Phụ huynh cả nể ‘đồng lõa’ với bạo hành học đường
Liên tiếp những vụ bạo hành gây chấn động dư luận, chưa hết dư âm của “ 231 cái tát ở Quảng Bình”, “50 cái tát tại Hà Nội” thì lại có cô giáo ở Long An đánh học sinh khuyết tật bầm tím người… Tất cả các trường hợp đều có một điểm chung là sau khi bức xúc tố cáo thì phụ huynh đều đồng loạt “nói nhẹ” cho cô, cho trường.
Tất nhiên, có sự “cả nể” bởi “một chữ cũng là thầy”. Nhưng khi cái ác đang leo thang thì sự cả nể ấy của phụ huynh dường như đã “đồng lõa” cho những sai trái tiếp theo của đạo đức người thầy.
Một thầy giáo thẳng thắn bày tỏ: “Khi một phụ huynh dắt đứa con đến phòng hiệu trưởng tố cáo con mình vừa bị thầy cô đánh bầm dập, gây thương tích khắp người, việc mà hiệu trưởng nhà trường làm đầu tiên không phải lo lắng cho sức khỏe, tinh thần của học sinh vừa bị đánh ra sao.
Điều họ quan tâm nhất là năn nỉ phụ huynh bỏ qua đừng làm rùm beng để nhà trường xử lý nội bộ. Việc tiếp theo, giáo viên bạo hành sẽ được mời lên nghe hiệu trưởng nổi trận lôi đình đập bàn, chỉ mặt và mắng tơi tả.
Không phải mắng vì việc thiếu tình yêu thương đối với học trò mà thầy (cô) đã làm mất uy tín cái trường này. Thầy (cô) đã phủi sạch công lao, danh tiếng mà nhà trường đã xây dựng bao năm nay. Sự việc sẽ được bưng bít tại trường, nếu vì lý do gì đó rò rỉ ra ngoài, nhà trường buộc phải báo cáo lên Phòng Giáo dục.
Tại đây, cũng tiếp tục chỉ đạo theo kiểu “ bưng bít truyền thông, giải quyết nội bộ. Bởi nếu để lộ ra xem như mất hết. Ai cũng hiểu mất hết ở đây là thành tích, là danh hiệu của trường, của cá nhân lãnh đạo và của cả Phòng Giáo dục”…
Theo dõi các vụ việc trên, PGS.TS Vũ Trọng Rỹ – Phó Chủ tịch Hội Khoa học tâm lý giáo dục Việt Nam cho rằng, đây là những hành động không thể chấp nhận, mang tính nhục mạ trẻ em. Cũng không thể nói những hình phạt mang tính “trung cổ” này xuất phát từ sự thiếu kỹ năng hay kiến thức sư phạm của giáo viên.
Ở trường sư phạm, họ đều đã được học hết những điều này. Theo thầy là bởi con tim, tấm lòng của họ chứ không phải kiến thức hay kỹ năng. Họ không có lòng nhân ái, yêu thương học trò.
Một khảo sát mới đây của Hội Tâm lý giáo dục Việt Nam về vấn đề thực hiện quyền tự chủ trong các trường phổ thông tại 15 trường thuộc 5 tỉnh, TP: Hà Nội, Hải Phòng, Nghệ An, TP HCM, Đồng Tháp cho thấy, tất cả các trường đều không có quyền tự chủ trong tuyển dụng nhân sự, mà do các cơ quan khác đảm nhận dù trong Điều 58 Luật Giáo dục 2005 có nêu: Nhà trường có quyền tuyển dụng, sử dụng, sa thải giáo viên, cán bộ, nhân viên…
Và theo “luật bất thành văn” mà mọi người trong cuộc đều biết, để có một suất dạy, không phải bởi người thầy giỏi, mà còn phụ thuộc vào… “khả năng chi trả” của thầy, cô đó.
Trở lại các sự việc đau lòng đang diễn ra, phần lớn phụ huynh sau khi quá bức xúc lên tiếng đều e ngại và “xin giảm nhẹ” cho giáo viên vi phạm. Bởi thực tế, khi các trường đã bằng mọi giá để câu chuyện không đi quá xa, thì họ có nhiều biện pháp để đánh vào tâm lý phụ huynh, cả nặng và nhẹ.
Tới mức như cô giáo ở Long An đã nhận lỗi “ nóng giận” nhưng phụ huynh vẫn “vớt vát” là “nhờ cô” dạy bảo. Tất nhiên, “nhờ cô dạy bảo” là bằng nghiệp vụ sư phạm, từ tấm lòng yêu trẻ chứ không phải là đánh học sinh tới bầm giập! Và đáng thương hơn nữa, một đứa trẻ khuyết tật và bị chậm tư duy làm sao đủ hiểu biết và kiểm soát để bị “tra tấn” tới vậy.
Video đang HOT
Cậu bé khuyết tật bị cô giáo vụt bầm tím ở Long An
Còn chị Tâm, phụ huynh bé bị bạn tát 50 cái ở Hà Nội thì cho biết: “Ngày 5/12, tôi cho con tôi đến lớp. Tôi chấp nhận lời xin lỗi của cô giáo vì muốn tạo cơ hội cho cô giáo. Tôi hiểu, cô giáo rất trẻ, cô chưa có gia đình, cách hành xử bột phát.
