Phớt lờ quy định cấm, nhiều giáo viên vẫn tổ chức dạy thêm, học thêm
Mặc dù, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Thanh Hóa đã có quy định về việc không tổ chức dạy thêm, học thêm trong những ngày hè, tuy nhiên, thực trạng này vẫn diễn ra dưới nhiều hình thức ở các bậc học từ tiểu học đến THPT.
Phụ huynh đến đón con tại một điểm dạy thêm vào buổi tối trong dịp hè tại TP Thanh Hóa.
Học sinh “chạy sô” học thêm
Nhiều năm nay, để hạn chế tình trạng dạy thêm, học thêm, hàng năm trước khi nghỉ hè, Sở GD&ĐT Thanh Hóa đều có văn bản gửi các phòng GD&ĐT, cơ sở trường học về việc thực hiện kế hoạch thời gian năm học; hướng dẫn thực hiện nghỉ hè đối với học sinh tiểu học. Sở GD&ĐT đã yêu cầu các cơ sở giáo dục thực hiện nghiêm túc kế hoạch nghỉ hè và các quy định hiện hành về việc dạy thêm, học thêm. Thế nhưng, thực tế việc dạy thêm, học thêm vẫn diễn ra. Theo ghi nhận tại TP Thanh Hóa, thời điểm này, hầu hết các học sinh đã đi học thêm bên ngoài trường học.
Khảo sát ở một số địa điểm trên địa bàn TP Thanh Hóa, không khó để nhận ra những lớp dạy thêm, học thêm. Vào buổi tối trên đường phố cũng không khó để bắt gặp hình ảnh những bậc phụ huynh đưa con em mình đi học thêm ở các lớp dạy thêm do giáo viên tổ chức. Học sinh đến học thêm trong dịp hè ở tất cả các buổi trong ngày: Sáng, chiều, tối và kể cả ngày thứ bảy, chủ nhật.
Em Lê Trung Kiên, học sinh lớp 4, Trường tiểu học HT, TP Thanh Hóa, cho biết: Sau khi nghỉ hè, từ đầu tháng 7, em đã được mẹ đăng ký cho học ở các nhà thầy cô giáo. Hiện tại, Kiên học 3 môn Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh. Mỗi môn 2 buổi/tuần nên gần như hôm nào em cũng đến lớp học thêm.
Còn em Nguyễn Thái An, học sinh lớp 4, Trường Tiểu học HT cũng chia sẻ: Từ đầu tháng 7, bố mẹ cũng đăng ký cho em học ở nhà các thầy cô giáo với 3 môn chính là Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh. Có những hôm do không sắp xếp được lịch học nên phải “chạy sô” học 2 ca liên tiếp nên em thấy cũng rất mệt.
Không chỉ học sinh bậc tiểu học phải học thêm trong thời gian hè, mà ngay cả các học sinh mầm non chuẩn bị bước vào lớp 1 cũng đến nhà các cô giáo để “luyện chữ” ngay từ đầu tháng 6.
Bé Đào Hoàng Bách, phường Hàm Rồng, TP Thanh Hóa, cho biết: Cháu đã bắt đầu đi học viết chữ để chuẩn bị vào lớp 1 từ tháng 6. Mẹ cháu đưa đến nhà cô giáo học 3 buổi/ tuần. Ở lớp học, cô giáo cho tập viết chữ và làm phép tính trong phạm vi 10.
Phụ huynh đến đón con tại một điểm dạy thêm vào buổi tối trong dịp hè tại TP Thanh Hóa.
Phớt lờ các Quy định của UBND tỉnh, Sở GD&ĐT, việc học thêm, dạy thêm (ngoài giờ học chính khóa) vẫn diễn ra tràn lan không chỉ vào dịp hè mà cả trong năm học, đặc biệt là đối với học sinh bậc tiểu học đã học 2 buổi/ngày. Tại các nhà trường đã thực hiện nghiêm quy định của Sở GD&ĐT là không tổ chức dạy thêm, tựu trường trước thời gian quy định, nhưng phụ huynh lại đăng ký ở những điểm dạy thêm của giáo viên hoặc ở trung tâm văn hóa ngoài giờ… Và trên thực tế, việc dạy thêm, học thêm ở ngoài trường vẫn rất khó kiểm soát.
