái với nhiều lý do như địa bàn phường Nhân Chính giãn dân cư, trường bổ sung phòng học để giảm quá tải...
Trong những năm qua, quận Hà Đông là địa bàn có tốc độ đô thị hóa nhanh. Theo thống kê, năm học này quận có khoảng 6.000 HS của các cấp học. Trong đó, lớp 1 có trên 2.000 HS. Năm nay, quận xây mới thêm 3 trường công lập và 1 trường tư thục, mỗi trường có 10 - 20 phòng học. Trưởng phòng GD&ĐT Phạm Thị Lệ Hằng cho biết, HS chủ yếu tập trung ở các khu đô thị (KĐT) như Xa La, Văn Phú, Vạn Phúc, Phú Lương, La Khê nên việc giảm áp lực sĩ số đòi hỏi các trường phải trang bị cơ sở vật chất đảm bảo nhu cầu học tập mới hút HS.
Còn quận Cầu Giấy, năm nay có khoảng 5.000 HS trong độ tuổi vào lớp 1. Tuy nhiên, các trường công lập trên địa bàn tuyển sinh khoảng 4.000 HS, còn lại, HS sẽ được giảm tải qua các trường ngoài công lập. Số HS công lập dao động khoảng 50 HS/lớp. Đại diện Phòng GD&ĐT quận Cầu Giấy cho biết, các trường cũng đang nỗ lực để giảm tải sĩ số và năm nay quận cũng tăng thêm 8 lớp học cho HS lớp 1 (trung bình 52 HS/lớp). Hiện tại có trường phải di chuyển các phòng, kho trước đây tu sửa lại thành phòng học. Nhiều trường ở quận Hoàn Kiếm cũng có sĩ số ở mức vừa phải khi 40 - 45 HS/lớp vì quận có ít chung cư cao tầng, tốc độ di dân ít hơn so với các quận khác. Số lượng trường học tăng đã góp phần giải bài toán quá tải về sĩ số.
Thành công bước đầu
Năm học 2019 - 2020, quy mô mạng lưới trường, lớp của TP Hà Nội tiếp tục phát triển với 2.713 trường mầm non, phổ thông và trung cấp chuyên nghiệp, 58.422 nhóm lớp và 1.983.435 HS.
Phó Chủ tịch UBND quận Nam Từ Liêm Nguyễn Quốc Nam cho biết, quận đã đầu tư gần 1.800 tỷ đồng xây mới 21 trường phổ thông các cấp; cải tạo, sửa chữa 14 trường. Quận sẽ tiếp tục rà soát quỹ đất trên địa bàn, nhất là quỹ đất ở các khu đô thị mới để dành đất xây trường học, trong đó, ưu tiên xây dựng các trường công lập trước, sau đó sẽ tăng cường xã hội hóa để phát triển khối trường ngoài công lập.
Tuy 2 năm nay không xuất hiện tình trạng quá tải HS nhưng quận Long Biên vẫn bổ sung trường, phòng học mới. Trưởng Phòng GD&ĐT Vũ Thị Thu Hà cho biết, quận xây mới 5 trường công lập gồm 3 trường mầm non và 2 trường tiểu học. Hiện tại, quận đang thực hiện dự án xây dựng 7 trường (5 trường THCS, 1 trường tiểu học và 1 trường mầm non) để phục vụ cho năm học 2020 - 2021. Quận Hoàng Mai được biết tới là một trong những nơi "nóng" nhất về tuyển sinh lớp 1 năm 2018.
Năm ngoái, với hơn 1.000 HS vào lớp 1, trường Tiểu học Chu Văn An đã phải đưa ra giải pháp HS nghỉ 1 - 2 ngày/tuần luân phiên nhau vì không đủ phòng học. Năm nay, để giãn sĩ số cho trường này, quận Hoàng Mai đã phân tuyến tuyển sinh, chuyển bớt sang trường Tiểu học Hoàng Liệt. Theo tìm hiểu của phóng viên, trong mùa tuyển sinh đầu cấp 2019, trường Tiểu học Hoàng Liệt có hơn 800 HS vào lớp 1, chia làm 17 lớp; trường Tiểu học Chu Văn An có gần 600 HS, chia làm 12 lớp. Khả năng cao là trường Tiểu học Hoàng Liệt sẽ trở thành trường có nhiều HS vào lớp 1 nhất Hà Nội trong năm học này.
Có thể thấy, năm học này, Hà Nội đã thành công bước đầu trong việc khắc phục tình trạng quá tải HS tại trường, lớp. Theo Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Lê Ngọc Quang, sĩ số HS/lớp ở lớp 1 không còn "nóng" như mùa tuyển sinh trước. Ông Quang cũng đề nghị các trường nên có giải pháp hạn chế HS trái tuyến. Tuy nhiên, ở những địa bàn dân cư đông, các địa phương cần quan tâm cải tạo cơ sở vật chất, mở rộng thêm phòng học để đáp ứng nhu cầu học đúng tuyến của HS trên địa bàn.
Theo kintedothi
Tăng sĩ số học sinh để giảm biên chế giáo viên là lợi bất cập hại Với diện tích phòng học không quá 50 mét vuông mà kê tới 23 cái bàn và 45 cái ghế, nhiều thầy cô cho biết "không còn chỗ len chân, chỉ thở không đã mệt". Năm 2019 tiếp tục là năm các cơ quan Nhà nước thực hiện quyết liệt chính sách tinh giản biên chế để hoàn thành mục tiêu giảm 10%...