Thực ra là bản thân tôi chưa bao giờ tát con tôi nên tôi chưa bao giờ cho phép ai làm điều ấy. Việc cô giáo chủ nhiệm như vậy tôi cảm thấy khó tha thứ, nhưng đến hiện nay tôi cũng hài lòng với cách nhà trường xử phạt cô”.
Chị Tâm khẳng định: “Khi cô giáo đang hỏi một bạn nào đó trong lớp ai ném hộp bút trong lúc ấy bạn M.Đ quay sang đố P. một phép tính. Con trả lời rồi cười to nên cô Trang đã yêu cầu bạn tát P”.
Có thể nói, thời đại 4.0 ngày nay, nhiều thầy cô nhận thức rất rõ, giáo viên không còn là nguồn tri thức duy nhất nữa mà giáo viên sẽ là nguồn cảm hứng, truyền cảm hứng, động lực học tập cho học trò.
Mỗi học sinh là một thế giới riêng, giáo viên phải tôn trọng; nếu có tâm, có tầm thì phát hiện ra năng lực của mỗi em, khơi dậy tiềm năng của mỗi đứa trẻ; còn không, đừng chôn vùi nó bằng hành động phi nhân tính của mình.
Đã qua rồi thời học sinh và thầy cô thụ động, truyền thụ một chiều! Thầy cô không phải là sự áp bức tới mức 23 đứa trẻ bỗng dưng tát bạn như thời trung cổ.
Quá buồn tới mức thầy Nguyễn Xuân Khang – Hiệu trưởng Trường Marie Curie (Hà Nội) phải cảm thán: “Tôi cũng muốn biết 23 học sinh lớp 6.2 (Trường THCS Duy Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình – PV) nghĩ gì trong 4 phút đó?
Con người “nhân chi sơ, tính bản thiện”, hàng ngày vẫn chơi với nhau, khi ăn chung que kem, khi uống chung ly nước. Cái chiều hôm đó là chiều gì, không giận hờn, không bức xúc… đã đẩy các cậu bé, cô bé này bước qua “tính bản thiện” tát bạn của mình hàng trăm cái? Ước gì, ước gì có được một bé thôi, phản ứng: “Em không muốn tát bạn!”.
Thật đáng sợ, tất cả các bé đã bị biến thành những cái máy vô tâm, vô cảm để thực thi “công vụ” được giao. Sức khoẻ của Long Nhật đã bình phục. Sai lầm của cô giáo Thuỷ đã được rút kinh nghiệm và ngăn chặn.Tôi vẫn buồn vì một câu hỏi: Chúng ta đã làm gì để những đứa trẻ đó mất đi “tính bản thiện” vốn có của con người?”.
Và điều quan trọng, chúng ta, tất cả người lớn, ngay tới cả phụ huynh “chưa từng tát con” cũng im lặng trước cái xấu! Chúng ta đang bước chân tới thế giới toàn cầu, khi mà nơi những đứa trẻ chỉ cần khóc và không trông nom, bố mẹ cũng đã bị báo cảnh sát.
Một cái túi kín mít và ngọ nguậy được người đàn ông xách trên đường phố cũng bị người đi đường yêu cầu mở túi để xem trong đó là con chó hay con mèo mà người đàn ông đó lại cầm phản cảm như vậy.
Còn môi trường giáo dục của ta, đặc biệt ở cấp 1, học trò sợ cô tới mức sẽ không bao giờ kể lại bị quật vụt, véo tai ra sao khi viết chữ xấu. Và khủng khiếp hơn là những cái tát, những vết đánh bầm tím khi sự việc đã đi quá xa…
Nguyễn Mỹ
Theo baophapluat
Các vụ bạo hành học sinh: Người lớn lo bảo vệ mình, bỏ quên con trẻ?
Nhìn quá trình xử lý khủng hoảng trong các vụ việc bạo hành học sinh xảy ra tại trường học, hầu hết mọi vấn đề chỉ tập trung giải quyết chuyện của người lớn. Nạn nân chính là trẻ em thì lại thêm một lần bị bỏ rơi...
Sau vụ việc 231 cái tát xảy ra tại trường THCS Duy Ninh (huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình), từ lãnh đạo, quản lý cho đến dư luận không khỏi sốt sắng, rốt ráo "vào cuộc" để xử lý sự việc.
Quản lý thì chờ báo cáo, tường trình, vào cuộc xử lý nghiêm, phối hợp với cơ quan công an trong việc khởi tố cô giáo; dư luận thì tò mò xem cô giáo sẽ bị xử lý thế nào, có người hùng hổ tuyên bố "nếu học sinh đó là con mình, mình sẽ tát cô giáo 231 cái"...
Phía nhà trường thì vội vàng làm mọi cách để bảo vệ nhà trường, giáo viên. Một lần nữa, sau chấn động khủng hoảng, các em học trò trong lớp lại phải thực hiện một phiếu khảo sát như "mớm cung".