Video đang HOT
Có cầu ắt có cung
Theo Quyết định số 2381/2012/QĐ-UBND của UBND tỉnh ngày 27-7-2012, ban hành quy định về dạy thêm, học thêm trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Cụ thể: Không dạy thêm đối với học sinh đã được nhà trường tổ chức dạy 2 buổi/ngày; không dạy thêm đối với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp: Bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống. Đối với giáo viên đang hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập không được tổ chức dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường, nhưng có thể tham gia dạy thêm ngoài nhà trường tại những cơ sở đã được cấp phép hợp lệ. Với quy định này, các giáo viên dễ dàng “lách luật” để không vi phạm về nguyên tắc dạy thêm, học thêm. Do vậy, các hiệu trưởng cũng không thể kiểm soát hết các giáo viên của mình có dạy thêm hay không. Bên cạnh đó, việc dạy thêm, học thêm cũng xuất phát từ nhu cầu rất lớn từ các bậc phụ huynh.
Một phần nội dung trong Quyết định số 2381/2012/QĐ-UBND của UBND tỉnh ngày 27-7-2012, quy định về những trường hợp không được dạy thêm.
Chị Nguyễn Thị Quy, phường Đông Hương, cho biết: Chị có 2 con trai, học lớp 4 và lớp 1. Nghỉ hè, chị lại lo lắng hơn trong năm học vì vợ chồng chị phải đi làm, các con ở nhà một mình. Mỗi sáng đi làm, chị Quy đều khóa cửa lại để các con ở nhà “tự trông nhau” và đưa cho con chiếc điện thoại để tiện liên lạc, đồng thời cho các con đỡ buồn chán. Các con chị ở nhà trong tình trạng xem tivi nhiều, nghiện game. Để hạn chế tình trạng này, đến đầu tháng 7, chị phải xin cho con đi học thêm ở nhà cô giáo để con ôn lại kiến thức đã học và để các con được gặp gỡ bạn bè, hạn chế rủi ro do xem tivi và chơi game quá nhiều.
Còn chị Lê Thị Hà, phương Đông Vệ, cũng chia sẻ: Tôi cũng không áp lực việc học cho con nhưng nghỉ hè cũng muốn các con vừa chơi vừa học để không quên kiến thức. Vợ chồng tôi đi làm cả ngày, cũng không có thời gian dạy các con học. Bên cạnh đó, kiến thức, phương pháp dạy học bây giờ cũng thay đổi nhiều so với trước đây, vì vậy, chúng tôi phải đưa con đi học thêm để nhờ thầy cô giáo dạy kèm.
Quyết định số 2381/2012/QĐ-UBND của UBND tỉnh ngày 27-7-2012, quy định về những trường hợp không được dạy thêm.
Trao đổi về vấn đề trên, ông Hoàng Văn Giao, Phó trưởng phòng Trung học, Sở GD&ĐT, cũng cho biết: Sở GD&ĐT Thanh Hóa không cấp phép dạy thêm, học thêm trong hè kể cả trong và ngoài trường học (chỉ cấp phép đến 30-6). Ngày 6-6-2019, Sở GD&ĐT đã có công văn số 1393/SGDĐT-GDTrH về chấn chỉnh thực hiện kế hoạch thời gian năm học, yêu cầu các phòng GD&ĐT, các đơn vị trường học tăng cường quản lý, kiểm tra việc thực hiện nghiêm túc Quyết định số 2381/2012/QDD-UBND và chỉ thị số 5105/CT-BGDĐT ngày 3-11-2014 của Bộ GD&ĐT về việc chấn chỉnh tình trạng dạy thêm, học thêm đối với giáo dục tiểu học. Giám đốc Sở GD&ĐT sẽ có hình thức xử lý nghiêm đối với những tập thể, cá nhân tổ chức dạy thêm, học thêm trái quy định.
