Phụ huynh băn khoăn, năm học mới học sinh sẽ học trực tuyến hay trực tiếp?
Thời điểm này, nhiều phụ huynh Hà Nội băn khoăn về kế hoạch dạy học năm học mới các trường sẽ dạy trực tuyến hay trực tiếp, có tổ chức Lễ khai giảng năm học mới hay không. Tuy nhiên, Sở GD&ĐT Hà Nội chưa có hướng dẫn cụ thể.
Phụ huynh băn khoăn, năm học mới học sinh sẽ học trực tuyến hay trực tiếp?
Chị Nguyễn Thu Hà, có 2 con đang học trường công tiểu học và THCS tại Hà Nội cho biết, từ ngày có dịch COVID-19, gia đình đã gửi 2 con về quê cho ông bà trông. Vì ở lại Thủ đô, vợ chồng vẫn đi làm cả ngày, không có người trông. Những năm trước, hè đến, chị thường cho con tham gia các hoạt động hè như: đi trại hè, đi bơi, đá bóng… Ngoài ra, dù có nghỉ học ở trường con vẫn đi học thêm tuần 3-4 buổi Ngoại ngữ và học vẽ. Tuy nhiên, năm nay vì dịch bệnh, mọi hoạt động đều bị gác lại. Thời điểm này, Hà Nội vẫn chưa có kế hoạch cụ thể về năm học mới nên không biết con sẽ đi học trực tiếp ở trường hay học trực tuyến.
Chị Hà nói rằng, đương nhiên sẽ ưu tiên sức khoẻ, sự an toàn của con lên trên hết nhưng nếu vì dịch bệnh phải học trực tuyến, gia đình sẽ rất vất vả. Bởi vì, con chị Hà năm nay một bạn học lớp 5, một bạn học lớp 2, chưa tự lập để có thể ở nhà lo cơm nước và học trực tuyến. “Trong năm học trước, mình đã phải xin nghỉ việc hoàn toàn để hướng dẫn, hỗ trợ máy tính cho con học cũng như lo ăn uống, trông con”, chị Hà nói.
Không gửi con về quê nhưng gia đình anh Trần Văn Dương ở quận Thanh Xuân cho biết, sau khi con kết thúc kỳ nghỉ hè muộn 15/7, rồi dịch bùng phát đến nay, cả 2 đứa trẻ gần như bị nhốt trong nhà. Lo dịch bùng phát, chung cư nơi gia đình ở cũng kiểm soát rất chặt bằng cách yêu cầu người đi lên, đi xuống thang máy phải đeo khẩu trang, đo nhiệt độ, sát khuẩn…
Trước đây, cuối tuần trẻ con được bố mẹ đưa đi khu vui chơi hoặc ít nhất ra ngoài ăn sáng, đi cà phê đọc sách. Từ ngày có dịch, mọi hoạt động ăn uống, vui chơi đều diễn ra trong căn phòng mấy chục mét vuông. “Không có chỗ chơi, trẻ tù túng, bức bối, làm bạn chủ yếu với tivi vì thế gia đình rất mong dịch được khống chế, con được đến trường khai giảng năm học mới, đi học để có bạn bè”, anh Dương nói.
Trên các nhóm, diễn đàn phụ huynh đều băn khoăn hỏi nhau kế hoạch dạy học của các trường năm học mới ra sao để có sự chuẩn bị.
Video đang HOT
Trong khi đó, Bộ GD&ĐT đã đưa ra 3 phương án về việc dạy học trực tuyến, khi lấy xong ý kiến, dự thảo ban hành, có thể áp dụng dạy học trong năm nay. Cụ thể, các trường có thể dạy 1 phần trực tiếp, 1 phần trực tuyến; dạy hoàn toàn bằng trực tuyến hoặc giao cho học sinh tìm hiểu thông tin, tư liệu trực tuyến trước sau đó lên lớp học trực tiếp. Tuy nhiên, đến nay Hà Nội vẫn chưa xác định được phương án cụ thể.
Các trường chờ hướng dẫn của Sở GD&ĐT
Thời điểm này năm ngoái, học sinh các trường ngoài công lập đã học được khoảng 3 tuần, học sinh các trường công lập cũng tựu trường từ 15/8. Tuy nhiên, năm nay do học sinh nghỉ hè muộn, Bộ GD&ĐT yêu cầu, các nhà trường không được cho học sinh tựu trường trước 1/9.