Học sinh bị tát và tát bạn trong sự việc 231 cái tát cần được xin lỗi và hỗ trợ tham vấn tâm lý
Trong sự việc này, không chỉ học sinh bị tát, 23 học sinh tát bạn cũng là nạn nhân của vụ bạo hành. Các em bị truyền mầm mống bạo lực mà rồi đây rất khó nói các em xem việc hành xử bạo lực để giải quyết vấn đề là chuyện bình thường. Còn may mắn sau này các em "cưỡng" lại được hành vi bạo lực thì việc vung tay tát vào mặt bạn hôm nay sẽ trở thành nỗi ám ảnh khó có thể xóa nhòa trong ký ức, cuộc đời của các em.
Nhưng dường như ít ai để ý đến những tổn thương các em đang phải gánh chịu. Người lớn miệt mài với những công việc hành chính báo cáo rập khuôn, miệt mài tìm cách giải quyết vấn đề của mình. Không thấy một lời xin lỗi nào dành cho các em! Việc hỗ trợ các em không những không được quan tâm mà còn bị từ chối.
Một tiến sĩ tâm lý nổi tiếng cho biết, khi xảy ra sự việc 231 cái tát, việc đầu tiên ông muốn làm là đến Quảng Bình để tham vấn cho các em học sinh. Nhưng đề nghị này đã bị từ chối vì... người lớn đang hoang mang, có nhiều việc phải làm hơn.
Trong hành trình này, ông được biết một số người công tác trong lĩnh vực tâm lý cũng có mong muốn làm một cái gì đó để giúp học trò trong sự việc 231 cái tát, hỗ trợ tấp huấn cho giáo viên về phương pháp kỷ luật tích cực hoàn toàn miễn phí. Nhưng họ cũng bị từ chối.
Sự việc trên và rồi các vụ bạo hành khác trong giáo dục như cô giáo phạt trẻ uống nước vắt giẻ lau ở Hải Phòng, sự việc cô giáo chỉ đạo học sinh tát bạn ở Hà Nội, vụ cô giáo không giảng bài gần 4 tháng trời lên tiếng gây chấn động ở TPHCM... Người lớn quanh co, giải thích rõ ràng nhưng có một điều không thể phủ nhận: con trẻ, học trò chính là nạn nhân.
Trong quá trình xử lý khủng hoảng, chúng ta đã hoàn toàn bỏ rơi con trẻ. Không một ai đứng ra xin lỗi hay đặt sự quan tâm đến học trò, quan tâm đến những tổn thương của các em.
Giáo dục luôn nói lấy học sinh làm trung tâm - nhưng không, người lớn mới chỉ lo cho mình, lo bảo vệ mình nhiều hơn là để tâm đến con trẻ. Qua các vụ bạo hành giáo viên gây ra cho học sinh, khi sự việc "vỡ lở" thì phần lớn sự xin lỗi lại chỉ dành cho nhà quản lý, cho dư luận.
Chưa kể, có những vụ việc, học trò là nạn nhân nhưng lại bị xem như... thủ phạm. Em học trò trong sự việc bị xe taxi vào trường cán gãy chân ở Trường tiểu học Nam Trung Yên, Hà Nội từng bị hiệu trưởng cho là nói dối, đặt điều. Nhiều giáo viên chối co chối đẩy cho là học trò bịa đặt cho đến khi sự việc được làm sáng tỏ.
Trong sự việc cô giáo không giảng bài nhiều tháng trời ở TPHCM, nữ sinh đứng ra lên tiếng về sự việc đã phải chịu rất nhiều áp lực. Nhiều người cho rằng, sự lên tiếng của em là quá đáng với cô giáo, ảnh hưởng đến nhà trường... Sau đó, gia đình đã quyết định chuyển trường cho em.
Nhưng còn bao nhiêu vụ bạo hành khác, các em phải đối diện hay vượt qua như thế nào khi các em không nhận được một lời xin lỗi, một sự hỗ trợ?
Một lời xin lỗi chân thành dành cho con trẻ của người lớn khi làm sai có thể giải quyết rất nhiều thứ. Không chỉ làm dịu những tổn thương trong các em, giúp các em lấy lại niềm tin ở người lớn mà chính người gây ra bạo hành sẽ nhẹ lòng đi phần nào. Vậy mà điều đó lại quá hiếm hoi ngay trong môi trường giáo dục, trong các vụ việc bạo hành trẻ...
Hoài Nam
Theo Dân trí
Giáo viên giáo dục đặc biệt: Sẽ quy định năng lực cần thiết Từ sự việc đứa trẻ bị buộc dây vào cửa sổ do có biểu hiện rối loạn hành vi, cảm xúc đã bộc lộ bất cập: nhiều nơi trẻ khuyết tật, nhất là trẻ có dấu hiệu tự kỷ, chưa được quan tâm đúng mức. Cô giáo Trung tâm hy vọng kiên trì dạy tiếng Việt cho một trẻ mắc chứng tự kỷ...