Giáo viên dạy thêm vì muốn kiếm thêm thu nhập, học sinh học thêm vì muốn được chọn vào những ngôi trường tốp đầu… Phần lớn các phụ huynh cho rằng, không cha mẹ nào muốn con mình “chạy sô” học hết môn này đến môn kia trong kỳ nghỉ hè, tuy nhiên, nếu chương trình giáo dục giảm tải lượng kiến thức, giảm áp lực thi cử… lương của giáo viên được tăng lên đảm bảo cuộc sống thì có lẽ sẽ không còn cảnh giáo viên ra sức dạy và học sinh gò lưng đến lớp học thêm.
Hoàng Giang
Theo baothanhhoa
Hàng loạt sai phạm được chỉ ra tại trường THPT Chuyên Lam Sơn
Ngoài sai phạm trong công tác quản lý, phân công nhiệm vụ, kết quả thực hiện giảng dạy của cán bộ quản lý trong các năm học, còn nhiều vi phạm khác được Sở GD&ĐT Thanh Hóa chỉ ra tại Trường THPT Chuyên Lam Sơn.
Cụ thể, Trường THPT Chuyên Lam Sơn tổ chức dạy thêm, học thêm (DTHT) các năm học 2016-2017, 2017-2018 và DTHT trong hè các năm 2017, 2018 chưa được cấp phép, không có hồ sơ đăng ký; năm học 2018-2019, tổ chức học 2 ca/môn/buổi (5 tuần), thu tiền dạy bồi dưỡng môn chuyên trong hè là vi phạm quy định.
Nhiều vi phạm được Sở GD&ĐT Thanh Hóa chỉ ra tại Trường THPT chuyên Lam Sơn.
Đồng thời, thu tiền quản lý DTHT (25%) ngay đầu năm học đối với tất cả HS học thêm với mức 700.000đ/HS/năm; các lớp tự thu, tự chi cho giáo viên (GV) 600.000đ/buổi và thu tiền học bồi dưỡng hè môn chuyên là không đúng quy định.
Qua kiểm tra của Sở GD&ĐT cho thấy, trong các năm học, nhà trường không triển khai, tổ chức kiểm tra nội bộ.
Phối hợp với Trung tâm Ngoại ngữ Sao Mai tổ chức dạy tiếng Anh cho HS khối 10, khối 11; tất cả HS đều phải làm đơn, nếu không học phải nêu rõ lý do; chương trình, tài liệu dạy học chưa được thẩm định phê duyệt, không báo cáo Sở GD&ĐT.
Đặc biệt, tổ chức thu, lập quỹ thi đua khen thưởng (TĐKT) trái phép hơn 1,041 tỷ đồng (không có hồ sơ vận động và quy chế quản lý, sử dụng quỹ, Hiệu trưởng trực tiếp ban hành quyết định khen thưởng) là vi phạm pháp luật. Nhiều nội dung chi không đúng mục đích TĐKT, trùng lặp trong chi ngân sách.
Các loại cây trong dự án đã được thẩm định và quyết toán nhưng nhà trường tự chuyển và thay thế, không báo cáo và chưa được sự đồng ý của Chủ tịch UBND tỉnh.
Trong khi đó, nhà trường huy động đóng góp 100.000 đồng/HS trồng 16 cây sưa tại sân trường, là vi phạm quy định; sử dụng kinh phí thường xuyên hơn 23 triệu đồng để chi công chuyển một số cây đã trồng trong dự án sang khu vực nhà đa năng, gây lãng phí ngân sách.
Kết quả kiểm tra còn phát hiện, trường cho thuê, kinh doanh một số phòng nhà đa năng và mở căng tin tại trường, chưa ban hành quy chế quản lý, sử dụng tài sản công; chưa xây dựng đề án sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, chưa báo cáo cấp có thẩm quyền thẩm định, đồng ý trước khi thực hiện.