Theo kế hoạch của UBND TP Hà Nội, năm học 2020-2021, học sinh tựu trường sớm nhất ngày 1/9 và khai giảng năm học mới ngày 5/9. Trong điều kiện thiên tai, dịch bệnh, Giám đốc Sở GD&ĐT đề xuất phương án nghỉ học hay kéo dài năm học lên UBND TP quyết định. Tuy nhiên, thời điểm này, Hà Nội vẫn chưa có thông báo mới về tình hình dạy học cụ thể cũng như kế hoạch tổ chức lễ khai giảng năm học mới ra sao.
Trong khi đó, hàng loạt trường ngoài công lập đã thông báo lùi thời gian học sinh tựu trường 2 lần. Cụ thể, như trường Marie Curie Hà Nội; Nguyễn Bỉnh Khiêm; THCS Đoàn Thị Điểm…đều đã thông báo lùi thời gian học sinh tựu trường sang tháng 9.
Riêng trường THCS -THPT Lương Thế Vinh cho học sinh học trực tuyến từ 17/8 và lên 2 phương án cho lễ khai giảng gồm: trực tiếp và trực tuyến. Đa số các trường học khác đều đang chờ đến cuối tháng 8 xem xét tình hình dịch bệnh mới đưa ra phương án.
Ông Lê Hồng Vũ, Trưởng phòng GD&ĐT quận Tây Hồ (Hà Nội) cho biết, thời điểm này, Phòng GD&ĐT cũng đang chờ hướng dẫn của Sở. Do đó, đơn vị chưa có kế hoạch cụ thể cho lễ khai giảng cũng như kế hoạch dạy học năm học mới ra sao.
Còn hiện nay, theo kế hoạch khung năm học của UBND TP Hà Nội vừa mới ban hành, các trường cho học sinh tựu trường sớm nhất ngày 1/9; ngày 5/9 sẽ tổ chức lễ khai giảng cho hơn 2 triệu học sinh các trường trên toàn TP.
Phụ huynh "đau đầu" vì trường học không tổ chức bán trú trong năm học mới
Chỉ còn gần 2 tháng nữa là bước vào năm học mới 2020- 2021, mặc dù không phải năm đón nhận trẻ có "năm sinh vàng" nhưng tình trạng quá tải vẫn diễn ra ở các lớp đầu cấp 1.
Một số quận huyện trên địa bàn TPHCM không tổ chức được lớp học 2 buổi/ngày khiến phụ huynh phải tìm đến các lớp bán trú tự phát với chất lượng không đảm bảo.
Bữa ăn bán trú Trường Tiểu học Chu Văn An, quận Bình Tân, TPHCM. Ảnh minh họa
Phụ huynh loay hoay
Chị Trần Bích Ngọc, ngụ tại phường Tân Chánh Hiệp, quận 12, TPHCM năm nay có con vào lớp 1 cho biết, mấy ngày nay cả nhà "đau đầu" tìm phương án sắp xếp việc học cho con trong năm học mới sắp tới. "Khi xem thông báo từ Phòng giáo dục quận, tôi thấy là chỉ học 1 buổi/ngày. Vợ chồng tôi đi làm công nhân từ sáng tới tối nếu có thay ca đổi giờ làm cũng không cách nào xoay được. Thế là chúng tôi phải tìm chỗ gửi bán trú để trưa có người đón con, chiều kèm bài, tối phụ huynh đưa về", chị Ngọc cho biết.
Cùng cảnh ngộ, anh Phùng Thế Hải, năm học này có con vào học lớp 1 trường Trường tiểu học Trần Quang Cơ, quận 12 cũng đang loay hoay tìm chỗ học bán trú cho con khi biết thông tin trường chỉ học 1 buổi/ngày. Chia sẻ với chúng tôi, anh Hải cho biết, được 3 nhóm lớp mời chào với 3 mức học phí khác nhau, dao động 900 nghìn - 1,4 triệu đồng/tháng, có nơi còn khuyến mãi thêm 2 buổi học tiếng Anh/tuần với giáo viên bản xứ. Tuy nhiên, khi tìm hiểu kỹ, anh tá hỏa vì cơ sở vật chất những nơi này đều là nhà dân được cải tạo, không có sân chơi, học sinh học tập và ăn, ngủ trong cùng không gian khép kín, giáo viên dạy học kiêm luôn nhiệm vụ dọn dẹp và nấu nướng.
Tương tự, năm học này nhiều trường tiểu học trên địa bàn các quận chịu áp lực cao về gia tăng dân số cơ học như quận 12, Bình Tân, Tân Phú cũng đang chật vật tìm cách khắc phục việc học 2 buổi/ngày theo yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới. Tuy nhiên, đây vẫn là bài toán khó khi cơ sở vật chất, trường lớp tăng không tương xứng với tỷ lệ tăng dân số cơ học.
Thách thức lớn với ngành giáo dục
Năm học 2020-2021, cùng với cả nước, TPHCM bắt đầu thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới ở cấp tiểu học với khối lớp 1. Theo yêu cầu của chương trình mới, học sinh phải được học 2 buổi/ngày. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Quang Vinh, Trưởng phòng Giáo dục tiểu học, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) TPHCM, toàn thành phố hiện có 11 quận, huyện đảm bảo 100% học sinh tiểu học được học 2 buổi/ngày gồm các quận 1, 2, 3, 5, 6, 7, 9, 10, Phú Nhuận, huyện Cần Giờ và huyện Nhà Bè. Một số quận khác thì đảm bảo tỷ lệ từ 70% trở lên. Nhưng hiện có 3 quận đạt tỷ lệ rất thấp như quận Tân Phú 30%, Bình Tân 42% và thấp nhất là quận 12 với tỷ lệ học 2 buổi/ngày chỉ đạt 25%.
Là địa phương có tốc độ tăng dân số cơ học cao, tỉ lệ học sinh học 2 buổi/ngày ở bậc tiểu học của quận 12 mới chỉ đạt 25%, rất thấp so với bình quân chung của cả thành phố. Ông Khưu Mạnh Hùng, Trưởng Phòng GD-ĐT quận 12 cho biết, phòng đang tính toán, tham mưu UBND quận xem xét thực hiện theo 2 phương án, nơi nào đủ khả năng sẽ tổ chức học 2 buổi/ngày, có thể nâng sĩ số lên 45-50 học sinh/lớp. Nơi nào không đủ phòng tổ chức được 2 buổi/ngày, cũng không thể nâng sĩ số thì tổ chức học 6 buổi/tuần, tức học cả thứ Bảy.
Ông Tạ Tân, Trưởng phòng GD-ĐT quận Tân Phú cho biết, năm học 2020-2021 toàn quận chỉ có 5/17 trường tiểu học đảm bảo 100% học sinh lớp 1 được học 2 buổi/ngày, 12 trường còn lại phấn đấu tổ chức dạy học 2 buổi đối với học sinh lớp 1 trong điều kiện thực tế của đơn vị.
Theo ông Tân, yêu cầu dạy học 2 buổi/ngày theo chương trình giáo dục phổ thông mới đang là một trong những thách thức lớn đối với địa phương với đặc thù sĩ số học sinh/lớp cao, tỷ lệ phòng học/lớp còn thấp, tỷ lệ giáo viên/lớp chưa đáp ứng yêu cầu. Để giải quyết khó khăn đó, trước mắt các trường tiểu học chưa thể triển khai dạy học 2 buổi/ngày sẽ tổ chức học trên 5 buổi/tuần, đảm bảo sắp xếp thời khóa biểu khoa học và phù hợp tâm lý lứa tuổi học sinh tiểu học.
Cụ thể, buổi sáng học sinh được dạy các môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc, buổi chiều tổ chức các hoạt động giáo dục khác, không tổ chức học vào ngày thứ Bảy. Theo lộ trình bắt đầu từ năm học 2020-2021, mỗi năm quận sẽ tăng thêm một trường có 100% học sinh được học 2 buổi/ngày, đồng thời tăng thêm 10% phòng học ở các trường nhằm đảm bảo thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới.
Ông Ngô Văn Tuyên, Trưởng Phòng GD-ĐT quận Bình Tân cho biết, năm học này, toàn quận có hơn 12.300 trẻ vào lớp 1, trong khi học sinh lớp 5 ra trường khoảng 9.550 em. Để đảm bảo đủ chỗ học cho tất cả học sinh trên địa bàn, quận Bình Tân tiếp tục tổ chức cho 32% học sinh lớp 1 học 2 buổi/ngày như năm học 2019-2020, còn lại sẽ học 6 buổi/tuần, tức học cả ngày thứ Bảy để đảm bảo yêu cầu về số tiết học theo chương trình mới.
Theo đó, nhiều quận, huyện kiến nghị TPHCM dành đất đai, ngân sách để giải bài toán về cơ sở vật chất trường học nhằm đáp ứng yêu cầu về tỷ lệ học sinh/lớp, đảm bảo học sinh được học 2 buổi/ngày theo chương trình giáo dục phổ thông mới.
Phụ huynh loay hoay tìm hoạt động hè ý nghĩa cho con Đáp ứng nhu cầu của phụ huynh, thị trường chương trình hoạt động hè ngày càng phong phú và đa dạng. Giữa "rừng" trại hè, phụ huynh không dễ để tìm được hoạt động phù hợp cho con. Học sinh tham gia hoạt động trại hè. (Ảnh: PV/Vietnam ) Năm nay, dù nghỉ hè muộn nhưng học sinh sẽ không phải tựu trường...