Đối với các khoản thu, chi ngoài ngân sách, các năm học 2016-2017, 2017-2018, Trường phát hành vở viết gắn logo trường, bán cho HS là không đúng quy định theo hướng dẫn của Sở GD&ĐT.
Năm 2016 - 2018, nhà trường thu hơn 477 triệu đồng tiền phí gửi xe của HS với mức thu xe đạp 15.000đ/tháng, xe đạp điện 20.000đ/tháng. Nhà trường đã chi gần 435 triệu đồng chủ yếu để chi trả công bảo vệ xe.
Qua kiểm tra, nhà xe do ngân sách nhà nước đầu tư xây dựng theo dự án, mỗi lớp 1 phòng, có cửa và khóa riêng cho các lớp quản lý, sử dụng. Tuy nhiên, nhà trường hợp đồng nhiều bảo vệ (từ 4 đến 5 người) trong đó có 1 nhân viên tạp vụ là không đúng quy định .
Hồ sơ thu, chi quỹ Ban đại diện Cha mẹ HS các năm học 2016-2017, 2017- 2018 không lưu tại Trường; thu, chi quỹ năm học 2018-2019 không đúng quy định.
Sở GD&ĐT cho rằng, những thiếu sót, sai phạm nêu trên trách nhiệm chính thuộc về Hiệu trưởng và những cá nhân có liên quan tại Trường THPT chuyên Lam Sơn.
Theo Sở GD&ĐT, nguyên nhân thiếu sót, sai phạm nêu trên chủ yếu là Hiệu trưởng chưa thực hiện nghiêm túc các văn bản quy phạm pháp luật; chưa quán triệt các chỉ thị, quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh và hướng dẫn của Sở GD&ĐT trong các năm học về tổ chức DTHT, thực hiện các khoản thu, chi ngoài ngân sách; công tác kiểm tra nội bộ, sắp xếp bố trí đội ngũ cán bộ, GV và thực hiện quy chế dân chủ trường học.
Những thiếu sót, sai phạm nêu trên đã làm ảnh hưởng đến truyền thống, uy tín của nhà trường và ngành Giáo dục Thanh Hóa.
Từ đó, Sở GD&ĐT kiến nghị Hiệu trưởng tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân có liên quan; tập trung khắc phục những thiếu sót, sai phạm; công khai kết luận kiểm tra theo quy định. Báo cáo kết qủa khắc phục về Sở GD&ĐT trước ngày 10/4/2019.
Đồng thời chấm dứt việc xây dựng quỹ TĐKT trái phép và hợp đồng GV Thể dục - Quốc phòng trái quy định.
Kiến nghị xử lý của Sở GD&ĐT Thanh Hóa.
Chấm dứt việc tổ chức DTHT trong hè và thu tiền dạy bồi dưỡng môn chuyên trong hè. Việc chi tiền bồi dưỡng cho GV dạy các môn chuyên trong hè thuộc trách nhiệm của nhà trường.
Dừng tổ chức các hoạt động kinh doanh nhà đa năng và dịch vụ căng tin trong trường, chỉ tổ chức hoạt động khi được cơ quan có thẩm quyền cho phép.
Đồng thời, xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục đối với hành vi tổ chức DTHT khi chưa được cấp phép, thu các khoản tiền trái quy định (quỹ TĐKT, DTHT và huy động trồng cây). Truy thu về ngân sách nhà nước tổng số tiền hơn 230 triệu đồng.
Sở GD&ĐT cũng kiến nghị Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo Trường THPT chuyên Lam Sơn kiểm điểm, xử lý trách nhiệm đối với tập thể, cá nhân có liên quan để xảy ra thiếu sót, sai phạm.
Trần Lê
Theo Dân trí
Quảng Ninh: Cấm dạy thêm, học thêm đối với học sinh trong thời gian nghỉ hè Mới đây, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Ninh đã có văn bản về việc tăng cường quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm. Hình ảnh một lớp học thêm hè tại nhà của giáo viên (Ảnh: P.L) Văn bản của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Ninh ban hành ngày 5/7/2019 yêu cầu các phòng Giáo dục...